Ký Ức Người Pháo Thủ Lôi Hỏa B

 Bình Dương 328.

Rạng sáng ngày 25/3/1975, lúc đó Pháo Đội B/TQLC đang ở bờ Bắc của Phá Tam Giang. Vì không còn tàu, phà đón đơn vị qua cửa biển, do đó Phúc Yên ra lệnh phá hủy đại bác, và các phương tiện cơ giới GMC và jeep.

Thật đáng tiếc cho một pháo đội còn nguyên vẹn của SDTQLC với 100% tinh thần quyết chiến của Thủy Thần Mũ Xanh. Ngoài vũ khí đại bác, cho đến vũ khí cá nhân, còn có một đội chiến binh anh dũng, kiên cường chiến đấu từ bao nhiêu chiến trận với sự chỉ huy gan dạ, sáng suốt của toàn bộ sĩ quan Pháo Đội B.

Đài tác xạ với các nhiệm vụ yếu tố nhanh chóng, chính xác của Thái Sơn, Đắc Lập. Đôi lúc có sự phụ giúp của Tri Thường và Hoàng Phúc khi Pháo đội phải yểm trợ nhiều mục tiêu. Các hạ sĩ quan và binh sĩ có nhiều kinh nghiệm như HS1 Đang/Khẩu đội 1, HS1 Hạnh/Khẩu 4, HS1 Ngân/Khẩu 6…., các xạ thủ, nhân viên nạp đạn nhanh như vũ bão như Phạm Khắc Cước, Nguyễn Văn Long (hiền quá, nên anh em gọi là Long “đất”). Ban truyền tin lúc nào cũng nhanh, gọn, giữ liên lạc vô tuyến trên hệ thống chỉ huy, tác xạ yểm trợ và điện thoại từ đài tác xạ ra các khẩu đội rõ ràng, chính xác. Ban quân xa bảo trì để luôn luôn sẵn sàng vận chuyển vũ khí, đạn dược, quân dụng khi có lệnh. SQ liên lạc Nguyễn Ngọc Ninh, các SQ Tiền sát viên: Trần Bá Niên, Lương Văn Phúc, Nguyễn Kim Sơn, Nguyễn Mạnh Hùng luôn luôn bình tĩnh, dũng cảm thi hành nhiệm vụ khi theo các đoàn quân bách chiến TQLC trên các chiến trường.

Vậy mà giờ đây, trong lúc chiến trận đang ở thời kỳ “dầu sôi lửa bỏng”- Súng là vợ, đạn là con- Ôi 6 cây súng đại bác M1A1- Ngày nào cũng thông nòng, lau chùi, rờ rẫm, rà từng đường khương tuyến, chùi đầu cơ bẩm kim hỏa, xem lại dây dựt cò…sau mỗi lần tác xạ, ngay cả khi không có tác xạ yểm trợ vẫn phải “chăm sóc mỗi ngày”. Đành đoạn, đứt ruột, sôi gan khi bắt buộc phải phá hủy tất cả, phải chia tay. Mỗi đại bác “ăn” một lựu đạn lân tinh, bỏ vào đầu nòng cho rơi xuống khối cơ bẩm đã đóng, sức nóng của lựu đạn đốt cháy và làm cho khối cơ bẩm không có cách nào có thể kéo ra được nữa: đại bác bất khiển dụng 100%. Tất cả GMC kéo pháo, xe jeep liên lạc hành quân được phá hủy để không rơi vào tay giặc cộng, những vật liệu và quân dụng nặng đều chung số phận. Toàn bộ quân nhân Pháo Đội B trở thành đội quân tác chiến, tư thế sẵn sàng.

Ôi! Từ ngày ra trường, xin phục vụ Binh Chủng TQLC, với bao vinh quang, danh dự. Sau bao nhiêu năm tháng trong chiến trận, trên khắp 4 vùng chiến thuật và ngoại biên, thật oai hùng và dũng mãnh. Các chiến trường nghe rất êm tai, địa danh rất đẹp nhưng toàn là máu, lửa ngút ngàn: Ngô Xá Đông, Ngô Xá Tây, Bích La Đông, Triệu Phong, Hải Lăng, Mỹ Thủy, Hội Yến, Cửa Việt, Điền Môn, Tri Bưu, Đại Lộc, La Vang, Tích Tường….và ….Than ôi! Thần Kim Quy ngày nay phải tự bỏ cung tên, rồi thuê mướn ghe chài lần lượt đưa toàn bộ chiến sĩ pháo đội qua Phá Tam Giang.

