Phương Nam : Ánh sao nơi cuối Trời

MX Lâm Tài Thạnh

( Tự truyện 20 ngày là tù binh và vượt thoát từ Đà Nẳng đến Vũng Tàu )
30 / 03 / 1975 đến 18 / 04 / 1975 )
****
Đường đi khó
Không khó vì ngăn sông cách núi
Mà khó vì lòng người ngại núi e sông
Nguyễn Bá Học
****
Xin đừng hỏi vì sao, Tôi vẫn nhớ
Mỹ Khê chiều sóng dậy, pháo rền vang
Quân triệt thoái, Tàu không vào bến đổ
Lối sanh đào, vượt thoát phá vòng vây
Trên đầu súng, khói vương niềm uất hận
Chiến trận tàn, báo tử thiếu hồi chuông
Đà thành mất, sử xanh còn ghi dấu
Mãnh Hổ tình, huynh đệ nói chia ly
Tim rướm máu, xót đau lời tan nát
Cố tìm về quê Mẹ, đất phương Nam.
Tây Đô

Thành phố bỏ ngỏ trong ngở ngàng

Tuyến kháng cự, phòng thủ sau cùng của Tiểu Đoàn 9 TQLC là đại chủng viện thánh Phaolồ ( thuộc nhà thờ Chánh Tòa Công Giáo Đà Nẳng ) nằm dọc theo bải biển Mỹ Khê, Non Nước trong bán đảo Sơn Trà, Đà Nẳng. Đây là một kiến trúc kiên cố với những bức tường che chắn, vững chắc có thể hạn chế sự xuyên thủng của các loại vũ khí cá nhân, tạo sự an toàn tối thiểu cho các quân nhân đang sẳn sàng chiến đấu, vị trí nầy được liên kết với nhau bằng nhiều dãy nhà cao tầng, rất tiện lợi và hữu ích cho việc quan sát, phòng thủ, ngăn chận các đợt tiến công, trong cuộc trì hoãn chiến không cân sức nhưng cần thiết nầy.

Kể từ 11:30 sáng Ngày 29 Tháng 03 Năm 1975, mọi cố gắng liên lạc với Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 369 TQLC và các đơn vị yểm trợ, chỉ được trả lời bằng sự im lặng khó hiểu. Trong lúc đang di chuyển ngang qua một phi đạo cũ trong căn cứ Non Nước, tình cờ Tôi gặp Đ/Úy Trần Văn Hên là bạn cùng Khoá 17TĐ, ĐĐTrưởng ĐĐ Duyên Hải / TĐ Yểm Trợ Thủy Bộ. Đ/Úy Hên là người nhận lệnh và có trọng trách thiết lập đầu cầu di tản, triệt thoái v… v… . Tôi và Hên cùng nhau trao đổi một số chi tiết liên quan đến tình hình triệt thoái, lui binh. Hên khuyên Tôi phải rời căn cứ Non Nước, tìm một phương cách, giải pháp khác, để bảo toàn đơn vị. Chúng tôi chia tay nhau mà chưa ai biết được cuộc diện và số phận sẽ ra sao. Cuối cùng khoảng 12:30 trưa qua tần số liên lạc truyền tin với các đơn vị bạn, Tôi tiếp xúc được với Hà Nội ( Cố Thiếu Tá Trần Văn Hợp Tiểu Đoàn Trưởng TĐ 2 TQLC đã chết trong Trại Tù khổ sai Cộng Sản ở miền Bắc vào năm 1978 ) . Sau đây là đàm thoại giữa Tôi và Th / Tá Hợp mà Tôi còn nhớ như mới xảy ra.

- Hà Nội đây Tây Đô.

- Tôi nghe Tây Đô 5 / 5 .

- Hà Nội đang ở đâu ?

- Tôi đang cưỡi cá . ( lúc nầy các loa tăng âm của máy truyền tin PRC 25 theo lệnh Tôi , đã được tháo bỏ để tránh sự xôn xao , bàn tán , bất lợi cho đơn vị ) .

- Hà Nội có số nhà của Hồng Hà Quang Trung ( Hải Quân ) cho Tôi , để Tôi 2 lần Lê Lai ( liên lạc ) yêu cầu họ vào “ Zulu ” ( di chuyển ) con cái Tôi . Im lặng trong vòng 1 phút .

- Tây Đô sẳn sàng chưa ? Tôi ra dấu cho âm thoại viên Lương , chuẩn bị ghi xuống .

- Hà Nội cho qua .

Sau khi lập lại 4 con số chính xác cho âm thoại viên Lương. Tôi nhờ Anh Hợp báo cho phía Hải Quân biết trước, danh hiệu liên lạc của Tôi, nhằm tránh sự “ hiểu lầm địch xen vào tần số ” . Anh Hợp trả lời OK và chúc Tây Đô may mắn. Cuộc điện đàm chấm dứt, trong tiếng đạn nổ rền vang, bởi các đợt pháo kích của pháo binh Cộng Sản nhằm chuẩn bị mở đường cho các đơn vị chánh quy bộ binh Bắc Việt  còn đang trên đường tiến quân từ xa vào thành phố Đà Nẳng.Tôi lặng lẽ  trao trả ống liên hợp cho âm thoại viên Lương và tự hỏi với chính mình --- Làm sao đây ?--- Kế hoạch nào có thể thực hiện được ?--- để đưa đơn vị ra biển với tình hình gần như tuyệt vọng nầy, trong khi Đại Đội 3 ĐĐT là Tr / Úy Trương Văn Ba và Thiếu Tá Nguyễn Văn Lộc Tiểu Đoàn Phó còn đang cố gắng  tìm về với BCH Tiểu Đoàn 9. Hiện nay “ dậm chân ” tại chổ vì các xuồng cao su của Công Binh TQLC có nhiệm vụ đưa toàn bộ Tiểu Đoàn 9 vượt qua nhánh nhỏ sông Hàn, nằm kế bên một trại cưa theo lộ trình, kế hoạch lui binh, triệt thoái của … để ra bải biển Non Nước đã không còn ai phụ trách, những quân nhân làm nhiệm vụ đã bỏ nhiệm sở. Sự việc nầy gây khó khăn làm chậm bước tiến của ĐĐ3  trên đường tìm về hội tụ cùng BCH Tiểu Đoàn. Tiểu Đoàn lúc nầy đang chuẩn bị di chuyển hướng về vị trí phòng thủ sau cùng ở đại chủng viện ( trước đó khi được báo tin về tình hình biến chuyển, không thuận lợi cho ĐĐ3 và Th / Tá Tiểu Đoàn Phó. Tôi đã bàn thảo với Th / Tá Lộc cho ĐĐ3 đổi hướng, len lỏi trong các xóm nhà ngoại ô, đi ngược về phía cầu Trịnh Minh Thế tìm đường khác đến điểm hẹn ). Tôi xử dụng máy liên lạc với không lực, chuyển qua tần số của Hải Quân. Sau vài lần gọi, Tôi nói chuyện được với hạm trưởng Hải vận hạm Ninh Giang 403 ( Thiếu Tá Nam, ám danh đàm thoại là Nam Hổ ? ). Hiểu được sự cần thiết phải nhờ cậy Hải Quân  trong giây phút sanh tử nầy,  Tôi phải xuống giọng gần như “ năn nỉ ” hầu có thể cứu lấy đơn vị, nhưng tiếc thay với lý do địch pháo kích, thiếu an toàn nên Hải quân không thể vào “ ủi bải ” đón TĐ 9 trước 8 giờ tốí nay. Qua ống liên hợp Tôi hét lên

