Hai Lần Khoác Áo TQLC

MX Nguyễn Hiền KBC 3339

Mới mười sáu tuổi đang dở dang lớp đệ tứ, cái tuổi chưa đủ để vào lính, cái thằng tôi nổi máu yêng hùng xung phong vào quân đội, mà phải là Thủy Quân Lục Chiến hẳn hòi, tất nhiên tôi phải tốn một chầu sinh tố cho thằng bạn cùng xóm, để nó chôm cho tờ khai sanh của anh nó. Ngồi xe lam mất nửa tiếng để ra ngả bảy Lý Thái Tổ nơi đặt bàn tuyển mộ cũng đủ thời gian học thuộc làu cái lý lịch ngang xương của mình. Tôi chìa tờ giấy khai sanh cho anh TQLC tuyển mộ và đọc một hơi: “Nguyễn Tấn Đức sinh 06/9/1955, cha Nguyễn Tấn Bửu, mẹ Lê Thị Quế”.

Thế là xong, leo lên GMC vào trại Cửu Long, Thị Nghè. Ngày hôm sau, tôi được chuyển vào Trung Tâm Ba tuyển mộ nhập ngũ, khám sức khỏe, nhận quân trang và thẻ bài mang tên Nguyễn Tấn Đức SQ/ 75 135 641. Một tuần ở Trung Tâm Ba sao mà dài lê thê! Chủ nhật, cùng một số tân binh ra vườn Tao Ngộ gặp thân nhân, thật lạ mắt khi thấy đủ màu áo lính, nào là xanh, đỏ, tím, vàng… Cái thằng tôi chưa có một mảnh tình vắt vai thì có bóng hồng nào mà tao ngộ, đang suy nghĩ thì bị túm cổ áo lôi đi, thì ra tao ngộ với “ma-măng” của mình. Sau một hồi giọt ngắn, giọt dài, ma-măng chửi cho thằng nhóc con một trận vì cái tội dám bỏ học, tự nguyện xin vào lính. Sáng thứ hai, khi vừa lãnh ổ bánh mì kẹp đường thì có lệnh tân binh tình nguyện binh chủng TQLC ra sân tập họp để đơn vị lên lãnh, thế là tôi vác túi quân trang lên xe về Trung Tâm Huấn Luyện Rừng Cấm, Thủ Đức. Vừa đặt chân xuống Trung Tâm, Cán Bộ bảo tất cả bỏ túi quân trang ở sân cờ, năm hàng dọc, chạy đều chào sân ba vòng, xong ba vòng chào sân, chúng tôi vác túi quân trang về khu tiếp nhận của Thượng Sĩ Thi, đứa nào cũng thở hổn hển, lại còn bị bố Thi phán cho một câu:

- Mới chào sân mà tụi mầy như sấp chết, đúng là đồ cà chớn chống xăm lăng, tất cả cởi áo ra sân thế hít đất vào thế.

- Ối trời bố ơi! tụi con mới vừa…

- Không vừa vặn gì hết, thi hành trước khiếu nại sau.

Thế là thở bằng mủi, bằng miệng, bằng hai lỗ tai, bao nhiêu máu yêng hùng dồn lên mặt thành đom đóm nhảy múa lung tung.

- Tất cả tập họp ký tên mượn tiền ticket có ba mươi phút đi câu lạc bộ

Như một liều thuốc khỏe, cả bọn hớn hở kéo nhau đi câu lạc bộ uống cà phê phì phèo thuốc lá, và đến ngày nhập khóa, khóa 48/72 (1..2..3..4… tiến quân lên đoàn Cọp Biển oai hùng, lính Mũ Xanh đây người trai anh dũng…) và rồi sau 3 tháng quân trường cũng đến ngày mãn khóa. Tất cả khóa 48/72 tập trung về hội trường B52 để chọn đơn vị.

