Thơ

Trang thơ Nguyễn Minh Châu

Tuổi trẻ Việt Nam
Xuân nhớ đến Mẹ
Người Lính Già (Đại Bàng Tango)
Mùa Giáng Sinh xưa
Nhớ về chốn cũ
Nhớ nhà (Nhớ ngày ấy)
Saigon của tôi
Tình sen
Mãnh Hổ “Tây Đô”
Ký Ức khó quên (Ngày tàn cuộc chiến)
Người lính già (Cọp nhớ rừng)
Khi tôi chết (Tâm sự người lính già)
Tìm phương giác
Gục đầu xuống
Đêm trăng nhớ bạn
Người lính và nỗi nhớ
Hương xưa của tôi
Người lính VNCH
Huyền thoại mưa Sài Gòn
Vịt Tiềm
Thắp nhang cho bạn
Tấm thẻ bài
Thăng trầm
Hoa nước mắt
Khi tôi đi
Độc ẩm
Nhìn đất mẹ
Nợ núi sông đã trả, chỉ còn nợ em
Tận cùng nỗi nhớ
Một câu hỏi
Một thoáng suy tư
Mày hỏi tao
Bạc màu áo trận
Thơ - Đông Hương 1 - 2 - 3
Đồng đội
Quận Tư, xóm nhỏ
Người lính già (Cọp nhớ rừng)
Cảm xúc Tháng Tư Đen
Nhớ Bạn tuổi thơ
Tháng Tư hoài vọng
Nhớ Phá Tam Giang
Khi cha già cha sẽ về đâu??
Biển ấy, mùa này
Tháng Ba rồi ....
Một ngày và một đời TQLC
Buồn như một sớm trời không nắng
Huế xa rồi - Mai mốt về em nhé
Mê thư lính
Tình khúc cho một người
Nỗi nhớ buồn hiu
Dìu nhau đi cho hết....
Chùm thơ Đông Hương
Ta về
Ưu tư vận nước
Tưởng niệm 40 năm
Đêm ngủ tôi mơ
Tháng Tư lại đến nữa rồi
Cái chết của một tượng đá
Xuân Buồn
Anh sẽ đưa em về
Bức dư đồ
Tâm sự lính Mũ Xanh
Ngồi xuống đây
Hãy nhặt gìum cha
Xin giữ
Mây tháng Tư
Xuân xứ người
Lời cho này anh
Giấc mơ tương lai
Cô giáo Tịnh Như
Nhớ Cao Xuân Huy
Bông hồng Hậu Nghĩa
Anh đi...
Chiều trên quê nội
Nội tướng của tình thương
30 tháng 4 - Sống và Chết
Với MX Sóng Thần một thuở...
Tháng Tư đen
Tao nợ mầy...
Pho tượng người lính...
Đôi nạng gỗ...
Tôi nợ anh...
Chùm thơ Áo Trắng 
Nhớ một chiều Xuân
Thơ của Trần Khoa Danh
Tâm sự người Thương Binh
Nhà xưa đã khép

 

 

 

 

 

 


Đoàn 76 tù binh

 (Bút ký)

Chuyện gã kể không dễ viết, vì đã có nhiều người viết rồi. Thảng như một nhà văn nào đó đã dầy chữ: “Vào cái lúc tôi bắt đầu viết, những điều tôi cho rằng cần được viết đều đã được viết bởi những người đi trước với những qua sông nín thở, những máu lệ ngục tù, những hồn oan ngọn sóng…”. Nhưng may quá là may, khác một nhẽ chuyện của gã là bị bắt làm tù binh. Thế nhưng chả may gì! Bởi thiên hạ sự đi Nhẩy dù, Thủy quân lục chiến, đánh đấm từ trên trời xuống, từ dưới nước lên thì gã trên răng dưới lựu đạn là hình nhân thế mạng cho…Địa phương quân! Với địa là đất, suốt ngày đào đất ngồi dưới hố thì văn dĩ tải đạo cái khổ nào. Khó khăn thật chứ đâu có bỡn!

Khó hơn nữa thêm một nhà văn ngoại quốc: ‘’Không việc gì phải tìm cốt truyện ly kỳ, chi tiết rắc rối, lại không có thật’’. Ngay tình thì…cốt truyện đã có sẵn, và chả…rắc rối cho mấy. Với…không có thật ư? Hiểu theo nghĩa không bịa tạc thì chuyện có…thật là: Gã là…“đương kim” anh vợ tôi. Nhưng tôi không gọi anh mà vác hình tượng “gã” vào bài viết để có khí phách, có hồn vía một chút. Vì đi lính, gã cũng hút thuốc lá Ruby, uống bia Quân tiếp vụ, rượu đế Kim Long, và chửi thề…kiểu con nhà lành như bất cứ ai.

Ấy là chưa kể bị xiềng vào chữ nghĩa như anh tù văn nên tôi bê vào bài viết những văn chương thiên cổ sự này kia, kia nọ. Chăn trâu nhân thể dắt nghé thế nên chẳng thể thiếu vắng thằng bạn cà phê Pasteur ngày ấy năm nào với ngẫu sự nào đấy.

Và chuyện tù cải tạo của gã ngắn tun hủn và dấp da dấp dưởi như…

Như theo gã kể những trại cải tạo Cồn Tiên, Ta Cơn gần phi trường Khe Sanh, mới đầu được lập lên để trồng trọt để tự túc đều có tên chung là “Trại tàn binh”. Sau sát nhập về trại Ái Tử 1, 2. 3. 4, 5 gần Quảng Trị. Trại tàn binh kiểu du kích địa phương “tự biên tự diễn” nên tương đối không…“nhất tri” lắm. Vì vậy mới ba bốn tháng đã có người được tha về, thường là những sĩ quan cấp thấp, như…gã chẳng hạn.

Một ngày gã qua văn phòng trưởng trại “làm việc”, nhòm xa xa lá cờ đỏ sao vàng lất phất trên nóc trụ sở hội đồng xã, trước cửa có thửa khoai mì, vội lò dò tới. Khi nhổ củ mì, lá cây lay động, thằng du kích đứng ở chòi cao bắt gặp. Vừa lúc lụi đụi buộc ống quần nhét mấy củ khoai…Gã bị thằng du kích lấy báng súng đánh ngược lên, gã bật ngửa ra đằng sau, đập vào mắt nguyên con một mảng trời xanh, mây trắng, nắng vàng…vọt. Thằng du kích tiếp tục lấy báng súng dọng vào mồm gã, thế là mất bu nó nguyên hàm răng cửa. Quần gã tơi bời khói lửa xong, thay vì dẫn về trại, thằng du kích đưa vào trụ sở xã. Vừa lúc lão xã trưởng đi về định ngồi xuống làm một bi thuốc lào.

Không hiểu nghĩ sao lão khẽ khọt quay lại nhìn gã, và bật ra hai chữ: “Ô Ba”.

Gã cũng muốn bật ngửa người ra đằng sau như hồi nãy. Vì “03” là tên hiệu truyền tin của gã. Nhưng gã vẫn nín khe, vì trại cải tạo kia, trụ sở xã này nằm trên đất đóng quân ngày nào của gã. Bởi nhẽ nào có biết lão xã trưởng này là ai, là nẫu thì…

Thì lão nâng mặt gã lên và búng thêm một câu:

- Đủ má! Thiếu úy Nghĩa!

Lúc này gã mới ve vé mắt nhìn lão xã trưởng. Bố mẹ ơi, hóa ra lão là thượng sĩ nhất tên…Nàng, là thường vụ đại đội trước kia của gã. “Nàng” vội cởi trói cho gã.

Đúng là gã bịa và bịa như thật! Tôi bàm bố mắt bù lạch sao mà không thấy lão xã trưởng? Gã cãi inh lên vì lấy tay che mắt vì mặt mày đầy máu nên còn nhìn khỉ gì nữa. Tiếp, lão xã trưởng mang khoai cho gã ăn, khi không gã buông một tiếng: “ Đủ…”.

Mới được nửa chữ nhất tự thiên kim, biết lỡ miệng, gã quề quà:

- Còn răng lợi khỉ đâu nữa!

