Đón Xuân Này Nhớ Xuân Xưa

(Đặc San Sóng Thần không có báo Xuân, nhưng mỗi đặc san lại là báo Xuân nên hy vọng bài này không lạc điệu).

Captovan.

Loay hoay mãi bên vệ đường mà tôi không đi.. được khiến cây AK với lưỡi lê đầu súng thúc vào lưng ra lệnh “đái khẩn trương nên” làm tôi giật mình tỉnh đậy lúc 3 giờ sáng, mộng và thực cứ quyện vào nhau theo tôi mãi tới cuối đời, mỗi khi cảm thấy muốn đi tiểu đi đại thì lại gặp bộ đội với công an, chán thật! Nhưng đôi khi trong giấc mơ mà gặp hình ảnh những tên con cháu ba-ác thì cũng đỡ lắm, cũng làm cho nhiều người tỉnh mộng, việc trước mắt là nếu không gặp chúng mà ta cứ nhắm mắt vừa ngủ vừa đái thoải mái thì cũng gặp nhiều phiền toái với người bạn đời nằm bên cạnh. Nhìn bàn ăn tối qua đón Giao Thừa còn thừa mứa thịt xôi, đĩa bánh chưng xanh cắt bằng dây thành từng miếng vuông vức còn y nguyên chưa ai đụng tới, tuy bụng đói cồn cào nhưng tôi không muốn ăn vì tối qua uống hơi nhiều nên khô cổ họng, một ly nước lạnh làm tôi tỉnh ngủ. Nhìn bàn tiệc dở dang, nhìn mấy người bạn tù năm xưa, từ tiểu bang xa về chơi, đang say sưa mộng đẹp làm tôi nhớ đến đêm ấy, cũng vào lúc 3 giờ sáng đêm Trừ Tịch ở trại 8 Hoàng Liên Sơn miền Thượng Du Bắc Việt…

Nhà tù làm bằng tre nứa được dựng trên sườn đồi gần hồ Thác Bà nên tứ bề lộng gió, đêm Đông mưa phùn gió bấc, tù co quắp kiểu nào cũng lạnh buốt thấu xương, ngủ không được thì ngồi dậy bó gối cho ấm ngực thì lại lạnh lưng, ước chi có một bi thuốc lào rít khói vào cho tù qua cơn đói. Ánh lửa bập bùng từ dưới bếp tù hắt lên, tiếng sạt-sạt của xẻng cạo cháy, những tảng cháy vàng trong chảo gang khiến những cái “bụng đói cật rét” càng bị hành hạ thêm! Nghĩ đến cái bánh chưng trại phát hôm trước mà tiếc hùi hụi, giá còn, ôm nó vào lòng mà ngủ thì chắc ấm và sẽ được no…con mắt.

Lý do tôi tiếc cái bánh chưng vừa bằng bàn tay mà trại phát cho tù ăn Tết chẳng phải chuột gặm hay ai lấy mất mà tôi đã ngấu nghiến mấy miếng là hết ngay sau khi vừa được cầm trong tay. Lâu ngày không gặp nhau, nhớ thương khôn tả, gặp nhau là tôi cởi dây, lột áo làm liền, thỏa mãn trong phút chốc, tuy chẳng là bao, để rồi nhớ thương tiếc mãi, nó đã đến và đi mất tiêu rồi, phải chờ một năm nữa may ra mới gặp lại, mà “nhất nhật tại tù thiên Thu tại ngoại”. Quái ác là người đồng tù cũng là đồng môn thời trung học L.P Ký nằm bên thì vẫn ung dung ngồi nhìn cái bánh chưng treo toòng-teng trước mặt như để luyện công phu chống lại mọi cám rỗ. Tôi nói với anh ta coi chừng xôi hỏng bỏng không, như anh Tr.., miếng ăn đến miệng mà còn mất.

Anh Tr..bị kiết lỵ cả tuần, uống Xuyên Tâm Niên nên nằm liệt giường, ngày đầu ăn được chén cháo, ngày thứ hai nửa chén, ngày thứ ba uống nước cháo nhưng lúc nào cũng hỏi “chừng nào trại phát bánh chưng?”. Sang ngày thứ sáu thì không ăn gì được nữa, anh em khuyên Tr.. cố gắng nuốt chút nước cháo cho có sức, Tr.. thì thào nói: “Tôi chờ ăn bánh chưng, mai trại phát bánh chưng, tôi ăn một lúc cho đã”. Nhưng than ôi, miếng ăn đến miệng mà còn mất! Không phải ai lấy bánh của anh mà anh mất đúng vào ngày trại phát bánh chưng!

Muốn quên đi cái hình ảnh quá khứ thiếu thốn và hiện tại dư thừa, tôi ngồi vào bàn đọc tin tức đồng bào gần xa đang chuẩn bị đón Xuân trên VnExpress. Mở cái tựa đề “Đón Xuân 2012 Ở Xóm Nghèo Miền Núi”, tôi thấy bài báo kèm theo hình ảnh về cái nghèo nàn và buồn tẻ vào những ngày cận tết Nhâm Thìn ở một huyện miển núi thuộc Kiến An. Tim tôi đập nhanh, tôi lấy tay xoa mặt xoa mắt nhìn cho rõ, không biết Kiến An trong bài báo có phải là quê tôi vào thập niên 1950 hay không? Nhưng chú bé đi cà-kheo chính là hình ảnh của tôi 60 năm về trước, tuy em có áo ấm hơn và thêm đôi dép nhựa, ngày xưa tôi nghèo phong phanh quần đùi, chân đất đi cà-keo giữa tiết Đông lạnh buốt. Mảnh ruộng, luống rau, xa xa vài mái nhà tranh chính là hình ảnh xóm nghèo quê tôi năm xưa vào những ngày cận tết. Đọc bản tin, ngắm tấm hình mà toàn thân tôi như tê hẳn đi, nhắm mắt lại, tôi thả hồn về quá khứ…

Làng tôi nằm ở ngã ba đường nối liền tỉnh Kiến An và thành phố Hải Phòng, chỉ cách hai nơi này chừng 3 cây số, lưng làng dựa vào chân núi Cựu Viên, có người cỏn gọi là núi Kha Lâm, trên đỉnh cao nhất, sát với tỉnh lỵ Kiến An có đài thiên văn do người Pháp xây. Núi không có cây cao, rừng rậm mà chỉ toàn là cỏ và những vạt cây thấp xen lẫn những bụi sim nên trẻ làng thường chăn trâu trên đó rồi đi tìm sim chín, chia phe đánh trận, thi chạy cà-kheo, mệt thì ngồi nhìn sang thành phố Hải Phòng nơi có những ống khói cao vút của hãng ciment.

