Người Linh Tiền Phong.

Giang Văn Nhân.

Trời tờ mờ sáng, các cánh quân đóng cập hai bờ kinh xáng cụt bắt đầu xuất phát. Bên bờ Đông, toán tiền sát của đại đội 4 đang dò dẫm từng bước. Binh Nhất Nguyễn Văn Điểm khinh binh đi đầu, đạn nằm sẵn trong nòng, khoá an toàn đã mở, anh cẩn thận quan sát cảnh vật, vài căn nhà lợp lá dừa dọc theo kinh, nhìn con đường đi có vẻ khác lạ, không có vết tích của một sinh hoạt bình thường. Điểm thận trọng dùng thủ hiệu liên lạc với tiểu đội thuộc trung đội 1 của Chuẩn Úy Đinh Viết Thắng đang nối bước theo sau. Điểm dừng lại, ngồi thụp xuống, phía trước mặt anh là con mương nhỏ, bề ngang cũng tròn trèm 4 thước tây, một thân cây dừa nằm bắc ngang qua, bên trái rải rác những bụi dừa nước, xa xa có căn nhà lá, im lìm như vô chủ.

Điểm dùng thủ hiệu báo cho phía sau rồi tạt về bên trái, cách cầu bằng thân cây dừa độ chừng hơn mười thước, anh quan sát thật cẩn thận hai bên bờ mương rồi từ từ thả người xuống. Mực nước lấp xấp ngang bụng, Điểm bám nhanh vào bờ đối diện, lẩn vào mấy lá dừa nước. Người khinh binh Trần Văn Hên của tiểu đội phía sau không theo thủ lệnh của Điểm, lẽ dĩ nhiên không ai thích vì mới tảng sáng sớm phải ngâm mình dưới nước, anh chạy vội qua cầu, một tiếng nổ hất tung anh xuống nước, từ trong nhà súng AK nổ dòn. Điểm tựa bên bờ mương nhanh chóng cho hết một băng vào căn nhà hướng tiếng súng địch. Từ phía sau, Chuẩn Úy Thắng điều động tiểu đội của Trung Sĩ Võ Văn Phước và tiểu đội đại liên của Hạ Sĩ Nhất Nguyễn Văn Ký bám theo địa thế dàn quân lên, trung đội 2 của Thiếu Úy Vũ Đức Hiếu bảo vệ sườn bên trái.

Binh nhất Điểm thay băng đạn mới, leo lên bờ rồi chạy thẳng vào, tiểu đội của Trung Sĩ Phước bám theo sau. Một du kích nằm ngáp ngáp, đạn xuyên qua bụng, khẩu AK gần ngạch cửa, trái lựu đạn nội hóa gài nơi cầu để báo động, nhưng không ngờ bị ăn đạn của người lính mở đường bên bụi dừa nước. Hên hụp lặn dưới nước rồi bò lên bờ. May mắn lựu đạn nội hóa nổ lúc chạy qua cầu làm anh chỉ bị thương nơi chân.



Hắc Điểu ra lệnh đại đội bung rộng bố trí, ông đưa khinh binh mang băng ca tháp tùng binh nhất Nghiêm y tá biệt phái lên băng bó cho Hên và người du kích, rồi khiêng về ban chỉ huy đại đội để tản thương.

Từ phía sau thân cây dừa, Điểm nhìn con đường tiến quân trước mặt, trong đầu anh ẩn hiện nhiều tình huống phức tạp phải xử trí. Điểm rít một hơi thuốc thật dài, rồi xoay người búng điếu thuốc qua người đồng đội bên cạnh. Anh bạn này mỉm cười, đầu gục gặc, Điểm nhìn chung quanh và bắt gặp những đôi mắt đầy tin tưởng đang hướng về anh, bất chợt anh hình dung đến ánh mắt tin yêu của toàn thể quân nhân Tiểu Đoàn 3 TQLC tập trung vào Thiếu Tá Phạm Văn Sắt khi vị tiểu đoàn trưởng tuyên bố cấp 5 ngày phép cho tất cả mọi người, đây là chuyện hiếm có ở đơn vị tác chiến vừa về đến hậu cứ.

