Phan Công Tôn
(Dòng sông Mã trước cổng trại Thanh Cẩm)
Tháng đầu tiên sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, các cựu quân nhân và
công chức khi gặp nhau chỉ bàn tán qua các tin đồn về “học tập cải
tạo” (HTCT), các tin đồn này coi như được xác nhận: việc HTCT là CÓ,
nhưng Ở ĐÂU, BAO LÂU và NHƯ THẾ NÀO thì cũng chỉ đoán mò với nhau mà
thôi! Vào trung tuần tháng 5/1975, tất cả các hạ sĩ quan QLVNCH tại
SàiGòn được chính quyền địa phương các cấp của Việt Cộng ra thông
cáo bắt phải trình diện và “học tập” trong vòng 10 ngày. Sau đợt học
tập tại chỗ 10 ngày thì ai về nhà nấy. Ai cũng “hồ hởi phấn khởi”
được hưởng cái “khoan hồng” của cách mạng.
Chẳng ai ngờ rằng đây là một cái bẫy “nớn” được giăng ra để chờ đón sĩ quan các cấp của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa! Nhóm sĩ quan cấp bậc thiếu tá của chúng tôi “được” trình diện tại trường trung học Trần Hoàng Quân, Chợ Lớn vào thượng tuần tháng 6/1975 để làm một số hồ sơ và giấy tờ, xong cho về! Hơn tuần lễ sau, trở lại trình diện tại trường Taberd (gần khu nhà thờ Đức Bà, SàiGòn) trong 3 ngày với thức ăn và đồ dùng cá nhân đủ dùng trong một tháng.
Mấy ngày ở trường Taberd còn được cách mạng nuôi ăn đàng hoàng, các nhân viên phục vụ (chắc thuộc một nhà hàng ăn nào đó ở Chợ Lớn) còn bận cả áo choàng trắng và đội ca lô trắng trông cũng … ra gì lắm!
Sau 3 ngày, nhóm anh em cấp bậc thiếu tá chúng tôi được xe Molotova chở lên Long Giao (đến một trại của một đơn vị thuộc Sư Đoàn 18 Bộ Binh), đây coi như chặng đầu tiên khởi đầu cho những năm tháng đi “cải tạo” … mút chỉ!
Tôi còn nhớ, thời gian đầu nằm trong một dãy nhà
của khu gia binh, các “bò Tứ” Thủy Quân Lục Chiến thuộc A1 thì có:
Huỳnh Văn Phú, Lê Văn Cưu, Lê Đình Bảo, Trần Kim Hoàng, Phan Công
Tôn … và A2 thì có: Tô Văn Cấp, Trần Văn Hợp, Doãn Thiện Niệm, Trần
Quang Duật, Quách Ngọc Lâm …
Thời gian mấy tháng đầu, số anh em cùng Binh Chủng quây quần bên
nhau nghe cũng ấm lòng … “cải tạo”! Đùng một cái, mấy tháng sau
(trước Noel 1975), qua một đợt “biên chế” (mà về sau tôi gọi đó là
“cú đánh” làm tan tác anh em “lính thủy đánh bộ”), tôi được chuyển
về trại K2 Suối Máu, Biên Hòa.
Khi tới K2 Suối Máu, đi lùng sục khắp nơi, mới biết rằng tôi là một lính thủy đánh bộ duy nhất ở đây và từ đó mà đi, trên con đường dài thăm thẳm từ Nam ra Bắc, tôi đóng vai anh chàng lính thủy đánh bộ độc hành. Buồn còn hơn bị … chấu cắn!
Tháng 6 năm 1976 tàu Sông Hương (từ Tân Cảng, Sài Gòn), đưa chúng tôi ra tới bến Vật Cách (thuộc bãi quân sự Hải Phòng). Ngày hôm sau các toa chở than đá từ Hải Phòng đưa chúng tôi lên phía Bắc. Dừng ở bờ hữu ngạn sông Hồng, phà đưa sang sông, Molotova chở một lèo lên đến Sơn La. Đó là chặng đầu tiên cho chuyến Bắc du …
Hơn 3 tháng sau, khi được chuyển về Trại 6 Khe Thắm, Hoàng Liên Sơn (trại này cũng toàn là thiếu tá); qua một đợt biên chế, tôi gặp lại một người bạn TQLC, đó là “Đồ Sơn Con” Nguyễn Phúc Định. Mấy tháng sau, “Đồ Sơn Con” lại bị “biên chế” đi trại khác. Khoảng tháng 8 năm 1978, từ các trại do bộ đội Việt Cộng quản lý, tôi được biên chế về trại Thanh Cẩm, do công an quản lý. Và cũng tại trại Thanh Cẩm này, tôi gặp lại 2 cựu TQLC, đó là Dương Văn Tươi và Phạm Dương Đạt. Cho mãi tới năm 1984, khi được chuyển vào trại Xuân Lộc, Đồng Nai tôi mới gặp lại một bạn cũ, một cựu TQLC: Lê Văn Khánh (tự Khánh Mập hay Khánh Voi).
Tính ra, trừ mấy tháng đầu ở Long Giao thì còn ở
chung với một số đông bạn bè TQLC, sau đó, từ trại Suối Máu, Biên
Hòa trở đi, ra Bắc cho đến năm cuối cùng được chuyển vào trại Xuân
Lộc, Đồng Nai (trại cuối cùng trước khi được thả), tôi chỉ được ở
chung trại với 4 bạn TQLC khác mà thôi.