Phía trước mặt làng, ngoài lũy tre xanh là cánh đồng ruộng nước chạy dài tới bờ sông Chảy, con sông nối liền tỉnh lỵ Kiến An và Hải Phòng. Cánh đồng nước là nơi chúng tôi lặn lội mò cua bắt ốc, câu cá. Với vị trí địa dư, phong thủy đẹp như thế lẽ ra làng tôi phải vượng lắm, nhưng các cụ trong làng đồn rằng “hàm rồng” ngay chân núi đã bị bọn 3-Tàu từ Hải Phòng sang mua lấy làm nghĩa trang nên làng tôi nghèo. Chuyện phong thủy đúng sai chưa biết, nhưng dải đất giữa chân núi và làng tôi là nghĩa trang của người Tàu sống ở Hải Phòng.

Làng nghèo thì gia đình tôi cũng chỉ tạm đủ ăn và đón những cái tết nghèo, nhất là kể từ sau ngày bố tôi qua đời. Trước Tết, bố tôi còn mạnh khỏe, lo toan mọi việc để chuẩn bị đón Xuân, nhưng rồi bất ngờ ông ngã bệnh, thầy lang bắt mạch nói bố tôi bị bịnh “thương hàn”, cho uống thuốc Bắc và chỉ trong một thời gian ngắn, chừng độ một tháng, chưa hết vài thang thuốc thì bố tôi ra đi. Bố tôi sinh năm 1906, qua đời ngày Rằm (15) tháng Giêng (ta), năm 1947, hưởng dương 41 tuổi. Vào thập niên 1950 ở quê tôi, không có nhiều thứ bệnh, chẳng biết cao mỡ cao máu là gì, hễ bị bệnh thì gọi là bị “thương hàn”, cạo gió, xông hơi dăm ba ngày không thuyên giảm thì người nhà chạy vòng quanh trong làng ngoài huyện tìm thầy lang, mời thầy đến bắt mạch, thầy không đến thì người khỏe kể bệnh của người ốm (đau) rồi thầy hốt thuốc, thầy bốc những cây lá khô, ít cam thảo, trần bì (vỏ quýt) rồi phán “cơm 3 chén, thuốc 3 thang” là khỏi, không khỏi là “đi” chứ đâu cần đi “khám bác sĩ”, mà bác sĩ là cái gì nhỉ? Là ông quan đốc sống ở lưng trời, đâu phải như thời nay…

Những năm sau khi bố tôi ra đi và giặc lại “tràn về qua thôn xóm” nên gia đình mẹ góa con côi tản cư rồi hồi cư thu hẹp đời sống quanh quẩn dưới mái tranh, cạnh ruộng vườn. Năm xưa ấy, cũng như ruộng rau trong hình, sát bên nhà tôi là mảnh vườn mà vào cuối năm, sau khi bắp đã bẻ, khoai đã rỡ thì mẹ tôi và mấy chị thường vuôn luống trồng xu-hào, rau cải, hành lá v.v... Rau cải và hành dùng để nén* dưa ăn tết, xu hào thì mang bán lấy tiền mua đường trà muối mắm (*rau cải và hành để nguyên cây phơi héo rồi xếp vào vại, rắc muối, dùng vật nặng đè nén chặt lên trên, như vậy thì để được lâu).

Tôi nhớ mãi một lần theo mẹ đi chợ Tết ở ngã ba Quán-Chữ vào cuối năm 1953, chợ Tết quê đơn sơ mộc mạc, mẹ tôi đội trên đầu thúng đựng củ xu hào, còn tôi được mẹ giao cho đeo cái bị cói đựng hơn chục quả trứng gà, mẹ tôi nói bán xong hàng thì mua thịt lợn (heo) về gói bánh chưng và mua cho tôi và thằng em út mỗi đứa một đôi dép, nhưng chẳng may tôi vấp ngã làm vỡ vài quả trứng, tôi mếu-máo, mẹ xoa đầu an ủi:

_ Không sao đâu con, vỡ có vài quả thôi, mình mua ít thịt cũng được mà.

Chợ quê với những cụ già hiền lành mộc mạc đơn sơ, đơn sơ như những mặt hàng Tết nhiều rau, nhiều củ mà ít bánh kẹo. Mẹ tôi mua được miếng thịt lớn hơn bàn tay, ít thịt nhiều mỡ, để đủ gói chục cái bánh, tôi được đôi dép mới, nhưng không dám đi mà kẹp nách trên đường về để dành cho mới, để khoe mấy thằng bạn cùng xóm, những thằng em con ông chú con bà cô như Tô Văn Đát, Tô Đức Hạnh, Tô Thanh Chiêu, Tô Văn Giao, Thúy Vang, Học v.v…để sáng Mồng Một Tết cũng:

_ “Chí cha chí chát khua giầy dép,

_ Đen thủi đen hui cũng lượt là”.

Nhưng tai họa ập đến vào những ngày cận Tết, không riêng gia đình tôi mà cả làng bị đuổi! Mỗi gia đình nhận được thông báo rằng tất cả phải dời đi nơi khác để nhà nước trưng dụng đất làng làm vị trí đóng quân, quân đội Pháp từ xa tập trung về những vùng xung quanh thành phố Hải Phòng. Họ đến kiểm kê nhà đất, đếm từng cây cau, cây mít để bồi thường tiền rồi người dân muốn đi đâu thì đi!

Xóm làng đang yên bình thì tan đàn xẻ nghé, tứ tán bốn phương, không ai còn tâm trí nghĩ đến “tết nhất” nữa, mà vội vàng tìm nơi tá túc ở những làng lân cận. Buồn nhất gia đình tôi vừa làm xong nhà mới, một “dinh cơ nhà 5 gian 2 trái, ao cá sân gạch” khá khang trang do anh chị Cả của tôi làm công chức bên Hải Phòng về xây dựng cho mẹ và các em, nhà mới còn thơm mùi gỗ mà bị phá đi thì đau lòng biết là dường nào! Kêu trời thì trời ở xa, kêu người có quyền ở gần thì họ có súng nên đành bỏ tất cả mà xách bị cói đựng vài bộ quần áo vá mà ra đi. Anh chị Cả tôi lại đón mẹ và các em sang ở chung trong căn phố nhỏ. Đó là nguyên nhân chính khiến toàn thể gia đình mẹ con anh chị em tôi di cư vào Nam tháng 3/1954. Nếu làng không bị đuổi thì chắc rằng mẹ tôi sẽ chẳng bao giờ bỏ mảnh đất yêu thương mà di cư.

