Pháo Đội A/TQLC Chiến Trận Hè 1972.

Viết theo lời kể của 2 Pháo thủ PĐA.
PT Lưu Phúc

Hạ tuần tháng 3 năm 1972, PĐB/TQLC từ trong Nam ra Quảng Trị, hoán đổi PĐA tại căn cứ Carroll, không thay thế đại bác và quân xa. Toàn bộ quân nhân PĐA được theo BCH/LĐ369 và BCH/TĐ1PB về hậu cứ Sóng Thần nghỉ dưỡng quân sau 1 năm 1 tháng tại vùng giới tuyến sau trận Hạ Lào.

Nghỉ tại hậu được 9 ngày, trong khi các quân nhân trực thuộc đang luân phiên nghỉ phép, Pháo đội nhận lệnh hành quân, không vận từ Sài Gòn ra Huế tham gia chiến trận mùa hè 1972. Rời hậu cứ với vỏn vẹn 22 quân nhân các cấp .Gồm 4 Sĩ quan : Đại úy Huỳnh Văn Vân PDT; Đỗ Hữu Châu PDP; và 2 Trung đội trưởng : Ngô Ngọc Tiếc, Nguyễn Tri Thường, 3 Hạ sĩ quan : Nguyễn Chi, Thường vụ PD; Huỳnh Nghiệm, Tiếp liệu kiêm hậu trạm; Nguyễn Tấn Phước, Trưởng đài tác xạ; cùng 15 Binh sĩ.

Trong thời gian chờ nhận lãnh đại bác mới, được TQLC Hoa kỳ yểm trợ và không vận từ Okinawa, căn cứ của SD3/USMC. Thêm nhiều quân nhân các cấp của PDA đáo nhậm hành quân. Nâng tổng số quân số PDA tham chiến ngay thời điểm đầu tiên với đại bác 105 ly mới được cấp phát là gần 70 pháo thủ.Trong đó có thêm 2 vị Sĩ quan : Thiếu úy Phạm Phù Tang và Thiếu úy Hà Văn Chuốt.

Trung tuần tháng 4 năm 1972, từ thành nội Huế, PDA kéo súng ra Quảng Trị cùng PDC và BCH/TD1PB, nhiệm vụ yểm trợ LD369/TQLC. Vùng trách nhiệm của LD nằm phía Bắc quận Phong Điền, bên trái Quốc lộ 1, ngăn chặn quân cs Bắc Việt cắt đứt con đường huyết mạch này. PDA yểm trợ hỏa lực TD2 Trâu Điên đang trấn giữ các vùng xung quanh căn cứ Barbara, nằm sâu về hướng Tây. Vị trí cao nhất của PDA ở phía Nam quận lỵ Hải Lăng 4 cây số, đóng bên trái và cách QL1 khoảng 200 mét. Tại nơi đây, chúng tôi là chứng nhân cho cuộc tháo chạy( di tản) của người dân Quảng Trị. Quãng đường chỉ 10 ki lô mét từ Hải Lăng về Mỹ Chánh sao quá thê lương! Vượt qua được cầu Mỹ Chánh là thấy sống còn, vì được an toàn dưới sự bảo vệ của người lính Mũ Xanh. Chỉ 10 cây số nhưng dài quá, đi hoài không tới, dưới những cơn mưa pháo của bọn cộng sản, thân người ngã gục, máu xương vương vãi cùng dòng xe cộ, đồ đạc trên Đại lộ kinh hoàng. Chính nơi đây, năm 1965 ai đã bán tin cho giặc cộng, để chúng phục kích được quân xa di chuyển TD2 Trâu Điên từ Huế ra Quảng Trị ?! Một sự ngẫu nhiên ? Giờ đây các chiến sĩ Trâu Điên đang chiến đấu để giữ vững đoạn đường máu lệ này cho quân dân vùng hỏa tuyến. Buổi sáng hôm ấy, một ngày đầu Hè oi bức của tiết trời miền Trung, gió Lào từ phía Tây thổi đến, mang hơi nóng hừng hực của rừng núi Trường Sơn; gió khô như cắt mặt, nắng cháy bỏng da người. Cũng bắt đầu thời điểm anh em pháo thủ PDA/TD1PB vào nơi gió cát xa trường, nơi tận cùng nhọc nhằn, khổ đau, cái chết và chia lìa đứt đoạn.

