Định mệnh

Mai văn Tấn.

Sau ngày miền Nam bị CS cưỡng chiếm, tất cả quân cán chính cũng như toàn dân và đất nước VN bước vào một định mệnh đau khổ trong cuộc đổi đời đen tối. Mọi người tuyệt vọng, không biết tương lai rồi sẽ về đâu. Số người tìm cách ra đi bằng bất cứ phương tiện gì kể cả hy sinh mạng sống để tránh nạn CS..một số lẳng lặng bước vào nhà tù CS gọi là cải tạo vì không còn cách nào khác mặc cho “Rủi may âu cũng sự đời”.

Đa số Quân cán chính của VNCH năm 1976 lên đường ra Bắc sau một năm ở rải rác các trại miền Nam. Di chuyển bằng tàu Sông hương cho sĩ quan từ cấp trung tá, bằng máy bay cấp đại tá và hành chính cũng như cảnh sát. Sống trên tàu đúng là địa ngục trần gian, mọi hành hạ gặp phải, trong đầu không bao giờ tưởng tượng được.

Chuyến tàu đầu tiên ghé cảng Hải Phòng và tiếp tục di chuyển bằng xe hỏa, đóng cửa kín trong các toa chở súc vật, đến nỗi phải có người chết vì ngộp. Qua phà Sông Đà[ phà Ô Lâu], di chuyển bằng xe thẳng lên Sơn La đến trại tù của Pháp để lại. Từ tàu lên, cứ đủ người cho một toa xe vào một toán không cần biết tên họ chỉ đủ số là đi, vì vậy có nhiều người ở trong Nam chung một trại, khi ra bắc không còn gặp lại nhau. Khi đến Sơn La đủ người dồn vào một nhà tù khóa cửa sáng ra mới lấy tên họ và chia từng đội khoảng ba chục người có một tên bộ đội và hai cảnh vệ kiểm soát. Bởi thế tôi mới gặp một số người chưa bao giờ quen biết. Trong số không quen có một anh nằm gần tôi là anh Huỳnh Tự Trọng phục vụ ở tiểu khu Quảng Nam. Ở đó khoảng ba tháng, trại dời đến xã Mường Cơi, huyện Nghĩa Lộ cũng tỉnh Sơn La (Hoàng Liên Sơn). Anh Trọng cũng tiếp tục nằm gấn tôi. Đi đến đâu, tù chúng tôi phải cất trại cho mình cũng như cho một số bộ đội theo canh giữ. Lần đầu chính mình làm trại nhốt mình, làm chỗ ở cho người canh giử mình thật thấm thía “Ngẫm hay muôn sự tại trời”

Qua một thời gian gần gũi, nhận thấy anh Trọng là người hiền lương nhưng nhút nhát, lo lắng bồn chồn và thiếu tự tin. Nhiều đêm tôi tâm sự cùng anh, và nói anh đừng tin những gì bọn CS nói mà hãy cố gắng giử gìn sức khoẻ là chính. Anh có còn sống mới mong có ngày về với gia đình,thời gian bao lâu chúng mình chắc không ai biết được. Chúng hay nói thời gian là do các anh, các anh phải cải tạo tốt mới về với gia đình. Chúng nó chỉ nói thế tuỳ anh hiểu, tôi hỏi anh cải tạo tốt là như thế nào, anh không biết thì làm sao cải tạo tốt được. Nhưng trong thâm tâm anh nôn nóng làm sao để về với gia đình. Chúng bảo lao động thế nào anh cố gắng làm như thế ấy mong cho tốt để được tha ra khỏi trại. Nhưng anh làm theo chúng mà anh luôn luôn đói thì làm sao sống được, anh có nghĩ điều đó không.

Những điều tôi nói chắc anh cũng hiểu, nhưng trong lòng mong muốn về sớm với gia đình nên anh khó nghe theo. Anh nói với tôi anh cứ lo trốn trại, tôi nghĩ rằng anh trốn không thoát đâu, chỉ thiệt thân thôi.Tôi không ngờ khuyên anh, anh khuyên lại tôi, rốt cuộc đường ai nấy đi, hồn ai nấy giử. Dầu cho “hận thù yêu thương chồng chất”, mỗi người suy nghĩ một cách làm theo ý mình không biết sao là đúng sai, hạ hồi phân giải.

Những ngày cuối tháng Chạp, thời tiết se se lạnh và “mưa rơi lất phất, chiều Sơn La mưa rơi nhoà nước mắt”, nhưng bộ đội không cho nghỉ. Cả đội dàn ngang cuốc đất lên luống trồng su hào. Mọi người mặc đủ thứ đồ bằng bao cát hoặc quần áo vá chằng chịt. Trên đấu đủ loại mũ tự may và làm lấy miễn sao giữ ấm là được.