Có bị lìa xa quê cha, mả tổ mới thấy tiếc, thấy thương, thấy nhớ cái bờ ao có 3 tảng đá kè làm chỗ rửa chân, có cây xi nghiêng mình trên mặt nước thả rễ xuống đám lục bình. Có bị lìa xa nơi chôn rau cắt rốn tôi mới thấy nhớ hàng cau trước nhà, trên bẹ cau có tổ chim, tôi rình nghe tiếng chim non chíp-chíp là biết con chim đã đủ lông để trèo lên bắt. Tôi nhớ cây bưởi đào sau hè trái to xum xuê, loại bưởi (bòng) múi đỏ vỏ vàng, vị ngọt chua-chua nhiều người ưa thích. Tôi tiếc bờ tre xanh rậm rạp nơi mà đàn cò trắng thường bay về đoàn tụ mỗi buổi chiều, ríu rít chia nhau chỗ ngủ đêm. Mỗi cành cây, mỗi tấc đất đều có đấu chân anh em tôi, cỏ cây như có linh hồn níu kéo chân người bị đuổi đi, huống chi bên ngoài lũy tre xanh kia, nơi nghĩa trang, cha tôi còn nằm đó mà chúng tôi phải lìa xa chưa biết đi về đâu, đó là cái Tết buồn đau sau cùng trên đất Bắc, tỉnh Kiến An, thành phố Hải Phòng.

(Nhắc tới kỷ niệm tan cửa nát nhà vào ngày Tết 60 năm trước, tôi xin mở ngoặc nói một chút về việc “nát nhà” vửa xảy ra vào ngày Tết cũng tại quê tôi. Báo chí trong nước loan tin gia đình ông Đoàn Văn Vươn được huyện Tiên Lãng, Kiến An cho thuê đất bồi ven sông để đắp đập be bờ làm đầm nuôi tôm và vườn cây ăn trái, nay tới hồi hái quả thì huyện đòi thu hồi, anh em họ Đoàn khiếu nại. Nhưng ngày 5/1/2012, ngày cận Tết Nhâm Thìn, cường quyền Tiên Lãng mang súng ống đến “cưỡng chế”, tức dùng vũ lực thu hồi đất cho mượn, ông Vươn chống lại khiến công an bộ đội bị thương. Anh em ông Vươn bị bắt vô tù, nhà cửa bị đốt phá, vợ con lang thang đói rét, che lều đón Tết ngay trên nền nhà vừa bị phá (xem hình). Hành động cường quyền Huyện Tiên Lãng đã gây xúc động và phẫn uất cho người dân nghèo cả nước khiến cho cựu chủ tịch nước Lê Đức Anh cũng phải lên tiếng “chính quyền địa phương sai từ xã tới huyện”)
***
Thực ra thì những năm về trước thập niên 1950, khi bố tôi còn sinh tiền thì Tết quê tôi vui lắm. Những ngày cuối năm, sau khi việc đồng áng đã xong thì trong họ ngoài làng bàn tính chuyện đón Tết mà việc quan trọng nhất vẫn là chuyện gói bánh chưng, người nào việc nấy. Bố tôi chặt tre chẻ lạt, đánh gốc tre già phơi khô để nấu bánh, mẹ tôi tính chuyện đỗ gạo, còn đám anh em trẻ con chúng tôi thì lăng xăng khắp xóm, nghe tiếng “eng-éc” lợn bị chọc tiết ở đâu thì ùa nhau đến xem, chầu chực xin cho được cái bong bóng (bọng đái lợn), đem chà sát với tro bếp cho thật mỏng, thổi căng phồng rồi chí chóe đá bóng với nhau.

Nhiều gia đình chung nhau giết một con lợn, gọi là “đánh đụng” để lấy thịt gói bánh, thịt chia ra từng phần, tùy theo nhu cầu giầu nghèo mà lấy nhiều phần hay ít. Hồi đó chưa có tủ lạnh nên tôi thấy mẹ tôi sát muối vào thịt rồi xếp vào cái ang, cái thẩu bằng sành để giữ cho thịt được lâu dăm bữa nửa tháng.

Ngày gói bánh thì vui hơn tết, đàn ông khom khom gói, đàn bà mở lá chuối lau lau, bà kiếm cút rượu và bày đồ cho các ông nhắm. Trẻ con như chúng tôi thì lăng xăng chạy vòng quanh, chọc nhau cười chí chóe, giả vờ đụng tay vào những nắm đậu xanh rồi vội nhặt hạt đậu rơi ra bỏ miệng. Khi gói sắp xong, phần gạo đậu dư ra thì mỗi đứa nhỏ được gói cho cái bánh bằng nắm tay gọi là bánh “gù”. Bánh gù để trên cùng luộc chung với bánh chưng, thế lả tụi nhỏ cũng thức, ngồi quanh bếp hồng, nằm co quắp trong ổ rơm chờ bánh chín.

Ngày Mồng Một Tết thì kiêng đủ thứ nên trẻ con không được phá phách, mặc quần áo mới theo đuôi người lớn đi chào ông bà cha chú bác trong họ hàng để nhận tiền mừng tuổi. Có tiền nhưng không có bánh kẹo hay đồ chơi gì để mua nên được mẹ giữ hộ, bỏ vào con heo đất hay mẹ “bán” cho một con gà con mới xuống ổ để làm vốn riêng, gà lớn đem bán lấy tiền mua bút, mua sách hay để dành tới tết năm sau mua áo mới.

Mồng Hai Tết, theo Mẹ và các chị đi thăm dì, em ruột của mẹ, ở làng Vân Quan, cách xa nửa ngày đường đi bộ và chỉ đi bộ nên cảm thấy xa lắm, bù lại đến nhà dì thì được “ăn cỗ”. Một lần đi chúc Tết bác Tô Văn Ưng ở làng Khúc Giản, thấy ông bác nhấp nhấp chén (chung) nước màu hồng-hồng, mùi thơm-thơm, rình lúc ông quay đi, tôi nếm thử, thấy ngòn-ngọt, cay-cay, tôi bèn ực luôn một hơi rồi lỉnh ra vườn, một lúc sau tôi thấy chóng mặt rồi nôn mửa (ói), trong bụng có gì cho ra hết, nằm vật ra góc vườn.. Chiều ra về, tôi hết tung tăng, báo hại bà chị, đường xa chân đi guốc mà phải cõng thằng em trên lưng. Lần đầu tiên tôi trong đời tôi biết mùi rượu nếp cẩm là gì.