PDA chuyển nhiệm vụ, yểm trợ trực tiếp TD5 Hắc Long, quân bạn đang hành quân giữ tuyến trong vùng Tích Tường, La Vang phía Nam nhánh sông Thạch Hãn. Đã 3 ngày cùng một vị trí súng. PD đã hoạt động với hết khả năng có thể. Đài tác xạ thiết lập 2 xạ bảng để tính yếu tố cho từng trung đội. PDT Huỳnh Văn Vân chỉ huy tổng quát, PDP Đỗ Hữu Châu và Trưởng đài tác xạ Nguyễn Tấn Phước mỗi người tính một yếu tố tác xạ trên mục tiêu khác nhau. Nơi vị trí súng, 2 Trung đội trưởng Ngô Ngọc Tiếc, Nguyễn Tri Thường cùng các Pháo thủ các khẩu đội làm việc hết mình để đáp ứng nhanh chóng, chính xác yểm trợ các cánh quân thuộc TĐ5.

Căn cứ Ái Tử di tản chiến thuật . Những đám cháy lớn bốc lên từ trong lòng thị xã Quảng Trị; từ sáng sớm, dân chúng đã bỏ tất cả để chạy về phía Nam, nơi có những người lính Mũ Xanh để tìm sự che chở an toàn. Việt cộng gia tăng cường độ pháo kích bừa bãi đoạn đường của dòng người, xe cộ trên Quốc lộ 1, gây nên thịt nát, xương tan, máu lệ chan hòa, con mất cha mẹ, vợ chồng mất lẫn nhau, thậm chí cả nguyên những gia đình chết vất vưởng không toàn thây. Ôi thê lương nào có thể kể hết những khúc đoạn trường.

Những người may mắn, họ đã chạy về được đến Phong Điền, họ đã qua cầu Mỹ Chánh, phòng tuyến thép của LĐ369 TQLC đã đón tiếp họ, an ủi họ, cứu trợ họ, những người dân khốn khổ của tỉnh địa đầu. Việt cộng điều chỉnh pháo, bắn vào vị trí PDA. Chắc hẳn Đề lô pháo của chúng lẩn quất đâu đây, chúng trà trộn trong dòng người di tản. Đạn pháo kích của chúng khá chính xác, đạn nổ từ trái sang phải, từ xa đến gần vị trí chúng tôi. Đúng bài bản “điều chỉnh pháo binh: hướng trước, tầm sau”. Nhưng nhiệm vụ vẫn là nhiệm vụ: PDA tiếp tục tác xạ yểm trợ quân bạn lên mạn Bắc. Nơi TD Hắc Long đang cố ngăn sự tiến công của quân cộng sản Bắc Việt. Nếu chúng tôi nhớ không nhầm, vào ngày 01 tháng 05 năm 1972, Đại tá Phạm Văn Chung, LĐT của LĐ369 TQLC đã quyết tâm cùng quân nhân các cấp trực thuộc LĐ: chận đứng quân Bắc Việt tại phòng tuyến Mỹ Chánh. Đập tan cuồng vọng của địch quân định đánh chiếm Huế.

TĐ Mãnh Hổ, các Pháo thủ PDK của Trung úy Vũ Quang Vinh đã anh dũng bắn cháy các chiến xa quân cộng sản. Giữ thật vững vàng tuyến lửa. Làm địch quân khựng lại. Đây chính là khởi điểm của những cuộc phản công của quân ta để dành lại Quảng Trị vào 16/9/1972.

Đúng 12 giờ trưa ngày 01/05/1972, PDT Huỳnh Văn Vân nhận lệnh từ Ban 3/TD1PB, cho PDA rút lui về sau phòng tuyến theo phương thức “cấp đoạn” để vẫn có thể hoàn thành nhiệm vụ tác xạ yểm trợ hỏa lực cho quân bạn.