Nói tóm lại, qua gần 10 năm đi lao động khổ sai từ Nam ra Bắc, tôi
đã sống qua 9 trại khác nhau, trại ở lâu nhất (gần 5 năm, từ 1978
cho đến 1983) đó là trại Thanh Cẩm, ở Thanh Hóa; trại này do công an
quản lý. Sau đây, tôi xin giới thiệu một tí về Thanh Hóa, trại Thanh
Cẩm và dòng sông Mã:
Vị trí của tỉnh Thanh Hóa: Thanh Hóa nằm về phía
Bắc của tỉnh Nghệ An. Phía Đông giáp biển (Vịnh Bắc Việt). Phía Tây
giáp tỉnh Hủa Phăn (Lào). Phía Bắc giáp tỉnh Sơn La. Đông Bắc giáp 2
tỉnh Hòa Bình và Ninh Bình. Thanh Hóa có diện tích 11,168 cây số
vuông với dân số gần 3 triệu rưỡi.
Vị trí của trại Thanh Cẩm: trại Thanh Cẩm nằm vào khoảng giữa của 2
huyện Cẩm Thủy và Quan Hóa (hai huyện này cách nhau khoảng hơn 50
cây số). Huyện Quan Hóa nằm về phía Tây Bắc của trại Thanh Cẩm và
Trại Thanh Cẩm cũng nằm về phía Tây Bắc của huyện Cẩm Thủy (khoảng
20 cây số). Trại nằm sát bên sông Mã về phía hữu ngạn. Khi nói đến
trại Thanh Cẩm mà không nói đến sông Mã là một thiếu sót, vì qua bao
nhiêu năm dính liền với trại này là bấy nhiêu năm chúng tôi dính
liền với dòng sông Mã với biết bao kỷ niệm buồn vui!
Vị trí của Sông Mã: Sông Mã bắt nguồn từ phía Bắc của huyện Tuần Giáo (tỉnh Lai Châu) chảy về hướng Nam để đi vào địa phận của tỉnh Sơn La. Từ Sơn La, sông Mã chảy theo hướng Đông Nam để vào địa phận của nước Lào tại vùng huyện Xiềng Khọ (phía Bắc của tỉnh lỵ Sầm Nứa, thuộc tỉnh Hủa Phăn); tiếp tục chảy theo hướng Đông Nam vào địa phận của tỉnh Thanh Hóa qua các huyện Quan Hóa, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Hoằng Hóa; chảy ngang qua tỉnh lỵ Thanh Hóa và cuối cùng đổ ra biển ở vùng phía Bắc thị xã Sầm Sơn. Từ thượng nguồn ra đến biển, Sông Mã có chiều dài khoảng 512 cây số.
Theo dân gian, sông có tên gọi là “Mã” vì dòng
nước chảy xiết như “ngựa phi”. Tuy nhiên, theo nghiên cứu về từ
nguyên học thì “Mã” là âm một chữ Hán để ghi tên thật: “Sông Mạ”,
trong đó “Mạ” là một từ tiếng Việt cổ còn lưu lại trong phương ngữ
miền Trung có nghĩa là “Mẹ”.
Ở đây, qua bài viết này, tôi không muốn viết thêm hay nhắc lại những
khổ đau, nhục nhằn của anh em tù đã từng gánh chịu suốt bao nhiêu
năm tháng đọa đày; mà dịp này, tôi muốn trình bày 2 sự kiện lớn và
độc đáo đã xảy ra và tiếp theo đó là vài mẩu chuyện vui vui, hay
hay, là lạ liên quan đến trại Thanh Cẩm và những nỗi niềm, những
nguyện cầu, những ước mơ (một thời) của chính mình bên dòng sông Mã!
Những câu chuyện tôi kể dưới đây là những câu chuyện thật (với những
sự kiện và nhân vật có thật), tôi chỉ thi vị hóa một tí để những đơn
điệu có thêm hương sắc và tiếu lâm hóa một tí để cái buồn tênh được
rộ tiếng cười!
Hai sự kiện lớn và độc đáo liên quan đến các “cải tạo viên” của trại
tù Thanh Cẩm:
1. Cướp trực thăng tại phi trường Bạch Mai (Hà Nội) để đào thoát
qua Trung Quốc:
Ngày 2 tháng 8 năm 1978, một nhóm tù chính trị gồm 48 người được chuyển từ trại Cổng Trời (biệt danh của trại trừng giới Quyết Tiến thuộc tỉnh Hà Tuyên) về trại Thanh Cẩm. Trong nhóm này có anh Dương Văn Lợi, một Kỹ Sư tốt nghiệp tại Pháp, trở về nước từ thời Đệ Nhất Cộng Hòa.
Về trại Thanh Cẩm, Nhóm “48 Quyết Tiến” được mang tên Đội 16, ở tại Buồng 5. Hơn tuần lễ sau chúng tôi từ trại do bộ đội Việt Cộng quản lý được đưa về trại Thanh Cẩm. Tôi thuộc Đội 15, cũng ở chung Buồng 5 với Đội 16.
Anh Lợi và tôi trở thành đôi bạn thân từ đó, vì
anh Lợi lớn tuổi hơn nên tôi coi anh như một ông anh. Anh Lợi được
thả ngày 16 tháng 4 năm 1981.
Mấy tháng sau được thả ra, anh Lợi vể tạm trú tại Hà Nội và cựu trại
viên Thanh Cẩm này phối hợp với người em ruột và một số bạn của
người em để tổ chức vụ cướp trực thăng tại phi trường Bạch Mai, Hà
Nội để đào thoát qua Quảng Tây, Trung Quốc vào ngày 1 tháng 10 năm
1981. (Trực thăng này muốn đi tới Hong Kong nhưng không đủ nhiên
liệu nên đành phải đáp xuống Quảng Tây). Từ Trung Quốc anh lại vượt
biên qua Phi Luật Tân vào năm 1983 và cuối cùng anh Lợi được định cư
tại Pháp.