Từ Mồng Năm Tết trở đi thì vui lắm, dọc theo hai bên con đường dẫn đến đình làng, người ta cắm cờ đuôi nheo, cắm phướn bay phần phật trước gió Đông. Đình làng tôi có cây đa già vài trăm tuổi, không có chú cuội mà chỉ có những ông bình vôi ngồi gốc cây đa. Cành đa vươn xa trên mặt hồ nước, lủng lẳng trên đó những dây đu, bóng dâm lá đa làm mát mặt những anh thợ cày đổ mồ hôi. Đầu đình làng có cây gạo cao vút tầng mây, xa nửa ngày đường cũng trông thấy, trên ngọn cây người ta cắm lá cờ ngũ sắc báo hiệu ngày vui. Trống đình tùng-tùng liên hồi như thúc dục làng nước gần xa mau về sân đình xem khai hội.

Khai mạc với màn đánh vật, đánh vật là 2 thanh niên cởi trần ôm nhau, vờn nhau lừa miếng vật đối thủ, anh nào bị đè nằm ngửa dưới đất hay bị nhấc bổng lên là thua. Tiếng trống “thùng-thùng” thúc quân, dân quây vòng tròn hô hào cổ võ, thanh nhiên hồi đó đánh vật chỉ trông vào sức khỏe và nhanh nhẹn chứ không hề biết môn võ nào cả. Ngoài môn đánh vật ra, còn nhiều trò giải trí khác như nhẩy bao bố, đập nồi niêu, trèo cột mỡ, đuổi bắt vịt dưới hồ và hồi hộp nhất là tụi nhỏ chúng tôi đứng trân mình nhìn anh trai cày chị gái cấy đánh đu:

“Trai đu gối hạc khom khom cật.
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng
Bốn mảnh quần hồng bay phất phới
Hai hàng chân ngọc duỗi song song”
(Hồ Xuân Hương)

Dân quê tôi quanh năm suốt tháng cúi mặt với đất, phơi lưng cùng trời, đàn ông thanh niên cả đời theo đuôi trâu, luôn miệng “vắt-vắt, họ-họ”, vất vả với những trâu trẻ ham chơi “sáng tai họ, điếc tai cày”. Đàn bà phụ nữ làng tôi, huyện tôi đầu đội vai gánh, quần một ống, quần hai ống, ống thấp ống cao, xắn tới bẹn, cả ngày ngâm nước, không sợ đỉa, không sợ thâm.. chỉ mong sao cắm nhanh nắm mạ, cấy cho xong vạt ruộng trước khi trời tối. Nhưng cấy xong rồi, chưa về tới nhà đã nghe “lợn kêu, con khóc”, và chắc gì đã yên thân với ông chồng lười ngồi rung đùi rít điếu thuốc lào, thủy hỏa giao nhau kêu sòng-sọc, ngửa mặt lên trời nhả khói, say thuốc tê mê đang mong vợ về, mơ tưởng tới chuyện “tòm-tem”.

Vì vậy, khi chuyện đồng áng đã xong, “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” nên nam nữ già trẻ lớn bé tụ về sân đình xem hội. Ngoài những môn thi đua, quanh xóm đình còn có những thú vui khác là đánh sóc đĩa, tổ tôm, chắn cạ, tam cúc (lúc đó chưa có chơi bài loại 52 lá ách đầm già), hấp dẫn nhất vẫn là những gian hàng “mộc-tồn”, bánh đúc đậu rán chấm mắn tôm, canh bánh đa, bún riêu, cua luộc, nải chuối tiêu treo bên cạnh keo kẹo bột, kẹo lạc, bát nước chè xanh và cái điếu cày, toàn những món khoái khẩu chế biến từ nông sản địa phương. Ngày ấy quê tôi còn xa lạ với tiếng “phở”, chưa biết bún thịt nướng, bò 7 món là gì, cao lương mỹ vị làm từ thịt sữa còn quá xa lạ với dân quê. Tội nghiệp những đứa trẻ chúng tôi, vân vê mấy đồng xu mừng tuổi trong túi mà có quá nhiều thức ăn ngon thì làm sao đây? Đứng dòm thèm chảy nước bọt, thằng Chiêu* móc 5 hào mua cái bánh rán rồi cả đám chạy đi, vừa chạy vừa truyền tay nhau mỗi thằng cắn một miếng. Ăn hết cái bánh rán, cả bọn đứng lại trước quán bún riêu, thơm quá, nhưng làm sao 5 thằng ăn chung một bát? Thôi, không thèm ăn bún riêu, thằng Đát bảo thế rồi nó mua một đồng lạc rang để dễ chia nhau hơn (*Đ/Úy Tô Thanh Chiêu, TĐ.4TQLC đã tử trận và mất xác tại bãi biển Thuận An, Huế vào ngày 25/3/1975)

Ngày vui qua mau, hết tết, người lớn tiếp tục thay trâu cày, trẻ con áo cánh quần đùi chân đất, tay cầm cuốn tập góc quăn queo chạy tới lớp trong khuôn viên nhà thờ có thầy giáo Đại. Lúc nào tay thầy cũng cầm cái thước kẻ. Xòe tay ra, tay dính mực là thầy khẻ “chát-chát”, tuy có rát nhưng còn dễ chịu hơn khi nghịch quá thầy bắt nắm tay lại, đau quá cái mu bàn tay. “Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời” những cái tết tuổi nhỏ quê nghèo làm sao quên?
***
Tháng 3/1954 gia đình tôi di cư vào Nam, miền xanh tươi lúa chín đầy đồng, cá lội đầy sông, đất rộng người thưa, dân hiền hòa, nước thanh bình nên người dân miền Nam vui Xuân đón Tết thật tưng bừng náo nhiệt. Tuy lúc đầu có đôi chút khác biệt về phong tục, nhưng rồi dân “di cư” tôi hạnh phúc khi thấy bánh chưng ngồi cùng bánh tét, đậu phộng nằm chung với lạc, rau với giá là người một nhà và người miền Nam có một ước nguyện đầu năm thật đơn giản dễ thương được tượng trưng bằng một mâm trái cây gồm “cầu, dừa, đủ, xoài” với cặp vú sữa to tròn, dưa hấu đỏ lòng mát dạ những ngày Tết nóng đổ mồ hôi.