Mới ra Bắc khoảng sáu tháng, anh em đã rách rưới và đói rét triền miên, thân hình chỉ có da bọc xương trông thật thê thảm. Nhìn qua anh Trọng, đội nón bao cát có hai mảnh che tai, tay cuốc, nước mũi chảy vì lạnh, nước da anh đã đen càng xạm hơn. Lúc đó tôi không nhìn được tôi nhưng chắc cũng thê thảm lắm. Bãi đất chúng tôi cuốc đã được trồng sắn trước đó, lâu lâu anh em cuốc lại lòi một mảnh sắn nhỏ còn sót lại. Anh nào được mẫu nào đem đến chổ đốt lửa để sưởi và để mọi người trong đội hút thuốc lào dùi vào đấy, trở lại tiếp tục cuốc, ước tính thời gian mảnh sắn chín lấy ăn. Anh Trọng nói với tôi, ước gì có một rổ sắn để ăn cho đã thèm có chết cũng chịu. Trong hoàn cảnh đói khổ, người ta chỉ ước ao những điều thật tầm thường.

Người CS dùng điều nầy để kiểm soát bao tử, tạo cho mọi người vì cái ăn để làm những gì chúng muốn thật tàn nhẫn và không có nhân tính.
Điều ao ước của anh Trọng làm tôi xúc động, lấy làm phiền muộn cho chính bản thân mình lẫn mọi người trong hoàn cảnh khốn khó. Trong thâm tâm tôi muốn kiếm cho anh một ít sắn khi có dịp thuận tiện, có nghĩa là đi đánh cắp của trại. Đánh cắp mà bị bắt coi như bị cùm trong nhà kỷ luật ít nhất một tuần, còn tái phạm nhiều lần thì còn tuỳ để gia tăng thêm, thành thử muốn mở một phi vụ phải cẩn thận tối đa để được an toàn. Vì vậy có một số người thà chịu đói không dám đánh cấp, anh Trọng nằm trong số người nầy. Vì tôi là lính tác chiến, dẩu sao cũng từng kề cận cái chết. Hơn nữa sống quá khốn khổ như thế nầy, tôi nghỉ chết là giải thóat. Dầu có nghĩ về gia đình, nhưng đâu có giải quyết được gì, người CS thừa gian ngoan, lừa dối, lươn lẹo, bội tín…nhưng rất thiếu nhân tính, đang trả thù tất cả chúng ta. Đó chính là nguyên nhân thúc đẩy tôi hành động liều mạng.

Một bữa nọ tôi được đi kiếm củi cho đội để mang về sưởi ấm, thuận tiện tôi lấy được bao cát sắn, tôi chia cho anh Trọng hơn phân nửa, anh mừng quá đỗi, mang về đợi anh em lên sạp ngủ, mang ra bỏ vô lon guigoz (lon sửa bột) để vào chỗ đốt lửa để sưởi mà nấu ăn. Sáng hôm sau đi cuốc đất tiếp, anh nói lời cám ơn rối rít.

Nhưng khoảng vài ngày sau, anh bị cảm cúm không thể lao động được. Anh được nằm nhà ăn cháo. Phải nói được ăn cháo là diễm phước, vì mọi người chỉ ăn khoai sắn,mặc dầu cháo nấu lỏng bằng gạo nhưng là điều rất hiếm hoi, chỉ có trong những dịp đặc biệt được trại cho phép. Buổi trưa đi cuốc đất về, anh Trọng ăn được hai phần cháo nhà bếp phát, còn lại một phần anh cho tôi.Tôi thấy phần cháo một người ăn chưa đủ no, mà anh không ăn hết. Tôi khuyên anh cố gắng ăn hết mới mong lành bệnh. Anh nói anh ăn không nởi biết làm sao. Lúc đó anh nói với tôi: “còn vài ngày nữa mình được ăn bánh chưng, tôi mong mỏi từng ngày để được ăn bánh chưng vì thèm quá”.