- Nam Hổ đây Tây Đô, các đơn vị chánh quy Bắc Việt chưa vào Đà Nẳng nếu chờ đến  8 giờ tối,  Tôi nghĩ rằng quá trể cho việc “ zulu ” ; Nam Hổ có “ ủi bải ” thì chỉ vào lấy xác chúng tôi mà thôi. Im lặng trong khoảng một phút

- Tây Đô đây Nam Hổ

- Tôi nghe

- Rất tiếc, lệnh trên không cho “ ủi bải ” lúc này, bạn ráng chờ đến tối, chúc may mắn !!! .

Không có sự lựa chọn nào khác, như dòng sông phải đổ ra biển, như cuộc tình khi không còn mộng đẹp ban đầu thì phải nói lời chia tay. Tôi đồng ý và khẳng định với hạm trưởng Hải Quân là TĐ9 TQLC sẽ giữ vững phòng tuyến cố thủ, chờ đợi đến giờ hẹn. Tôi cũng yêu cầu hạm trưởng Hải Quân giữ liên lạc thường xuyên với Tôi. Một cảm nhận chua chát, cay đắng đè nặng lồng ngực  khi nghe lời chúc may mắn lần thứ hai trong ngày từ hạm trưởng Hải Quân. Liệu có chiếc đủa thần nào, phép lạ nào mang lại may mắn cho cùng một lúc hơn 700 trăm chiến sĩ đang trong tuyệt tử lộ, với sự lạnh lùng, quên lãng như các cơn sóng vô tình không cảm xúc đang đập vào bờ, cuốn trôi theo toàn bộ những gì đã bị bỏ lại, dọc theo bải biển Mỹ Khê, kể cả những thân xác con người bất hạnh, nằm rải rác hay đang trôi nổi bồng bềnh ngoài biển khơi. Thật tội nghiệp, họ cũng chỉ là những con người bình thường, cũng “ tham sanh húy tử ” như mọi con người khác, nhưng lúc nào cũng cố gắng thi hành “ quân lệnh ” đến khi biết, họ chỉ là những “ con chốt chậm chân ” trong ván cờ “ báo tử thiếu hồi chuông ” họ tìm sanh lộ, trong hy vọng tìm một lối về đoàn tụ gia đình tổ ấm với nắng đẹp phương Nam.  Tiếc thay sự may mắn đã không đến với họ. Tiếng kèn truy điệu, lá cờ của tổ quốc thân yêu  mãi mãi là “ món nợ muôn đời ” không thể trả  cho những “ anh hùng vô danh ” đã chết vào những giờ phút sau cùng của cuộc chiến. Báo cáo nào ? Quân sử nào ? sẽ ghi lại toàn bộ sự “ lạnh lùng, tàn nhẫn của chiến tranh đây !”.

Hồn tử sĩ gió ù ù thổi
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi
Chinh phu tử sĩ mấy người
Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn
Chinh phụ Ngâm