Dù chỉ vài ngày trên hương lộ 555 (từ 16/3/75 đến 24/3/75), PĐB cũng là đơn vị lẻ loi sau cùng với TĐ7TQLC, có thêm 1 TĐ Địa Phương Quân và đơn vị thiết giáp lập thành Lực Lượng Tango, trì hoãn chiến, ngăn sức tiến công của đại quân địch. Lực lượng này do Thiếu Tá Phạm Cang TĐT/TĐ7TQLC chỉ huy, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mặc dù có nhiều chật vật về phương tiện, lệnh lạc thay đổi theo biến chuyển tình hình của cả vùng lãnh thổ Bắc Hải Vân. Tại sao phải phá súng, đốt xe kéo pháo? Những vũ khí, quân dụng rất cần thiết trong chiến trận! Phải phá hủy tất cả! Đau lòng thật! Nhưng phải nói là đáng ngẩng mặt anh hùng cho đến tận ngày nay, hỡi các chiến sĩ thuộc LL Tango đã đoạn chiến trên dãy phố buồn thiu.

Phúc Yên nhận lệnh từ Cam Ranh, chỉ nghe qua tiếng nói của Phúc Yên cũng đoán được tình hình nghiêm trọng : “Bích Chiêu (danh hiệu liên lạc truyền tin của PĐB) nghe rõ Đại Bàng và thi hành. Khi nào gia đình Đại Bàng đến gần Bích Chiêu, chúng tôi sẽ bắt đầu!”
PĐT họp nhanh với các SQ/PĐB. Vắn tắt anh nói:

_“Sẵn sàng mỗi khẩu đội một lựu đạn lân tinh, khi có lệnh, các đại bác đóng khối cơ bẩm, góc thăng bằng vừa tầm cao, rút chốt lựu đạn, bỏ vào đầu nòng cho lựu đạn rơi chạm khối cơ bẩm và đốt cháy bên trong. Các tài xế bắn phá hủy đầu máy xe, kiểm soát lại để chắc chắn xe không thể nào xử dụng được nữa. Quân dụng nặng, kể cả kính nhắm đại bác vứt xuống nước, càng xa, càng sâu càng tốt. Thứ tự di chuyển bằng ghe chài là Trung Đội 3, 2, 1, sau cùng là ban chỉ huy pháo đội. Qua bên kia bờ, các SQ cho canh gác cẩn thận, chờ lệnh từ TĐT/TĐ7”.

Vì thuyền chài loại nhỏ, pháo đội phải di chuyển nhiều lần. Phúc Yên căn dặn tất cả SQ khi đã đưa trung đội của mình đến bờ Nam, đích thân trung đội trưởng và nhân viên truyền tin phải trở lại bờ Bắc để đón chuyến kế tiếp. Đến đợt thứ ba, BCH pháo đội và Phúc Yên lên thuyền, tôi là PĐ phó phải đoạn hậu cùng với khoảng 10 anh em HSQ, BS. Tôi thầm nghĩ: “Chưa chắc mình đã qua được bờ phía Nam. Có thể Phúc Yên bỏ mình rồi.”. Nhưng tôi đã nhầm to, chính Phúc Yên và 2 đệ tử thân tín của anh đã quay lại bờ Bắc để đón hết chúng tôi.

Lên bờ Nam, quân số đầy đủ, vũ khí cá nhân trong tình trạng chiến đấu, tinh thần từ SQ đến binh sĩ vững vàng, dù rằng lòng ai cũng man mác buồn với tất cả những gì đã phá hủy và bỏ lại bên bờ kia của Phá Tam Giang.

Tập họp kiểm tra xong, Phúc Yên giao tôi lo việc tạm phòng thủ, anh xuống thuyền cùng Phương (mang máy truyền tin PRC-25), Tài (cận vệ), thày trò anh ngược hướng Bắc, rồi thẳng xuống hướng Tây Nam. Chúng tôi thắc mắc, không biết thày trò Phúc Yên làm gì vậy? Lúc trở lại gặp chúng tôi, thì ra Phúc Yên đi đón anh em tiền trạm và hậu trạm TĐ1PB do Trung úy Phan Đông chỉ huy, đang bị kẹt giữa dòng người (quân nhân và dân chúng) từ Huế dồn về Thuận An.