Từ Khánh Hội tới Bàn Cờ, qua Hòa Hưng, đến Chí Hòa Ngã Ba Ông Tạ, sang Trương Minh Giảng, Bùi Phát, đi Xóm Mới, Gò Vấp v.v…không khí Tết, buôn bán Tết tràn ngập phố phường. Pháo bắt đầu nổ tưng bừng, “ly rượu mừng” trên làn sóng phát thanh và trên bàn nhậu thâu đêm suốt sáng vẫn không say. Tuổi đang lớn tôi được hưởng những cái Tết thật hạnh phúc ấm cúng và đầy đủ trong vòng tay mẹ già, anh chị em đoàn tụ, hàng xóm tử tế và hình như tôi bắt đầu thấy cô hàng xóm cũng dễ thương. Ở hẻm 172/27 Đỗ Thành Nhân Khánh Hội, cái hẻm tráng xi-măng rộng chừng xải tay, người ngồi đối diện cũng dễ đụng chân nhau. Chiều chiều hàng xóm ra ngồi trước cửa hóng mát nói chuyện thì em Cúc-Hà ở nhà đối diện cũng ra ngồi “hóng chuyện”, tôi cũng chân co chân duỗi ngồi nghe thiên hạ bàn chuyện làm mứt gừng mất bí, chả hiểu vô tình hay cố ý mà ngón chân cậu con trai 16 tuổi đụng đúng điểm huyệt ở gan bàn chân cô gái 13, thế là lườm, là nguýt, là xì, là bỉu môi, nhưng rồi cuối cùng thì cũng dung dăng tay trong tay đi xem chợ Tết.

“Tình chỉ đẹp khi còn dang dở” khiến tôi nhớ mãi tên em, trai gái buông tay nhau, tôi ôm súng, ngồi chòi canh gác đêm ở trường Võ Bị, sương mù che mắt lạnh thấu xương, kéo mũ chùm đầu thêm cái nón sắt mà dường như tôi vẫn nghe văng vẳng “Đón Giao Thừa Một Phiên Gác Đêm” từ cư xá Chi Lăng vọng lại! Đêm ấy là đêm trừ tịch 1962, tôi đưa tay áo trận lau nước mắt.

Đêm Giao Thừa mà khóc thì vất vả cả năm, đúng sai tùy lòng tin của mỗi người, nhưng từ đó tôi đón Xuân, ăn Tết cùng đồng đội Cọp Biển TQLC khắp 4 vùng chiến thuật, từ Bến Hải đến Cà Mau và cái Tết 1965 đầu đời binh nghiệp ở TĐ.5/TQLC với nhiều hồi hộp, lo âu.

Bãi tập chiến thuật của đơn vị tôi là cánh rừng thưa dưới chân núi Châu Thới (Dĩ An) có nhiều mai đang nở, mà dẫu cho “nếu mai không nở thì ..” thì cảnh sắm tết của người dân Thủ Đức, Dĩ An, Biên Hòa cũng cho chúng tôi biết Xuân đang về nên khi thực tập bài học tấn công đêm, anh em binh sĩ đã gài vào người những cành mai rừng, việc này sai với nguyên tắc ngụy trang, nhưng tôi chỉ mỉm cười, vì nếu anh em binh sĩ nào tinh ý cũng thấy trên ngực áo trận tôi gài cành mai nhỏ có 2 bông. Mới tốt nghiệp thiếu úy, ra trường chưa tròn tháng mà đã gài 2 bông mai trên áo là điềm hên xui gì đây? Thăng cấp hay truy thăng?

Kèn báo động, tiểu đoàn ra lệnh tập họp, súng đạn sẵn sàng để lên đường tiếp viện ngay đơn vị bạn đang đụng trận. Cái gì thế? Chúng tôi nhìn nhau lo âu ngơ ngác, phòng “văn khang” hoa rượu bánh mứt đã sẵn sàng trên bàn tiệc, ngoài cửa, biểu ngữ “Cung Chúc Tân Xuân” và những lá cờ bay phất phới, nhưng không khí buồn đau tràn ngập, tin dữ dồn dập gửi về, TĐ.4/TQLC đang đụng rất nặng tại Bình Giả, cách suối Lồ Ồ, hậu cứ của TĐ.5/TQLC không xa. Đại Đội Trưởng Dương Bửu Long nhắc binh sĩ coi kỹ lại súng đạn chuẩn bị lên đường rồi anh ta kéo tôi ra xa nói nhỏ:

_ “Tiểu Đoàn Trưởng TĐ.4, Thiếu Tá Nguyễn Văn Nho, Tiểu Đoàn Phó Trần Văn Hoán, Bác Sĩ Trương Bá Hân và mấy người bạn cùng khóa của bạn là thủ khoa Võ Thành Kháng và Nguyễn Văn Hùng đã tử trận cả rồi, tình hình nguy ngập lắm..*”
(*Theo tài liệu của Trung Úy Trần Ngọc Toàn, ĐĐT/ĐĐ.1 thì tổng kết thiệt hại của TĐ.4/TQLC tại trận Bình Giả là: 112 tử thương, 120 bị thương, 82 mất tích)

Tin Kháng và Hùng tử trận vào ngày 31/12/1964 khiến tôi sững sờ, toàn thân tê đi, tình nguyện chọn binh chủng tổng trừ bị là chọn hiểm nguy, nhưng không ngờ các bạn tôi lại ra đi quá nhanh, quá sớm! Chúng tôi tốt nghiệp ngày 28/11/1964, vừa trải qua 15 ngày phép mãn khóa, cặp lon thiếu úy TQLC óng ánh kim tuyến trắng tinh chưa dính bụi trần, vẫn còn hương thơm và dấu tay người yêu, vậy mà các bạn tôi đã hy sinh, đã trả nợ Tồ Quốc xong cả vốn lẫn lời! Người yêu đang chờ các anh về cùng nắm tay nhau ngắm hoa Xuân trên đường Nguyễn Huệ, nhưng các anh đã được truy thăng “trung úy”! Bất giác tôi cúi nhìn xuống ngực, 2 bông mai rừng tôi gài lên áo ở bãi tập đã rơi từ lúc nào? Anh em Mũ Xanh thường nói “TQLC sống hùng sống mạnh nhưng không sống lâu”.