Anh Dương Văn Lợi đã viết thiên ký sự “Hà Nội Báo Động Đỏ”, sách dày hơn 500 trang, được xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1992. Thiên ký sự này đã ghi lại những tình tiết thật là hấp dẫn trong cuộc vượt thoát nêu trên.
Tháng 6/1993, nhân chuyến anh Lợi đi từ Pháp qua Canada, chuyến bay ghé nghỉ ở phi trường Salt Lake City, Utah trong khoảng 2 tiếng đồng hồ. Tôi đã lên phi trường (cách nhà khoảng 6.5 miles) đón anh Lợi về nhà chơi trong thời gian ngắn ngủi đó. Đây là lần đầu tiên hai anh em mới gặp lại nhau kể từ năm 1981 khi anh được thả từ trại Thanh Cẩm.
Cho đến bây giờ, hai anh em vẫn thường xuyên liên lạc với nhau qua email và điện thoại và lúc nào cũng hãnh diện với tinh thần bất khuất của các “cải tạo viên” (nói chung) và của tù binh trại tù Thanh Cẩm (nói riêng) mà anh là một người đại diện: Anh đã tổ chức một cuộc vượt thoát vô tiền khoáng hậu trong lịch sử đào thoát của một cải tạo viên trong chế độ lao tù của Cộng Sản Việt Nam!
2. Cuộc vượt ngục không thành và hậu quả bi thảm của nó:
Trong đêm 1 và rạng sáng ngày 2 tháng 5 năm 1979 tại khu kiên giam của trại Thanh Cẩm có 5 anh em tù kiên giam tổ chức vượt ngục. Đó là các anh: Đặng Văn Tiếp, Thiếu Tá Không Quân, cựu Dân Biểu Quốc Hội, Lâm Thành Văn, chủ xe đò Sài Gòn-ĐàLạt, tham gia tổ chức Phục Quốc, Nguyễn Sĩ Thuyên, cựu giáo sư toán tại các trường Trung học ở Sài Gòn, Nguyễn Hữu Lễ, Linh Mục và Trịnh Tiếu, cựu đại tá, Tỉnh Trưởng cuối cùng của Ban Mê Thuột.
Cuộc vượt ngục bất thành, tất cả bị bắt lại ngay tại bờ sông Mã, cách trại hơn 300 thước vào sáng ngày 2 tháng 5/1979. Sau những trận đòn thù tại chỗ, ngay bờ sông Mã và những ngày kế tiếp bên trong trại đã đưa đến hậu quả là anh Đặng Văn Tiếp bị chết ngay buổi sáng ngày 2 tháng 5/1979 và anh Lâm Thành Văn bị chết mấy ngày sau đó. Số còn lại, dĩ nhiên, bị hành hạ và rơi vào tình trạng sống dở chết dở!
Vấn đề rất tệ hại qua vụ vượt ngục bất thành này
liên quan đến một cải tạo viên tên Bùi Đình Thi, lúc bấy giờ anh ta
là Trật Tự Viên của trại. Thi có “ăn ké” trong việc tham gia đánh
đập các trại viên vượt ngục đưa đến kết quả 2 người bạn tù bị chết
nêu trên.
Linh mục Nguyễn Hữu Lễ bị tù 13 năm, được phóng thích vào cuối năm
1988, vượt biên qua Thái Lan và được Giám mục Denis Browne mời sang
Tân Tây Lan vào năm 1990 để phụ trách Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam
tại giáo phận Aucland, Tân Tây Lan.
LM Nguyễn Hữu Lễ có viết cuốn bút ký mang tên: “Tôi phải sống” dày hơn 600 trang, xuất bản năm 2003. Trong bút ký này, LM Nguyễn Hữu Lễ có ghi lại chi tiết về cuộc vượt ngục bất thành này và những việc làm của cải tạo viên Bùi Đình Thi qua vai trò trật tự viên. Gia đình của cựu Dân Biểu Quốc Hội Đặng Văn Tiếp, người bị chết trong cuộc vượt ngục nêu trên, đã khởi tố Bùi Đình Thi tại California.
Các phiên tòa trong các năm 2003 và 2004 đã gây
xôn xao và chấn động, đặc biệt đối với anh em cựu tù Thanh Cẩm. Kết
quả là Bùi Đình Thi bị nhận án lệnh: bị trục xuất ra khỏi lãnh thổ
Hoa Kỳ và kể từ năm 2006 bị đưa về sống tại quần đảo Marshall
Islands, một quần đảo cấu thành bởi 29 đảo san hô và 5 đảo nhỏ biệt
lập, với dân số khoảng hơn 64 ngàn người. Vị trí của Marshall
Islands nằm trong vùng Bắc của Thái Bình Dương và nằm nửa đường giữa
Hawaii và Úc Đại Lợi.
Bùi Đình Thi đã qua đời tại Marshall Islands vào năm 2011.
Tôi có dịp gặp lại LM Nguyễn Hữu Lễ lần đầu tiên
vào tháng 7 năm 2008 ở California ,nhân dịp tôi về dự Đại Hội Thanh
Cẩm và Đại Hội TQLC. Từ trong trại và cho tới bây giờ, anh em tù
Thanh Cẩm vẫn gọi LM Lễ với cái tên: “Cậu Bảy”. Đặc biệt vào tháng 8
năm 2009, Cậu Bảy có nhờ tôi tổ chức buổi chiếu phim “Sự thật về Hồ
Chí Minh” tại West Valley City, Utah, nơi tôi đang sống, do đó chúng
tôi có dịp đón tiếp Cậu Bảy và phái đoàn của Phong Trào “Quốc Dân
Đòi Trả Tên Sài Gòn” tại nhà trong thời gian này. Và vào tháng 6 năm
2010, nhân dịp từ Tân Tây Lan sang Houston, Texas đi công tác; Cậu
Bảy có ghé thăm vợ chồng tôi ở Austin, Texas khi chúng tôi về thăm
thân nhân ở đây!