Cũng từ đó, gã ăn khoai mì thấy…ê răng. Nghe chuyện khoai lang, khoai mì dai như bò đái, bèn hỏi gã chuyện Sư đoàn 1 “tắc bọp” nghe sướng hơn.

Ngỡ được nghe đánh đấm ở tuyến đầu hỏa tuyến, gã lại…”cắc cù”: Đủ má…

Lại biết mình lỡ miệng nữa, gã khỏa lấp ngay:

- Sui tận mạng!

Sau đó gã à ê hôm đó thấy khoai mì nhào xuống kiếm chút “bồi dưỡng” nên bị thằng du kích đánh cho nhừ tử. Bị giải về trại mới ô hô ai tai qua văn phòng trưởng trại để làm giấy tờ “phóng thích”. Gã được thả vậy mà trưởng trại cóc chịu mở miệng cho hay vì sợ lộ…tiết lộ bí mật nhà nước. Nghe xong tôi cũng muốn “đủ…với thiếu” như gã!

Chuyện đánh đấm của gã cũng chả dài hơn và dấm dẳn như thế này…

Ra vùng một chiến thuật, trình diện Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 54. Gã dẫn lính vào nơi gió cát tới tận Quảng Trị. Ở đây gã gặp lão thượng sĩ thường vụ cũng người xứ Quảng. Dựa trên…chuyện có thật ai cũng biết là chuẩn úy mới ra trường, lão…“chỉ huy” gã chứ ông cố nội gã…dám chỉ huy lão. Ngay cả chuyện lon lá, lão nguých ngoác rằng thêu thùa ở cổ áo làm chi, cứ gắn miếng thiếc ở túi áo cho tiện việc sổ sách. Lỡ bị Việt Cộng rượt chạy có cờ thì quẳng bu nó đi cho đỡ mất công cái màn lỉnh kỉnh…hòm gỗ cài hoa. Gã quần nát địa đầu giới tuyến xuống đông đông…không tĩnh, xuống đoài đoài…chẳng tan, đành nay đây mai đó giữ tuyến, đào hố…mỏi cả tay. Cho đến một ngày gã và lão “lỳ một lam” làm một ly…đế cho đời nở hoa xuân, cho bõ cái đời lính thú.

Đang giang giang chuyện thấy mai chưa nở không biết xuân về hay chưa? Bỗng dưng hồn ma bóng quế thằng bạn Tháng ba gãy súng hiện về ngày nào năm ấy ở quán cà phê Pasteur. Ăn dối nói thật thì thằng này cũng bình bình như con người ta. Chuyện là thấy nó gài bông mai vàng mạ đen lên cổ áo. Tôi hỏi gì vậy? Nó nói y như lão thượng sĩ già óc ách vừa rồi. Nhưng lão đâu có hay chỉ vì lúi húi cái bông mai một hồi lâu, ngẩng lên nhìn ra ngoài cửa quán thấy cái Honda bị quái xế “vồ” mất tiêu. Tất cả cũng chỉ vì anh chợt nhớ em, nhớ ơi là nhớ. Nhưng ấy là chuyện sau, chuyện bây giờ là…

Là gã dón chuyện giữ tuyến, đào hố đánh nhau cầm chừng. Nghe lạ! Bèn hỏi? Gã suông đuột là hai bên đào hết giao thông hào đến hầm trú ẩn cách nhau mấy chục thước. Sau đó ngồi xổm nghe ếch nhái ồm ộp gọi tình. Lâu lâu ngửng đầu lên đì đọp, đì đọp mấy phát cho vui. Tình trạng ì oạp, ì oạp như ếch gọi mưa chẳng kéo dài bao lâu…

Ha! Thằng bạn cà phê lúc này đây cũng đang ở giao thông hào…Chân gà lại bới ruột gà, thằng tôi bới móc truyện ngắn Chờ tôi với…với ngày 28 tháng 1 năm 1973:

(,,,) Hiệp định Paris ký ngưng bắn. Lính hai bên ùa lên giao thông hào, những bộ quân phục rằn ri miền Nam trộn lẫn những bộ quân phục cứt ngựa miền Bắc ôm nhau hò hét “Hết chiến tranh rồi! Hết chiến tranh rồi!”. Là hết băn giết nhau, là chấm dứt chiên tranh. Trong đêm của ngày hoà bình đầu tiên, tưởng tượng sẽ đi theo anh chàng bộ đội về Hà Nội thăm những cây cơm nguội, những hàng sấu, ngắm nhìn hồ Hoàn Kiếm. (,,,)

Thêm một lần chuyện…”ngắm nhìn hồ Hoàn Kiếm” cũng thuộc về hậu sự. Vì chuyện đánh nhau như chơi ấy, theo gã bên ta vì tiết kiệm đạn, còn bên địch làm như nhờ Hòa đàm Paris sẽ bất chiến tự nhiên thành nên bắn gì cho phí đạn. Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh gã cho là vậy. Sau mới vỡ nhẽ ra chỉ là tách trà trong cơn bão. Một buổi chiều nắng hạ, vừa…tu đế Kim Long, không phải cho bõ cái đời lính thú mà là…Già từ vũ khí. Lão vừa…tu hú với gã: “Tôi ở vùng này tôi biết, trước sau cũng tiêu”. Lão nắn no: “Ông thầy không dọt. Tôi dọt”. Gã không biết làm gì hơn là làm thinh. Không xong thật! Và trong quân sử của trận địa, chẳng có “ca” nào như thế này đây: Buổi sáng gã đang ngủ bét con mắt, khi không như có linh tính chớp chớp mắt tỉnh dậy. Làm như trời đi vắng hay sao ấy, bỗng thấy trời đất êm ru bà rù: Hốt nhiên có mấy khẩu AK dí vào người. Mấy thằng chết bầm cũng chẳng thèm vén môi hỏi cho một câu: “Hàng sống chống chết…Hàng sống chống chết” mà khơi khơi bắt gã làm tù binh.

Nghe cứ như…truyện phong thần. Tôi buồn miệng ngứa răng sao không ria một tràng M-16 cho đã điếu. Gã trả lời gọn lỏn: “Còn đạn khỉ đâu mà bắn!”. Và chỉ biết ớ ra đến đâu thì đến. Chung sự thì gã được đưa đến…cầu Hiền Lương thật!

Gã bị bắt tháng 11 năm 1974, một buổi sáng tháng 10 năm 1977, trên đoàn xe Molotava 25 chiếc bao phủ kín mít, hơn 500 người thuộc Đoàn 76 (tù binh) bị đưa ra Bắc. Về Nam lại mùa thu năm 1978, đi tù tiếp ở trại Bình Điền, vừa tù binh, tù cải tạo 7 năm có lẻ. Nhưng ấy là chuyện mai này, vì mặc tình gã kể gì thì kể, tôi cứ quấy quá với chỉ vì ba mớ khoai mì mà gã dính chấu thêm vài năm cải tạo. Và lại thèm được nghe gã ….“Đủ má” nghe quá đã. Gã…đã điếu rằng vào trại Bình Điền, gã gặp cố nhân “Đại bàng” trung tá trung đoàn trưởng. Gã hỏi cho ra nhẽ ngày ấy, gọi máy ông ở mô?. Ông ta trả lời ngon lành: “Ở…Đà Nẵng”. Thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào, tôi hỏi bỡn gã đi tù ra Bắc có…ngon như chó ăn trứng luộc không? Gã ậm ừ…

Để sau đó bằng vào mảnh đời tàn binh của gã.

Gã thẫn thờ như gà rù giữa buổi đồng vắng về buổi tống tiễn tù binh ở Quảng Trị. Vì nỗi buồn chạm mặt với “hàng quân” Phạm Văn Đinh, nguyên trung tá trung đoàn trưởng Sư đoàn 3 dàn chào. Ông chơi nguyên con quần áo bộ đội, mang quân hàm trung tá hai sao đỏ với hai gạch. Ông trấn an trước 500 tù binh trước sau mình cũng…thua, cứ lao động tốt sẽ được như…ông và ngày về chẳng bao xa. Ông cho hay đoàn 76 tù binh Ái Tử được đưa ta Bắc trong công tác lao động Công trình thủy lợi Bara Đô Lương ở Hà Tĩnh và Công trường Lòng hồ sông Mực tại Nông Cống ở Thanh Hoá.