Tôi về Tiểu Đoàn 4 Kình Ngư, thằng thì về Tiểu Đoàn 1 Quái Điểu, đứa thì về Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên, đứa thì về Tiểu Đoàn 3 Sói Biển… nhưng tất cả chúng tôi đều có chung một tên TQLC. Sau đó tất cả anh em được đưa về Bộ Tư Lệnh Lê Thánh Tôn để bổ sung ra đơn vị. Nằm ở BTL một đêm, trưa hôm sau được chuyển ra sân bay Tân Sơn Nhất chờ chuyến bay đi Quảng Trị. Máy bay cất cánh lúc 5 giờ chiều, đến 5 giờ 45 tất cả có mặt tại phi trường Phú Bài, Huế. Những chiếc GMC chờ sẵn đưa chúng tôi vào Mang Cá để ngày hôm sau vào đơn vị hành quân. Tôi về Đại Đội 3 Đại Đội Trưởng là Trung Úy Mai Văn Hiếu, Đại Đội Phó là Thiếu Úy Võ Văn Gắt, (trong Đại Đội, chúng tôi thường gọi bằng Sao Mai Trưởng và Sao Mai Phó), Trung Đội Trưởng Trung Đội 2 của tôi là Thiếu Úy Hồng Minh Sơ.

“Đường hành quân nắng cháy da người…”, tôi đã đi qua nhiều địa danh, nhưng không một địa danh nào nghe quen thuộc trong những bài học của tuổi học trò. Nào là Cùa, Hải Lăng, Mai Lĩnh, Triệu Phong, Vân Trình, Gia Đẳng, Mỹ Thủy và còn nhiều địa danh khác nữa. Khi đơn vị đóng quân ở Gia Đẳng, chúng tôi nhận lãnh mỗi người 5 lá cờ VNCH để ủi vào Cửa Việt thì mới biết Trung Tá Nguyễn Đằng Tống về nắm Tiểu Đoàn Trưởng thay thế Trung Tá Quang, Thiếu Tá Phạm Văn Tiền Tiểu Đoàn Phó.

Hơn một năm ở chiến trường Quảng Trị, tôi đã trưởng thành trong tiếng súng, và đối mặt với quân Bắc Việt cách một hàng rào kẽm gai của những ngày ngưng bắn cuối năm 1973. Sau đó Tiểu Đoàn 4 thay thế Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù trên đỉnh Barbara, hai mươi ngày ở Barbara, tiểu đoàn có lệnh về hậu cứ Vũng Tàu nghỉ dưỡng quân, mừng như trở về từ cõi chết mà thật sự là như vậy, bạn bè cùng khóa ra trường cách đây hơn một năm, có đứa trả xong món nợ da ngựa bọc thây mãi mãi không trở lại Saigon.

Tôi cầm tờ phép 7 ngày trong tay ngỡ như là mơ, nắm chặt, chỉ sợ nó bay mất, có xa Saigon mới thấy nhớ, thấy thương. Về lại Saigon, lang thang qua từng góc phố quen thuộc. Đi từ trung tâm Sai Gòn, đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, bến Bạch Đằng, Nguyễn Bỉnh Khiêm hít một hơi thật sâu liếc nhìn ngôi trường nữ của con cháu Hai Bà mà sao thấy xa lạ, chợt mỉm cười bâng quơ và nhớ đến câu thơ của một “niên trưởng” nào đó đã bị người tình học trò lãng quên:

“Giầy sút đế nện đau lòng thành phố
Áo trận bạc màu làm bẩn mắt giai nhân…”

Người tình quên chẳng hề chi, ta còn có nhiều bạn học cũ, nện mạnh gót giầy bước qua cầu Thị Nghè, qua Hàng Xanh, xuôi về Lăng Ông Bà Chiểu, nơi nào cũng có bạn bạn thân, dừng chân thăm chúng nó. Đứa nào cũng trố mắt ra nhìn, nghe kể chuyện chiến trường, chúng ngẩn tò te như nghe chuyện Phong Thần. Đang ngon trớn, thằng bạn chôm tờ khai sanh cho tôi nói:

- Mầy là lính thứ dữ, đánh giặc thứ thiệt, nhưng tên của mầy là tên của anh tao nên mầy là đồ dỏm.

Thế là tự ái Binh Chủng nổi lên, thằng tôi quyết làm lại từ đầu, tự chính mình vươn lên đứng lên, không thèm dựa hơi người khác, không thèm nhờ vả giấy khai sinh, giấy giới thiệu của ai cả. “Cậu bé” Phù Đổng xưa kia vươn vai đứng dậy để phá cường địch báo hoàng ân, ta quyết theo gương ngài. Nhưng anh tuyển mộ TQLC đòi phải có giấy khai sinh, thôi thì dành chờ vậy.