Một vài câu chuyện khác liên quan đến những sinh hoạt rất đặc biệt
của trại tù Thanh Cẩm:
- Những món quà … “lạ lùng”:
Trại Thanh Cẩm có một khu kiên giam dành cho 30 vị linh mục và 1
thầy. Anh em trong trại thường gọi các vị này là “Bố”. Khi mới đổi
về đây từ tháng 8 năm 1978, các bố rất là te tua, nhưng từ năm 1981
trở đi, các bố được “khấm khá” trông thấy, nhờ nhận được quà do gia
đình gởi qua bưu điện hoặc được gia đình ra thăm nuôi. Và cũng từ đó
các bố thường xuyên phải “đáp lễ”, đúng hơn là phải “tuân thủ” qua
các “đơn đặt hàng” của phe Chèo! Ngoài những đồ đạc, thức ăn và các
thứ linh tinh khác (cũng OK đi), phe Chèo còn “xuyên suốt” hơn, còn
“order” cả quần áo phụ nữ, kể cả xú chiêng, xì líp v.v…. Khi cán bộ
trực trại khám xét thùng quà nhận được qua bưu điện hoặc mang vào từ
nhà thăm nuôi, trực trại cầm “mấy thứ ấy” đưa lên, các bố ngượng đến
… chín cả người! Khi có việc phải lên khu kiên giam, tôi thường nghe
các bố tâm sự:
- “Không biết ở nhà, gia đình có hiểu và thông cảm cho mình hay
không khi phải xin gởi những “món quà… lạ lùng” đến như vậy!”
- “Vatican” và “đổi đời”:
“Vatican” là cái nickname anh em trong trại đặt cho đội kiên giam
của các bố! Một hôm, tôi lên khu kiên giam, lúc đó tôi là “trại viên
Thông Tin Văn Hóa”, khi đi gần đến phòng của Bố H, đội trưởng đội
Kiên Giam, tôi thấy bố H. đứng quay lưng ra phía ngoài và hình như
đang nói chuyện với ai đó bên trong phòng giam. Tôi khựng lại khi
nhác thấy Ban Lù, cán bộ an ninh của trại, đang ở trong phòng. Ban
Lù đang ăn sáng! Ban Lù ngồi trên một cái ghế nhỏ và thấp, trước mặt
(trên sạp xi măng làm sạp ngủ cho tù) là một ly ovaltine sữa, một
tách trà, bên cạnh là một tô mì gói đã nấu sẵn. Tất cả đang bốc mùi
rất ư là … “đế quốc”!
Trong khi Ban Lù đang cắm cúi ăn uống thì Bố H. tiếp tục “lên lớp”
và mắng (nguyên văn):
-Sao ông dốt thế! Cả cuộc đời ông phục vụ cho cách mạng, làm gì ông
có đủ tiền để mua được cặp bò. Sao ông để cặp bò trước mắt họ, để
cho họ “thắc mắc và đặt vấn đề”? Ông phải mang ngay cặp bò vào làng
Mường cho chúng nó chăn. Mỗi tháng tốn bao nhiêu tiền, chúng tôi sẽ
cho tiền ông trả!
Ban Lù mới thanh toán xong tô mì, trong khi vừa nhâm nhi ly ovaltine
sữa vừa nhỏ nhẹ “phát biểu” (nghe yếu xìu chứ không hung hăng, không
đằng đằng sát khí như khi “làm việc” với tù):
-Ừ, anh “gợi ý” như thế thì tôi đã “nắm” được rồi và tôi cũng thấy
“sáng” ra! Dứt khoát, ngày mai tôi sẽ đưa cặp bò vào làng Mường cho
chúng nó chăn …
Chứng kiến cái hoạt cảnh này, tôi thấy vui vui và nghe thấm thía trong lòng! Bao nhiêu năm đi tù, chúng tôi đã được “cách mạng” giáo dục và nhồi nhét về cái “đổi đời”. Nhưng cho đến hôm đó, tôi mới phát hiện ra được cái “đổi đời” (phản với nghĩa của cách mạng): một anh tù “Ngụy” bị kiên giam đang “lên lớp”, đang xỉ vả một “ông” cán bộ “kiên cường” và “trước sau như một” như Ban L.!
Ban Lù là một cán bộ người “dân tộc”, số anh em tới trại Thanh Cẩm từ năm 1976, 1977 đã thấy ông ta ở đây rồi. Qua bao nhiêu năm tháng, ông ta lừng danh là một “hung thần” của trại, hắn có dáng tầm thước, da ngăm ngăm, môi thâm thâm, đôi mắt trắng dã. Con người không bao giờ biết cười. Giọng nói thì the thé. Mặt lúc nào cũng đăm đăm, lạnh lùng; hiện lên sự dữ dằn và đanh ác. Mỗi lần trại tập họp trước sân, chuẩn bị “xuất số” đi lao động, Ban L. đứng nơi cổng trại, nếu Ban L. gọi ai ở nhà “làm việc” thì coi như 95% những người này chuẩn bị khăn gói quả mướp để lên “vùng trên” (vùng cao nhất của trại). Trên vùng này là “cơ sở” của Nhà Đen (nhà Kỷ Luật cũ), khu nhà nóc bằng (khu kiên giam) và khu nhà Kỷ Luật mới.
