40 năm, một thời chinh chiến - Khoá 4/71 SQTB Thủ Đức “An Lộc” và binh chủng Thủy Quân Lục Chiến

MX Phan Văn Đuông, TĐ5 Hắc Long

Khóa 4/71 SVSQ/TBTĐ chính thức khai giảng ngày 7/2/1972 quy tụ 1517 TKS, sau 10 tuần thụ huấn căn bản QS tại TTHL Quang Trung và nhập Trường Bộ Binh Thủ Đức ngày 1/2/1972.

Ngay từ đầu, khóa 4/71 đã có nhiều điều kém may mắn so với hầu hết các khóa SQTB khác. Điển hình nhất là ở cả Quang Trung lẫn Thủ Đức, khóa 4/71 không hề có phép cuối tuần. Ngay cả phép 48 tiếng sau lễ gắn Alpha cũng bị rút xuống còn 36 tiếng (khóa sinh đang đi phép ở Sàigòn thì nghe lệnh đọc trên đài truyền thanh, truyền hình phải tập trung trở về trường gấp vì tình hình khẩn trương!) Thời gian khóa 4/71 có mặt ở Sàigòn lâu nhất là 15 ngày ứng chiến tại Sài Gòn.

Tình hình lúc bấy giờ rất là sôi động ở các mặt trận An Lộc, Ban Mê Thuột, KomTum và nhất là Quảng Trị. Các đơn vị đều bị khiếm khuyết lớn đang cần bổ sung, và 1517 tân Sĩ quan của khóa 4/71 là một đáp ứng kịp thời cho nhu cầu thiếu hụt sĩ quan đó.

Lễ mãn khóa 4/71 SQTB được tổ chức vào ngày 29/7/1972 và được đặt tên là khóa An Lộc. Ngay sau lễ mãn khóa, các tân SQ vừa chia tay gia đình và bạn bè xong là được từng đoàn xe GMC của các đơn vị nối đuôi đến tiếp đón đưa về thẳng đơn vị chứ không có phép mãn khóa.

100 tân sĩ quan khóa 4/71 tình nguyện về binh chủng TQLC được tiếp nhận và đưa về Trung Tâm Huấn Luyện Rừng Cấm để được huấn luyện căn bản TQLC về kỹ thuật leo lưới, đổ bộ. Ngay sau đó toàn bộ 100 anh em chúng tôi lên đường ngay ra chiến trường bổ sung cho các đơn vị đang chiến đấu tại Quảng Trị, với lời hứa “sẽ được đi phép mãn khoá sau, khi tình hình cho phép”.
*
Nếu tính đến ngày cuối cùng 30/4/1975 thì khóa 4/71 là khóa có số sĩ quan về binh chủng TQLC đông nhất từ ngày thành lập Sư Đoàn, được chia đều cho các Tiểu đoàn và các Đại đội Viễn Thám, trung bình 10 người cho mỗi TĐ, đông nhất là TĐ3 Sói Biển được 16 người, và Viễn Thám nhận 14 người (dù chưa qua khóa Viễn Thám ngày nào).

Số anh em chúng tôi về TĐ 5 Hắc Long có 10 người được đưa ra trình diện Tiểu Đoàn Trưởng Trung tá Hồ Quang Lịch ngay tại ngã ba Long Hưng (đường vào thị xã Quảng Trị). Thủ tục trình diện chưa xong, 10 anh Chuẩn Úy mới còn đang ngơ ngác, chưa nhìn rõ TĐT vì ông chỉ mặc quần đùi và áo thun màu kaki, không thấy cấp bậc (vì đang là mùa hè) thì đạn đại bác 130 ly của VC ồ ạt pháo xuống địa điểm BCH/TĐ. Tiểu Đoàn Trưởng ra lệnh vào hầm trú ẩn, cả bọn chạy theo. Sau đợt pháo kích khi ntình hình yên lặng, anh em chúng tôi được chia về các Đại Đội (tôi còn nhớ ĐĐ3 cần 4 người, còn lại chia đều cho các ĐĐ 1,2 và 4).

Với tình hình cuộc chiến hết sức sôi động lúc đó, các Tiểu Đoàn thay phiên quần thảo với địch ngày đêm, ngay trong những ngày đầu về đơn vị, khi chưa kịp quen với gạo sấy, thịt hộp nơi hành quân thì một số anh em đã hy sinh.