Ngày hôm sau anh hoàn toàn không ăn một chút cháo nào và sức khoẻ kiệt quệ và hơi thở nặng nhọc, nhưng anh vẫn thều thào nói ngày mai được phát bánh chưng rồi, để ngày mai ăn một bữa bánh chưng cho đã thèm. Chiều ngày hôm sau phát bánh chưng cho tù nhân nhưng anh Trọng đã xuôi tay trước khi được nhận chiếc bánh mà anh hằng ao ước. Ngày đó là ngày cuối tháng chạp, và ngày hôm sau là ngày mùng một Tết năm 1977.Tôi không nhớ ngày 29 hoặc 30, vì tháng Chạp thiếu, ngày 29 rồi mùng một Tết. Tôi nghĩ sinh mạng con người trong hoàn cảnh nào đó quá rẻ, bọn bộ đội coi như là con vật không hơn kém, không mảy may nghĩ ngợi. Tôi nghĩ đến anh, rồi nghĩ đến số phận chính tôi và những người đồng cảnh mà không khỏi tuôn trào nước mắt. Thắm thía câu “mất nước là mất tất cả”.

Anh em cũng lo ma chay cho anh, đem cái bánh chưng cúng và được thầy Bối, tuyên úy Phật Giáo lo liệu. Nhưng số người đang bận rộn thì một anh nào đó lấy mất cái bánh chưng đang cúng vong linh anh Trọng! Khi anh em phát giác ra, thì anh ta đã ăn xong. Tất cả anh em làm thinh, mỗi người trầm ngâm suy nghĩ không nói một lời. Tấ Ccả mọi người đều hiểu ngầm trong hoàn cảnh quá đói khổ thì nên thông cảm cho người không còn kiểm soát được mình mà đã phải nhẫn tâm làm một việc mà không bao giờ làm trong điều kiện bình thường. Thầy Bối đang cúng kiến thì bộ đội vào buồng bảo phải dẹp. Anh em đâu biết làm sao, đành quấn xác anh cùng đồ vật của anh bằng cái poncho, và khiêng ra vườn rau theo lời bọn bộ đội, sáng mai giải quyết.

Sáng hôm sau là ngày đầu năm, mọi người được nghỉ. Bộ đội xuống kêu gọi anh em tình nguyện đi chôn anh Trọng.Tôi là một trong năm người đó.Tôi nghĩ nên đi để nhớ được điều gì nay mai sẽ hướng dẫn người nhà đi lấy cốt. Trong tâm tư tôi suy nghỉ như thế, nhưng thật sự không biết có ngày về hoặc còn sống sót hay chăng. Anh Trọng đi ra Bắc được 6 tháng thì anh mãn phấn, người đầu tiên của trại chết. Vì đi Bắc khoảng tháng 6/1976, sau khi ở trong Nam khoảng một năm.

Khoảng hơn năm sau, trại di chuyển khỏi Sơn La, xuôi Nam để tránh bài học trừng phạt của Trung Cộng vào đầu năm 1979 thì không ai chết nữa. Anh Trọng là người độc nhất nằm tại Mường Cơi. Tôi nghĩ anh Trọng chết vì kiệt sức, đã đói mà hai ngày không ăn. Sau nầy có một trường hợp giống như thế ở trại Nam Hà, nhưng nhờ anh bạn mới nhận gói quà của gia đình nhường cho anh một ly sữa mà anh hồi tỉnh thoát chết.

Sự đời may rủi khó lường, âu cũng do thượng đế định đoạt. Mình còn hơi thở, nghỉ đến những điều ước ao của một người bạn không được toại nguyện sau khi nhắm mắt, ai nấy đều mủi lòng. Thật ra chết là hết, nhưng những người còn sống đau buồn cho số phận người quá cố chứ đâu biết cái chết dễ dàng xảy ra cho bất cứ ai trong hoàn cảnh khốn cùng ấy.

Vào khoảng cuối năm 87, tôi được tha ra khỏi trại, điều không ngờ đã xảy ra. Được vòng tay thế giới mở rộng nhất là Hoa kỳ đón nhận, những người tù khốn khổ năm xưa lại được định cư một nước thứ ba tự do. Điều lạ lùng không ai tưởng nổi mà thực tế đã xảy ra. Thật một may mắn nhiệm mầu mà Thương Đế ân sủng. Trong khi chính người cùng huyết thống, mầu da, cùng tiếng nói, cùng một quê hương thì hành hạ và không khoan dung chính người cùng dân tộc với mình.

Bắt đầu từ năm 1990 đa số những cựu tù CS được lần lượt định cư ở những nước tự do trong chương trình nhân đạo tránh nạn CS và đoàn tụ với gia đình với người đã vượt biên tìm tự do sau ngày CS chiếm miền Nam. Những ngày mới đến đang vật lộn áo cơm cho chính mình và gia đình, mọi việc tạm gác qua, nhưng sau khi ổn định phần cơm áo, một số người hợp tác tình nguyện đóng góp công và tài chính để lấy cốt những ai đã bỏ mạng trong thời gian tù CS mà thân nhân không còn, hoặc không đủ phương tiện tìm kiếm đem về quê hương cải táng.