Bố H.. hiện nay đang ở Việt Nam, chúng tôi vẫn
thường xuyên liên lạc với nhau qua email hoặc điện thoại. Trong
tháng 10/2009 Bố H. qua Mỹ chơi, dịp này tôi có dịp gặp lại Bố H. ở
Nam Cali, cùng nhau vào Nursing Home để thăm “Bố” Nam (cũng là một
cựu tù Thanh Cẩm). Tháng 10/2011, nhân dịp qua Maryland, Bố H. liên
lạc với tôi qua email và điện thoại chứ không có cơ hội gặp lại
nhau].
- Bưu Điện Cẩm Thủy và thư chui:
Vào khoảng cuối tháng 3/1983, bạn Lê Tinh Anh (đang là trại viên Thông Tin Văn Hóa) sắp được thả. LT Anh phối hợp với Bố H. đề nghị tôi sẽ thay thế chức vụ của LT Anh. Cả LT Anh và Bố H. đều không biết gì về chuyện tôi đã bị “làm tình làm tội”, bị rơi vào trạng huống “sống dở chết dở” suốt hai tháng trời với Ban Lu (an ninh) và Ban Thu (trại trưởng). Lý do: tôi “bị” nhận mấy lá thư, từ “nước ngoài” gởi về cho tôi. Tôi không hay biết gì về những lá thư đó, cho đến khi Ban Lu gọi tôi “làm việc”, cho tôi xem những thư đó tôi mới biết “người quen” này là ai, ở đâu, cố tình gởi thư cho tôi với mục đích gì?
Cái “vấn đề” của tôi do hậu quả của mấy lá thư
mới nguôi ngoai, -thì đùng một cái, vào một buổi chiều, sau một ngày
lao động, trở về buồng. Ban Lu vào trại cho người gọi tôi ra “làm
việc” ngay tại mấy cây sầu đâu bên hông nhà bếp. Ban Lu mắng tôi
thiếu điều “tắt bếp”:
-“Anh có tư tưởng xấu, không tiến bộ, không học tập tốt, có ý đồ
vượt biên, có quan hệ với người nước ngoài, có quan hệ với những
phần tử chống phá Cách Mạng v.v… Anh không thể làm trại viên Thông
Tin Văn Hóa!”
Tôi quá đỗi kinh ngạc và chới với khi nghe câu liên quan đến TTVH,
vội trả lời:
- “Thưa Ban, tôi đâu có biết gì về TTVH và tôi cũng không muốn làm
TTVH! Tôi chỉ xin được ở dưới đội để đi lao động như thế này là được
rồi”.
Ban Lu. gật gù cái đầu rồi phán:
“Thôi được rồi. Tôi cho anh về Buồng”.
Tôi hú hồn, trở về buồng với nhiều thắc mắc trong lòng. Chuyện TTVH?
Mắc mớ gì đến tôi!
Tuần lễ sau, cũng vào buổi chiều sau giờ lao động trở về buồng, tôi
lại bị gọi ra chỗ mấy cây sầu đâu “làm việc”. Mới thấy tôi, Ban L.
lườm lườm nhìn tôi từ đầu xuống chân rồi nói với giọng gay gắt:
-“Ngày mai, anh nhận bàn giao công việc với anh Anh. Nghe rõ chưa
nào?”
Tôi hoảng hốt phát biểu:
- “Thưa Ban, như tuần trước tôi trình bày …”
Không để tôi nói hết lời, Ban Lu. nói như quát:
“Anh không phải nói năng gì sốt. Cứ làm theo lệnh của tôi. Đi vào
buồng!”
Về sau, khi lên nói chuyện với Bố H. tôi mới vỡ lẽ: với bối cảnh “bị
mua” như đã đề cập ở phần trên và qua “Vatican” đề nghị, cuối cùng
Ban Lu. đành phải “ứ hự” nhận tôi làm trại viên TTVH.
Khi tôi làm TTVH, hằng tuần được ra bưu điện huyện Cẩm Thủy để lấy thư và quà của tù đem về trại. Mỗi lần như vậy có thêm 3 hoặc 4 anh em nữa cùng đi với tôi và dĩ nhiên có ít nhất là 2 cán bộ quản chế đi theo.
Bưu Điện Cẩm Thủy gồm có 7 nhân viên, 2 nam, 5 nữ do một nam nhân viên làm Trưởng. Vì đã có sự “đi đêm” trước và do Lê Tinh Anh bàn giao và chỉ mánh cho tôi, nên tôi “tiếp thu” nhiệm vụ TTVH rất trôi chảy. Nhờ “Vatican” (qua Bố H.) yểm trợ về tinh thần và “chi viện” về vật chất, kể cả tiền mặt, đồ dùng, quà cáp, thuốc men -đặc biệt là thuốc “con nhộng” rất được người miền Bắc ưa chuộng-, thức ăn khô và đồ hộp có nhãn hiệu “nước ngoài” v.v…Ngày nào chúng tôi ra bưu điện nhận thư và quà thì “Vatican” cung cấp thức ăn khô, đưa thêm tiền nhờ các bà, các cô mua thêm rau tươi để nấu thành một bữa ăn trưa tập thể rất là vui vì thức ăn đầy đủ và “có chất nượng”!
Vì có sự “đi đêm” (chữ nó như vậy, chứ chúng tôi chỉ đi ban ngày thôi đấy nhé!) nên “cả hai bên cùng có lợi”! Thật ra mà nói, chúng tôi chỉ biếu cho hai ông nhân viên ở đây cũng như các bà, các cô khác những quà cáp linh tinh vậy thôi (dù là linh tinh nhưng đa số là hàng “nước ngoài” nên họ cũng quý lắm). Duy chỉ có hai cô, cô Nghi và cô Chiêm, là những nhân viên có “liên hệ” trực tiếp với nhiệm vụ của tôi nên tôi phải “chiếu cố” đặc biệt hơn để bù lại hai cô này cũng “hoàn thành xuất sắc” những “missions impossibles” mà tôi đã nhờ.