Sau vài phút suy nghĩ, Tôi tự lấy máy liên lạc nội bộ, đứng riêng ra một góc   không quá gần các quân nhân trong ban chỉ huy Tiểu Đoàn. Tôi không muốn những đối thoại, trao đổi giữa Tôi và Th/ Tá Lộc TĐPhó sẽ làm cho tinh thần quân nhân dưới quyền bị giao động. Tôi kể lại cuộc đối thoại giữa Tôi và Th/ Tá Hợp TĐ 2 cũng như lời hứa của Hải Quân …!! Chúng ta không thể kỳ vọng vào lời hứa của họ.!  Chúng ta phải tự lo liệu mà cứu lấy đơn vị !! Tôi kết luận và nói với Th / Tá Lộc về kế hoạch “ tự cứu ” như sau: ĐĐ 3 dưới sự điều động của TĐPhó Lộc phải đổi hướng di chuyển, khi đi đến các xóm nhà có đông dân cư hành nghề đi biển, dọc theo con sông Hàn, bằng bất cứ giá nào, kể cả dùng “ vũ lực ” thu gom tất cả các phương tiện ghe, xuồng dùng vào việc đi biển và nếu cần thiết, bắt giữ luôn các ngư dân biết xử dụng các phương tiện đó  rồi xuôi theo nhánh sông Hàn ra điểm hẹn gặp Tôi tại tọa độ X . Th / Tá Lộc cho biết: hiện nay ĐĐ3 đang bị quấy rối bắn tỉa bởi bọn đặc công Cộng Sản nằm vùng và du kích địa phương đang bám sát, dẫn đường cho quân chánh quy Bắc Việt truy kích. Anh còn cho biết thêm qua tin tức của dân chúng chạy loạn, Thành Phố Đà Nẳng đã hoàn toàn bỏ ngỏ, toàn bộ các đơn vị của Quân Khu 1 đã “ tan hàng ” lúc giữa trưa mà chẳng có “ trận đánh giữ sĩ diện nào được thực hiện ” ngoại trừ 2 cánh quân còn đội hình và sẵn sàng tác chiến của Tiểu Đoàn 9 TQLC. Anh hoàn toàn đồng ý với kế hoạch Tôi đề xướng và sẽ cho Đại Đội 3 thi hành ngay lập tức . ( !!!--- Thiếu tá Lâm tài Thạnh, Tiểu Đoàn Trưởng/ TĐ9 TQLC người anh cả của đơn vị, cho tập hợp từ Tiểu Đội Trưởng trở lên, nói những lời chân tình trước thuộc cấp --- tôi không bỏ đơn vị được, giờ phút nầy tôi và các anh em hãy tự lo liệu !!! Trích thư của Tr / Úy Lưu minh Quan ). 3 giờ chiều Ngày 29 Tháng 03 Năm 1975, Tôi ra lệnh cho nhân viên truyền tin ( Hạ sĩ 1 Kim Anh và Vũ quang Bình người phụ trách quay đầu bò ? ) xử dụng máy truyền tin PRC 79 gởi công điện cuối cùng cho Tr/ úy Trần Trung ( Chỉ huy hậu cứ TĐ 9 TQLC ) nhằm mục đích cho hậu cứ biết rõ tình hình của đơn vị còn đang tiếp tục chiến đấu, chưa bị thiệt hại nhiều  cũng như các tin tức liên quan đến những giây phút cuối cùng của Tiểu Đoàn. Tôi chỉ thị trong công điện là đích thân chỉ huy hậu cứ  phải thông báo cho thân nhân của mọi quân nhân TĐ 9 hiểu rõ tình trạng của đơn vị hầu sau nầy trong tình huống xấu nhất, các thân nhân còn có được một sự an tâm tối thiểu về sinh mạng của người thân, kể cả có ngày để nhớ cho “ lể giỗ ” sau nầy !!!! Trong bóng chiều, ánh nắng cuối ngày, tắt dần về hướng Tây, mặt trời còn chút màu đỏ ráng chiếu các tia nắng sau cùng trên các hàng cây nhấp nhô, mênh mông như một biển máu đang chờ đợi những con người “ chí không nản, lòng không sờn ” dù biết niềm tin khó thành hiện thực, khi dỏi mắt nhìn theo hình dạng các con tàu, xa dần nơi biển khơi.Tôi thật sự nát lòng, khi ra lệnh phá hủy máy truyền tin PRC79, phương tiện còn lại duy nhất có thể liên lạc tầm xa với thế giới tự do, vùng đất quê mẹ phương Nam, nơi đã sản sinh, nuôi dưởng, đào tạo Tôi nên người để có một vị trí chỉ huy như hôm nay ; đó cũng là nơi chan chứa những yêu thương vô vàn gắn bó, ràng buộc của Mẹ, Cha, Anh, Em, Bè bạn, của tình Chồng, nghĩa Vợ, của tiếng cười, khóc vô tư, hồn nhiên con trẻ. Nay mọi thứ đã bị cuốn trôi theo “ cơn hồng thủy nghiệt ngã nầy ” trong nổi nghẹn ngào, uất ức của những chứng nhân bất đắt dỉ. Cuối cùng Tiểu Đoàn 9 TQLC đã không hoàn tất được kế hoạch lui binh triệt thoái của chính đơn vị. Toàn thể chúng tôi trở thành tù binh của lực lượng võ trang Tỉnh Đội Quảng Nam Đà Nẳng rạng sáng Ngày 30 Tháng 3 Năm 1975.

Tiếng gà gáy sáng, văng vẳng bên ngoài, báo hiệu một ngày mới với những bất trắc, rủi ro không lường trước, đang chờ đợi kẻ chiến bại trong tức tưởi, xen lẩn cay đắng. Những người mới hôm qua đây, còn là một đoàn binh kiêu hùng với tinh thần chiến đấu cao độ, vũ khí đạn dược còn đủ để giáng trả kẻ thù những đòn sấm sét và chận bước chúng như đã từng làm trước đây, thế mà bổng chốc trở thành kẻ trắng tay trong một cuộc triệt thoái, lui binh bất ngờ, thiếu chuẩn bị. Dưới ánh sáng chiếu le lói qua các khung cửa sổ, Tôi chăm chú nhìn vào mặt dạ quang của cái đồng hồ Seiko 5, tài sản duy nhất còn sót lại  sau khi bị bắt rạng sáng hôm nay, nhờ bọn du kích chủ yếu tìm vũ khí nên không lục soát kỹ, 06:00 giờ sáng, cảm giác thiếu vắng ly cà phê và điếu thuốc đầu ngày khiến Tôi bức rức, khó chịu.Tôi không cảm thấy mệt mỏi, dù gần như thức trắng  trong khoảng thời gian chờ đợi sáng, thức đêm mới biết đêm dài bao nhiêu suy tư lẩn lộn, cứ nhảy múa lung tung trong đầu óc cho những câu hỏi mà chắc chắn Tôi không thể có câu trả lời trong thời điểm nầy. Tiếng vo ve của những con muỗi lượn quanh, đang cố gắng tìm mồi trước khi bình minh rọi sáng giúp Tôi trở về thực tế. Tôi nhìn quanh căn phòng nhỏ hẹp đang dùng làm nơi tạm giam giữ tù binh. Tôi biết đây là một lớp học  của một Trường Tiểu học VNCH nằm trong khu vực Non Nước, hiện nay có khoảng 40 quân nhân cùng chung số phận “ bị bỏ rơi ” hơn phân nửa là TQLC, trong số nầy có người mặc quần áo dân sự, có người mặc quần trận áo thun hay áo trận quần ngắn, những khuôn mặt thất thần, mệt mõi, lo lắng với các ánh mắt dò hỏi, ngần ngại không biết phải xưng hô như thế nào cho phải lẻ, bởi sự thay đổi đến quá bất ngờ như trong giấc mộng. Tiếng chắc lưởi, thở dài cho sự thiếu may mắn, chậm chưn, bên cạnh cũng không thiếu vắng những tiếng chưởi thề để giải tỏa sự bực tức. Tôi thông cảm và hiểu được vì các quân nhân ấy cũng chỉ là những con người bình thường với hỉ , nộ , ái , ố , ai , lạc , dục , nay bổng nhiên mất hết tự do và mạng sống đang bị de dọa trầm trọng. Tiếng hỏi thì thầm khe khẻ của một quân nhân:

- Ông Thầy bây giờ tính làm sao ? Không biết tụi nó đối xử với mình như thế  nào Thiếu Tá ? Nó xem mình là tù binh hay hàng binh, Ông Thầy ?