TĐ.5 chưa kịp tiếp viện TĐ.4 thì mọi chuyện đã an bài, chẳng ai thiết “Ngày Xuân Nâng Chén Ta Chúc..” mà chúng tôi chuẩn bị súng đạn lên vai, mười hai ngày gạo lên đường hành quân Pleiku, Đức Cơ, Dakto, Tân Cảnh, nơi nào có tiếng súng nổ là có chúng tôi, lần hồi những đồng đội cũ thưa dần vì đi phép dài hạn hay ngắn hạn thì đơn vị lại có thêm người mới. Khí hậu Cao Nguyên lạnh buốt mùa Đông, mai rừng đã hé nhụy, đơn vị tôi được lệnh về dừng quân ở ngoại ô thành phố Kontum để bảo vệ đồng bào đón Xuân, Xuân 1966.

Tôi rủ mấy người bạn dọoc ra phố rửa mắt và nhâm nhi, phố chính là đường Trần Hưng Đạo nhộn nhịp, đi vòng ra bờ sông Dabla có quán cafe của em Trâm chân dài ví bự, chả sơ múi gì, nốc cạn ly café rồi quay về phố chính, uống café kiểu ngưu ẩm bởi trong lòng chẳng có gì vui. Đi ngang tiệm chụp hình, thấy lá quốc kỳ không treo mà lại gắn trên tường, thằng Trần Tử Phương, chuẩn úy, gỡ cờ xuống rồi quàng vào người, thằng C/u Lộc-Lùn, thằng C/u Cường Tây Lai, thằng T/u Qùy, C/u Thảo và tôi giật lá cờ vàng 3 sọc đỏ ra, đè thằng Phương nằm xuống đất, 4 thằng cầm 4 góc, phủ lá cờ lên người Phương, một thằng bắt nhịp hát: “ò í e, ò í e e e…”. Tiếng kèn truy điệu bằng mồm vừa dứt thì Phương vùng dậy, cười toe toét: “tao chưa chết”.

Là lính thì ai cũng biết điệu kèn này là gì rồi, mà lính đang đi đánh giặc lại chơi như thế thì đúng là rỡn mặt với tử thần, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, lính Mũ Xanh sống hùng sống mạnh nhưng không sống lâu, tháng 6/1966, trong trận Mộ Đức Quảng Ngãi, đại đội của tôi bị nặng, C/u Trần Tử Phương và C/u Thảo tử trận, Th/u Lộc bị thương, Tr/u Dương Bửu Long bị thương, Th/u Quỳ bị VC bắt sống, tôi thoát nạn vì không có mặt trong trận đó, tôi bị phạt, bị đem nhốt QC 202 trước khi tiểu đoàn đi hành quân ở Mộ Đức.

Đám lính trẻ chúng tôi lang thang phố phường Kontum xem dân sắm Tết, đi qua tiệm bán đồ kỷ niệm, thấy có con báo (beo) nhồi bông đẹp quá, tôi hỏi mua, cô chủ tiệm bảo không bán, để trưng thôi. Tôi thì chịu, còn nàng chẳng chịu, thua thì thua cứ níu lấy con …beo, cuối cùng bí nước, nàng chọc quê lính nghèo, cô nói thách giá “3 ngàn”. Lương thiếu úy chưa tới 5 ngàn, mới lãnh và đang dạo phố chưa có chỗ tiêu hết, tôi móc ra đếm, nắm tay cô hàng đặt vào 3 ngàn rồi tôi ôm con báo nhồi bông trước cái nhìn ngơ ngác của cô chủ tiệm.

“Xuân này con không về chắc mẹ buồn lắm”, vừa hát xong tôi nhớ đến mẹ, đến anh chị tôi, chắc gia đình cũng đang chuẩn bị đón Xuân, đang nghĩ đến con, đến em nhưng không biết nó đang phiêu bạt nơi nào, tôi quyết định gửi con beo này làm quà Tết biếu mẹ và anh chị, tôi nhờ Th/u Huỳnh Văn Phú mang về Saigon dùm vì Phú được đi phép

Đêm về đang nằm võng đu đưa, nghĩ đến lúc gia đình nhận được quà chắc là mừng lắm, như có tin vui con em mình còn sống thì tôi nghe súng nổ, tiếng nổ rất gần chỗ tôi nằm, võng đứt dây, tôi lăn xuống hố. VC tấn công, chẳng có chi lạ, mấy hôm nay chúng vẫn dò dẫm quấy rối vào vị trí đóng quân của TĐ.5 như thế, nhưng tối nay có vẻ căng hơn, chúng bắn B40. Mùi tanh, vị mặn, đau rát khắp mặt, tôi biết mình đã bị thương, đưa tay vuốt mặt nhưng tôi không nhìn thấy gì cả, nghe loáng thoáng B1 Nguyễn Văn Đá. Cao-bồi của tôi gọi y tá, tôi được tản thương vào bệnh viện Kontum.
Ngày thứ ba, bác sĩ gỡ băng ở mắt tôi ra, ông ta quơ tay trước mặt tôi và hỏi:

_Thiếu úy có nhìn rõ không?

_ Rõ, bàn tay 5 ngón.

_ Tốt, may lắm, chỉ là vỏ cây và đất đá văng vào mặt vào mắt thôi, không có miểng đạn...

Binh Nhất Đá đến đón tôi xuất viện hớt lời vị bác sĩ như để an ủi tôi thêm:

_ Nhưng cái đầu võng của ông thầy đã bị miểng B40 chém rách và đứt dây rồi.

Tôi đã nhắm mắt đón Xuân 1966 trong bệnh viện, nhưng còn sống thì còn Xuân, chỉ thương cho B1 Đá, quê quán tại Phước Lễ Vũng Tàu, đã chẳng bao giờ có mùa Xuân đến với em nữa, em đã tử trận sau Tết năm đó trên con rạch ở mật khu Lý Văn Mạnh.

Xuân đến Xuân đi rồi Xuân lại đến, nhưng anh em lính chiến TQLC chúng tôi thì vẫn đi, đi để bảo vệ quê hương, để đồng bào đón Xuân trong thanh bình và đã nhiều anh em tôi ra đi, đi mãi trong những cuộc hành quân này. Những ngày tháng cuối năm 1967, Chiến Đoàn B TQLC gồm TĐ.1 và TĐ.2 lùng và diệt địch trong vùng Định Tường, Giáo Đức, Cai Lậy vì tin cho biết 2 tiểu đoàn VC địa phương 261 và 262 sẽ đánh phá vùng này, chiếm Quận Giáo Đức và Cai Lậy, 2 cái yết hầu trên QL4 để ngăn chặn nguồn tiếp tế từ vùng IV về Saigon, cắt nguồn lương thực không cho đồng bào ăn Tết và rồi trận chiến đã xẩy ra đúng như dự đoán suốt ngày và đêm.