Có một lần Bố H. đưa cho tôi mấy cái khăn tắm cỡ
rất lớn với hoa văn thật đẹp và một số xà phòng cục hiệu “Dove” để
biếu cho các cô. Lúc tôi vào phòng của cô Nghi để biếu khăn, xà
phòng và một số quà khác, khi cầm cái khăn tắm lên, cô vội mở bung
nó ra để ngắm, niềm vui lộ hẳn trên nét mặt và cô thích thú reo lên:
- “Ối giời ơi! Cái khăn gì mà to như cái chăn, màu mè đẹp quá và mùi
thơm thật đến là mê tơi!”
Nói xong, cô úp cái khăn vào mặt mình như để thưởng thức cái mùi “mê
tơi” của xà phòng Dove, rồi bất ngờ cô lấy khăn chụp vào đầu tôi và
ôm ghì đầu tôi một lúc như muốn tỏ lòng cám ơn và biểu lộ niềm xúc
động …
Hai cô Nghi và Chiêm. đã giúp chúng tôi một việc rất quan trọng, đó là cách “xử lý” các “thư chui”, gồm có: “Thư chui ra”: (những thư được tôi “ém”, không qua sự kiểm duyệt của trại). Khi tôi giao thư, các cô đóng dấu bưu điện và bỏ vào thùng thư ngay. “Thư chui vào”: (từ gia đình gởi vào cho tù) các cô đã có sẵn danh sách (do tôi cung cấp), lựa ra và giấu trước để giao thẳng cho tôi (chứ không để trong các hộc như các thư bình thường). Dĩ nhiên, tôi cũng “ém” kỹ các thư này để đem về giao thẳng cho người nhận.
Các cô còn nhận gởi dùm điện tín “chui” (các cô
thích làm điều này nhất vì được nhận tiền mặt, và dĩ nhiên tiền “bồi
dưỡng” phụ trội rất là hấp dẫn!).Đôi khi các cô cũng giúp chuyển dùm
thư của “Vatican” gởi đến một nhà thờ nào đó trong vùng …
Với nguyên tắc: “chia để trị”, tôi phải “đi đêm” với từng cô một
trong việc giao nhiệm vụ và cho “bồi dưỡng”. Cô nào cũng tưởng tôi
chỉ “nhờ” một mình cô ấy mà thôi!
Đối với các thùng quà từ nước ngoài gởi vào trại
cho tù, bây giờ các cô không “kiểm tra” gắt gao như trước! Tôi có
một bài học “để đời” và nhớ mãi, vì khoảng vài tháng trước đó (lúc
đó tôi chưa là TTVH), một thân nhân ở Mỹ gởi cho tôi một thùng quà
20 lbs (qua đường từ Pháp chuyển về). Không biết cô nào đã “kiểm
tra” cái kiểu gì mà khi tôi nhận được thùng quà chỉ còn khoảng 10
lbs và phần lớn các gói thức ăn bị mở tung, trộn lẫn với nhau thành
một món … xà bần! Tôi đem chuyện này kể cho hai cô ấy nghe. Nghe
xong, hai cô cười ngặt nghẽo rồi phán:
-“Nếu biết là của anh thì chúng em đã lấy… tất!”
Trong trại, chúng tôi gọi các nữ cán bộ hoặc vợ
của cán bộ bằng “cô”; còn các “cô” xưng là “tôi” và gọi chúng tôi là
“anh”. Còn ở ngoài bưu điện, các cô ở đây cứ “anh anh, em em” với
tôi … suốt! Tôi ghi nhận đây cũng coi như là một sự “đổi đời” khá
thú vị và … rất dễ thương! Một cách trung thực mà nói, các cô ấy dễ
thương thật! Đặc biệt là cô Nghi. và cô Chiêm.
Có mấy lần, cô Nghi. đạp xe đạp vào tận trại Thanh Cẩm để thăm và
mang biếu tôi một ít thức ăn mà cô đã nấu sẵn ở nhà. (Cô Chiêm cũng
vào thăm tôi được một lần). Sau mỗi lần đến thăm (thường là vào ngày
Chủ Nhật) chỉ gặp một tí ở trước cổng trại, trao gói thức ăn, rồi ra
về. Tôi cứ nghe bứt rứt trong lòng khi ghi nhận hình ảnh một người
con gái (một công nhân viên nhà nước Cộng Sản) đến trại tù để “thăm
chui” một anh “Ngụy” với thời gian rất ư là “khẩn trương”! Lần nào
cũng vậy, sau khi các cô ra về, tôi trở vào buồng, ngồi thừ ra một
lúc khá lâu, lim dim tưởng tượng hình ảnh một cô gái đang trườn mình
đạp xe trên đoạn đường gồ ghề 20 cây số, chạy dọc theo dòng sông Mã,
để về nhà ngoài huyện Cẩm Thủy. Tự dưng lòng tôi dậy lên một niềm
xao xuyến và một thoáng thương thương …
- Tét Yon và “văn hóa” Việt Nam:
Trại Thanh Cẩm có mấy người bạn tù gốc Cao Miên,
đó là Thạch Thương, Yên Xương, Tăng Buôn Khiên, Som Sarin và Tét Yon
…Ở đây, tôi muốn kể vài câu chuyện vui liên quan đến Tét Yon, người
bạn tù còn rất trẻ.