Cũng tại Quảng Trị, gã gặp một hảo hán có bộ râu như râu ngô ngồi tựa gốc cây đang châm lửa đốt trời Bình Ngô đại cáo với…lấy đại nghĩa để thắng hung tàn...Rồi ư hử chiều trên phá Tam Giang, anh chợt nhớ em, nhớ ơi là nhớ…Và chợt nhớ ra để không quên kể chuyện ngày 24-3-1975 về cuộc rút quân vượt phá Tam Giang:

(,,,) Phía bắc là cửa Thuận An, phía nam là cửa Tư Hiền, phía tây là phá Tam Giang. phía đông là biển đông. Nhìn ra biển là hai chiếc M-113, những chiếc bánh xích đua nhau cán lên đầu không biết bao nhiêu là người đang nhấp nhô từ bờ ra đến tàu. (,,,)

Mãi khi gã là anh vợ tôi, gã mới hay ấy là Cao Xuân Huy với Tháng ba gãy súng.

Gã cứ tiếc hùi hụi là nếu gã biết trước thế, gã không để…em gái gã lấy tôi. Nhưng gã biết một mà không biết hai, như tôi biết thừa thằng gãy súng không leo lên HQ-801 mà đang leo lên Molotova “vượt tuyến” ra Bắc qua thư nó gửi anh bạn tên Hùng.

Ngắn gọn và dễ hiểu nó là người hùng nên chỉ kết với ai tên…Hùng:

(,,,) Hùng thân. Sau khi bà cụ tao từ Sài Gòn ra Ái Tử thăm nuôi. Nhưng quản giáo trại từ chối vì mai này, bọn tù tụi tao phải ra Bắc. Khoảng tháng 10/1977. (,,,)

Với biết một mà chả biết hai thì thằng em rể gã cũng tên…Hùng vậy.

***
Xe qua cầu Hiền Lương, nước sông Bến Hải trong xanh, gã cảm thấy tê tái, tái tê, Qua đến bờ bên kia, xóm làng hai bên đường nghèo nàn, đồng ruộng xơ xác, gã chẳng thấy trâu bò đâu. Đoàn xe chạy suốt trên Quốc lộ 1 qua cảng Đồng Hới, theo gã bến cảng này là một cảng khá lớn của miền Trung, vậy mà trước mắt gã thật sự lại quá tiêu điều, lạc hậu so với bến cảng miền Nam, tàu bè thưa thớt và bé nhỏ.

Cả vùng đất Quảng Bình, gã lõ mắt chỉ thấy hố bom với hố bom. Đoàn tù binh đến sông Gianh. Lòng sông không rộng, nhưng vì không có cầu nên phải đợi qua phà Danh, phà kết bằng tre bó lại và lót gổ trên mặt cho xe qua lại. Ra đến giữa sông, sông nước rì rào, gió thổi rát cả mặt, lẫn trong gió gã nghe như tiếng rên xiết của hồn tử sĩ gió ù ù thổi trong cuộc phân tranh gần 300 năm trước giữa hai dòng họ Trịnh Nguyễn.

Từ nãy giờ tôi bị gã cho hai lần vượt sông, chỉ thấy nước chảy mây trôi, sóng vỗ ì ầm. Lại nữa với lối xưa xe ngựa cũ hồn thu thảo, nền cũ lâu đài bóng tịch dương, thằng tôi cũng muốn đi tìm thằng gãy súng lẩn quẩn đâu đó…Mà dám cái thằng bán nắng cho trời, bán sấm cho thiên lôi đang ngồi ở bến sông nào đó và đang…

(,,,) Chạy từ Quảng Trị về, bao nhiêu tủi hờn, căm hận, biến mất nhanh như viên đạn ra khỏi nòng súng. Bọn tôi ngồi quây tròn giữa ngã tư đầu nam cầu Trường Tiền nhậu không có mồi, không có nước đá “chữa lửa”, chúng tôi nhậu chay. Câu chuyện lại vui như pháo Tết. Mấy tên lính không biết lấy xe xích lô của ai chở đầy xe thuốc lá Ruby và bia Quân tiếp vụ đến tiếp tế và nhập cuộc. Tôi đập vỡ cổ chai bia rót từ đầu xuống, người ướt đẫm bia thích thú, từ bé đến lớn chưa bao giờ được tắm bằng bia mà. (,,,)

Bèn hỏi thằng gãy súng đâu chả thấy!? Có thể vì chuyện “biết một mà không biết hai” nên gã ăn cơm nhà bụt, đôt râu thầy chùa vặc tôi như vật thịt: Vì gã chỉ biết ông râu tên Huy, họ còn không hay nữa là. Là qua thêm hai cái phà nữa: phà Ròn ở Đèo Ngang và phà Vinh, cứ lên xe xuống xe nên còn biết ai với ai!. Xong, gã dẽ dàng…

Xê trưa đoàn xe ngừng lại ở đỉnh Đèo Ngang ranh giới giữa Quảng Bình, Hà Tĩnh để nghỉ ngơi. Thơ thẩn trên Đèo Ngang, gã để hồn đi hoang trong một cõi đi về với 500 tù binh, 500 trăm mảnh tình riêng nhưng không thể nói ra…Quay nhìn về phương Bắc, gã cảm thấy đi ngược thời gian về 150 năm trước, gã mường tượng võng cáng của bà Huyện Thanh Quan từ Thăng Long vào Thuận Hoá, họ đang ngược chiều lên đèo đi ngang qua đám tù binh đang đứng, ngồi ở đây. Bà vẫy vẫy tay chào nhưng cau mặt với tang thương tạo hoá gây chi cuộc hý trường, đến nay thấm thoắt mấy tinh sương".

Đến tao đoạn này, chợt nhớ ra bài viết Bà Huyện Thanh Quan tân biên cổ sự mà tôi vay mượn tác giả nào đó một đoạn nhưng chả biết có đúng với thực tại chăng:

(,,,) Hóng mắt xuống chân đèo thoai thoải dốc không nhìn thấy cỏ cây chen đá, lá chen hoa, mà chỉ thấy lá cây đang đổi dần từ xanh tươi sang xanh thâm...Hoa, hoàn toàn không có, thêm một lần chẳng gặp lại…tiều vài chú, mà là những người gánh củi như những cái bóng nhập nhòa từ trên rừng về thôn xóm. Đâu đó có tiếng leng keng của mấy con trâu đeo mảnh bom ở cổ kêu nghe mệt mỏi, não nề. (,,,)

Tôi to hó với gã có nhìn thấy mấy con trâu núi đeo mảnh bom ấy không? Gã gật gừ rằng vì trời xế trưa, nằm phiêu phiêu trên khoảng đất trống nghe tiếng chim cuốc kêu. Gã nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc với chuyện “biết hai mà không biết một” nên thả hồn vào giấc hoè lúc nào không hay. Nhưng…hay biết con trâu núi mạn ngược lắc lắc cái sừng nên nghe rõ tiếng hai mảnh bom B52 gõ vào nhau kêu…“leng keng” thật.

Chuyện trâu nhưng nghe tức như bò đá, chưa kịp hó háy gã đã…

Đoàn xe trực chỉ Nghệ An, khoảng 4 giờ tới Vinh nằm giữa ranh giới Hà Tĩnh, Nghệ An. Thành phố này như thành phố hoa quỳ vàng anh khách lạ đi lên đi xuống…đi dăm phút đã về chốn cũ là hết đất. Vì thành phố với những chung cư cho nhân công kỹ nghệ do Đông Đức xây cất vào thập niên 60. Đường phố thưa thớt người đi lại, chỉ thấy công nhân viên nón cối rộng vành, áo quần kaki Nam Định, xe đạp Trung quốc. Chỉ có vài trụ sở hợp tác xã, cửa hàng quôc doanh, nên với gã chả…còn một chút gì để nhớ để quên. Rời khỏi Vinh mươi cây số gặp nhà ga Yên Lý, theo phía tây gặp xã Diễn Châu.