Sau ngày mãn phép, toàn bộ Đại Đội 4 thuyên chuyển qua Tiểu Đoàn 7 tân lập. Đại đội 4 mới với sự sáp nhập ba trung đội mang số của ba đại đội tác chiến còn lại, Điểm đang ở trung đội 2 thuộc đại đội 2 trở thành trung đội 2 của đại đội 4. Đại Úy Dương Văn Hưng từ đại đội 1 qua làm đại đội trưởng.

Hạ tuần tháng 10, tiểu đoàn di chuyển vào trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp ở Bà Rịa trong bốn tuần lễ. Đây là thời gian tốt cho đại đội 4 hoàn thiện cơ cấu tổ chức cũng như điều động chỉ huy các trung đội. Binh Nhất Điểm được chọn vào toán biệt kích đại đội, có lẽ nhờ vào tướng tá cao ráo, mặt trông rất ngầu, lanh lẹ và biết chút ít quyền cước của vùng đất “Mười Tám Thôn Vườn Trầu” .

Hoàn tất chương tình huấn luyện bổ túc, tiểu đoàn đổ quân xuống Bến Lức và tàu hải quân chở vào vùng trách nhiệm. Đại đội 4 bố trí tại Lương Hòa Thượng, hoạt động bảo vệ tuyến đường về Kinh Cầu An Hạ Đức Hòa cũng như bên kia dòng sông Vàm Cỏ Đông. Đây là vùng nước phèn, nên thơm được trồng bạt ngàn. Nơi đây có mật khu Lý Văn Mạnh mà CSBV di chuyển từ tỉnh Svey Rieng (Soài Riêng) của Cam Bốt qua. Làng Lương Hòa Thượng là một xóm đạo Công Giáo, nhà thờ lớn, lợp ngói đỏ nằm chính giũa làng, nhà cửa bao bọc chung quanh, làng được bảo vệ với những lớp rào bằng kẽm gai, có hai lối ra vào duy nhất, về hướng Tây là mặt sông Vàm Cỏ Đông, về hướng Đông lối đi chử zic-zac mà ban đêm được khép kín với các vòng kẻm gai. Đây là làng có thể tự chiến đấu trong trường hợp bị VC tấn công. Mỗi ngày hai trung đội bung rộng lục soát, thỉnh thoảng tàu hải quân chở cả đại đội qua sông, hành quân trong ngày rồi chiều trở về.

Vùng này rất nhiều mìn bẫy, tuy nhiên sự sinh hoạt của dân chúng vẫn bình thường. Điểm nhớ lại thời trai trẻ, trong xóm có các đàn anh như hai Bá, năm Toàn đã đăng lính Biệt Động Quân, được đào tạo tại trung tâm huấn luyện Trung Hoà. Những khi có dịp họ kể cho bạn bè nghe về nơi này, tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, không biết sợ mà còn cảm thấy thích thú. Trung tâm gần căn cứ địa của địch quân thuộc quận Củ Chi tỉnh Hậu Nghĩa, nhiều bài học thực tập trở thành thực tế, như hành quân tìm địch thì chạm trán với các đơn vị chủ lực miền, đường di chuyển đôi khi bị địch gài mìn bẫy nên phải cẩn thận dò tìm và tháo gở (có toán đặc biệt). Hai tuần sau đại đội 4 hoán đổi về giử bộ chỉ huy Liên Đoàn 3 BĐQ, Điểm trình bày cùng Hắc Điểu (danh hiệu đàm thoại của đại đội trưởng):

- Đại úy, em xin ông thầy cho em làm người đi tiên phuông của đại đội, chiều dừng quân em sẽ về lại toán biệt kích

Mỉm cười, Đại Úy Dương Văn Hưng hỏi lại như dò xét:

- Anh có nói đùa không?

Điểm không đắn đo, trả lời một cách quả quyết:

- Em nói thật mà ông thầy!

Hắc Điểu gọi Thượng Sĩ Nguyễn Ký thường vụ đại đội, ông nói:

- Thượng Sĩ, kể từ nay, Binh Nhất Điểm được miễn gác khi hành quân và lúc về hậu cứ sẽ được cấp 5 ngày phép tưởng thưởng.

Ông nhìn Điểm dặn dò:

- Nhớ thật thận trọng trong nhiệm vụ nghe em.