Như Nguyễn Văn Bình, Tô Ngọc Khánh (ĐĐ3/TĐ5) hy sinh cùng lúc tại ngã ba Long Hưng; như Quách Cao Khiêm (TĐ1), Nguyễn Quang Thu (TĐ2), Đỗ Hữu Đôn, Nguyễn Văn Phương, Phan Thanh Xuyên, Nguyễn Văn Hiếu (TĐ3); Đức (TĐ4) không nhớ họ tên; Thượng Văn Bảnh (được anh em đặt cho biệt danh Thượng sĩ Bảnh), Trần Ngọc Dân (TĐ8 ); Phạm Gia Tuấn, Nguyễn Văn Bảo, Nguyễn Văn Niên, Ngô Quốc Cường (TĐ9) Vĩnh Lộc, Lê Văn Nuôi (Viễn Thám).
Sau khi đơn vị tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị ngày 16/9/1972, rồi Cửa Việt ngày 27/1/1973, tưởng rằng hoà bình đã đến nhưng cuộc chiến vẫn tiếp tục và trong hoàn cảnh ngặt nghèo hơn (không được yểm trợ hỏa lực của KQ và PB) nên một số sĩ quan khóa 4/71 là Trung đội trưởng tiếp tục hy sinh vào đầu năm 1973 như Lê Minh Châu (TĐ4) tại Cửa Việt, Nguyễn Hoàng (TĐ5) tại Gia Đẳng.
Tiếp theo đó, Nguyễn Thái Bạch (TĐ8) hy sinh tại mặt trận Phong Điền, Thừa Thiên (tháng 8/1974).

Vào những ngày tháng nghiệt ngã cuối cùng của đơn vị, một số SQ khóa 4/71 khác lại ngã xuống cho màu áo như Phùng Minh Mẫn (TĐ7) tại Thuận An, ngày 24/3/1975 và ngay tại cửa ngõ Sài Gòn, Lê Văn Hoà (TĐ16) hy sinh ngày 28/4/1975 tại Long Bình, Sài Gòn. Một số bị thương giải ngũ như Trần Trọng Hồng, TĐ2 cụt hai chân, Nguyễn Văn Sinh, Nguyễn Đức Phùng và còn rất nhiều anh em bị thương và tử trận sau ngày ngưng chiến nhưng chúng tôi không nhớ được hết.

Trong số các SQ khóa 4/71 về SĐTQLC có thể nói Nguyễn Hoàng (TĐ5) ra đi trong hoàn cảnh cay đắng nhất. Anh chết chỉ 2 ngày trước khi nhận phép đặc biệt về Sài Gòn cưới vợ (trước đó anh đã nhận thư từ của anh em bạn bè trong đơn vị đem về Sài Gòn gửi hộ). Hay như Nguyễn Thái Bạch (TĐ8) hy sinh tại đồi 21 Phong Điền, trước khi huy chương và lon đặc cách Trung Úy tại mặt trận đến sau (Bạch là người thăng cấp sớm nhất khoá 4/71).

Khi bị CSBV bắt làm tù binh và tập trung cải tạo, Lê Đình Lời (TĐ3) chết vì cuốc đất và gỡ mìn tại trại tù Cồn Tiên, Ái Tử, nơi mìn và lựu đạn được gài trước đó còn lại rất nhiều. Mỗi ngày người tù bị giao cho 25m² đất để cuốc và …. gỡ mìn, anh em chúng tôi đùa với nhau “sống sót qua cơn đó không chết là chuyện phi thường”. Chuyện này còn căng thẳng hơn cả lúc còn đánh nhau ở Cổ Thành. “Quận trưởng Triệu Phong” Lê Đình Lời suốt mùa chiến tranh không sứt mẻ vì đạn VC nhưng chết vì mìn khi cuốc đất ở Cồn Tiên! (biệt danh do anh em đăt cho Lời vì anh được lệnh dẫn trung đội chiếm quận đường Triệu Phong trước giờ ngưng bắn, anh đã hoàn thành nhiệm vụ trước 8 giờ sáng ngày 27/1/1973 dẫn quân vào quận đường đầy xác VC mà không một bóng người. Từ đó Lời có tên là “Quận Trưởng Triệu Phong”). Một cái chết đau thương khác là Mai Xuân Cương (TĐ5) khi lao động đã bị sập hầm đất đè đến gãy xương sống, mùa thu 1978 chết trong trại tù “Bù Gia Phúc” vì chấn thương này.