Đếm từng ngày, tính từng tháng, đến giữa năm 1974, khi vừa tròn tuổi đi lính, không để dư, để phí một ngày, cái thằng tôi hăm hở trở lại mộng ban đầu, một lần nữa khoác áo TQLC.

Trở lại Rừng Cấm, lần nầy tôi không còn bỡ ngỡ như lúc đầu mà mang theo một chút ngang tàng của một người đã từng là Kình Ngư, đã về từ Quảng Trị, cái hãnh diện của một TQLC thứ thiệt 100%, vào lính bằng căn cước của chính mình, giấy khai sanh thật hẳn hòi và bấy giờ tôi là TQLC mang tên Nguyễn Văn Hiền SQ/77 112 873.

Tôi trở lại Quảng Trị lần nầy không còn là Kình Ngư nữa mà là Hùm Xám. là Tiểu Đoàn 7 TQLC, Tiểu Đoàn Trưởng là Thiếu Tá Phạm Cang, Tiểu Đoàn Phó là Thiếu Tá Lê Quang Liễn, Đại Đội Trưởng Đại Đội 2 là Đại Úy Ngô Kim Anh, những cấp chỉ huy tôi không sợ nhưng mà kính phục. Các anh không chỉ huy “chỉ tay một ngón” mà các anh làm gương cho chúng tôi theo, các anh không chỉ ..chỉ huy mà còn có nghệ thuật lãnh đạo, các anh xứng đáng để chúng tôi ngày nay vẫn phải đứng nghiêm chào.

Những ngày sau cùng ở chiến trường Quảng Trị vào tháng ba buồn năm 1975 có máu và nước mắt của những người dân chạy loạn làm xót xa trái tim người lính. Tiểu Đoàn 7 được lệnh rời phòng tuyến Phong Điền rút về đóng quân cầu An Lỗ, được 3 ngày lại rút quân về Thuận An. Tiểu đoàn chuyển quân bằng Thiết Giáp ban đêm, khi đi ngang qua Bộ Tư Lệnh HQ/TQLC ở Hương Điền, qua đoạn đường vào thôn 1, thôn 2 có một người lính của Tiểu Đoàn 7 rơi khỏi xe và bị xe sau cán qua, ra đến Thuận An, Đại Đội Trưởng cho hai người quay lại để chôn người chiến hữu xấu số đó. Tập trung tại Thuận An là toàn bộ Lữ Đoàn 147 chờ tàu Hải Quân vào bốc, vì không có tàu nên đơn vị phải chuyển quân từng tốp bằng xuồng máy qua căn cứ Trần Ba.

Vẫn không có tàu đón, Lữ Đoàn hành quân bộ về hướng Nam ra cửa Tư Hiền, cửa biển toàn cát là cát nên Lữ Đoàn di chuyển rất chậm, được khoảng 15 cây số vào lúc 4 giờ chiều Tiểu Đoàn 7 bắt đầu chạm súng với vẹm. Cả Lữ Đoàn rời bỏ bãi biển tràn lên hàng dương lập phòng tuyến chống trả. Đến tối tôi bị thương, một mảnh đạn sượt qua mang tai nằm lại trong đó, sau đó tôi được chuyển về hầm Quân Y tiểu đoàn cạnh bờ biển. Sáng ngày sau, có một chiếc LCM vào bốc thương binh và BCH/LĐ.

Tôi vừa xuống tàu thì tàu bị trúng hỏa tiễn tầm nhiệt SA7, tàu vội vàng đóng bửng quay ra ngoài khơi. Tất cả thương binh cũng như BCH/LĐ được chuyển qua tàu lớn HQ801 rồi đưa về Đà Nẵng. Tôi được đưa vào Quân Y Viện Duy Tân, sau khi khám vết thương và phân loại, tôi được chuyển về căn cứ Non Nước dưỡng thương. Thế rồi từ căn cứ Non Nước, tôi phải lội ra tàu về Nam. Trên tàu lúc nầy còn có Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Đoàn I, vị Tư Lệnh lừng danh vào giờ phút chót bỏ Đà Nẵng, người quanh ông bỏ ông, Ông đến TTHQ/TQLC, Ông không bỏ TQLC, TQLC không bỏ Ông nên Huynh Đệ chi binh BB&TQLC lúc khốn khó vẫn có nhau, vẫn bên nhau lênh đênh một đêm trên biển, tàu cập hải cảng Cam Ranh. Từ Cam Ranh về đến Vũng Tàu.