Quyết định của Hắc Điểu quả thật quá bất ngờ và Điểm vô cùng cảm kích trước sự quan tâm mà cấp chỉ huy dành riêng cho anh.
Tiểu đoàn được về trại Nguyễn Văn Nho mấy ngày và ứng trực 100% cho Bộ Tổng Tham Mưu. Vào đêm Giáng Sinh, tại vọng gác, bên trong vòng rào kẽm gai, dưới ánh sáng rực rỡ toả ra từ các đèn ngôi Sao, tâm hồn anh em lâng lâng như cùng có chung niềm vui với người dân đang hân hoan, háo hức cất bước hướng về nhà thờ Thị Nghè. Tiếng chuông giáo đường nửa đêm rộn rã lan rộng trên không trung báo tin mừng cho nhân loại, hòa cùng âm vang từ máy cassette lời ca thánh thót của nữ ca sĩ Giao Linh:

“…Thiên Chúa sinh trong máng cỏ là Con Chúa Trời…”.

Sáng ngày 26, cả tiểu đoàn được chở ra phi trường Tân Sơn Nhất, các chiếc vận tải cơ C 119 đưa từng toán 60 quân nhân xuống phi trường Trà Nóc, và trực thăng CH47 chở ngay vào vùng hành quân thuộc quận Gò Quao.

Ngày 27 tiến quân, lần đầu tiên anh biệt kích Nguyễn Văn Điểm lãnh nhiệm vụ mở đường, biết rằng đây là một trọng trách nguy hiểm đến sinh mạng, nhưng người khinh binh của các tiểu đội tác chiến không mấy ai đặt hết kỳ vọng vào Điểm, và việc đã xảy ra cho khinh binh Hên. Kể từ giờ phút này, mọi thủ lệnh, mọi hành động của Điểm được các trung đội đi đầu tin tưởng và tuân theo.

Sau ngày hưu chiến Tết Dương Lịch 1970, tiểu đoàn hoạt động theo Rạch Ngã Ba Cái Tàu tới Ngan Dừa (quận Kiến Thiện). Đây là vùng nước phèn và những con mương nhỏ chia rẫy thơm như ô bàn cờ tướng. Những lúc đóng quân đêm, người lính chẻ tre làm bẩy bắt cá, có con cá rô to bằng bàn tay. Hôm nào đại đội 4 đi đầu là Điểm lãnh ấn tiên phong mở đường. Anh cầm theo một nhánh tre, thỉnh thoảng có vài nơi người dân vào chăm bón rẫy, Điểm quan sát kỹ lưỡng hành động cũng như cách đi đứng của họ trên đường. Những vùng không có sự sinh hoạt, anh đi thật chậm, quan sát tổng quát từ xa để xem có động tỉnh gì, có thể địch đang bố trí hay không? Nhìn gần lại, anh ngồi thấp xuống xem có dây bẫy không? Đất trên đường đi có dấu vết mới bị đào xới và lấp lại không? Đôi khi anh dùng cành tre khều nhẹ chiếc lá trên đường, có thể bên dưới là đạp lôi? Những lúc này Điểm dùng thủ lệnh liên lạc phía sau, và đã có kinh nghiệm trong thời gian qua, tiểu đội tác chiến sẵn sàng yểm trợ, xạ thủ M79 ngón tay bên cò súng.

Mỗi buổi tối, Điểm thường hay hỏi Trung Úy Nguyên Thảo, đại đội phó điều động cánh B của đại đội về khu vực sẽ lục soát vào ngày mai, những chi tiết địa hình… Điểm trang bị rất nhẹ nhàng, ba lô chứa vỏn vẹn cái võng, tấm đấp mỏng bằng nylon, hai bịch gạo sấy dự trữ, một cấp số đạn. Mỗi khi dừng quân trưa, anh thường về với thầy trò Thảo, thỉnh thoảng có gì đặc biệt thì anh ở lại với tiểu đội tác chiến, chiều đóng quân anh trở về ban chỉ huy đại đội.

Trong màn đêm Điểm nhờ toán đốc canh chú ý lắng nghe mọi tiếng động bên ngoài tuyến đóng quân, tiếng ghe máy Kohler hay âm thanh mái dầm khua mặt nước. Đây là yếu tố mà anh cảm thấy rất quan trọng có thể ảnh hưởng đến con đường đi đang chờ anh ngày hôm sau. Thông thường ở cấp đại đội, trung đội luân phiên thay đổi, ngày đi đầu, hôm sau trắc vệ, bữa khác thì bảo vệ mặt hậu. Người khinh binh đi đầu mở đường cũng thay đổi, nên không ai lưu tâm đến yếu tố này.