Vào 1 giờ trưa, Trung đội trưởng Ngô Ngọc Tiếc cùng PDT Huỳnh Văn Vân đưa Trung đội 2A cùng một nửa ban tác xạ PD lui về Phong Điền, thiết lập vị trí, khi hoàn tất và có thể thi hành tác xạ. Đến 3 giờ chiều, Trung đội trưởng Nguyễn Tri Thường di chuyển cùng Trung đội 3A, về nhập chung vị trí phía Nam, nơi có sẵn Trung đội 2A. Thành PDA(-). Vị trí này cách quận lỵ Phong Điền 1 cây số, chếch về hướng Tây Bắc, nằm bên trái QL1, trên đường dẫn đến căn cứ Barbara. Khi PDA(-) lui về phía Nam, Trung đội 1A do PD phó Đỗ Hữu Châu chỉ huy vẫn tiếp tục tác xạ yểm trợ cánh quân Hắc Long. Vị trí được 1 Trung đội thuộc TD5/TQLC bảo vệ. Nhưng 6 giờ chiều, Trung đội bảo vệ PB được lệnh di chuyển lên hướng Bắc, về với TD5. Vậy từ lúc này, Trung đội 1A thi hành 2 nhiệm vụ: tác xạ yểm trợ và tự phòng thủ.

Chỉ 1 ngày, nhưng đầy những bi kịch, sống chết của cả đơn vị chỉ cách có đường tơ kẽ tóc. Sáng sớm hôm sau, sau cơn ngủ chập chờn, PD phó Hữu Châu bị đánh thức dậy bởi nhân viên truyền tin, đưa cho “ông thày” ca cà phê đen, anh ta nói : “ tác xạ khẩn cấp”. Ôi với kỹ thuật pháo binh, chúng ta ai cũng đoán ra được tình hình nghiêm trọng đến cỡ nào, khi bắt đầu yểm trợ thì dùng sức tống của nạp 6. Đến trưa, hạ xuống nạp 4, tầm xa càng ngày càng thu ngắn, xế trưa, Trung đội bắn nạp 3, rồi buổi chiều tất cả bắn nạp 1. Quân bạn rút lui về gần vị trí đặt đại bác. Cấp trên không quên chúng tôi, một Chi đội chiến xa gồm 4 chiếc M41 đã đến, lệnh cho chúng tôi lui binh, 2 M41 mở đường, PB kéo 2 đại bác và quân dụng đi giữa, 2 M41 đoạn hậu. Chúng tôi bỏ lại sau lưng cả một vùng trời lửa đạn mịt mù. Dù là người vui tính, yêu đời, nhưng Thường vụ Pháo đội Nguyễn Chi cũng buồn bã lo âu !

Trên QL1, những xác người vương vãi đầy 2 bên đường, quân xa, xe dân sự hư hỏng, cháy rụi, lật đổ. Trời đã về chiều, nắng sắp tắt của ngày 2/5/1972; lòng người cũng chợt khô cạn trước những cảnh hãi hùng, chúng tôi ai cũng mong mau chóng về được đến Phong Diến, nhập chung với Pháo đội.

Mới rời vị trí chưa đến 4 cây số, M41 đi đầu dừng lại. Ngay trên đường, một khuôn mặt trẻ thơ, đẹp tựa thiên thần, bàn tay bé nhỏ đáng níu vạt áo mẹ,máu bầm tím khô cứng trên đầu, trên tóc , trên trán, em chết như mơ bên xác mẹ. Chúng tôi chỉ biết nén tiếng thở dài, cảm thương cho những người dân vô tội của tỉnh địa đầu.