5 giờ chiều đoàn xe ngừng lại ở khoảng đất trống cách Đô Lương nửa cây số…

Buổi sáng đầu tiên ở miền Bắc sao im ắng lạ lùng. Ngày đầu chuẩn bị nhận dụng cụ rổ rá, cuốc xẻng và xe cải tiến để tải đất. Gã và một số anh em theo anh bộ đội ra chợ huyện gánh rau quả. Sắp tới chợ huyện trên quốc lộ 7 có đám nhóc đứng bên đường, dưới chân là đống đá được sắp sẵn thì phải. Một cô gái khoảng 16 tuổi chỉ trỏ anh ni thiếu úy, anh nớ trung úy. Chưa kịp hỏi bạn tù sao “nó” biết cập bậc của đám tàn binh thì đã bị ném đá ào ào vào người, may có người đàn ông đi tới đuổi lũ nhóc đi và dẫn con gái về. Vì lộn xộn nên phải ngừng một nhát, đi được một quãng gặp cô con ngồi trước hiên. Anh bộ đội tạt ngang nói năng gì đó, ông bố liếc nhìn đám tù binh và nói lớn: “Thứ đó đem bén bỏ cho rồi. Nước đâu mà cho uống”. Anh bộ đội đi khỏi rồi, ông bố kề tai nói nhỏ với cô con. Lát sau cả hai mang hai gầu đầy nước cho đám tù binh.

Theo anh bộ đội vào chợ, trong khi chờ đợi anh ta mặc cả với bạn hàng, gã mon men đến một sạp gần đó hỏi dọ bà bán hàng có thịt thà không? Bà ta trả lời: “Làm gì có thịt mà bán, anh!”. Chữ “anh” nghe gần gũi sao ấy. Gã hỏi bà “hàng thịt”: “Ngoài này mỗi năm đuợc mua bao nhiêu mét vải?”. Bà bơ bải: “Mười năm nay rồi có được mét vải nào đâu!”. Tiếp, bà nói dàm: “Anh ở đâu trong Nam thế”. Gã đáp: “Sài Gòn”. Bà lại hỏi nữa: “Trong ấy đẹp lắm phải không”. Gã dạ vâng. Bất chợt bà vồ vập: “Các bác và chị ấy có được ra thăm anh không? Và lắc đầu: “Tội!”. Gã thủng thẳng nhát gừng là chưa có…”chị”. Bỗng nghe chuông từ ngôi nhà thờ công giáo cổ kính bên kia đường, cùng lúc gã dòm thấy hai mẹ con đi chân đất dắt nhau nấp sau thân cây bạc hà, mỗi người kẹp nách một gói giấy. Lát sau họ bước ra, trên thân mỗi người bây giờ là chiếc áo dài đen luộm thuộm còn hằn rõ nếp gấp, hai me con đi guốc, lầm lũi đi về phía nhà thờ.

Gã bước qua hàng chè vối bên cạnh và bắt gặp cô hàng nước hóng chuyện quay ngoắt đi. Cô ngồi dưới một tấm liếp tranh, trên cái trõng xiêu vẹo có một lọ thủy tinh đựng vài chiếc kẹo vừng, cái điều cầy, cái ô gỗ nhỏ có dăm bao thuốc lá xé dở. Khách đến trả 5 xu 1 bát nước vối, 5 xu 1 bi thuốc, cô lấy gáo khoáy vào lon nước rửa, múc chè vối rót vào bát. Tiện tay múc cho gã một bát nữa, gã lắc đầu ra dấu không có ”xu teng” nào. Mắt gã hết nhìn ông khách rít thuốc kêu tanh tách, lại nhòm “cái ô gỗ” giống cái ngăn kéo bàn học. Cô gật đầu thản nhiên đưa gã bát nước. Tay cầm bát chè vối, đầu gã cứ xoay vần…Vì dường như gã đã nhìn thấy cảnh này ở đâu đó từ thời Tự lực văn đoàn cách đây 40 năm với quán nước đầu làng. Ấy vậy mà sao vẫn không thay đổi. Vẫn cái trõng xiêu vẹo ấy, nồi nước vối đó, tấm liếp tranh, lọ kẹo vừng! Chả nhẽ cô hàng nước ngồi ở đây từ bấy đến giờ? Gã chợt dạ quan hoài đến người xưa đâu tá!
Uống xong, trả lại cái bát, thì…thì cô dúi vào tay gã bao thuốc lá còn nguyên si.

Nghe mùi thuốc điếc mũi, đang định đốt một điếu, gã đã tống tôi đi “lao động”…
Những ngày tháng kế tiếp Đoán 76 đào vét lòng kinh Mụ Bà (tên cũ thời Pháp là Bara Đô Lương) cho kịp mùa mưa để sông Mã cung cấp nước cho quận Đô Lương và hai quận bên cạnh. Đào, cuốc, gánh, tải đất từ lòng kinh để đắp cao hai bên bờ. Ba tuần “lao động” rồi cũng chóng vánh trôi qua. Hôm sau trên đường đi Nông Cống, Thanh Hoá. Nhìn con kênh, gã cảm thấy vui lây với dân ở ba huyện này, mong rằng năm sau và về sau nữa họ có đủ nước cho ruộng vườn… Đang ngồi trên xe Molotova ngược lên phương Bắc. Đùng một cái nghe tiếng ầm chát chúa, không ai biết chuyện gì xảy ra…

Cái nết đánh chết cũng không chừa của gã là chuyện này xọ qua chuyện kìa. Không những thế gã lại có lối nói chuyện có hơi rối, hơi ngúc ngắc thế này đây:

Chủng chẳng như bồ dục chấm mắm cáy thì cũng đến…câu thơ thì xã con thuyền Nghệ An. Gã xăn xò dân công giáo Nghệ An ở Quỳnh Lưu nghèo khổ, rách rưới hơn hai mẹ con ở chợ Đô Lương nhiều. Tôi hỏi rách thế nào? Gã bảo có quần áo đâu mà…rách! Vì họ đóng…khố! Cùng cuốc đất vét kinh với tù, nhìn quần áo tù sọc dưa họ thèm thuồng thấy rõ. Chẳng lẽ tù đổi quần rồi…đóng khố sao? Vậy mà có anh tù biếu không cho một ông cái áo. Ông này trên mặc áo sọc, dưới quấn…vải bao cát.

Gã chưa gặp thằng gãy súng ở đâu đó nhưng thằng tôi gặp nó với…vải bao cát! Ai có thân người ấy lo, ai có bò người ấy giữ, tôi cứ giữ dịt hình ảnh giao thông hào, ám ảnh hầm hố ẩn khuất qua truyện ngắn Vải bao cát trong Vài mẩu chuyện:

(,,,) Giao thông hào, hầm chữ A, hầm chữ T. Tiếng bom, tiếng lựu đạn. Những xác ta, xác địch. Một viên đạn bắn sẻ, thằng đệ tử ruột ngã ngửa. Đôi dép râu với cặp chân vắt ngang giao thông hào. Và, bao cát, những bao cát đẫm máu người, thịt da dính bầy nhầy óc trắng, trộn lẫn với đất từ những bao cát... Cái hình ảnh ấy trở thành nỗi ám ảnh triền miên…Một ngày nào đó, chúng ta sẽ không còn phải dùng bao cát để làm hầm trú ẩn, không bao cát để đắp giao thông hào. Vì: Chiến tranh đã hết rồi mà. (,,,)

Vì chiến tranh đã hết nên gã mới nghe được chuyện ông tướng với núi Kinh ở Đô Lương và nói…kinh thật. Ông tướng “ôn vật” với sức người sỏi đá cũng thành cơm cho làm đường hầm xuyên núi. Cứ một thằng dân, một cái cuốc chim đục đẽo cả ngày mới được một cái hốc bằng lỗ mũi. Sẵn thuốc nổ TNT của Mỹ Ngụy để lại, ông tướng cho nổ tung…núi thành hang sâu thun thút. Mìn nổ thêm mấy quả nữa, đúng lúc này thì…

Thì như vừa kể lể, đang ngồi trên xe Molotova đi Thanh Hoá, xe chạy ngang qua núi Kinh nghe tiếng ầm chát chúa kinh thiên động địa. Đám tù binh ngẩn ngơ nhìn đá cát, bụi đất bốc lên như cụm mây hình đĩa sôi vất vưởng ngang ngang đầu núi.