Dần dần Điểm đã được lòng yêu mến của anh em trong đại đội, có nhiều lúc anh không đi theo con đường, anh tạt về bên trái hoặc về bên phải, lội dưới mương, quân phục ướt sũng nước phèn, mọi người không nệ hà bám theo bước chân anh. Anh em học được sự thận trọng, quan sát xa đến gần…, chiều đóng quân, đơn vị đã bung rộng lục soát an toàn, đào hố phòng thủ qua đêm.
 

Vào dịp gần Tết, Nguyên Thảo gặp lại người bạn học Pétrus Ký đang là cán bộ xây dựng nông thôn ở Cần Thơ, bạn biếu cho bộ bà đen làm kỷ niệm. Sáng sớm hôm sau, bóng dáng một du kích quân trang phục màu đen, mang súng AK đi trên đường, nhưng nhìn kỷ lại, chân anh mang đôi giày bottes de saut, đầu đội nón bo màu vải ngụy trang sóng biển.

Chiều cận Tết, TĐ3 tiến vào Hỏa Lựu, đơn vị phòng thủ bảo vệ xã đồng thời đón Xuân Canh Tuất. Cuộc sống ở đây rất sung túc, có chợ nhóm và nhiều hàng quán, đầy đủ hương vị như cà phê, hủ tiếu, cá lóc nướng trui và bia 33. Con đường lộ dẫn vào thị xã hơn mười cây số và bến xe lambretta ba bánh dưới dốc cầu gần chợ. Thời gian này Trung Tá Nguyễn Năng Bảo mãn khóa học trở về và Thiếu Tá Phạm Văn Sắt qua Tiểu Đoàn 8 tân lập làm tiểu đoàn trưởng.

Ngày mùng 4 Tết tiểu đoàn vào vùng hành quân, Điểm vẫn lảnh trọng trách đi tiên phong mở đường, ba lô của anh nặng thêm mấy gói thuốc Quân Tiếp Vụ, thơ và quà tết của người hậu phương. Hôm sau, Điểm phát hiện trạm y tế địch, nhiều dụng cụ y khoa, thuốc và những cuộn vải trắng dùng để làm băng cứu thương, hai chiếc xuồng gắn máy Kohler ẩn dấu dưới mương. Có 4 con đường mòn dẫn vào trạm, với tính năng động hay đùa giỡn, anh em lấy hết vải trắng kéo dài và quấn vào các thân cây, vì thiếu cảnh giác quan sát, họ chạy bừa trên các đường mòn vì bị vướng mìn bẫy, hai trung đội trưởng: Vũ Đức Hiếu (trung đội đi đầu), Nguyễn Lữ (trung đội trắc vệ) và ba binh sĩ bị thương.

Cuộc hành quân tiếp tục lục soát trong vùng U Minh chằng chịt sông rạch, đại đội 4 không còn bị thiệt hại vì mìn bẫy nhờ sự lanh lẹ, mưu tính của ngưới lính tiên phong Binh Nhất Nguyễn Văn Điểm. Dừng quân nhận tiếp tế tại Kiên Long, tiểu đoàn được trực thăng vận xuống khu vực kinh Huyện Sử thuộc quận Thới Bình, cánh A mở rộng lục soát, chuẩn bị vị trí cho Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn, cánh B gồm hai đại đội 3 và 4, Đại Úy Dương Văn Hưng kiêm nhiệm tiểu đoàn phó, hoạt động xa bên ngoài. Nửa đêm cánh A báo cáo địch tiến vào vị trí, Hỏa Long C47 thả trái sáng và bắn đại liên yểm trợ liên tục. Cánh B được lệnh sẵn sàng lên đường về tiếp viện. Điểm thu xếp gọn gàng, dự tính hơn một giờ chuyển quân đêm, đồng thời đề phòng địch “công đồn đả viện”. May mắn lệnh hủy bỏ sau đó.