Nhưng đó không là nguyên nhân cản trở lưu thông, vì một quân xa loại lớn chuyên chở vật dụng làm cầu bị trúng đạn pháo, lật nghiêng. Trên xe khoảng 40 người đã chết, chỉ còn 2 người sống sót: một già, một trẻ mang huy hiệu Tiểu khu Quảng Trị. Chúng tôi phân vân : cứu người hay bỏ đi ?? Mạng sống của 2 người này hay mạng sống của Trung đội 1A và Chi đội M41 ?? Chậm trễ một chút, sẽ hưởng sự tấn công của quân cs Bắc Việt ngay địa điểm này. Nhưng tình người, tình đồng bào, tình đồng đội đã thắng, chúng tôi bàn với vị Chi đội trưởng M41, dùng dây cáp kéo thành xe công binh lên, đủ khoảng trống cho vài pháo thủ của khẩu đội 1 do Hạ sĩ I Đỗ Chớ chỉ huy chui vào dọn trống quân dụng ngã đổ và cứu 2 người sống sót. Người già được đưa ra trước, ánh mắt của ông ánh lên mừng rỡ, nhưng vết thương quá nặng, ông đã chết ngay sau đó. Người lính trẻ Tiểu khu QT, được chúng tôi đưa lên xe chở đạn đại bác. Chúng tôi tiếp tục di chuyển. Về đến quận Phong Điền, giao lại đây người lính trẻ tại trạm xá của quận.

Chi đội M41 hết nhiệm vụ hộ tống chúng tôi. Trung đội 1A rẽ trái, kéo súng lên ngọn đồi thoai thoải nhập vào PDA(-). Tri Thường thấy Châu Đốc quá mệt, anh ấy giúp việc gióng hướng súng cho Trung đội 1A.

Bước vào đài tác xạ, PDT Huỳnh Văn Vân chào đón bằng cái bắt tay xiết chặt. Hậu trạm Huỳnh Nghiệm đem đạn tiếp tế không thể về Huế vì quá muộn, sợ gặp nguy hiểm dọc đường, anh cũng đang xớ rớ trong đài tác xạ, tìm đâu đó nhét vào tay Châu Đốc một lon bia. Ôi ngon chi lạ. Suốt đời có lẽ chẳng hề quên. Đây chỉ là 2 ngày đầu của 80 ngày dài chiến trận Quảng Trị đau thương, mất mát.

Ngày 4 tháng 5 năm 1972, mới khoảng 4 giờ sáng, trận đánh mở màn ngay tại phòng tuyến Mỹ Chánh. Chiến xa csBV đang dự định tràn sang bờ Nam tại địa điểm đầu cầu. Nơi đây, các chiến sĩ Mãnh Hổ anh hùng đang có nhiệm vụ chận đứng tiến công của địch. Máy truyền tin hệ thống tác xạ vang lên giọng Huế rất thân thuộc của SQ Tiền sát viên Hiệp sĩ Phù Tang. Anh chàng này kinh nghiệm đầy mình việc bắn pháo binh. Hiệp sĩ yêu cầu PDA tác xạ cả pháo đội để rải đạn nổ từ trái sang phải bên bờ Bắc, mãi đến ánh bình minh ló dạng , yểm trợ hiệu quả các chiến sĩ TĐ9/TQLC giữ vững tuyến thép.

Trong một trận đánh khác, DD1/TD9 bị tấn công bởi địch quân đông gấp bội với chiến xa yểm trợ. Một trung đội trấn giữ phía trên Đại đội sắp bị tràn ngập. Cũng anh chàng Hiệp sĩ yêu cầu tác xạ. Lần này anh yêu cầu bắn đạn nổ cao, vì địch đã áp sát quân bạn; chỉ còn cách này mới yểm trợ hiệu quả anh em tác chiến. Quả thật, pháo binh đã giúp trung đội này đẩy lùi quân địch. Yểm trợ hỏa lực liên tục, nhiều đến độ không nhớ nổi, nhưng sau gần 40 năm, có dịp gặp lại nhau trên xứ người, nhắc lại chuyện xưa, chúng tôi xin chỉ kể vài trường hợp điển hình.

Từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 6/1972, tại chiến trường Quảng Trị, những người lính PTMX chúng tôi (chẳng phải riêng PDA), có thể ví như người phụ nữ bụng mang dạ chửa sắp đến ngày sinh nở, mà phải làm công việc đồng áng vào mùa gặt. Vì sao như thế ? Theo các kế hoạch Phong Lôi của BCH/PB/SDTQLC, đơn vị pháo binh chúng tôi bắt buộc phải di chuyển chiếm đóng vị trí mới mỗi ngày.