Ít lâu sau gã được “rỉ tai” có 112 người chết vùi dập trong hang núi ấy.

***
Vừa khi đoàn xe rời Nghệ An, đang theo gã trâu rong bò dắt đi Nông Cống như đi…nông trường. Chợt nhớ gã gặp cô gái bên đàng được cả…gầu nước, thêm cô hàng nước với nguyên…bao thuốc lá. Mà nào gã có “báo cáo rõ” thuốc gì, sau tôi “liên hệ” với ông chú ở ngoài Bắc thì “nắm bắt tình hình” vào thập niên 70: Bao thuốc lá “bẹt” nhất là Trường Sơn, Sông Cầu chỉ 5 hào, “khủng” là Thăng Long những 1 đồng, so với 1 bát phở 5 hào. Lại nữa, không có lửa sao có khói vì chả thấy hộp diêm đâu, suốt chuyến đi, chả thấy gã thở ra…khói gì sất! Trộm nghĩ dám gã bịa lắm ạ! Bèn hỏi gã có mối tình “em gái Bắc”, “anh tù Nam” nào chăng. Tình dạng vừa mới gặp đã có…mùi ngậm ngùi chia phôi, kiểu ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới của Thanh Tâm Tuyền. Gã nhành mồm ra rằng trại cải tạo trong Nam có lán, có buồng, còn ở đây, họ đâu có rỗi hơi dựng trại cho đám tù binh đang lêu bêu nay đây mai đó. Vì vậy gặp rừng xanh um là đốn cây làm nơi tạm trú. Còn ăn uống mỗi ngày chỉ được một phần ăn là “bánh xe lãng tử” (như Donut), một bát sắn trộn bo bo. Vì vậy đói gặp mối chúa, mối vua là xong tuốt, cứ con gì nhúc nhích là nhai bằng thích, trừ con…“bù-loong”. Ban ngày trời nóng cách mấy, nhẩy ùm xuống suối là phẻ. Nhưng đêm về với cái lạnh cóng da buốt thịt của rừng núi thì trốn ở đâu cho thóat. Lạnh teo…“bu-di” thì còn làm ăn khỉ gì nữa.

Với teo “bu-di” còn làm ăn gì nữa để ai biết quan mót đái mà hạ võng:

(…) Tôi và Bưởi về đến hố của Bưởi. Người con gái nằm trong hố, chùm poncho chỉ thò mỗi cái đầu ra ngoài. Khuôn mặt kể cũng dễ coi. Vừa xuống hố, Bưởi nói: “Ông thầy nằm đắp chung poncho với con nhỏ này, em đi tìm cho ông thầy cái áo giáp”. Tôi nằm đắp chung poncho với cô gái. Hơi ấm từ người cô làm tôi khó chịu, không phải tôi khó chịu cô gái mà tôi khó chịu tôi. Bàn tay tầm bậy của tôi mầy mò tứ tung trong poncho. Cô thở dồn dập. Ðến một lúc thuận tiện, tôi tìm một vị thế thích hợp. Nhưng vị thế thích hợp đã không có với chúng tôi. Cát dính lung tung lên người, ở dưới hố thì hố được đào cong vòng như cái võng, kéo nhau lên trên miệng hố, đạn Việt Cộng bay loạn xạ ở tầm rất thấp. Rất thèm. Nhưng thôi thì đành chịu, lắc đầu, chép miệng, “ngậm ngùi” (…).

Hết con trâu núi đeo mảnh bom đầy “hình ảnh” của chiến tranh đến hố được đào cong vòng như cái võng ngập “hình tượng” thống khoái của một kiếp nhân sinh. Vì Tàu có được cái linh sàng là…chết ngắc. Ngẫm chuyện nhân sinh ấy là bản năng sinh tồn như gã đói gặp mối chúa, mối vua là xong. Như thằng gãy súng đánh vật với Miếng ăn:

(,,,) Tôi phải tự “mưu sinh” để được bồi dưỡng bằng những con cóc, con nhái, con rắn, con chuột ở ngoài ruộng, ngoài bìa rừng trong những lúc đi lao động, chỉ có những con vật nào không nhúc nhích hoặc nằm ngửa mới thoát khỏi cái mồm của tôi... Tóm lại, với “mưu sinh” thêm, tôi đã cầm cự được với cái đói trong nhiều năm nay (,,,).

Và vật lộn với anh hùng mạt vận thì chả nhẽ…bụt không thèm ăn mày ma:

(,,,) Hai thằng cạnh tôi nói với nhau: “Mày ăn hết đi” – “No thấy mẹ rồi” - “Hay là đổ đi”. Tôi nghiến chặt răng, nuốt liên tục mà sao nước dãi cứ ứa ra, đầy mồm rồi trào ra mép. Nước mắt tôi cũng ứa ra, không hiểu tại sao. Tôi thua cuộc rồi. Tôi lẩm nhẩm trong đầu: “Mời tao đi, mời tao một tiếng, một tiếng thôi”. Nhưng chẳng có tiếng nào. Cuối cùng hai thằng đem đổ. Đầu tôi như vỡ tung ra. Tôi hét to lên một tiếng, tôi không biết mình là ai, tôi không còn biết mình đã làm những gì nữa. Cho đến tận bây giờ, mọi người có mặt trong lán, kể cả hai thằng bên cạnh tôi vẫn không biết lý do tại sao lại bị một trận đòn thù đến nỗi phải đi nằm trạm xá. Và tôi, bị cùm để được ăn một cái Tết trong xà lim (,,,).

Vào đến Thanh Hoá, đoàn xe chạy qua quận Như Xuân tới Nông Cống. Lên đồi xuống dốc một thôi một hồi theo con đường đất mới ủi…ủi thẳng vào rừng. Được đổ xuống khoảnh rừng chằng chịt cây cối xanh lè. Nghe tiếng nước chảy xiết, đám tù lè lưỡi dọ chừng đang ở tuốt luốt thượng nguồn sông Mực. Mệt nhoài nhưng cũng phải phát quang, dọn dẹp để có màn…màn trời chiếu đất như ở Đô Lương ngủ qua đêm. Vì ở đây lâu dài nên hôm sau phải làm nhà, nhờ vậy gã mới học được ống nứa đập giập, xẻ dọc, cột sợi nứa thành tấm tranh, rồi chồng lên nhau một gang tay để làm mái. Một buổi về trại vác bó nứa trên vai, nhác dòm thấy sợi dây leo dưới đất ngỡ…con rắn. Thế là vấp ngã, nứa một nơi, rựa một nẻo, còn người nằm một đống. Gã lại có dịp được nhìn trời xanh mây trắng nắng vàng với…mảnh nứa cắm vào mắt. Như thẻ nhang cắm vào bát nhang, chỉ thiếu con gà khoả thân nấp sau nải chuối. Và gã lại thấy…đói.