Cách xưng hô bất nhất cho thấy sự kích động, chứa đựng sự âu lo như thế nầy là điều dễ hiểu.Tôi nhìn thẳng vào mặt người quân nhân mặc áo thun, quần trận và chậm rải nói lớn cho mọi người cùng nghe:

- Em đừng có quá lo lắng, chúng ta vẫn còn Chính Phủ, còn Sài Gòn, còn Vùng 3 và 4, còn hiệp định ngưng bắn Paris 1973 thì thế nào Quốc Tế và người Mỹ cũng phải lên tiếng can thiệp  để ngưng bắn và trao trả tù binh. Phải giữ vững tinh thần, chịu đựng những khó khăn, thiệt thòi hiện nay, cũng như luôn cầu nguyện theo tôn giáo của em.

Sau câu nói của Tôi, tình hình trong phòng giãm bớt sự căng thẳng. Riêng Tôi tự hỏi: có phải đây là một câu nói để tự an ủi , trấn an cho chính mình ? Từ phía cuối phòng, khi ánh sáng còn chưa đủ để nhận diện là ai, một người đến sát bên Tôi và nói nhỏ:

- Thiếu Tá hãy thay bộ đồ nầy, cho đở nguy hiểm.

Tôi nhìn các thứ đang nằm trên tay của B1 Phụng ( cần vụ ) đó là một cái áo gió loại mõng và một cái quần jean. Tôi buộc miệng hỏi:

- Phụng hả ? Sao cũng ở đây ? Làm sao mà có các thứ nầy ?

Phụng cho biết:

- Khi TĐ9 vào trong chủng viện, lúc Th/T đang lo điều động việc bố trí phòng thủ, Phụng nhận thấy tình hình quá nguy cấp  khó thể thoát thân nên Phụng đã đi xin quần áo dân sự, từ các nhóm người tản cư vì chiến loạn đang tá túc trong chũng viện phòng khi cần đến.

Tôi cầm lấy những vật dụng có thể giúp Tôi tạm thời không còn là cái gai trong mắt của những kẻ đang chiến thắng trong “ ngạc nhiên và bất ngờ ”. Tôi nói tiếng cám ơn trong cảm động  bùi ngùi gần rơi lệ  Tôi nghiệm ra một điều  có lẻ trước đây Tôi chưa cảm nhận được  đó là trong cuộc sống của 11 năm quân ngũ, bên cạnh những con người chỉ biết có lợi ích của bản thân ( khi mâm tiệc còn đủ món ngon, vật lạ thì chiếu trên, chiếu dưới giành nhau công trạng nhưng đến khi tiệc tàn, rượu hết, bình vơi   chỉ còn lại xương xẩu, khó ăn, khó nuốt  thì đến lời nói ủi an cũng chẳng màng ) vẫn còn có những tấm lòng chân chất  trung thực  dễ thương. Tặng phẩm  bất ngờ của B1 Phụng trong một đổi đời, lúc mà  chưa ai biết được số mệnh sẽ đi về đâu là biểu trưng vô giá cho tình chiến hữu, sống chết có nhau, hoạn nạn cùng chia sẻ với một ý tưởng đơn giản duy nhất, giúp ngụy trang phần nào lai lịch, nhằm che chắn cho sinh mạng  đang bị nhiều đe dọa của Tôi trong lúc Tôi chỉ còn là con số không vô giá trị. Ôi thật cao quý cho nghĩa cử tương thân, tương ái nầy, bây giờ Tôi mới thấu hiểu sâu sắc câu nói của người xưa : Trong nghèo khổ mới biết ai là người con hiếu thảo. Lúc đất nước lâm nguy mới biết ai là trung thần ( Gia bần tri hiếu tử . Quốc loạn thức trung thần ) . Tôi tự hỏi với chính mình: biết đâu trong quá khứ B1 Phụng đã từng bị Tôi quở trách vì một lổi lầm nào đó, thế mà bây giờ trong hoàn cảnh “ tù binh ” giống nhau, thế thì điều gì đã khiến Phụng còn lo lắng cho Tôi đến giờ nầy ? Phải chăng đó là “ tình người cao cả ” ? .

Tiếng động mở dây xích dùng để khóa cửa phòng giam, mọi người ngưng nói chuyện. Tôi nhìn đồng hồ 07:00 giờ sáng của Ngày 30 Tháng 03 Năm 1975, trong im lặng chờ đợi, hai người có dáng dấp trung bình  quần áo dân sự bình thường với vũ khí trên tay là 1 AK47 và 1 K54 bước vào phòng đứng cách xa chúng tôi khoảng 3 thước, một người có dáng vẻ là chỉ huy lên tiếng trong âm ngữ miền Trung khó nghe, thông báo là Cách mạng đã thành công  v…v…; sau vài phút khoát lác, khoe khoan thành tích, đột nhiên hắn ngưng lại:

- Trong các ông có ai là sĩ quan không ? Bất chợt hắn buông ra câu hỏi và im lặng chờ đợi .

Tôi quyết định thật nhanh và lên tiếng:

- Có

Trước các khuôn mặt đầy căng thẳng, lo lắng của mọi quân nhân trong phòng ( khi bị bắt giải về Trường học Tôi đã lạc mất Đ/úyTịnh, Đ/úyPhán và Tr/ Úy Quan ) .

- Quân hàm của Ông là gì ?