Từ căn cứ Trần Ba (cố Thiếu Tá TĐ Phó/TĐ 8 Ó Biển), bờ Nam của phá Tam Giang, các pháo thủ PĐB và toán tiền trạm, hậu trạm của Phan Đông đã trở thành những chiến binh tác chiến TQLC, bắt đầu di hành chiến thuật về Thuận An cách đó 2 ki-lô-mét.

Những hình ảnh đó như vẫn còn in trong đầu, chúng tôi di chuyển như những chiến sĩ thiện chiến của SĐTQLC tiến về phương Nam. Theo sau là hàng ngàn, hàng ngàn người dân xứ Huế, xứ Quảng Trị trong lúc hoảng loạn đã bỏ tất cả để chạy theo đoàn quân TQLC mong tìm sự bảo bọc và an toàn cho gia đình, con cái của họ thoát khỏi bàn tay độc ác của bọn CS Bắc Việt đang tràn tới làng mạc thân yêu.

Như những chỉ huy quân sự khác, Phúc Yên ra lệnh cho đoàn dân theo sau, nhưng giữ khoảng cách an toàn, vì cũng có cả khối Việt Cộng nằm vùng trà trộn trong dòng người dân đó.

Tại bến phà Thuận An, lúc ban đầu cứ ngỡ rằng: “Pháo đội sẽ qua phà về Huế, nhận vũ khí và kéo về Đà Nẵng bằng đường bộ, tiếp tục hành quân chung với SĐTQLC”. Đâu ngờ : “Huế đã bỏ ngỏ từ ngày 23/3/1975”.

Sau một buổi dừng quân bố trí trong các làng ven biển. Chiều 25/3/75 pháo đội nhận lệnh di chuyển ra lại sát bờ biển Thuận An, nhập chung với các tiểu đoàn trực thuộc LĐ147 TQLC chuẩn bị lên tàu về Đà Nẵng. PĐB kể từ lúc đó đặt dưới quyền chỉ huy của TĐ2PB/TQLC.

Ánh nắng sắp tắt, báo hiệu chiều tối đang đến, trận chiến đã xảy ra, ác liệt và nhiều mất mát. Việt Cộng từ các hàng dương ven bờ bắn ra, từ bờ biển, TĐ4 được lệnh phản công chiếm mục tiêu. TĐ Phó/TĐ4 và 1 ĐĐT của TĐ4 hy sinh cùng với 1 số quân nhân. Việt Cộng im tiếng súng. LĐ ra lệnh bố trí phòng thủ đêm, chờ tàu đón. Dù ai cũng nhìn thấy tàu Hải Quân đang ngoài khơi, nhưng tàu không tiến sát vào bờ, lý do gì, chúng tôi không biết. Màn đêm xuống dần. Một đêm căng thẳng trong đợi chờ phương tiện.

Khi nhận lệnh phòng thủ, Phúc Yên họp nhanh các SQ trong Pháo Đội B. Anh yêu cầu di chuyển pháo đội ngược lên phía Bắc, trong lúc các đơn vị khác rải quân hướng về phía Nam. Có ý kiến thắc mắc. Phúc Yên nói: “Phía Bắc, đóng trên chúng ta, còn TĐ7, chỉ thi hành, vì lệnh của TĐT/TĐ2PB giao cho PĐB làm tiền đồn”.

Dù trong lòng các SQ chúng tôi ấm ức, nhưng lệnh phải triệt để tuân theo. Pháo đội lập phòng tuyến đúng như chỉ định. Câu hỏi trong đầu chúng tôi: “tại sao Pháo Đội B tăng phái phải làm tiền đồn? Các Pháo đội Đ, E và F cơ hữu của TĐ2PB sao không làm nhiệm vụ đó?!”