Như bộc bạch với văn chương thiên cổ sự ở trên, thoạt đầu tôi muốn đi tìm thời gian đã mất như Marcel Proust. Mặc dù đi tìm thời gian đã mất, nhưng ông nhà văn chỉ tìm kiếm hình ảnh qua cái làng của riêng ông: làng Combray. Thế nên ngược lại, lúc này đây tôi muốn đi tìm khoảng không gian còn đó, có đó. Vì một ngày nào đấy, chỉ ngẫu nhiên thôi, thảng như ghé qua bất cứ địa danh nào mà nó đã đi qua. Với ngẫu hứng, tôi sẽ tìm một cái quán để ngồi. Ngồi ở quán có thể tôi đi tìm thằng gãy súng qua…

(,,,) Một chiều cuối Ðông. Nắng quái hắt những vệt lăn tăn loang loáng từ mặt phá Tam Giang lên tấm bạt nhà binh, mái che của một quán nhậu dã chiến, ven làng, gần chỗ dừng quân. Trong “quán”, bàn là những thùng gỗ đạn pháo binh, nằm chỏng chơ, ghế là những thùng đạn. Có hai “bàn” còn khách, cạnh nhau. Một bàn hai người. Một người ư ử hát đấng trượng phu không hay xé gan bẻ cật…phù cương thường…hà tất... (,,,)

Mà hà tất phải Hồ trường, vì cũng có thể tôi đi tìm bóng dáng thằng gãy súng qua cụ Phan Huy Ích với dấu binh lửa nước non như cũ, kẻ hành nhân qua đó trạnh lòng. Hoặc giả như đi tìm thằng gãy súng qua cụ Nguyễn Công Trứ đã dẫn thủy nhập điền ở Kim Sơn, Tiền Hải. Vậy mà có một thời cụ bị đi đày làm lính thú ngay tại vùng đất Nông Cống này và cụ cũng đã chém tre, đẵn gỗ trên ngàn, hữu thân hữu khổ, phàn nàn cùng ai. Nhưng ấy là chuyện người trăm năm cũ, chuyện bây giờ với thực tại, với vùng đất chỉ toàn đá với đá Thanh Hoá của nhà thơ Hữu Loan. Chạy trời không khỏi nắng, ông đang đẩy chiếc xe cải tiến lên núi xuống núi, tay cầm cái cuốc chim và cũng đang còng lưng đục đá như gã với áo anh đứt chỉ đường tà, vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu.

Với cái cuốc chim, gã bổ đá lớn, đá nhỏ từ lòng đáy hồ. Với xẻng, xà beng nạy xới từng rổ, từng thúng đá chuyển lên bờ cho lòng hồ sâu hơn để lập…nhà máy thủy điện. Tiếp đến lên rừng đốn cây làm đập, cây lim to bằng hai ba người ôm, vừa cứng vừa nặng nên phải dùng cưa “cá mập”, chỉ cưa mỗi khúc 2 mét, vậy mà phải cần 8 người khiêng. Gã cân đo đong đếm đập nước nhà máy thủy điện bằng bê tông cốt sắt lắm khi còn bị vỡ, huống chi mấy khúc cây. Đừng nói đến đập điếc, ngay như cái xẻng, cái xà beng chỉ nạy xới ba bốn nhát là gãy. Vì vậy toán thợ rèn trại tù làm việc ngày đêm làm dụng cụ từ những tấm vỉ sắt lót phi đạo từ…Khe Sanh. Y như rằng, sau cơn bão kéo dài cả tuần, nước ập xuống, đập bị vỡ, môt số bị cây đè, một số bị bị nước cuốn, tù binh chết khoảng hai chục người. Trong đó có anh Lực bạn lính của gã, một trong những người đã ở lại sông Mực trong chuyến ra Bắc năm 1977-1978.

Một ngày chủ nhật không lao động nên không được ăn sáng. Đói quá, gã rủ anh tù lần theo tiếng gà gáy, leo qua hai ngọn đồi thấp, quên cả nguy hiểm có thể xảy ra. Thấy một ngôi làng nhỏ, lần theo con dốc xuống làng. Vào căn nhà đầu tiên gặp một anh bị cụt một chân đang…nhẩy lò cò. Làm một đường thăm hỏi mới hay anh đi B, phế binh cấp 1, chỉ mất một chân, chưa mất…cái đầu, ấy vậy mà thuộc diện…phế phẩm. Gã hỏi có gì để lót dạ. Anh đáp có cơm nguội muối vừng cứ sơi…”thoả mái”. Anh bảo gã ăn nói chỉn chu lắm, chả “thiếu văn hóa” như đằng ấy ngoài này. Đợi no căng rồi, anh pha trà.

Nom dòm thấy thằng mũ sắt là gã ngồi với ông nón cối không hề quen biết đây. Tôi được thể lụi đụi với thằng gãy súng từ giấc mơ ngày hoà bình đầu tiên, tưởng tượng theo anh bộ đội về Hà Nội thăm những cây cơm nguội, những hàng sấu, ngắm nhìn hồ Hoàn Kiếm. Từ Tràng Tiền, Huế, tôi lại đi tìm một dấu tích nón xanh, mũ cối bên Hồ Gươm, Hà Nội qua ông bộ đội nhà văn Bảo Ninh với bài viết Nhớ Cao Xuân Huy…

(,,,) Đã chiều muộn. Tiệm đông dần lên và bắt đầu nhạc nhọt. Huy nói bữa nay mình kiếm chỗ nào. Mà hay nhất là chỗ còn lưu dấu Hà Nội 54. Biết một chỗ như vậy, tôi chạy xe máy chở anh tà tà vòng quanh Bờ Hồ. Rồi dừng ở nhà Thuỷ Tạ vì ở đấy có quầy rượu. Huy nói tửu lực xuống nên bấy lâu chỉ bia, song bữa nay, giữa Hà Nội, bên hồ Gươm, thì đúng là phải thứ gì nặng ký, để tụi mình, thuở nào nón xanh mũ cối giờ đây đầu bạc thù tạc coi sao. Chúng tôi gọi một chai và ra ngồi ở bàn kê bên lan can kề mép nước. Thật may, Thuỷ Tạ tối ấy thưa khách, như là chỉ có hai chúng tôi với mặt hồ. (,,,)

No căng rốn rồi, nhòm cái chân, khi không gã rọ cái mồm vào là anh có…“hận thù” gì không? Anh lắc đầu và vào chuyện một tối anh và hai đồng đội ngồi uống trà trên dốc Trường Sơn như hôm nay. Bỗng một anh bốc đồng chửi đổng te tái: “Thằng ở ngoài Bắc cứ ở ngoài Bắc, thằng ở trong Nam cứ ở trong Nam, thằng nào làm việc nấy. Tiên sư chúng nó chứ! Chứ chúng nó nghe xúi dại để tụi ông choảng nhau. Chỉ khổ cái thân ông vì bây giờ con sề đang năm chổng bốn vó ở nhà đợi ông về quại hai ba quả là ít”. Gã băm bổ là anh bạn về…bổ được mấy quả? Anh ngần ngừ: “B52”. Gã vội xin lỗi thì anh…ngập ngừng. Nhìn ra ngoài đồi núi với cây rừng, trong gã lây lắt hình ảnh người bạn tù tên Lực qua câu nói thằng ở ngoài Bắc cứ ở ngoài Bắc, thằng ở trong Nam cứ ở trong Nam thì…thì anh ngập ngừng: “Các anh sắp được về rồi”.

Ngày ấy cũng đến, đoàn xe thiếu một chiếc lăn bánh, người đang làm rãy bên đường ngẩng lên với khuôn mặt hiền hoà. Trong đó có anh thương binh đứng bất động như pho tượng gỗ. Gã nghĩ không ra sao anh có thể…nhẩy lò cò qua hai ngọn đồi.

Nghe gã được về là…hết chuyện. Cũng hết chuyện thật. Tôi cũng chẳng muốn gặp thằng gãy súng nữa vì vừa nhận được thư nó gửi cho anh bạn tên Hùng ở trên:

(,,,) Hùng thân. Khi Trung Cộng sửa soạn tân công các tỉnh phía Bắc. Đoàn 76 tụi tao được trả về Ái Tử. Gửi lời thăm mày và gia đình…Thân (,,,)

Thôi thì mọi sự cũng xong, vì cuộc chiến đã qua gần 40 năm. Lây lất theo nhà văn Việt ở Úc: “Có thể nói những ai đã từng trực tiếp tham dự vào chiến tranh sẽ không bao giờ thoát khỏi cuộc chiến tranh ấy. Những người lính từng “giã từ vũ khí” vẫn tiếp tục sống trong tâm thế lính tráng cho đến tận bây giờ. Người ta tiếp tục đánh nhau trong ký ức. Ðiều này phần nào giải thích tại sao người ta cứ viết về chiến tranh mãi. Kẻ thắng viết, đã đành; kẻ thua cũng viết, thậm chí, còn viết nhiều và viết hăng hơn những kẻ chiến thắng nữa. Tại sao thế nhỉ?”. Với tôi chả có câu: Tại sao thế nhỉ?. Vì những máu lệ ngục tù, những tủi hờn vong quốc đều đã có người viết hết cả rồi. Nhưng nếu không viết, tay chân ngứa ngáy khó chịu sao ấy như bệnh giời bò, vậy đấy, thế đó.