Tôi chẳng hiểu hắn hỏi điều gì nên chưa trả lời. Tên cùng đi có lẽ là “ nằm vùng, hoạt động nội thành ” thấy thế liền lên tiếng:

- Cấp bậc của Anh là gì ? Tôi trả lời:

- Thiếu Tá.

Cả hai cùng nhìn nhau và tên kia hỏi tiếp:

- Cấp chức của Ông ? Tôi trả lời trước khi tên kia diển dịch:

- Tôi không biết chữ cấp chức Ông dùng là gì nhưng chức vụ của Tôi là Tiểu Đoàn Trưởng.

- Phiên hiệu của đơn vị Ông ? Tôi lại “ chới với ”vì chẳng biết phiên hiệu là cái giống gì !! Tên nằm vùng lập lại câu hỏi:

- Anh thuộc quân binh chủng nào của Sài gòn ? Tôi trả lời

- Thủy Quân Lục Chiến.

Khi nghe Tôi trả lời, hắn nói ngay với tên có vẻ là chỉ huy Anh ta là Lính Thủy đánh bộ. Tên chỉ huy phán ngay một câu:

- Bọn lính ngoan cố, ác ôn đấy à !!!

Tôi không trả lời nhưng cảm thấy tim đập nhanh hơn, một ý nghỉ thoáng qua: Không lẽ hôm nay là ngày cuối cùng của đời mình !! Những hình ảnh thãm sát kinh hoàng trong Tết Mậu thân 1968 tại Huế, chợt trở về trong trí nhớ. Tôi tự nhủ với chính mình – phải tìm cách thoát thân bằng mọi giá dù phải đánh đổi mạng sống.

- Còn ai là sĩ quan trong phòng nầy không ?

Mọi người cùng im lặng. Tên chỉ huy nói thêm vài điều quy định nơi giam giữ cũng như hứa sẽ có người mang nước uống , thực phẫm đến cho tù binh.

- Anh đi theo chúng tôi.

Tên chỉ huy nói và ra hiệu cho tên mang AK47 tiến về phía Tôi, áp giải Tôi ra khỏi phòng, trong những tiếng chất vấn của B1 Phụng và một số quân nhân khác thuộc TĐ9TQLC. Tôi bước ra ngoài, cửa phòng giam đóng, khóa lại, luồng gió mát của không khí trong lành buổi sáng giúp Tôi thấy dễ chịu, sự tự do thong thả không còn bị giam giữ trong bốn bức tường dù chỉ tạm bợ trong chốc lát cũng cho Tôi thêm nghị lực và sẳn sàng đối phó với tình huống xấu. Nhìn một lượt quang cảnh chung quanh, Tôi thấy có khoảng 8 – 10 Lớp học được dùng làm nơi tạm giam giữ tù binh, các du kích địa phương bao gồm đàn ông lẩn đàn bà tới lui chuyện trò ồn ào, khoe khoan thành tích cũng như các loại vũ khí chúng thu gom được dọc theo bải biển Mỹ Khê Non Nước, chúng xưng hô với nhau: anh Tư , chị Sáu , chú Mười trong sự đắc chí , hả hê , nghe mà nóng mặt. Tôi tự nhủ lòng : ngày nào có cơ hội trở lại đây thì chắc là “ giết lầm hơn bỏ sót  . … Phải quyết định nhanh, trước khi chúng nổ súng, bắn sau lưng mình. Tôi đi chậm bước và xoay người lại khi đang hướng về lớp học nằm cuối dãy. Tôi hỏi tên nằm vùng:

- Có thuốc hút cho Tôi một điếu ? Cả 2 tên dừng lại, tên chỉ huy hỏi:

- Có hút được thuốc lá cẫm lệ không ?

- Tôi lắc đầu.

Vừa tính lợi dụng sự chểnh mảng của bọn chúng khi đang nói chuyện để “ liều mạng cướp súng ” thì tên chỉ huy nói tiếp :

- “ đồng chí ” chủ tịch ủy ban quân quản   bảo phải “ cách ly ” các sĩ quan   để chiều nay giao lại cho bộ đội Sư 304 . ( Sư đoàn 304 Bắc Việt ) . Tôi thở phào nhẹ nhõm, như thế là chưa “ tàn đời ”, đến lớp học cuối cùng, chúng giam Tôi vào trong đó   bỏ đi sau khi hứa sẽ có người mang cơm  nước đến cho Tôi .

Tù binh tại Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 3 VNCH Trại Hoà Cầm

Qua hai mươi bốn tiếng đồng hồ đầy căng thẳng, xen lẩn các câu tự hỏi mà không có câu trả lời. Tôi ngã lưng nằm dài trên chiếc bàn học sinh  sau khi bao tử tạm ổn với 1 vắt cơm có con cá khô nhỏ và ca nhựa nước .!! Làm sao có thể tin được các lời nói của tên Việt Cộng có vẽ là chỉ huy ? Hắn nói để cho Tôi yên tâm “ chờ chết ” hay như thế nào ? Họ có áp dụng “ đúng đắn quy chế Geneve về tù binh ” hay không? Phần quân ta liệu có còn cơ hội phản công hay không ? Tôi rơi vào giấc ngũ ngắn, buổi trưa với tâm tư xốn xang, bồn chồn. Đột nhiên những âm thanh vang dội của các loại xe vận tải lớn   ầm ỉ bên ngoài lớp học khiến Tôi giật mình tỉnh giấc, tiếp theo là những tiếng quát tháo, thúc dục đầy doạ nạt với giọng nói sặc mùi Bắc việt, tiếng lên cơ bẩm các loại súng cá nhân, tiếng chân người chạy tới lui các dãy phòng lớp học, tiếng loa cầm tay nghe rõ ràng với lệnh là tất cả các tù binh ra khỏi phòng, tập trung ở sân trường.Tôi đoán biết là quân chánh quy Bắc Việt đã tới để áp giải tù binh. Tôi cảm thấy an tâm phần nào, vì dù sao với một số lượng tù binh đông đảo, cũng như giữa buổi trưa như thế này thì chắc chắn họ không thể “ thủ tiêu ” tù binh được. Tôi nhìn đồng hồ 2 giờ chiều Ngày 30 Tháng 3 Năm 1975 .