PĐT nói với chúng tôi: “yên tâm, anh có kế hoạch”, vì anh đã liên lạc với Cam Ranh, và TĐT/TĐ7 cho phép anh “tùy nghi”. Anh cũng đã liên lạc được với Thiếu Tá Trương Công Thuận, TĐ Phó TĐ1PB. Ông đang trong TTHQ/LĐ468 tại đỉnh đèo Hải Vân. Thiếu Tá Thuận đã trình Đại Tá LĐ468/TQLC. Thêm nữa, Phúc Yên đã liên lạc được với Thiếu Tá Nguyễn Trọng Đạt, SQLLPB bên cạnh BTL nhẹ của SĐTQLC (tức là bên cạnh Đại tá Nguyễn Thành Trí, TL phó SĐ).

Tôi còn nhớ không biết từ đâu mà Phúc Yên có một đèn bấm rất đặc biệt. Tôi không biết đèn này tên gọi là gì ? Khi anh bấm lên, đèn phát ra những spot light rất sáng với ánh sáng chớp, tắt, rồi chớp, tắt liên hồi. Khoảng 3 giờ sáng 26/3/1975 tàu đã nhận ra và cũng không hiểu tại sao Phúc Yên có thể liên lạc được với tàu qua hệ thống truyền tin? Tàu nhận ra điểm đứng và tiến vào bờ. Chỉ có 1 tàu duy nhất, đó là loại LCM của Quân Vận (lúc đó mới biết không phải tàu Hải Quân). Pháo đội nhanh chóng xuống tàu, trong lúc Phúc Yên liên lạc gọi Thiếu tá Phan Minh Hùng, TĐ Phó TĐ2PB/TQLC đem con cái phải nhanh chóng theo chân, vì sự thỏa thuận giữa Phúc Yên với vị chỉ huy tàu về thời gian xuống tàu rất ngắn. BCH nhẹ của Thiếu Tá Hùng, chừng ½ quân số các Pháo đội D, E và F xuống được tàu. Phúc Yên và tôi lên chuyến sau cùng, cũng là lúc tàu đóng bửng, lùi xa bờ và ra khơi. Lênh đênh mãi cho đến khoảng 7 giờ sáng, tàu Quân Vận chở chúng tôi, cập hông tàu Hải quân (Hải pháo hạm do Hải quân Thiếu Tá Hồ Văn Kỳ Hinh chỉ huy). Chúng tôi leo lưới lên tàu. Tàu này chưa di chuyển xuôi Nam về Đà Nẵng. Cứ chạy lui, chạy tới ngoài khơi, như chờ lệnh. Từ xa xa, nghe tiếng súng nổ trong bờ.

Lênh đênh trên biển cả ngày đêm. Sáng hôm sau 27/3/1975 tàu cập bến Đà Nẵng. Có Đại tá LĐT/LĐ468TQLC và Thiếu tá TĐT/TĐ1PB/TQLC đón các chiến binh từ Huế vào. Sau đó, chúng tôi được di chuyển bằng GMC vào phi trường Non Nước. Xe đi qua các ụ cát có máy bay C-130 và trực thăng, các máy bay chiến đấu khác thì đậu trong các nhà vòm bê-tông.

Tái trang bị vũ khí, quân trang, quân dụng (không đại bác, không quân xa), lãnh thêm lương khô, gạo xấy. Nhiệm vụ bố trí, canh phòng tạm cuối sân bay, gần Trung Tâm Hành Quân SĐTQLC.

Lệnh lạc lúc đó tùy tiện, nên Phúc Yên dặn chúng tôi: “hãy cho quan sát, để ý theo sát, không thì sẽ bị bỏ rơi”.

Khác với mọi khi, pháo binh là đơn vị tối ưu tiên và nòng cốt về hỏa lực yểm trợ. Có thể đáp ứng nhanh chóng, chính xác theo yêu cầu của quân bạn, trong khi chờ những yểm trợ mạnh hơn của Không Quân, Hải Quân. Nhưng lúc này, PĐB chưa được tái trang bị đại bác và xe kéo pháo nên gần như đơn vị để đó chờ.

Đúng là như vậy, sáng sớm ngày 29/3/1975. Một vài quân nhân trong đơn vị có nhiệm vụ theo dõi sự động tĩnh, hớt hải chạy về báo cáo rằng: họ đã đi hết rồi. Tôi hỏi: “ai đi?”. Anh em tiếp tục kể rõ ràng “Tất cả đã di chuyển ra bờ biển để xuống tàu.”
Phúc Yên trấn an Pháo đội:

_ “Không lo, anh em hành trang gọn, nhẹ. Chế thêm nước vào gạo xấy, lấy thêm nước uống. Di chuyển theo đội hình hàng dọc. Các SQ đi chung với trung đội của mình. BCH Pháo đội sẽ di chuyển sau cùng, Pháo đội phó dẫn đầu đội hình, hướng ra bờ biển.”