Khoảng năm 2006, một hôm đọc được một bài trên net, kể lại anh Huỳnh tự Trong đã được người hướng dẫn lấy cốt ở xã Mường Cơi, trong bài có hình ảnh..lòng tôi nhẹ nhỏm thấy có người lo xong mình khỏi phải bận tâm, người tình nguyện làm chuyện nầy là anh Nguyễn Đạt Thành ở Houston thì phải. Anh Thành cũng từng tù nhân của CS có một tấm lòng quảng đại đã hy sinh vì anh em nằm cô độc khắp rừng núi ở Bắc Việt.

Nhưng khoảng mấy tháng sau, tôi được một người xưng là con rể của anh Trọng, cháu Chiêu, liên lạc bằng điện thư cho hay bài viết đó không đúng. Thật ra anh Trọng chưa được cải táng, vẫn còn nằm ở Mường Cơi. Tôi có hỏi Chiêu vì lý do sao có sự lầm lẩn, thì ra Chiêu cũng là một thành phần trong toán của anh Thành, tình nguyện gánh vác chuyện hồi hương những người chết trong các trại cải tạo của CS. Chiêu kể lại đã về VN, đến Mường Cơi nhưng không tìm được hài cốt của ba anh. Anh được những anh trại 2/liên trại 2 giới thiệu hỏi tôi xem được gì hơn không. Anh muốn biết thêm tin tức để chuẩn bị cho chuyến thứ hai. Phần tôi vì có chú ý trước nên để tâm nhớ lại chứ không tài gì hơn ai. Anh có gởi tôi bản chụp hình lại khu vực anh em đã bị tù gần chân núi trước đó, và hỏi tôi nhớ lại xác định vị trí chỗ mai táng anh Trọng.

Sau khi xem và nhớ lại, cảnh vật khác trước nhiều, vì chân núi người ta dùng mìn phá đá để bán. Tôi nhắc cháu Chiêu rằng anh Trọng chôn gần một mô đất, có cục đá to và ngăn chận cát từ núi chảy xuống khi mưa mà tạo thành. Đứng nhìn vào vách núi, cục đá to bên trái và mộ anh Trọng bên phải. Vì nơi đó đất cát dễ đào lỗ, từ đó khoảng 10m bên phải mộ có bụi bương (loại tre lớn). Cháu Chiêu có yêu cầu: “nếu lần nầy không thành công, chú Tấn có thể đi với cháu lần sau không?” Tôi nói với Chiêu, chú đi không có gì ích lợi hơn những gì chú nhớ và đã chỉ cho cháu rồi.

May thay, cháu Chiêu đi về VN, rồi đi Mường Cơi, sau đó khoảng nửa tháng, cháu gởi điện thư nói cháu đã lấy được cốt ba cháu và di chuyển về cải táng ở quê Quảng Nam.

Thâm tâm tôi mừng rỡ vô cùng, vì cuối cùng người bạn tù không còn cô đơn nơi đất lạ, một gánh nặng đè trên vai không còn nữa. Mình làm việc trọn vẹn dự tính từ lâu, nay hoàn thành mỹ mãn.

Những lời cháu Chiêu kể lại, khu vực đó bây giờ giao cho một bộ đội giải ngũ (VC gọi phục viên) canh tác. Chòi của anh ta ngay chổ lò rèn của tù, gần suối nước và gốc cây gạo. Anh ta nói hằng đêm trăng sáng, một bóng người đi qua đi lại khu vực chòi ông và cây gạo có vẻ buồn bã cho đến khi lấy được cốt mới hết. Trong ngày lấy cốt, tưởng rằng thất bại lần nữa, vì Chiêu không tìm được tảng đá to, chỉ thấy bụi bương còn trơ gốc. Khoảng trưa có một người Mường qua, những người phụ đào nói đó là một trong những người thợ bắn đá ở đây. Chiêu bèn hỏi ông ta, ông ta chỉ vị trí tảng đá to đã bị bắn để lấy đá bán. Chiêu bèn lấy điểm từ tảng đá và đào bên trái. Tôi cũng có dặn không phải đào sâu vì nước chảy soi mòn và khi đào chôn cũng không đào sâu được vì đá cứng. Và đã đào đúng chỗ, thấy sương chân lộ ra. Chị Trọng kể từ ngày anh chết, chị cầu nguyện cho anh hiện về trong giấc mơ, nhưng không được. Đến khi cải táng, đêm đầu tiên chị thấy anh vui vẻ, đi lại trong vườn có vẻ quen thuộc lắm.