Tiếng mở cửa phòng với sự xuất hiện trở lại của tên có vẻ là chỉ huy của lực lượng điạ phương đã bắt Tôi .

- Anh ra ngoài và “ khẩn trương chuẩn bị hành quân đi về Trại giam . Chúng tôi đã hoàn thành công tác bước đầu v…

Tôi muốn bật cười ra tiếng, vì cái lối nói nghe trái tai, ngộ nghĩnh của hắn. Tôi vừa bước ra sân cũng là lúc các tên lính Bắc Việt mặt mũi non choẹt ( khoảng 16 – 18 tuổi ) đang đi tới, đi lui nhắc nhở các quy định trên đường “ hành quân về trại tù binh ” và

- Anh nào cố tình làm sai quy định sẽ bị xử lý ngay.

Thấp thoáng ở đầu sân trường Tôi nhìn thấy hình dáng của Phán, Tịnh và Quan. Khoảng gần 3 giờ chiều, đoàn tù binh bắt đầu rời khu vực Mỹ Khê Non Nước, trong sự bố trí canh giữ, nghiêm ngặt của nhiều đơn vị chánh quy quân Bắc Việt .

Trong 30 năm của đời sống, chưa bao giờ Tôi cảm nhận được sự nhục nhã đến ê chề, tủi thẹn đến tê tái cả người, khi bị dẩn giải qua những khu phố của TP Đà Nẳng  trước hàng đoàn người dân đứng dọc theo lộ trình tù binh đi qua với những lời bàn tán khen, chê, chỉ chỏ, cười đùa, có kẻ còn thốt ra những lời chướng tai, ngụ ý cho đáng đời lính ác ôn tuy nhiên cũng có những ánh mắt đỏ hoe ái ngại, lặng lẻ quay mặt, che dấu những giòng lệ thương cảm cho thân phận “ cá chậu , chim lồng ” trong đó có cả thân nhân của họ. Tôi không trách những con người vô tình, thiếu sự hiểu biết, trong hoàn cảnh gió chiều nào, che chiều ấy của buổi giao thời với những bất chợt thay đổi trong nghiệt ngã và không tưởng; có trách chăng là trách chính chúng tôi những người với các mỹ từ đẹp đẻ là chiến sĩ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã không vuông tròn trách nhiệm bảo quốc, an dân để mất đi một phần lảnh thổ của Miền Nam trong tinh thần chủ bại và hổn loạn .

Đoàn tù binh cuối cùng được đưa vào giam giữ ở Trại Hòa Cầm, đây là nơi trú đóng của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 3 Bộ Binh VNCH, các dãy doanh trại hầu như đều còn nguyên vẹn ngoại trừ một vài chổ có khói nhỏ bốc lên do việc thiêu hủy hồ sơ. Sau khi tất cả tù binh đã vào bên trong, ở 2 cổng ra vào được ngăn chận lại bởi các cuộn dây kẽm gai khoanh tròn (concertina ) với một vài lính chánh quy mang súng AK47 đứng gác, các thành phần áp giải lần lượt rút đi. Trong khu vực rộng lớn của doanh trại cũ, các tù binh bắt đầu thoải mái đi tìm bạn bè cùng đơn vị, tiếng gọi trong ngạc nhiên, tiếng cười trong mừng rỡ khi gặp lại nhau để biết rằng bản thân và những người quen biết vẫn còn sống. Tôi ước tính có vào khoảng 4,000 – 5,000 tù binh đủ các quân binh chủng bị giam giữ tại đây. Gần 6 giờ chiều thì Tôi gặp lại hầu hết các sĩ quan đầu nảo thuộc TĐ9 gồm có Đ/ Úy Tịnh Tr /Ban 3, Đ/Úy Phán ĐĐT/ĐĐ2 , Tr/Úy Lưu minh Quan ĐĐT/ĐĐ1, Đ/Úy Lê hồng Quang ĐĐT/ĐĐCH, Tr/Úy Trương chí Công ĐĐT/ĐĐ4, Th/Úy Xuân Trưởng Ban 2 ( phần Th / Tá Lộc TĐ Phó và TR/Úy Ba ĐĐT/ĐĐ3 thì ngày hôm sau mới gặp lại nhau ở ngoài phố chợ Đà Nẳng ) . Chúng tôi quy tụ lại, chọn một khu vực riêng biệt để cùng nhau bàn bạc, phải làm gì khi có cơ hội. Tôi bảo Th / Úy Dương thanh Xuân ( Tr Ban 2 TĐ ) đi vòng quanh  tìm hiểu, nghe ngóng các tin tức từ các quân nhân khác, cũng như để ý đến việc bố trí canh gác của Việt Cộng. Khoảng hơn 6 giờ tối, có một nhóm quân Bắc Việt đến với những xe GMC tịch thu được chở theo rất nhiều quần áo trận còn mới, lấy được từ các kho dự trử của Quân Đoàn 1. Họ phân phát cho những tù binh nào chỉ có áo thung, quân ngắn ( sau nầy mới biết họ có chủ đích muốn quay phim để tuyên truyền, làm lũng đoạn thêm tinh thần chiến đấu của quân ta ). Màn đêm dần buông xuống, mọi người kiếm chổ ngã lưng trên các băng ghế dùng cho các tân binh trong quân trường, với bụng đói meo và khát nước .Tiếng Th/ Úy Xuân thì thầm bên tai Tôi, báo cho biết về sự canh phòng lỏng lẻo của bọn Việt Cộng ( Theo sự nhận xét của Tôi thì quân Bắc Việt hoàn toàn không quan tâm đến tình hình tù binh trong giai đoạn nầy, khi các cánh quân tiến công của họ chưa bao giờ gặp sự kháng cự mãnh liệt của quân ta. Mọi nổ lực và quan tâm của họ trong lúc nầy là đánh lấy Sài gòn. Những chiến thắng bất ngờ đến với họ, qua các cuộc rút quân vội vã, không kế hoạch chu đáo của ta để rồi sau đó trở thành những thất bại mang tính hệ thống giây chuyền ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của mọi quân nhân ). Tôi nói với Th/ Úy Xuân ngày mai chúng ta sẽ tìm cách trốn ra khỏi chồ nầy. Tôi hỏi Xuân có gặp hay thấy B1 Phụng hay không, Xuân cho biết không thấy. Tôi nghĩ có lẻ Phụng đã trốn được. Trong ánh sáng chập chờn của các ngọn đèn thiết lập chung quanh căn cứ, Tôi thầm nghĩ, thế là thêm một đêm dài sống trong suy tư với chập chùng vấn vương, thương nhớ. Ký ức chợt hiện về trong trí nhớ mới đây thôi, chưa đến 60 ngày, BCH / TĐ 9 đóng quân ở bải biển Mỹ Thủy, trong dịp Tết Nguyên Đán Ất Mão 1975 ( 11 / 2 / 1975 dịp nầy Th / Tướng, Tư Lệnh SĐ   có đến thăm TĐ9 và Pháo Đội C / TĐ1 PB của Tr / Úy Nguyễn văn Tuấn ) được sự chấp thuận của Sư Đoàn, Tôi đón gia đình từ Sài Gòn ra thăm, sau các ngày Xuân. Tôi xin phép Lữ Đoàn đưa gia đình đi Đà Nẳng để thăm cậu em của YT ( Ng chí Thiện Radio Bolsa, Nam California, cũng là anh của nghệ sĩ hài Chí Tài ) , lúc bấy giờ đang phục vụ ở Sư Đoàn 3 BB / Ban Quân nhạc tại Trại Hòa Cầm nầy, trong vai trò của một sĩ quan trung cấp, Tôi được sự tiếp đón nghiêm chỉnh, lịch sự, hữu ích của toán quân cảnh gác cổng BTL / Sư Đoàn 3 BB, đã giúp cho việc thăm gặp dễ dàng và nhanh chóng. Thế mà nay, vật đổi sao dời, mọi chuyện thay đổi như trong giấc mơ, Tôi dỏi mắt nhìn lên khoảng không gian vô tận trên cao với muôn vàn ánh sao lấp lánh, Tôi tự hỏi đâu là ngôi sao số mạng của mình, liệu nó có trở thành ánh sao băng quá sớm, trong giải ngân hà sáng chói, rực rở, ở tận cuối trời phương Nam và ngôi sao nào sẽ đưa lối, dẫn đuờng Tôi tìm về tổ ấm như ánh sáng nhiệm mầu của một thuở xa xưa, dẩn dắt con người đến với các Đấng thiêng liêng. Tôi thiếp đi , trong văng vẳng đâu đây tiếng gọi thương yêu của con trẻ cùng tiếng thở dài nảo ruột của thiếu phụ Nam sương .