Một trường hợp may mắn không chết nhưng không kém khốn khó là Phạm Gia Thuỵ (VT) bị thương nhẹ nơi mắt tại cửa biển Thuận An. Sau khi bị bắt làm tù binh, vì nhiễm trùng, mắt bị thương làm độc. Anh “được” (?) mổ mắt không thuốc tê, chẳng thuốc mê, thiếu dụng cụ y khoa, y công VC dùng chiếc thìa không khử trùng múc bỏ con mắt làm độc nhưng may mắn không chết, chỉ bỏ 1 con ngươi lại nơi núi rừng.

Danh sách các SQ khóa 4/71 An Lộc tình nguyện phục vụ tại SĐTQLC:
Tiểu Đoàn 1 Quái Điểu
Vũ Kim Long
Trần Ngọc Tráng
Trần Thiện,
Trần Văn Phá,
Ngô Văn Phát
Lâm Văn Diệp
Nguyễn Minh Chiến
Nguyễn Phú Châu
* Quách Cao Khiêm (tử trận, Quảng Trị, 1972)
Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên
Bùi Quang Đức
Bùi Văn Bé
Nguyễn Hữu Hạnh,
Mai Ngọc Huyện
Bùi Công Bình,
Ngô Đình Hương,
Hồ ngọc Hiếu
Phạm Bá Long
Nguyễn Trọng Sơn
Nguyễn Đình Long (tù binh VC, Cửa Việt, Quảng Trị, 1972)
* Nguyễn Quang Thu (tử trận, Quảng Trị, 1972)
* Lê Văn Đắc (tử trận, Hải Lăng, Quảng Trị, 1972)
Tiểu Đoàn 3 Sói Biển
Nguyễn Ngọc Tốt
Trần Trung Ngôn
Đinh Tấn Lộc
Lê Văn Lực,
Phan Thái Lựu
Lê Quang Đức
Nguyễn Ngọc Lập
Nguyễn Nhật Thuần,
Nguyễn Huy Sang
Nguyễn Hữu Tú (giải ngũ, 1973)
* Phan Thanh Xuyên (tử trận, Quảng Trị, 1972)
* Nguyễn Văn Hiếu Tử (tử trận, Quảng Trị, 1972)
* Đỗ Hữu Đôn (tử trận Quảng Trị, 28/8/1972)
* Nguyễn Văn Phương (tử trận, Chợ Sải, Quảng Trị,11/1972)
* Lê Đình Lời (chết tại trại tù Bình Điền, 1979)
* Châu Quốc Bình (chết, Việt Nam, 2007)
Tiểu Đoàn 4 Kình Ngư
Phạm Minh Tâm
Trần Hiền
Nguyễn Văn Lâm
Huỳnh Quang Minh
Võ Phước Tiêm
Dương Hồng Phong
Nguyễn Đức Giang
Nguyễn Minh Xuân
* Lê Minh Châu (tử trận, Cửa Việt, Quảng Trị, 1972)
* Đức (không nhớ họ và chữ lót) (tử trận, Quảng Trị, 1972)
Tiểu Đoàn 5 Hắc Long
Phan Văn Đuông
Trần Văn Khỏe
Khúc Chánh Thời
Trần Trọng Hồng thương binh cụt 2 chân, Việt Nam
* Nguyễn Hoàng (tử trận, Quảng Trị)
* Nguyễn Văn Bình (tử trận, Quảng Trị)
* Tô Ngọc Khánh (tử trận, Quảng Trị, 1972)
* Mai Xuân Cương (chết trong trại tù VC, 1978)
Tiểu Đoàn 6 Thần Ưng
Nguyễn Miển
Lữ Đình Chậm
Nguyễn Tấn Cương
Võ Em
Nguyễn Đức Phùng giải ngũ, 9/1972
Nguyễn Văn Sinh giải ngũ, 1972
Tiểu Đoàn 7 Hùm Xám
Nguyễn Minh Cương
Nguyễn Văn Thanh
Nguyễn Mạnh Hùng
Huỳnh Hoa Cương