Nhiệm vụ vừa yểm trợ hỏa lực cho quân bạn, vừa thi hành tác xạ trên các mục tiêu nghi ngờ, hoặc bắn phá TOT(tập trung hỏa lực trên 1 mục tiêu). Sáng sớm kéo súng lên đường, chiếm đóng dã chiến 1 vị trí nào đó, bắn ào ạt như trút đạn, rồi lại di chuyển để tránh pháo kích, để đủ tầm yểm trợ, cuối ngày lại kéo súng về vị trí cũ. Ăn uống như anh em của chúng tôi bên tác chiến, cũng cơm vắt, cũng lương khô. Hai hay 3 ngày tắm rửa sơ qua, râu ria miễn cạo, tóc để dài như hippy…. Có khi, Pháo đội chúng tôi về lại căn cứ Nancy trong bóng tối chập chùng, có gióng lại hướng súng? Không. Thiết lập yếu tố xạ bảng mới? không.Vì khi sáng nào cũng vậy, trước khi di chuyển, cọc dấu(để nhắm hướng đại bác) để nguyên không nhổ, yếu tố xạ bảng để nguyên không xóa. Bất cứ khẩu trưởng nào không ghi vào sổ tác xạ của khẩu mình ly giác(độ giạt) cắm cọc dấu, bị PDP khiển trách ngay.

Vào buổi sáng trung tuần tháng 5/92, chúng tôi mất đi người bạn đồng đội thân thương : Thiếu úy Ngô Ngọc Tiếc, anh là 1 Trung đội trưởng giỏi, con người tràn đầy tình cảm. Anh tử thương vì trúng đạn pháo 130 ly của địch. Chúng đã điều chỉnh pháo đến quả thứ 6 thì lọt trúng ụ đại bác đang ủi dở dang, 130 ly nổ cách Thiếu úy Tiếc không quá 4 mét, mảnh đạn xuyên qua áo giáp, phá vỡ lồng ngực, mảnh đạn khác xuyên thủng nón sắt, phá vỡ đầu anh, PDP Đỗ Hữu Châu từ đài tác xạ lao ra, ôm anh lên xe jeep pháo đội, cùng Hạ sĩ Bá tài xế phóng xe lên trạm xá Lữ đoàn 369, mặc cho đạn 130 ly của địch đang tiếp tục bắn phá vị trí chúng tôi, đạn nổ khắp nơi, khói bụi tung lên mịt mù. Than ôi, đã quá muộn. Anh Tiếc đã tử thương ngay trong ụ súng trước khi kịp đưa anh lên xe.

Vào một đêm cuối tháng 5/72, đêm dài nhất : đêm mà đặc công cs BV tràn ngập vị trí PDA. Chúng tôi thiếu đi TS I Nguyễn Chi , một người vui tính, khôn ngoan,tài giỏi trong chức vụ Thường vụ PD, anh đã bị thương, sáng hôm sau anh được tản thương,qua thời gian điều trị, TS I Nguyễn Chi giải ngũ với cấp độ tàn phế cao. Chúng tôi đau lòng khi tổn thất hết gần như toàn bộ nhân viên đài tác xạ, ban truyền tin. Kể cả người Hạ sĩ quan tác xạ là Trung sĩ I Nguyễn Tấn Phước trẻ tuổi, đẹp trai, năng động, dễ mến. Duy nhất một mình Hạ sĩ Trần Văn Huỳnh, một nhân viên truyền tin, người giữ vững được đài tác xạ bằng những loạt đạn phòng thủ vững chắc của anh, chính anh đã bảo vệ và cứu sống được PDT Huỳnh Văn Vân.