Chúng tôi đã bám đuôi được đoàn quân. Đến bờ biển, PĐB tách riêng. Phúc Yên ra lệnh làm phao poncho, cứ 3 quân nhân một phao, người bơi giỏi chia đều để xử dụng các phao, giúp người không biết bơi. Vì tàu thủy (hình như HQ 802, nếu tôi nhớ không nhầm), không thể tiến sát vào bờ, khoảng cách từ bờ ra đến tàu cũng chừng 100 mét với sóng gió như thế quả là nguy hiểm. Pháo Đội B phải tự sống còn, phải tái trang bị để tiếp tục nhiệm vụ chiến đấu như bao nhiêu đơn vị khác. May mắn, pháo đội đều xuống tàu an toàn, chỉ tiếc rằng một HSQ trẻ, mới về pháo đội vài tháng trước, đã không tuân lệnh, tự ý bơi một mình ra tàu, anh ta đã bị sóng nhận chìm và bị cuốn vào bánh lái tàu chết mất xác. Còn lại Pháo Đội B về đến Cam Ranh như kế hoạnh chung của SĐTQLC.

Viết lại hồi ức này, tôi nhớ về anh, em chúng ta trong pháo đội, những người cùng tôi có quá nhiều kỷ niệm chiến trường. Ước mong, anh em sống vui thỏa và hãnh diện vì chúng mình đã làm hết sức mình trong mọi hoàn cảnh, đã hoàn thành nhiệm vụ, ngay cả những khi bị bỏ rơi.

Huỳnh Thái Sơn,
PĐP/ PĐB/TĐ1PB/TQLC.
 

 


MỤC LỤC

Lá thư Sóng Thần

ĐH TQLC tại Dallas

Sinh hoạt hội Houston

Sinh hoạt hội Iowa

Sinh hoạt hội Nam Cali

Sinh hoạt Úc Châu

Sinh hoạt hội Washington

40 năm - Một thời chinh chiến

471 của tôi, Đại đội C của tôi

Phương Nam : Ánh sao nơi cuối Trời

Chiến Đoàn A TQLC và trận Đức Cơ

Dây biểu chương

Bạn già

Danh sách cha con, anh em ruột cùng phục vụ trong binh chủng TQLCVN

Chiến thắng đầu Xuân

Chuyện lá cờ

Chuyện những người thích nổi

Đặc khu Rừng Sát… và những ngày sau cùng

ĐĐ4/TĐ2/TQLC Tiêu diệt CX thuộc TĐ Tăng 202

Đám cưới nhà binh

Dấu chân người lính Pháo Thủ MX

Định mệnh

Đón xuân này, nhớ xuân xưa

Dòng sông tuổi nhỏ

Hai lần khoác áo TQLC

Hành trình tìm tự do

Huyền thoại chiền sĩ Mũ Xanh

Ký ức người pháo thủ Lôi Hỏa

Lao tù và vượt ngục

Một thời để yêu, một thời để nhớ

Người lính Mũ Xanh và Bé dấu yêu Trưng Vương

Tháng Tư aa trường

Người linh tiền phong

Người bạn thủy chung

Nhật ký hành quân Trung Đội

Nhảy vào Triệu Phong

Trung Đội 2/TĐ7 & những ngày cuối cùng

471 của tôi, Đại đội Viễn Thám C của tôi

Pháo Đội A/TQLC Chiến Trận Hè 1972

Quận Trưởng Triệu Phong

Tàn bạo, lừa bịp , khoác lác là bản chất CSVN

Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh

Tiểu Đoàn 2 Pháo Binh

Tiểu Đoàn 2 và những biến cố chính trị

Thăm quê

Tiểu Đoàn 3, cuộc hành quân Toàn Thắng 1969

Trại Thanh Cầm và dòng sông  Mã

Trốn vượt biên

Trung Đội 2, Đại Đội 2, Tiểu Đoàn 7/TQLC

Trước Sau Như Một!

Vui buồn đời lính