Nguyễn Văn Thành
Nguyễn Hữu Kiểm (thương binh, Việt Nam)
* Phùng Minh Mẫn (tử trận, Quảng Trị, 2/1975)
* Nguyễn Vĩnh Cường (tử trận, Thuận An, 3/1975)
* Lê Văn Hòa (tử trận, Long Thành, Biên Hòa với TĐ16 , 28/4/1975)
Tiểu Đoàn 8 Ó Biển
Nguyễn Văn Nên
Bùi Văn Tần
Bùi Thanh Liêm
* Trần Ngọc Dân (tử trận, Quảng Trị, 1972)
* Thượng Văn Bảnh (tử trận, Quảng Trị, 1972)
* Nguyễn Thái Bạch (tử trận, Phong Điền, Thừa Thiên, 1974)
Tiểu Đoàn 9 Mãnh Hổ
Lê Văn Canh
Trần Văn Ngân
Bùi Quang Thịnh
Trần Văn Cường
Hồ Khen
Trương Phước Dĩnh
* Ngô Quốc Cương (tử trận, Quảng Trị, 1972)
* Nguyễn Văn Bảo (tử trận, Quảng Trị, lúc đang trình diện TĐT, 8/1972)
* Nguyễn Văn Niên (tử trận, Quảng Trị, 8/1972)
* Phạm Gia Tuấn (tử trận, Quảng Trị, 10/1972)
* Huỳnh Hữu Lộc (chết khi vượt biên)
Tiểu Đoàn Tổng Dành Dinh-Viễn Thám
Phạm Gia Thụy
Mai Mạnh Thước
Lê Văn Thảo
Nguyễn Minh Châu
Nguyễn Quang Toản
Nguyễn Minh Hiền
Nguyễn Công Chiếm
Lê văn Quý
Nguyễn Viết Trọng
Ngô Đình Hiệp
Phạm Ngọc Sơn
* Lê Văn Nuôi (tử trận, Quảng Trị, 1972)
* Vĩnh Lộc (tử trận, Quảng Trị, 1972)
* Nguyễn Xuân Dương (tử trận, Thuận An, 3/1975)
*
Khóa 4/71 ngoài binh chủng TQLC, phục vụ các đơn vị bạn cũng làm rạng danh cho khóa như :
-Phạm Lê Phong (ND) thủ khoa khóa 4/71 An Lộc, hy sinh tại Quảng Trị và tên anh được đặt cho khóa 1/72 SQTB là khóa Phạm Lê Phong.
-Dương Tùng Lâm (CSDC) cuối cùng cấp bậc Thiếu Tá (cũng là cấp bậc cao nhất khóa trước năm 1975), hiện cư ngụ tại Washington DC.
-Pham Khánh Hoài (TG) cũng là trường hợp khó tìm thấy trong QLVNCH, năm 1974 trên chiến trường Pleiku anh được ân thưởng Đệ ngũ đẳng Bảo Quốc Huân Chương và danh hiệu Chiến sĩ xuất sắc, tham dự Ngày Quân Lực 19/6/1974. Hiện cư ngụ tại Atlanta, GA.
*
Có thể nói những SQ khóa 4/71 hy sinh trong những ngày mùa hè đỏ lửa tại Quảng Trị là những người thiệt thòi nhất. Chưa được đi phép mãn khóa và có những người vĩnh viễn ra đi mà chưa mặc được bộ quân phục “rằn ri”, chưa được đội chiếc mũ xanh của binh chủng họ hằng yêu thích. Lý do vì thật sự họ chưa có được một ngày phép (dù chỉ vỏn vẹn 24 tiếng ở Huế), chưa có một ngày lương để mua chiếc beret xanh và bộ quân phục màu sóng biển (ngày đầu về đơn vị chỉ được cấp quân phục ngụy trang màu hoa rừng của BĐQ).