Ngày 14 tháng 4 năm 1975 Kmer Đỏ lên nắm chính quyền ở Campuchia thì
có một số người Miên chạy sang Việt Nam để lánh nạn, trong đó có cậu
bé Tét Yon, lúc đó khoảng 12, 13 tuổi. Chắc họ đâu có ngờ, chỉ thời
gian ngắn sau, ngày 30 tháng 4/1975, cả miền Nam Việt Nam cũng bị
rơi vào tay Cộng Sản.
Sau 30 tháng 4/1975, trong hoàn cảnh tứ cố vô
thân và đang ở ké trong một ngôi chùa vùng SàiGòn, một hôm Tét Yon
leo rào trốn ra khỏi chùa để đi chơi lang thang, không ngờ bị công
an Việt Cộng “tó” được. Đem về “làm việc”, phần vì không có ai là
thân nhân, phần vì tiếng Việt chỉ biết bập bẹ có mấy chữ, lý lịch
thì hoàn toàn mù tịt nên Tét Yon bị giữ luôn vì lý do: “thành phần
nước ngoài có ‘vấn đề’, có thể gây nguy hại cho Cách Mạng”. Khoảng
hơn năm sau Tét Yon bị đưa ra trại Thanh Cẩm.
Qua suốt nhiều năm ở chung trại, anh em bạn tù Thanh Cẩm đã thấy và
biết về Tét Yon, một cậu bé ngoan ngoãn, dễ thương, thường hay cười
khanh khách, nụ cười hồn nhiên và rất ngây thơ (ngây thơ thiệt chứ
không phải “ngây thơ vô số tội” như mấy anh, mấy chú khác).
Trong môi trường sống chung với người Việt Nam như vậy, Tét Yon đã
hòa nhập vào đời sống và “văn hóa” Việt Nam. Nhờ các anh, các chú
dạy thêm và nhờ thực tập mỗi ngày nên Tét Yon dần dần hiểu và nói
được tiếng Việt khá thành thạo. Vì biết Tét Yon còn “dzin” nên các
anh, các chú ưa “phá”, ưa dạy “bậy bạ”, nhất là “tập hư” bằng “khẩu
quyết” hoặc “dạy” cho Tét Yon các “từ” đặc biệt của các chuyện tiếu
lâm v.v…
Theo như anh Mười Muôn (Y Công của trại) -một trong những người tù
cuối cùng đóng cổng trại Thanh Cẩm vào năm 1988- cho biết: Tét Yon
được thả ra khoảng năm 1984. Vì thuộc loại “Tam Vô” (vô Gia Đình, vô
Tổ Quốc, vô Tôn Giáo) nên được cho về vùng nông trường Bắc Thái. Với
một tâm hồn bình dị, vui vẻ, chất phát và ngây thơ, xin cầu nguyện
và ước mong Tét Yon được sống một đời sống bình an nơi vùng “quê
hương mới”!
Thay lời kết:
Gần 5 năm gắn liền với trại Thanh Cẩm và dòng sông Mã, giống như tất cả các bạn, tôi đã có biết bao nhiêu khổ đau, nhục nhằn quyện lẫn với những thoáng buồn, vui để cấu thành những kỷ niệm một đời còn nhớ! Tôi không bao giờ quên được dòng sông Mã “phẫn nộ” trong mùa nước lũ, nước dâng cao ngập đến một số “bậc” trồng trọt của đội Rau Xanh trước cổng trại. Sau giờ lao động về, phe ta chỉ mon men tới bờ nước đục ngầu, vục vài bụm nước để rửa mặt và tay chân. Không ai dám tắm vì sợ bị nước cuốn phăng đi! Các mùa khác trong năm, thì sông Mã thật là đẹp và thơ mộng với dòng nước xanh biêng biếc xuôi chảy êm đềm!
Vào mùa nắng ấm, sau giờ lao động trở về, được
phép xuống sông tắm. Tôi ngâm mình và ngụp lặn một hồi nơi vùng nước
trong xanh để nghe mình tươi mát lại và tạm quên đi bao sầu đau đang
vây bủa đời mình!!!
Có một thời gian, trại Thanh Cẩm dấy lên phong trào “văn nghệ, văn
gừng” rất là cao. Phe ta tự đóng đàn guitar để chơi (tập và trình
diễn) nhạc “classic”; tự trình bày các tác phẩm do chính mình sáng
tác (về thơ, về nhạc v.v…) cho các bạn cùng nghe, trong giờ “trà,
lá, lào” tại Buồng, về ban đêm.
Tôi cũng tập đàn “classic” và chạy đôn chạy đáo hỏi các “thầy” chỉ giáo để tập sáng tác nhạc với mục đích chính là để quên đi cái đói cứ cào cấu thường trực ngày đêm Để kỷ niệm năm thứ 8 trong lao tù Cộng Sản, chính tại dòng sông Mã này, qua một thời gian khá dài để thai nghén và sửa đổi nhiều lần, tôi đã hoàn thành một sáng tác đầu tay trong đời: nhạc phẩm “Nhớ Mẹ”!
Nhiều lần tôi đã trình bày bài hát này, đặc biệt vào một đêm Giao Thừa … Trong bối cảnh đầy truyền thống của dân tộc, vì quá xúc động nên tôi hát bài “Nhớ Mẹ” một cách xuất thần, đã làm cho một số anh em ngồi nghe khóc thút thít và tôi cũng sướt mướt khóc theo!
… “Tám năm rồi, con chưa về
thăm mẹ
Chắc mắt mẹ mờ vì khóc thương con?
Đời mẹ khổ, có bao ngày vui?