Thế mà gã…đi đâu có chết chóc đến đấy, mà gã vẫn sống nhăn răng cạp đất. Vì vậy tôi trở lại khúc đầu hỏi thêm ngày gã bị AK dí gã có “rét” thật không cho chắc ăn. Hỏi cho có vậy thôi, ý đồ tôi là qua một mảnh đời chiến địa của gã, đánh đấm câu giờ như Lã Vọng…câu cá! Ngoài ra đánh nhau như đùa với rượu Kim Long mang theo. Như người thơ Nguyễn Bắc Sơn đi hành quân rượu đế vẫn mang theo, mang trong đầu những ý nghĩ trong veo, xem cuộc chiến như tai trời ách nước, ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước. Tôi bèn trộm nghĩ đúng là bị giời đày, vì chuyện kể của gã có ly kỳ và rắc rối thật nhưng…không thật vì chả thấy máu me gì sất cả.

Gã cười bơ là rét thì không, nhưng lạnh cẳng thì có. Nhưng gã chấp nhận số ruồi với…đến đâu thì đến. Vì ngay sau đấy tụi nón cối đưa gã…đến ven rừng.

Trời về chiều, đám tù binh đang ngồi xổm bên con đường mòn chuyện trò. Bỗng có thằng bộ đội dắt ba sĩ quan Thủy quân lục chiến bị trói bằng dây thừng đi ngang qua. Từ dưới lùm cây, gã ngước nhìn người đi sau cùng vì vóc dáng kềnh càng như con gấu. Khi không thằng bộ đội dòm gã chằm bằm. Gã vội lấy dây ba chạc che cái lon ở ngực áo. Nhưng với mắt cú vọ, thằng răng hô mồm cá ngão cũng nhìn ra, và bắt gã đứng dậy. Lúc này nom nhòm rõ hơn, mỗi người bị trói cách nhau cả thước, ắt hẳn là để khoảng trống cho dễ đi. Sau đấy, nó trói gã với anh thủy quân lục chiến sau cùng.

Thằng tôi theo chân Đoàn 76 tù binh từ Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá để đi tìm thằng gãy súng. Cuối cùng tôi gặp cả hai ở ven đường…

(,,,) Chúng tôi nghe một tiếng súng nổ ở phía phá Tam Giang. Khi mọi người đã qua phá xong, chúng tôi bị dẫn đi dọc theo con đường đất quanh co hướng về phía quốc lộ 1. Lúc nãy, ở bờ phía bên kia phá, chúng tôi được nếm mùi cướp bóc, thổ phỉ, và bây giờ trên con đường đất hai bên là ruộng, là lùm cây, là bụi cỏ. (,,,)

Trong khi hai người bị trói lại với nhau, anh quay lại nhìn gã với đôi mắt nửa lặng lẽ, nửa hững hờ. Bởi đứng sau không thấy cấp bậc, nhưng nhờ anh để râu quai nón...gã nhận ra anh là đại úy Tiểu đoàn 2, vì gã cũng Tiểu đoàn 2. Nhưng gã không quen anh, vì khi cần được cứu viện hay yểm trợ, tiểu đoàn anh nhập trận đánh ào ào là rút ngay. Trói xong, thằng bộ đội dắt một chuỗi bốn người đi vào rừng. Đang len lỏi qua rặng cây một hồi lâu, ở khúc quanh con đường mòn có một hòn đá tảng. Đột nhiên nó quay lại, gã nghĩ mọi người sẽ được ngồi nghỉ trên hòn đá kia vì đã mót chân quá rồi. Thì…

Như có linh tính để tôi chột dạ. Vì chẳng lẽ như…

(,,,) Chúng tôi được thưởng thức món giết người. Ðoàn tù chúng tôi đi thất thểu trên đường, đoành một tiếng, một xác người ngã xuống bờ ruộng, đoành một tiếng, một xác người nữa ngã xuống bờ ruộng. Một người đi ngay bên cạnh tôi bị bắn vào đầu, máu và óc văng dính cả vào người tôi. Trò bắn giết rất kỳ cục và khó hiểu. Những người bị bắn chết và những người không bị bắn-hay chưa bị bắn-đều không hiểu tại sao bọn Việt Cộng lại bắn người này mà không bắn người kia. Tại sao thằng Việt Cộng này không bắn người này mà bắn người nọ? Chúng tôi rất hoang mang nhưng lúc này không ai có phản ứng gì, mọi người vẫn cứ lầm lũi, thất thểu đi. Ðói, khát, mệt mỏi và luộm thuộm lếch thếch, chúng tôi đi, hoang mang không hiểu bao giờ đến lượt mình bị bắn.
Số người bị bắn mỗi lúc dĩ nhiên mỗi nhiều hơn. Tất cả lon lá đã được gỡ ra từ sáng, khi chúng tôi mới nhận được quần áo mang từ bờ biển vào. Râu ria trên mặt biểu hiệu cho chức cấp hiểu theo nghĩa Việt Cộng cũng không phải, vì nhiều người để râu, trong đó có cả tôi, không hay chưa bị bắn, nhiều người râu ria nhẵn nhụi đã bị bắn.
Mãi về sau, khi nghe được bọn Việt Cộng cầm súng đi tìm người để bắn nói chuyện với nhau chúng tôi mới vỡ lẽ ra. Những tên Việt Cộng nào đã từng bị tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến nào đánh cho xất bất xang bang lúc trước, lúc này cứ đi tìm huy hiệu và bảng
tên của tiểu đoàn đó mà bắn. (,,,)


Thì…gã choáng người vì thấy tay phải nó cầm lăm lăm cái lưỡi lê từ hồi nào. Rất nhanh và thành thạo, tay trái nó nắm tóc kéo xuống. Rất quen thuộc với nhanh và gọn... Thằng bộ đội bậm miệng, lụi vào bụng hai, ba nhát lưỡi lê. Người này vừa xong, nó bước tới người kế tiếp. Chỉ trong mươi giây. Vẫn động tác gọn gàng, tay nắm tóc ghì xuống, tay đâm vào bụng hai, ba nhát và không hơn. Cả hai gào thét, la hét vang vọng cả một góc rừng rồi xụm xuống...Trong cái êm ả của rừng rậm, gã nghe tiếng xào xạc của lá cây lẫn tiếng rên rỉ lúc dai dẳng, lúc tắc nghẹn.

Cũng chỉ trong bốn, năm cái chớp mắt đến lượt…anh đại úy thủy quân lục chiến. Làm như theo quán tính, anh co chân lên. Gã không hiểu anh định đạp thằng bộ đội hay định chạy nhưng không còn kịp nữa rồi. Thôi rồi! Cũng với,…hai,…ba tiếng “phập”,…“phập”,…Gã chỉ nghe một tiếng…”hự” hoà lẫn cùng những âm ỉ của hai người trước rồi tắt lịm. Vì vậy gã nghe rõ mồn một tiếng…“cóc” khi cả thân hình anh lảo đảo và đổ xuống, đầu anh đập vào tảng đá. Một tiếng…“cóc” thật khô.
Chỉ một tiếng…“cóc” khô khan, nghe rất nhỏ như đập vào đầu gã.

Thằng bộ đội bước tới…gã.
Nhưng lần này có hơi lâu vì người anh vắt qua lối đi nên nó bị vướng chân, nó đạp lên người anh và nhẩy bổ vào gã. Khi anh vật xuống, sợi dây thừng nối giữa hai người kéo gã chúi theo. Theo phản ứng tự nhiên, gã khom người như con tôm, chùn lại, hai chân bám vào mặt đất để khỏi bị chúi thêm nữa. Vì đầu gã cúi xuống, nó không nắm tóc được. Bởi gã khom người, hai tay khum khum ghì sợi dây thừng để không bị ngã nên cái đầu che một phần cái bụng. Vì vậy nó đâm ngược lên…mặt gã. Theo phản xạ, gã định…nhắm mắt. Chưa kịp nhắm mắt, thi…thì…nhìn thấy bàn tay ai đấy giữ chặt cổ tay nó. Gã nghe tiếng gằn giọng như quát: “Đồng chí làm gì vậy!”