Sau đêm bị đặc công, PDA còn lại 30 quân nhân các cấp. Phải rút lui về căn cứ Hòa Mỹ, bổ sung quân số, nâng cao tinh thần đơn vị. Pháo đội chỉ thị hậu cứ lo an ủi, giúp đỡ tất cả các gia đình tử sĩ và thăm viếng các chiến sĩ bị thương đang điều trị tại Quân y viện Lê Hữu Sanh, khi họ được chuyển từ Huế về đến Sài Gòn.

Hai tuần lễ tại căn cứ Hòa Mỹ, các cấp trong Pháo đội làm việc cật lực để kiện toàn đơn vị, sẵn sàng tham chiến trở lại, hàng ngày BCH/TD1PB vẫn thăm hỏi, an ủi, khích lệ và hỗ-trợ mọi mặt, đáp ứng những yêu cầu của PDA. Các Sĩ quan lo huấn luyện Pháo đội, với quân số bổ sung, về khả năng kỹ thuật, về chiến thuật, về tất cả mọi phương diện để có thể đáp ứng nhu cầu hành quân.

Trung tuần tháng 6/72, Trung tá Đoàn Trọng Cảo, TDT/TD1PB, người anh cả Tiểu đoàn đến tận nơi thăm PDA, và hỏi anh em đã sẵn sàng khí thế “ vào trận chiến” chưa ? Tất cả trả lời: sẵn sàng.

Ngày 14/6/72 PDA chúng tôi lại rong ruổi dọc đường số 1, tích cực yểm trợ quân bạn, hợp lực giữ thật vững vàng phòng tuyến Mỹ Chánh, chận đứng cuồng vọng của quân csBV, đòi đánh chiếm cố đô. Song song nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực các cánh quân thuộc LD369/TQLC. PDA còn thi hành “kế hoạch Phong Lôi” của PBSD. Hằng ngày tác xạ trên dưới 5000 quả đạn đại bác. Một điều chưa bao giờ xảy ra trên khắp các chiến trường .

Cuối tháng 6/72, cả TD1PB và 1 Pháo đội đại bác 155ly của QD I tăng cường, có nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực trực tiếp LD258TQLC do Đại tá Ngô Văn Định chỉ huy.

PDA lùi về An Lỗ, rồi rẽ trái, nương theo đường liên tỉnh lộ, đến chợ Xịa(hay Sịa),tiếp tục di chuyển lên Tây Bắc, nhập vào hương lộ 555, đến ngã tư Hội Yến vào ngày đầu tháng 7/72 chuẩn bị cùng đại đơn vị TQLC hành quân phản công, tái chiếm Quảng Trị. Chúng tôi đóng vị trí phía Bắc, cách ngã tư Hội Yến 3 đến 4 cây số, dựa lưng vào giòng sông Vĩnh Định. Từ vị trí này, PDA trực tiếp yểm trợ cho các đơn vị tác chiến trên vùng cầu Ba Bến, Bích La Đông, thôn Nại Cửu…đó là ngưỡng cửa từ phía Tây vào thị xã Quảng Trị.

Khi SDTQLC thay thế SDND trong nhiệm vụ đánh chiếm Cổ Thành Đinh Công Tráng. Chúng tôi được lệnh rời khu vực ven sông Vĩnh Định, về qua ngả Hội Yến, quay trở ra Quốc lộ 1, vượt Hải Lăng, tiến quân lên thị xã Quảng Trị, nơi đây không 1 bóng người dân, tất cả đều hoang tàn, đổ nát.Lần này vị trí đóng ngay tại ngã ba Long Hưng, chỉ cách thị xã QT 3 cấy số. Tất cả dồn nỗ lực vào đánh chiếm toàn bộ các nơi trong thị xã và dứt điểm Cổ thành.