Tôi muốn ghi lại hình ảnh điển hình một tù nhân khốn khổ của chế độ CS trả thù trên thân xác của quân cán chính VNCH. Cảnh đói rách do bọn CS tạo nên không ai tưởng tượng được, đã biến con người trở thành bản năng của loài vật không hơn không kém. Ngày nầy qua ngày khác chỉ nghĩ đến cái ăn, không còn một chút lý trí của con người. Cái cảnh nầy chỉ cảm thấy được là khi đã trải qua, chứ chỉ kể lại nhiều người cho là phóng đại. CS thường tàn ác quá sức tưởng tượng của con người, nhất là đối với người miền Nam sống trong tự do no ấm, vì thế nếu ai không sống qua, họ không tin khi nghe kể lại.

Xin vinh danh những người đồng cảnh, sau khi được giải thoát khỏi chế độ CS, đã nghỉ đến những người bạn mình còn đang nằm rải rác nơi rừng sâu của miền đồi núi Bắc Việt, quý vị ấy đã hy sinh công lẫn của để trở về giúp đỡ nhửng thân nhân đi tìm hài cốt người quá cố mang về cố hương. Những hành động nầy cho bọn CS thấy được điều nhân bản của con người VN trong xả hội tự do, khác xa sự dã man, tàn bạo của CS. Đặc biệt cám ơn những người trẻ, không liên quan đến cuộc chiến nhưng không tiếc công tiếc của mà tham gia chương trình tìm hài cốt các tù cải tao.
Đến giờ sau cùng, những người nằm cô đơn rải rác ở đồi núi xa xôi, hẻo lánh miền Bắc lần lượt cũng được đoàn tụ gần gia đình, người thân. Điều nầy nói lên được dầu phải bị cực khổ, hành hạ của bọn CS lúc đầu, nhưng cuối cùng người lành cũng được ân sủng của thượng đế, người chết về lại gia đình, người sống cũng qua khổ cực được hưởng thanh nhàn lúc cuối đời.

Ngẫm hay muôn sự tại trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân,
Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.(Kiều)

 

 


MỤC LỤC

Lá thư Sóng Thần

ĐH TQLC tại Dallas

Sinh hoạt hội Houston

Sinh hoạt hội Iowa

Sinh hoạt hội Nam Cali

Sinh hoạt Úc Châu

Sinh hoạt hội Washington

40 năm - Một thời chinh chiến

471 của tôi, Đại đội C của tôi

Phương Nam : Ánh sao nơi cuối Trời

Chiến Đoàn A TQLC và trận Đức Cơ

Dây biểu chương

Bạn già

Danh sách cha con, anh em ruột cùng phục vụ trong binh chủng TQLCVN

Chiến thắng đầu Xuân

Chuyện lá cờ

Chuyện những người thích nổi

Đặc khu Rừng Sát… và những ngày sau cùng

ĐĐ4/TĐ2/TQLC Tiêu diệt CX thuộc TĐ Tăng 202

Đám cưới nhà binh

Dấu chân người lính Pháo Thủ MX

Định mệnh

Đón xuân này, nhớ xuân xưa

Dòng sông tuổi nhỏ

Hai lần khoác áo TQLC

Hành trình tìm tự do

Huyền thoại chiền sĩ Mũ Xanh

Ký ức người pháo thủ Lôi Hỏa

Lao tù và vượt ngục

Một thời để yêu, một thời để nhớ

Người lính Mũ Xanh và Bé dấu yêu Trưng Vương

Tháng Tư aa trường

Người linh tiền phong

Người bạn thủy chung

Nhật ký hành quân Trung Đội

Nhảy vào Triệu Phong

Trung Đội 2/TĐ7 & những ngày cuối cùng

471 của tôi, Đại đội Viễn Thám C của tôi

Pháo Đội A/TQLC Chiến Trận Hè 1972

Quận Trưởng Triệu Phong

Tàn bạo, lừa bịp , khoác lác là bản chất CSVN

Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh

Tiểu Đoàn 2 Pháo Binh

Tiểu Đoàn 2 và những biến cố chính trị

Thăm quê

Tiểu Đoàn 3, cuộc hành quân Toàn Thắng 1969

Trại Thanh Cầm và dòng sông  Mã

Trốn vượt biên

Trung Đội 2, Đại Đội 2, Tiểu Đoàn 7/TQLC

Trước Sau Như Một!

Vui buồn đời lính