Thượng tuần tháng 4, Tiểu Đoàn 3 về hậu cứ, đơn vị ứng chiến 100% cho Bộ Tổng Tham Mưu, chỉ riêng Binh Nhất Điểm được 5 ngày phép đặc biệt. Đại Úy Dương Văn Hưng qua tiểu đoàn 9 làm tiểu đoàn phó, Trung Úy Nguyên Thảo về đại đội chỉ huy công vụ, Trung Úy Võ Văn Đức chỉ huy đại đội 4.

Tháng 5, tiểu đoàn tăng phái cho quận Kiến Văn tỉnh Kiến Phong, rồi chuyển xuống vùng Đầm Dơi Cà Mau. Sau đó được xe chở xuyên đêm đến Châu Đốc, tham dự hành quân ngoại biên Cam Bốt. Về dưỡng quân ở Vũng Tàu, tiểu đoàn ra hành quân vùng hỏa tuyến. Quan niệm của đại đội trưởng cùng tình hình mới của vùng hành quân, Hạ Sĩ Nguyễn Văn Điểm không còn là người lính tiên phong của đại đội. Cuộc chiến năm 1972 và những mất mát năm 1975, biến tình cảm sống chết bên nhau trở thành những kỷ niệm khó quên của thời trai trẻ cùng chiến đấu để bảo vệ quê hương.

Sau mười ba năm tù tội trở về Sàigòn, Đại Úy Nguyễn Kim Chung Đại Đội Trưởng Đại Đội 1 tình cờ gặp Điểm, tình thầy trò ngày xưa vẫn còn gắn bó, Điểm có võ đường ở Thủ Đức, Đại Úy Chung phải về sinh sống ở Bạc Liêu rồi tạm biệt quê hương.

Hình ảnh Người Lính Tiên Phong đôi khi giống như huyền thoại, và bài viết này như lời cám ơn những khinh binh dũng cảm đi đầu mở đường, có người đã hy sinh, hoặc thương tật vì mìn bẫy, những khinh binh này trở thành vô danh nếu không một ai nhắc đến.

Giang Văn Nhân
 

 


MỤC LỤC

Lá thư Sóng Thần

ĐH TQLC tại Dallas

Sinh hoạt hội Houston

Sinh hoạt hội Iowa

Sinh hoạt hội Nam Cali

Sinh hoạt Úc Châu

Sinh hoạt hội Washington

40 năm - Một thời chinh chiến

471 của tôi, Đại đội C của tôi

Phương Nam : Ánh sao nơi cuối Trời

Chiến Đoàn A TQLC và trận Đức Cơ

Dây biểu chương

Bạn già

Danh sách cha con, anh em ruột cùng phục vụ trong binh chủng TQLCVN

Chiến thắng đầu Xuân

Chuyện lá cờ

Chuyện những người thích nổi

Đặc khu Rừng Sát… và những ngày sau cùng

ĐĐ4/TĐ2/TQLC Tiêu diệt CX thuộc TĐ Tăng 202

Đám cưới nhà binh

Dấu chân người lính Pháo Thủ MX

Định mệnh

Đón xuân này, nhớ xuân xưa

Dòng sông tuổi nhỏ

Hai lần khoác áo TQLC

Hành trình tìm tự do

Huyền thoại chiền sĩ Mũ Xanh

Ký ức người pháo thủ Lôi Hỏa

Lao tù và vượt ngục

Một thời để yêu, một thời để nhớ

Người lính Mũ Xanh và Bé dấu yêu Trưng Vương

Tháng Tư aa trường

Người linh tiền phong

Người bạn thủy chung

Nhật ký hành quân Trung Đội

Nhảy vào Triệu Phong

Trung Đội 2/TĐ7 & những ngày cuối cùng

471 của tôi, Đại đội Viễn Thám C của tôi

Pháo Đội A/TQLC Chiến Trận Hè 1972

Quận Trưởng Triệu Phong

Tàn bạo, lừa bịp , khoác lác là bản chất CSVN

Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh

Tiểu Đoàn 2 Pháo Binh

Tiểu Đoàn 2 và những biến cố chính trị

Thăm quê

Tiểu Đoàn 3, cuộc hành quân Toàn Thắng 1969

Trại Thanh Cầm và dòng sông  Mã

Trốn vượt biên

Trung Đội 2, Đại Đội 2, Tiểu Đoàn 7/TQLC

Trước Sau Như Một!

Vui buồn đời lính