Nổi trôi theo vận nước, anh em khóa 4/71 bị bắt làm tù binh hoặc bị lùa đi tập trung cải tạo nhưng vẫn sống hiên ngang, không khuất phục, vẫn cố gắng đoàn kết che chở cho nhau trong những hoàn cảnh khó khăn nhất ở các trại tù CS. Khóa 4/71 có Trần Văn Khoẻ vượt trại tù CS ở Phước Long, vượt biển đến trại tỵ nạn Pulau Bidong, Phan Văn Đuông vượt trại ở Ái Tử, Bình Điền, về Sài Gòn lang thang một thời gian rồi vượt biển đến trại tỵ nạn Pulau Galang. Một số khác vượt trại nhưng không vượt biên, vượt biển được đành ở lại Việt Nam rồi sau đó lại không thể đi tỵ nạn chính trị qua chương trình H0 (xin dấu tên), vì không có giấy ra trại tù!

Sau 40 năm nhìn lại, số SQ khóa 4/71 An Lộc chúng tôi về TQLC nay sống tản mác khắp nơi trên thế giới, Mỹ, Canada, Úc, Đức và một số còn ở lại VN, đều hiểu rằng khi tình nguyện về binh chủng TQLC là chấp nhận hy sinh (vì chiến sự đang lúc có những trận đánh khốc liệt nhất), chấp nhận thiệt thòi (vì binh chủng đất hẹp người đông) nhưng anh em vẫn hãnh diện đã một thời được phục vụ trong Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến. Tình đoàn kết gắn bó, thân thiện của anh em trong đơn vị vẫn như ngày nào khi nhập khóa rồi mãn khóa.

Một bằng chứng thực tế là cho đến hôm nay, mỗi lần tổ chức đại hội khóa 4/71 SQTB anh em khắp nơi trên thế giới về rất đông đủ, có người đầy bệnh tật, có kẻ đau yếu vì tuổi già, vì thương tật cũ thời chiến để lại nhưng vẫn cố gắng về tham dự. Có người đến với đại hội phải bán chiếc xe cũ vừa đủ tiền mua vé phi cơ, có anh phải dùng xe lăn nạng gỗ đến họp mặt chia sẻ những niềm vui nơi quê người và những nỗi buồn nơi quê nhà, nơi còn nhiều thương phế binh sống cuộc đời sương gió, cơ cực –trong đó có cả anh em 4/71 TQLC!

Với trí nhớ kém cỏi cùn mằn của tuổi “mới già”, xin ghi lại những điều vụn vặt còn nhớ và xin được mượn câu “Một ngày TQLC, một đời TQLC” để nhớ đến tất cả những anh em TQLC khóa 4/71 đã hy sinh và còn sống, dù ở quê nhà hay nơi quê người.

MX Phan Văn Đuông
TĐ5 Hắc Long


 

 


MỤC LỤC

Lá thư Sóng Thần

ĐH TQLC tại Dallas

Sinh hoạt hội Houston

Sinh hoạt hội Iowa

Sinh hoạt hội Nam Cali

Sinh hoạt Úc Châu

Sinh hoạt hội Washington

40 năm - Một thời chinh chiến

471 của tôi, Đại đội C của tôi

Phương Nam : Ánh sao nơi cuối Trời

Chiến Đoàn A TQLC và trận Đức Cơ

Dây biểu chương

Bạn già

Danh sách cha con, anh em ruột cùng phục vụ trong binh chủng TQLCVN

Chiến thắng đầu Xuân

Chuyện lá cờ

Chuyện những người thích nổi

Đặc khu Rừng Sát… và những ngày sau cùng

ĐĐ4/TĐ2/TQLC Tiêu diệt CX thuộc TĐ Tăng 202

Đám cưới nhà binh

Dấu chân người lính Pháo Thủ MX

Định mệnh

Đón xuân này, nhớ xuân xưa

Dòng sông tuổi nhỏ

Hai lần khoác áo TQLC

Hành trình tìm tự do

Huyền thoại chiền sĩ Mũ Xanh

Ký ức người pháo thủ Lôi Hỏa

Lao tù và vượt ngục

Một thời để yêu, một thời để nhớ

Người lính Mũ Xanh và Bé dấu yêu Trưng Vương

Tháng Tư aa trường

Người linh tiền phong

Người bạn thủy chung

Nhật ký hành quân Trung Đội

Nhảy vào Triệu Phong

Trung Đội 2/TĐ7 & những ngày cuối cùng

471 của tôi, Đại đội Viễn Thám C của tôi

Pháo Đội A/TQLC Chiến Trận Hè 1972

Quận Trưởng Triệu Phong

Tàn bạo, lừa bịp , khoác lác là bản chất CSVN

Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh

Tiểu Đoàn 2 Pháo Binh

Tiểu Đoàn 2 và những biến cố chính trị

Thăm quê

Tiểu Đoàn 3, cuộc hành quân Toàn Thắng 1969

Trại Thanh Cầm và dòng sông  Mã

Trốn vượt biên

Trung Đội 2, Đại Đội 2, Tiểu Đoàn 7/TQLC

Trước Sau Như Một!

Vui buồn đời lính