Ngày 15/9/1972,LD258 với 5 TD tác chiến , TD1PB (có tăng cường Pháo đội 155 ly), nhiều đơn vị yểm trợ như :thiết giáp, quân cụ, quân y, vận tải, tiếp liệu….nhất là sự bổ sung quân số kịp thời của BTL/SD. LD258 đã hoàn thành nhiệm vụ tái chiếm Cổ thành QT về phía Tây. PDA nói riêng, TD1PB nói chung, đã góp nhiều công sức: hy sinh thân xác, đổ máu, tan xương, nát thịt, mồ hôi, nước mắt để cùng các đơn vị bạn làm nên chiến thắng. Còn TD2PB và các đơn vị dưới quyền điều động của LD147TQLC do Đại tá Nguyễn Năng Bảo chỉ huy, đã hoàn thành nhiệm vụ từ hướng Đông. Chiến công nào, cũng phải trả giá bằng máu xương đồng đội. Lá cờ vàng 3 sọc đỏ, tượng trưng cho quốc hồn VNCH tung bay trên Cổ thành ngày 16/9/1972. Chiến công thuộc về tất cả quân nhân các cấp có mặt trong trận chiến, những anh hùng tử sĩ đã hy sinh, những anh hùng một đời tàn phế, những anh hùng vô danh khác….

Hôm nay, viết để kính dâng các anh linh đồng đội đã nằm xuống với đất Mẹ VN đau khổ. Để nhớ thương anh em Thương Phế Binh , đang sống đói nghèo, vất vưởng bên lề xã hội tại quê nhà. Nhớ những bạn bè xưa, nay già yếu, đau ốm thiếu thuốc men, cuộc sống khó khăn trước sự kỳ thị của chế độ csVN với đảng và công an trị.Bài viết nàynhư một lời mời gọi anh em đang bước đường lưu vong nơi quê người, chúng ta cố giữ lấy tình huynh đệ chi binh. Hãy cùng với nhau, mỗi người một ít, tùy theo hoàn cảnh từng anh, em; chúng ta thể hiện :

“Lá lành đùm lá rách, lá rách bọc lấy lá tả tơi”.

Seattle một ngày cuối Đông năm 2012.
PTMX Lưu Phúc.
 

 


MỤC LỤC

Lá thư Sóng Thần

ĐH TQLC tại Dallas

Sinh hoạt hội Houston

Sinh hoạt hội Iowa

Sinh hoạt hội Nam Cali

Sinh hoạt Úc Châu

Sinh hoạt hội Washington

40 năm - Một thời chinh chiến

471 của tôi, Đại đội C của tôi

Phương Nam : Ánh sao nơi cuối Trời

Chiến Đoàn A TQLC và trận Đức Cơ

Dây biểu chương

Bạn già

Danh sách cha con, anh em ruột cùng phục vụ trong binh chủng TQLCVN

Chiến thắng đầu Xuân

Chuyện lá cờ

Chuyện những người thích nổi

Đặc khu Rừng Sát… và những ngày sau cùng

ĐĐ4/TĐ2/TQLC Tiêu diệt CX thuộc TĐ Tăng 202

Đám cưới nhà binh

Dấu chân người lính Pháo Thủ MX

Định mệnh

Đón xuân này, nhớ xuân xưa

Dòng sông tuổi nhỏ

Hai lần khoác áo TQLC

Hành trình tìm tự do

Huyền thoại chiền sĩ Mũ Xanh

Ký ức người pháo thủ Lôi Hỏa

Lao tù và vượt ngục

Một thời để yêu, một thời để nhớ

Người lính Mũ Xanh và Bé dấu yêu Trưng Vương

Tháng Tư aa trường

Người linh tiền phong

Người bạn thủy chung

Nhật ký hành quân Trung Đội

Nhảy vào Triệu Phong

Trung Đội 2/TĐ7 & những ngày cuối cùng

471 của tôi, Đại đội Viễn Thám C của tôi

Pháo Đội A/TQLC Chiến Trận Hè 1972

Quận Trưởng Triệu Phong

Tàn bạo, lừa bịp , khoác lác là bản chất CSVN

Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh

Tiểu Đoàn 2 Pháo Binh

Tiểu Đoàn 2 và những biến cố chính trị

Thăm quê

Tiểu Đoàn 3, cuộc hành quân Toàn Thắng 1969

Trại Thanh Cầm và dòng sông  Mã

Trốn vượt biên

Trung Đội 2, Đại Đội 2, Tiểu Đoàn 7/TQLC

Trước Sau Như Một!

Vui buồn đời lính