Về lại Saigon, là thương binh tôi được phép nghỉ dưỡng thương, tôi ghé qua thăm nhà hai ngày, tôi lên trình diện Bộ Tư Lệnh tại trại Lê Thánh Tôn, BTL báo cho hậu cứ Tiểu Đoàn 7. Một tiếng sau, tiểu đoàn cho xe lên chở tôi về hậu cứ Sóng Thần. Vài ngày sau, những quân nhân lạc ngũ của các tiểu đoàn tập trung lại trong căn cứ Sóng Thần, tôi bổ xung về Tiểu Đoàn 4 và được đưa ra Vũng Tàu. Tôi về Đại Đội 2 đóng quân trên đài ra đa, chưa quen nước, quen cái lại phải hoán chuyển về Tiểu Đoàn 16. Đang lóng ngóng trình diện tiểu đoàn thì nghe gọi

- Ê Đức! Đức…

Nhìn lại thì ra ban bè cũ của Đại Đội 3 Tiểu Đoàn 4 hoán chuyển về Tiểu Đoàn 16 trước đó, mừng chưa kịp thì bị ký đầu đau điếng, quay lại nhìn thì trời ơi Sao Mai Hiếu, anh Thượng Sĩ Châu Thường Vụ Đại Đội vừa cười, vừa nói:

- Thằng nầy có duyên với mình nè Sao Mai.

Quá mừng được phục vụ dưới trướng ông thầy cũ của mình. Lúc đó, đơn vị đóng quân trong căn cứ Ngọc Tước, đây là căn cứ cũ của Úc Đại Lợi. Thế rồi trưa ngày 30/4/1975, miền Nam thất thủ, VNCH bị bức tử cái thằng tôi lạc loài từ đó…

MX Nguyễn Hiền KBC 3339
 

 


MỤC LỤC

Lá thư Sóng Thần

ĐH TQLC tại Dallas

Sinh hoạt hội Houston

Sinh hoạt hội Iowa

Sinh hoạt hội Nam Cali

Sinh hoạt Úc Châu

Sinh hoạt hội Washington

40 năm - Một thời chinh chiến

471 của tôi, Đại đội C của tôi

Phương Nam : Ánh sao nơi cuối Trời

Chiến Đoàn A TQLC và trận Đức Cơ

Dây biểu chương

Bạn già

Danh sách cha con, anh em ruột cùng phục vụ trong binh chủng TQLCVN

Chiến thắng đầu Xuân

Chuyện lá cờ

Chuyện những người thích nổi

Đặc khu Rừng Sát… và những ngày sau cùng

ĐĐ4/TĐ2/TQLC Tiêu diệt CX thuộc TĐ Tăng 202

Đám cưới nhà binh

Dấu chân người lính Pháo Thủ MX

Định mệnh

Đón xuân này, nhớ xuân xưa

Dòng sông tuổi nhỏ

Hai lần khoác áo TQLC

Hành trình tìm tự do

Huyền thoại chiền sĩ Mũ Xanh

Ký ức người pháo thủ Lôi Hỏa

Lao tù và vượt ngục

Một thời để yêu, một thời để nhớ

Người lính Mũ Xanh và Bé dấu yêu Trưng Vương

Tháng Tư aa trường

Người linh tiền phong

Người bạn thủy chung

Nhật ký hành quân Trung Đội

Nhảy vào Triệu Phong

Trung Đội 2/TĐ7 & những ngày cuối cùng

471 của tôi, Đại đội Viễn Thám C của tôi

Pháo Đội A/TQLC Chiến Trận Hè 1972

Quận Trưởng Triệu Phong

Tàn bạo, lừa bịp , khoác lác là bản chất CSVN

Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh

Tiểu Đoàn 2 Pháo Binh

Tiểu Đoàn 2 và những biến cố chính trị

Thăm quê

Tiểu Đoàn 3, cuộc hành quân Toàn Thắng 1969

Trại Thanh Cầm và dòng sông  Mã

Trốn vượt biên

Trung Đội 2, Đại Đội 2, Tiểu Đoàn 7/TQLC

Trước Sau Như Một!

Vui buồn đời lính