Bên này bìa rừng, bên kia là phá Tam giang, tận cùng thì cả hai cũng đã gặp nhau đằng cuối con đường có những lùm cây, bụi cỏ trong một ngày nhạt nắng…

(,,,) Người mặc áo có gắn phù hiệu của tiểu đoàn 5 không bị thằng Việt Cộng này bắn nhưng bị thằng Việt Cộng khác bắn. Người mặc áo có gắn phù hiệu tiểu đoàn 3 bị bắn bởi thằng Việt Cộng không bắn người mặc áo của tiểu đoàn 4. Chúng tôi lột hết bảng tên và phù hiệu tiểu đoàn. Cuộc bắn giết thưa dần rồi chấm dứt. (,,,)

Để rồi chấm dứt như trong Vài mẩu chuyện mà thằng gãy súng đã buông bút.
Vì: Chiến tranh đã hết rồi mà.

Thạch trúc gia trang
Tháng 11 Giáp Ngọ 2014
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng


Nguồn:
Nguyễn Thanh Hùng, Bồ Tùng Ma,
Nhật Tuấn, và Nguyễn Hưng Quốc.

Với chuyện “Đoàn 76 tù binh” nạo kinh vét hồ năm 1977-78 và cũng là
chuyến ra Bắc duy nhất được góp nhặt từ một chuyện kể và ba bút ký:
1 - Chuyện kể từ Hoàng Chính Nghĩa (Bộ Binh)
2 - “Lòng hồ sông Mực” của Giang Văn Nhân (Thủy Quân Lục Chiến)
3 - “Những lá thư đi” của Hoa Biển (Thủy Quân Lục Chiến)
4 - “Những mảnh đời dang dở”, Nguyễn Ngọc Minh (Thủy Quân Lục Chiến)
Nguyễn Ngọc Minh sinh năm 1951 tại Sài Gòn, học trung học Nguyễn Trãi.
Gia nhâp quân đội năm 1972, trấn đóng tuyến đầu Quảng Trị, chiến đấu
đến giờ phút cuối cùng tại bãi biển Thuận An, Đà Nẵng cuối tháng 3/75.
Tù binh từ Quảng Trị ra Bắc và vào Nam cải tạo tiếp tổng cộng sáu năm.

Xin ghi lòng tác dạ anh obien81 (Thủy Quân Lục Chiến) để có bài bút ký này.




Cao Xuân Huy mất ngày
12.11.2010 tại California
 

 


Văn


Cách sử dụng "I" và"Y"...
Cải cách tiếng Việt
Dấu "hỏi & ngã" trong tiếng Việt
Luật dấu hỏi & ngã
Gạch nối trong tiếng Việt
Xưng hô tiếng Việt...


Cuộc trò chuyện bất ngờ
Thư Hậu phương
Nhắc chuyện xưa
Một chuyến đi Oklahoma 
Thăm lại “Mái Nhà” xưa
Hãy kể cho tôi nghe
Young Marines trong ngày Tưởng Niệm 30/04/17
Trận QT 72 của Lữ Đoàn 258 TQLC
Sớ Táo Quân TQLC - Đinh Dậu 2017
Đọc "Chặng Đường Nối Tiếp"
NT Nguyễn Thành Yên
NT Hoàng Lãm
Cái chào của Niên Trưởng
Chuyến tản thương cuối cùng
Tháng Ba chôn súng
Các NT TQLC
TQLC mà bà không biết sao?
Người Y-Tá chiến trường
Thôi ! Mình về Linh Xuân Thôn, đi em !
Một thời để nhớ
Tìm cha
Biệt đội Sóng Thần
Lão lượm “Ve Chai”
Trâu Điên Và Cố Vấn Mỹ... Muộn Vẫn Phải Nói...
Trâu Điên and Cố vấn Reunion 46 years later (1969-2015)
Trung đội 2 Tiểu Đoàn 7 TQLC và những ngày cuối cùng
Quận Trưởng Quận Triệu Phong, Quảng Trị - Chuẩn Úy Lê Đình Lời
Người lính tiên phuông
Anh hùng bất tử
40 Năm tỵ nạn... Nhìn lại đoạn đường
Người Pháo Thủ TQLC trong cuộc chiến 1972
Mùa Football năm nay sẽ không còn...
Đoàn 76 tù binh
Những con Quạ Đen trên nóc nhà xác
Mảnh đời tị nan tại Đức
Người lính già không bao giờ chết
Cơn mưa hạ Atlanta 2014
Cánh Đại Bàng còn lại giữa vùng trời TQLC
Vui buồn đời lính -Tình đồng đội
Nghĩa cử cao quý
Rũ áo thênh thang
30-4 những giờ phút sau cùng của một người Trung đội trưởng TQLC
Người Việt Viết Tiếng Việt. "Người Giệc Giết" Tiếng Việt
Chỉ còn là kỷ niệm
Chuyện về cột cờ đầu tiên tại Little Saigon
Nhớ Chú Cảo
Chúc mừng Trường Can
Chuyện ngày xưa…thật xưa
Viết cho con gái Cao Xuân Huy
Những ngày vui ở Nam Cali
Dòng sông êm đềm
Điệp khúc buồn
Cháu Ông Nội, Tội Bà Ngoại!
Nợ Mẹ hai tiếng yêu thương
Nỗi buồn tháng Tư
Cuộc hội ngộ của Sĩ Quan TQLC/VNCH  và em bé gái mà Ông đã cứu 41 năm trước...
Những cái chết thầm lặng
Dục Mỹ, lò luyện thép
Người hát rong nhạc vàng
Khoá 22 và Lam Sơn 719 Hạ Lào
Nụ cười xinh
Những ngày xưa thân ái
Quê hương bỏ lại
Biển vẫn đợi chờ
Buồn vui Đại Hội 2012 tại Oregon
Kỷ Niệm Ngày QL.VNCH. 19/6 - Người lính Việt Nam Cộng Hòa sau 37 năm nhìn lại...
Nỗi lòng người lính VNCH nhân ngày Chiến Sĩ Trận Vong
Khóc bạn
Người Lính TQLC bên bờ Bến Hải
Ông Cháu tựa má đầu
Mùa xuân trên đỉnh Torkham
Chiến thắng đầu Xuân
Một thời để yêu, một thời để nhớ
Tuổi 70… Chán mớ đời!
Chút ân tình rất đỗi mong manh
Người còn nhớ hay người đã quên
Cao Xuân Huy - Chuyện chưa ai kể
Nhớ về Cao Xuân Huy “Tháng Ba gãy súng”
Chút ánh nắng mặt trời trong mùa thu Oregon
Dòng sông tuổi nhỏ
Vui buồn đời lính 1 - 2 - 3 - 4 - 5
Dòng thời gian và những âm giai của một người lính TQLC
Huyền thoại chiến sĩ Mũ Xanh
Cuộc chiến không dừng ở đây
Nỗi lòng biết ngỏ cùng ai?
Chiêu hồn Quái Điễu
Thiên hùng ca dựng một ngọn cờ
Thuận An, hành quân triệt thoái
Thư tình viết muộn
Người lính miền Nam
Thăm lại Quảng Trị – Khe Sanh & chiến sĩ vô danh
Hãy thắp cho anh một ngọn đèn
Tôi đi lính...
Giờ phúc sau cùng của người Trung Đội Trưởng
Đôi bờ chiến tuyến
Cuộc gặp gỡ kỳ diệu
Thoáng nhớ ngậm ngùi
Mối tình Sơn Khê
Hai anh em tên Cờ, họ Việt Nam Cộng Hòa
Hạt bụi vĩ đại
Thư Khu Bưu Chính (KBC)
Hai hình ảnh, một cuộc đời
Vé Đây! Vé Đây!
Tháng Ba buồn thiu, tháng Tư gãy súng
Bà Mẹ Quê
Ôm M60, M79 đánh ghen
Nghe Nhạc Trang Thủy