Đêm hưu chiến 31/12/1967, trên kinh Cái Thia, cách quận Cai Lậy chừng 10km, TĐ.2 Trâu Điên đã đụng độ ác liệt với 261&262, đã chôn vùi chúng trên con kinh này, nhưng cái buồn nhất với tôi là một số đồng đội đã bị thương và tử thương, trong đó có đàn em thân tín như ruột thịt, em đã hy sinh một cách anh dũng, vì đồng đội mà hy sinh, em vĩnh viễn ra đi khi vừa mới cưới vợ trước chuyến đi hành quân ấy, đó là:

Nguyễn Quốc Chính, K20VB, Tr/Úy ĐĐP/ĐĐ.1/TĐ.2TQLC.

Chiến Đoàn B/TQLC đã hoàn thành nhiệm vụ an dân, Trâu Điên được dừng quân ở 2 bên bờ sông quận Cai Lậy, anh em thay quần áo sạch để chuẩn bị đón Xuân. Chị Doan, chị Hợp và nhiều chị khác đã từ Saigon đem con xuống để vợ chồng cha con đoàn tụ 3 ngày Tết, cảm động nhất là thân mẫu của Tr/U Lâm Tây Đô cũng lặn lội từ xa mang quà đến cho con trai, “Xuân này con không về” thì mẹ ra tiền tuyến thăm con, nhưng vui chưa trọn thì đã buồn chia tay, đúng ngày đầu Xuân, VC đã xé lệnh hưu chiến, đem quân đến nơi nào có dân đang ăn Tết, Tết Mậu Thân 1968 để tấn công, anh em Trâu Điên phải vội vã lên đường về giải phóng Thủ Đô Saigon, để lại nơi “tiền tuyến” Cai Lậy mẹ già, vợ dại con thơ, những gói quà Tết chưa kịp mở.

“Anh Về Thủ Đô Chúng Tôi Chờ Mong”, chúng tôi đã về thật, nhưng chúng tôi về để diệt kẻ thù ngay trong lòng thủ đô, chẳng ai chờ mong chúng tôi về trong hoàn cảnh éo le này. Ngày Tết chúng tôi về thì mẹ già lại khăn gói chạy giặc. Nếu như Tết năm 1963, khi còn là SVSQ, tôi được đi phép về Saigon ăn Tết, tôi đã được làm quen với em rồi chở nàng đi Lăng Ông …thì Xuân này, Mậu Thân 1968 tôi đã đem quân tấn công vào mục tiêu trong đó có nhà em. Chúng tôi đã được về thủ đô ăn một cái Tết mất mát nhiều hơn vui, tiếng đạn nhiều hơn tiếng pháo, xác người đè lên xác pháo.
Ở mặt trận ngã ba Cây Thị, rạp hát Cao Đồng Hưng, địch ẩn núp trong nhà dân, ngõ hẻm chằng chịt ngoằn ngoèo, Hạ Sĩ Thành vốn là thổ địa ở đây nói với người trung đội trưởng:

_ Em là dân ở đây, nhà em trong này, thiếu úy để em đi đầu dẫn đường.

Đau thương, HS Thành gục xuống, anh đã hy sinh ngay nơi anh sinh sống, chưa kịp mở cửa nhà để chào mẹ già.
Ở khu vực đài phát thanh Phan Đình Phùng, người yêu tìm đến thăm B1 Thủy và hẹn chiều hôm sau đến mang quà vui Xuân, nhưng ngay đêm đó Thủy đã hy sinh!

Thiếu Úy Chu có người yêu là cô Ba Dung ở đường Trần Quang Khải, họ hứa với nhau “Xuân này anh sẽ về và cùng cha mẹ mang trầu cau tới xin …nắm tay em”, nhưng buồn thay, thân phụ Dung đã tử nạn trong trận đụng độ giữa VC và TĐ.2/TQLC tại xóm Gà. Bà già Dung không muốn thấy bộ quân phục rằn ri nữa, tình Chu-Dung dang dở, chả đẹp tí nào! Người lính chiến đã hy sinh tuổi trẻ còn bị hàm oan, mất cả tình yêu.

Tại mặt trận đường Hậu Giang, cư xá Phú Lâm A, Hạ Sĩ Bùi Ngọc Đường đã cứu mạng một phóng viên chiến trường trong đường tơ kẽ tóc, họ trở thành anh em kết nghĩa, chụp chung một tấm hình làm kỷ niệm, nhưng rồi sau đó người phóng viên lại hy sinh ở mặt trận khác, cô con gái 7 tuổi giữ kỹ tấm hình của cha và anh lính Trâu Điên trong nhật ký.
Tháng 7/2008, trên tờ báo lính KBC Hải Ngoại, có bài viết “Người Yêu Trâu Điên”, tác giả N.A nhắc lại kỷ niệm về người cha thân yêu và người lính TQLC, trong đó có đoạn:

_ “Anh Trâu Điên yêu dấu.

Khi viết năm chữ này, trái tim em đập những nhịp bất thường, ngón tay cầm viết cũng run rẩy. Trước mặt em là tấm hình đen trắng ..
Anh Trâu Điên biết mà, tấm hình này chính Ba em chụp cho anh ..Tự nhiên Ba cầm tấm hình ngắm nghía rồi đưa cho em, nói:

_ “Tấm hình này đẹp quá, muốn giữ không con?”

Tấm hình Ba khen đẹp quá, em đã ép trong cuốn nhật ký nhỏ, dấu kín giữ cho riêng em mà thôi ..
Tháng Năm năm Mậu Thân, VC lại tấn công thủ đô lần thứ 2 ..
Buổi sáng hãi hùng đó, không có anh Trâu Điên, Ba em đã đi luôn ..
Không, Ba có trở về bằng thân xác còn nóng hổi, máu còn chẩy ra linh láng, ướt hết quần áo em! Hai chị em yếu đuối đã vác xác Ba về …..
Lá thư này em viết nhưng không bao giờ gửi, vì em đâu biết anh Trâu Điên ở nơi nào trên mảnh đất đầy thống khổ .. .. Em viết lá thư này như một nhu cầu yêu thương dành cho anh Trâu Điên, ngươi bạn trẻ của Ba, hình ảnh Ba và anh Trâu Điên luôn gắn liền nhau trong lòng em. Em giữ mãi lá thư không gửi trong cuốn nhật ký ..