Phố chợ Đà Nẳng - May mắn lần thứ nhất

Ánh sáng ban mai rọi chiếu khắp nơi, báo hiệu một ngày mới bắt đầu trong sự ồn ào như ong vở tổ, khi toàn thể tù binh trở dậy, sau một giấc ngủ không trọn vẹn . Mọi người tụ tập thành từng nhóm theo đơn vị cũ hay bạn bè quen biết . Mối quan tâm chung của tất cả tù binh là : Việc gì sẽ xãy ra trong ngày hôm nay ? Số phận tù binh sẽ được giải quyết như thế nào ? Vấn đề ẩm thực sẽ ra sao ? v…v… Th/úy Xuân trở về sau khi đi thu thập tin tức tình hình ( ám số chuyên nghiệp của B 2 ) cho biết  hiện nay chỉ có vài tên du kích đứng gác ngoài cổng. Tôi bảo Xuân : ban ngày lộ diện khó trốn sự truy đuổi  nên cố gắng tiếp tục tìm lối thoát dọc theo hàng rào phòng thủ ở mặt trước của Trại ( ít có nguy hiễm hơn bởi các bải mìn xung quanh Trại ) . Không ngờ sự may mắn đầu tiên đến với tù binh chúng tôi. Khoảng 11 giờ trưa, có một xe GMC chở đến 4 - 6 giỏ cần xé đựng cơm, cá khô. Sau khi chuyển giao các thứ hàng cho bọn du kích gác cổng ( bọn lính chánh quy Bắc Việt đã rút đi trong đêm ), xe tiếp tục chạy đi. Tù binh chúng tôi để ý, theo dỏi diển biến tại cổng gác, thấy mấy tên du kích tụ họp bàn tán với nhau khoảng 10 phút, có 2 tên đi vào sát hàng rào ngăn cách  thông báo tù binh cho người ra nhận các giỏ cơm v…v…; tù binh bắt đầu lớn tiếng chất vấn tại sao số lượng tù binh thì nhiều mà chỉ có mấy giỏ cơm thì làm sao cho đủ…v…v…tiếng náo động phản đối, càng lúc càng to nghe vang rền cả khu vực. Bọn du kích canh giữ không biết phải xử trí như thế nào trước làn sóng la hét phản đối của tù binh. Sau cùng cả toán du kích lẳng lặng kéo nhau bỏ đi mà không có bất cứ phản ứng gì ; thế là tất cả tù binh cũng tự động “ tan hàng ” theo sở thích từng nhóm hay đơn vị cũ . ( Thứ hai 31 / 3 / 1975 ) .