Lo cho chồng, con suốt cả cuộc đời
Hai vai mõi, gánh hàng trĩu nặng
Ngoài sáu mươi, gánh nặng vẫn quằn vai!” …
… “Chiều nay mưa giăng đầu rú, che khuất đường về
Con gửi hồn về bên mẹ. Giọt nước mắt thương yêu
Giọt nước mắt hận thù. Vì ai, gây cảnh sinh ly?
Con vẫn tù đày nơi xứ lạ. Lòng con lo sợ
Sợ mẹ già như lá vàng, trong gió buốt Đông sang” …
… “Chốn lao tù sao con về thăm mẹ
Chỉ gửi hồn này về với mẹ thôi
Ráng đợi con về. Ráng đợi con về. Mẹ kính yêu ơi. Mẹ ơi!” …
Tôi muốn cám ơn tất cả các bạn, các ông anh và các “Bố” đã giúp tôi, đã dạy tôi từng bước từ khi tôi còn chập chững trong lãnh vực tập sáng tác nhạc. Nhờ mày mò học hỏi thêm nên tôi tích lũy được một số kinh nghiệm. Về sau, tôi sáng tác thêm một số ca khúc trong đó có bài tôi rất ưng ý, bài “Thương Xa” (được sáng tác và hoàn thành khi chuyển vào trại Xuân Lộc, Đồng Nai; gần chân núi Chứa Chan). Tôi sáng tác bài này để gởi hồn mình về với người tôi thương lúc đó, đang ở tận … cuối chân trời!
“Chiều chiều nhìn núi Chứa
Chan. Mây tang buồn chít đỉnh
Hồn sầu dâng mênh mang. Thương gửi về Logan!
Địa danh đó, mới nghe xa lạ. Qua thư em, bỗng thấy thật gần
Bao nhiêu ngày như đã quen thân. Mỗi chiều về, sầu tím bâng khuâng
Người tình, còn cuối chân mây. Bên kia bờ Thái Bình
Nghìn trùng đang chia xa. Hư ảnh nào bên ta?
Người bên đó, ngóng trông từng ngày. Ta bên đây, vẫn kiếp tù đày
Ngưu Lang sầu, Chức Nữ thương đau!
Bao giờ Ô Thước lại nối nhịp cầu?” …
… “Bao giờ cho quê hương thoát vòng tăm tối
Cho dân ta hết cảnh đọa đày. Chim Én về dệt mộng Xuân vui?
Bao giờ cho Mưa Ngâu xuôi về dương thế
Cho Chim Đen nối lại nhịp cầu. Cho chúng mình thật sự gần nhau?”
Tác giả đã vượt biên từ Rạch Giá đến Trại Tị Nạn Thái Lan và qua Mỹ
ngày 25 tháng 8 năm 1987. Hình chụp ở Mammoth Hot Spring,
Yellowstone, tháng 9 năm 1987, vào dịp Lễ Lao Động, 2 tuần sau khi
tới Logan, Utah.
Tôi không muốn tản mạn xa hơn. Tôi muốn trở về với dòng sông Mã! Khi
nói về một dòng sông, tôi liên tưởng tới câu viết rất thâm thúy của
Henri Martin-Lavale: “On ne peut pas se baigner deux fois dans la
même rivière!”
Tạm dịch thoáng là: “Người ta, không ai có thể tắm hai lần trên cùng
một dòng sông!”
Câu này có nghĩa bóng: “Cuộc đời luôn luôn chuyển
dịch và đổi thay. Ngày hôm nay đã khác với ngày hôm qua và cũng sẽ
khác với những gì sẽ xảy ra trong ngày mai …”Ngoài ra, câu này có
thêm một nghĩa bóng ắp đầy triết lý: “Khi ta tắm trên một dòng sông,
dòng nước chảy qua thân xác ta rồi trôi đi. Cho dẫu ta có trở lại,
về tắm ngay tại nơi ta đã tắm ngày xưa, dòng nước cũ sẽ không còn.
Vì nó đã một lần qua ta, nó đã lìa xa ta, đã ra đi mãi mãi và không
bao giờ trở lại …”
***
Sau gần ba mươi bốn năm, tôi trở về bên dòng sông Mã. Xuống ngâm
mình trong dòng nước xanh một thời từng ngụp lặn. Dòng nước vô tình
trườn qua thân thể tôi, nghe sao lạnh tanh, nghe sao hờ hững!
Dòng nước không đoái hoài gì đến người cũ đang trở về, cứ tiếp tục
lạnh lùng, biền biệt trôi đi …
Tôi đứng đó.
Mỏi mắt nhìn theo.
Với biết bao kỷ niệm.
Đang dậy sóng trong lòng …
Phan Công Tôn
471 của tôi, Đại đội C của tôi
Phương Nam : Ánh sao nơi cuối Trời
Chiến Đoàn A TQLC và trận Đức Cơ
Danh sách cha con, anh em ruột cùng phục vụ trong binh chủng TQLCVN
Đặc khu Rừng Sát… và những ngày sau cùng
ĐĐ4/TĐ2/TQLC Tiêu diệt CX thuộc TĐ Tăng 202
Dấu chân người lính Pháo Thủ MX
Một thời để yêu, một thời để nhớ
Người lính Mũ Xanh và Bé dấu yêu Trưng Vương
Trung Đội 2/TĐ7 & những ngày cuối cùng
471 của tôi, Đại đội Viễn Thám C của tôi
Pháo Đội A/TQLC Chiến Trận Hè 1972
Tàn bạo, lừa bịp , khoác lác là bản chất CSVN
Tiểu Đoàn 2 và những biến cố chính trị
Tiểu Đoàn 3, cuộc hành quân Toàn Thắng 1969
Trại Thanh Cầm và dòng sông Mã
Trung Đội 2, Đại Đội 2, Tiểu Đoàn 7/TQLC