Với lòng mong mỏi anh Trâu Điên vẫn còn sống sót đâu đó biết rằng trên mặt đất này vẫn còn có một người nhớ tới anh Trâu Điên ngày xưa ..” (N.A)

Ý và lời của N.A đẹp hơn bất cứ một bức tranh nổi tiếng nào, đẹp nhưng buồn quá, 40 năm sau mà cô viết lại kỷ niệm như chuyện vừa xẩy ra hôm qua, câu chuyện thật hằn sâu trong tim, con tim rướm máu. Nhưng cô N.A ơi! Anh Trâu Điên mà cô nhắc đến cũng đã theo chân người anh kết nghĩa, thân phụ của cô. Trâu Điên Bùi Ngọc Đường đã hy sinh trên chiến trường Cao Miên cuối năm 1969.

Còn với người viết thì…Sau khi giải tỏa địch xong tại khu vực đường Thành Thái, khu vực có nhà em, mà không gây thiệt hại gì cho dân chúng trong vùng, đang ngồi nghỉ bên vệ đường thì được một bà cụ đem cho đĩa cơm với miếng thịt heo và 2 quả trứng vịt, cụ bảo:

_ “Ăn đi con, thịt heo quay kho tàu đấy, an với dưa…”

Cụ chưa nói hết câu “ăn với dưa giá” thì một tràng súng nổ, cụ vội bỏ nhanh đĩa cơm xuống đất rồi chạy vào nhà, một lão trượng đi tới cười ha hả: “bà này nhát, lính người ta bắn chỉ thiên đuổi mấy tên hôi của…” rồi ông đến bên tôi mồi cho điếu thuốc 555:

_ “Hút với bố điếu thuốc ngày Tết, lính của con giỏi và kỷ luật lắm..

Giữa nơi khói đạn còn ngộp thở mà một lão trượng xa lạ đến thăm lại tư xưng là “bố” và gọi tôi là “con”, khen lính tôi gỏi và kỷ luật thì còn gì cảm động cho bằng, ước chi lão trượng có con gái, tôi thầm nghĩ như thế..
***
Nghe tiếng ú-ơ của anh bạn tù năm xưa, đã 7 giờ sáng rồi, tôi lay vai dánh thức:

_ Sáng rồi, dậy rửa mặt, rồi đi uống café, lại mơ thấy “bánh chưng” phải không?

Phan Hữu Hạnh, người bạn tù năm xưa treo cái bánh chưng suốt 3 ngày Tết ở Hoàng Liên Sơn, ngồi bật dậy, đưa tay che miệng ngáp rồi đáp:

_ Gần như vậy, tôi mơ thấy thằng bộ đội quản chế bắt vác một khúc cây to còn tươi về trại để nấu bánh chưng. Bố khỉ, sao ác mộng nó cứ đeo đẳng hoài?

_ Đó là điều không vui, nhưng cũng nhắc cho chúng ta khỏi quên dĩ vãng, nhớ lại cái thiếu trước kia và cái thừa ngày nay ở hải ngoại. Chúng ta đang được hưởng những mùa Xuân hạnh phúc thì chớ quên đồng đội “vô phúc” nơi địa ngục trần gian. Củng cần có thêm ác mộng để nhắc nhở cho những con trâu già nham nhở ở hải ngoại hay khoác lác khoe khoang chuyện tìm về chốn cũ gặm cỏ non, chúng gặm cả cỏ non trên mảnh ruộng chéo của đồng đội xưa, những con trâu bò mang họ Nguyễn, Trần, Lê, Bùi, Đoàn, Hoàng v.v..ở hải ngoại.

_ Mời các ông ra ăn bánh cuốn nóng Thanh Trì, chả lụa, nước mắm cà cuống…

Tiếng cô con gái của lão trượng ngày xưa mời chồng và bạn điểm tâm bằng bánh cuốn giò lụa càng làm tôi nhớ đến chuyện ăn sáng ngày tết với mẩu sắn rồi nhai luôn cả tim sắn:

Đón Xuân Này Nhớ Xuân Xưa”./.
 

 


MỤC LỤC

Lá thư Sóng Thần

ĐH TQLC tại Dallas

Sinh hoạt hội Houston

Sinh hoạt hội Iowa

Sinh hoạt hội Nam Cali

Sinh hoạt Úc Châu

Sinh hoạt hội Washington

40 năm - Một thời chinh chiến

471 của tôi, Đại đội C của tôi

Phương Nam : Ánh sao nơi cuối Trời

Chiến Đoàn A TQLC và trận Đức Cơ

Dây biểu chương

Bạn già

Danh sách cha con, anh em ruột cùng phục vụ trong binh chủng TQLCVN

Chiến thắng đầu Xuân

Chuyện lá cờ

Chuyện những người thích nổi

Đặc khu Rừng Sát… và những ngày sau cùng

ĐĐ4/TĐ2/TQLC Tiêu diệt CX thuộc TĐ Tăng 202

Đám cưới nhà binh

Dấu chân người lính Pháo Thủ MX

Định mệnh

Đón xuân này, nhớ xuân xưa

Dòng sông tuổi nhỏ

Hai lần khoác áo TQLC

Hành trình tìm tự do

Huyền thoại chiền sĩ Mũ Xanh

Ký ức người pháo thủ Lôi Hỏa

Lao tù và vượt ngục

Một thời để yêu, một thời để nhớ

Người lính Mũ Xanh và Bé dấu yêu Trưng Vương

Tháng Tư aa trường

Người linh tiền phong

Người bạn thủy chung

Nhật ký hành quân Trung Đội

Nhảy vào Triệu Phong

Trung Đội 2/TĐ7 & những ngày cuối cùng

471 của tôi, Đại đội Viễn Thám C của tôi

Pháo Đội A/TQLC Chiến Trận Hè 1972

Quận Trưởng Triệu Phong

Tàn bạo, lừa bịp , khoác lác là bản chất CSVN

Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh

Tiểu Đoàn 2 Pháo Binh

Tiểu Đoàn 2 và những biến cố chính trị

Thăm quê

Tiểu Đoàn 3, cuộc hành quân Toàn Thắng 1969

Trại Thanh Cầm và dòng sông  Mã

Trốn vượt biên

Trung Đội 2, Đại Đội 2, Tiểu Đoàn 7/TQLC

Trước Sau Như Một!

Vui buồn đời lính