Hội tụ và may mắn lần thứ hai

Nhóm chúng tôi khi rời khỏi Trại giam giữ Hòa Cầm , hướng về phố chợ Đà Nẳng gồm có : Tôi , Tịnh , Phán , Xuân Quan , cùng một số quân nhân TĐ9 khác . Trên đường đi vì cần có tiền để xử dụng, khi mọi sinh hoạt của Đà Nẳng còn tương đối bình thường với sự lo lắng , e ngại của những người dân trong một thành phố mới bị chiếm đóng. Tôi phải bán đi chiếc đồng hồ Seiko 5 và Phán phải bán sợi dây chuyền mang trên cổ, cũng may không bị những người mua ép giá, cho nên có tiền chia nhau xài tạm ( ký ức của Phán và Xuân ). Ly cà phê đen đá và tô mì quảng đầu tiên sau 36 tiếng đồng hồ làm thân tù binh với những lo lắng “ chết người ” đã được mọi người trong nhóm tận tình chiếu cố. Tôi thả hồn theo làn khói thuốc lá mỏng ( Tôi vừa mua được gói thuốc lá Ruby quân tiếp vụ ) được khéo léo nhả ra một cách chuyên nghiệp, cuộn tròn như hình chữ O đang quyện vòng, xoay quanh, nhảy nhót trước mặt, cố thoát sự kìm hãm để tan dần trong bầu không khí .Tôi tự nghỉ “ một vật thể vô tri như thế mà còn muốn có được sự tự do, huống chi là con người ” . Tôi lẩm bẩm nói với chính mình : Trốn, bằng mọi cách phải trốn, tìm đường về phương Nam!!! . Xuân xoay người hỏi Tôi :

- Anh Tư nói cái gì ? Tôi trả lời :

- Không có chi . Anh sẽ bàn thảo với mọi người sau nầy .

Trên đường đi chúng tôi luôn tránh né những nơi mà từ xa, chúng tôi có thể thấy bóng dáng của bọn quân Bắc Việt ( phân biệt qua quần áo ) hay là bọn du kích , mặc dù việc chặn xét trên đường đi hầu như không có (theo nhận xét của Tôi, trong thời điểm nầy mọi hoạt động của thành phố Đà Nẳng chưa bị bọn “ xâm chiếm ” kiểm soát được hoàn toàn. Đúng nhất phải nói: “ Đà Nẳng là của trên Trời rơi xuống ” mà bọn Bắc bộ phủ chưa bao giờ nghỉ tới, đến khi “lượm được ” cho vào túi mà chẳng biết phải làm gì !! “. Sau khi mất Đà Nẳng, kể như quân lực VNCH đã mất hơn phân nửa lực lượng. Đáng buồn hơn nửa là khi sự tan rã xãy ra tại mặt trận miền Trung thì chỉ riêng tại Quảng trị, Huế và Đà nẳng, quân lực VNCH đã có sẳn kho lương thực và đạn dược đủ để chiến đấu trong vòng ít ra là một năm. Trích trong: Cái chết của Nam Việt Nam. Tác giả Phạm kim Vinh. Trang 320 giòng 6 – 11 ”). Khoảng 2 giờ chiều, chúng tôi có mặt tại các con phố chính của TP Đà nẳng như là : Đại lộ Độc Lập , đường Bạch Đằng ( chạy dọc theo sông Hàn ) , đường Lý Thường Kiệt , đường Quang Trung …v…v…Từ các con đường giao điểm nầy , những con người ngơ ngơ , ngác ngác , ăn mặc không giống ai , chỉ nhìn qua là biết “ phe ta ” do quần áo dân sự xin được , cái dài , cái ngắn , cái rộng , cái hẹp , lại thêm khi nói chuyện thì rõ ngay là dân gốc miền Nam . Mọi người cứ thế mà đi lên , đi xuống , rồi lại đụng đầu nhau ở một góc phố cũ vừa bước qua để :“ Nhìn nhau nói chẳng nên lời . Lệ ứa tim đau nổi đoạn trường ” . Tại các con phố chính ấy , chúng tôi tình cờ gặp lại Th/ tá Lộc Tiểu đoàn phó , Hạ sĩ Thương ( người Huế ) là cần vụ của Th / tá Lộc cũng như “ tái ngộ ” Đ/ Úy Trần Văn Hên ( ĐĐT / ĐĐDuyên hải / TDYTTB ) . Tôi hỏi thăm Anh Lộc thì được biết là ĐĐ3TĐ9 “ bỏ cuộc ” trước áp lực , ngày càng gia tăng truy đuổi của quân Bắc Việt khi trên đường thực hiện kế hoạch đã được giao phó . Tôi có hỏi về tình trạng của ĐĐT / ĐĐ3 là Tr/ Úy Ba thì Anh Lộc cho biết còn sống nhưng không biết bị bắt giữ ở đâu . Tôi chuyện trò và nói đùa với Đ/Uý Hên là : ĐĐT Duyên hải mà bị mắc cạn mới là chuyện lạ .Tôi còn hát đùa “ Mình có 3 thằng “ rơi rớt ”chốn binh đao , biết tìm nơi phương nào , cho thoát đám quân gian ” ( Tôi , Lộc và Hên cùng tốt nghiệp Khóa 17 Thủ Đức , cùng về TQLC Tháng 11 Năm 1964 với tổng số là 36 Chuẩn Úy ) . Sau một lúc hàn huyên thăm hỏi , chúng tôi mới bàn về việc phải tìm nơi trú ngụ tối hôm nay ( 31 / 3 / 1075 ) . Tôi chợt nhớ có Tr/ Uý Phạm Minh Sơn ( Không Quân chuyển về , phụ trách XLTV Ban 3 / TĐ9 , khi Đ/Úy Tịnh từ LĐ 258 chưa thuyên chuyển vể TĐ9 và sau này làm phụ tá B3 cho Đại / Úy Tịnh , vốn là người nguyên quán Đà Nẳng ) . Tôi nhắc về Sơn nhưng tiếc thay chẳng ai biết nhà của Sơn ở đâu trong TP Đà Nẳng . May mắn lại đến với chúng tôi khi chính hạ sĩ Thương ( cần vụ ) cho biết là có thân nhân quen biết ở Xóm đạo Thanh Bồ Đà Nẳng nên sẳn lòng hướng dẩn chúng tôi về đó ; cùng lúc ấy Đ/ Úy Hên gặp lại Tr/ Uý Quân ( ĐĐ Bảo Toàn / TĐYTTB ) cùng một quân nhân cũng có thân nhân , gần trong khu vực Xóm đạo ; thế là chúng tôi cùng dẩn nhau về đấy ; tuy nhiên khi về đến nơi , mới biết là “ nhà trống người không ” vì thân nhân quen biết của Thương và quân nhân trong ĐĐBT , đều đã bỏ nhà chạy “ tỵ nạn ” nơi khác , Quân và Thương phải đi hỏi thăm các người hàng xóm quen biết , sau cùng có được chìa khóa để vào nhà . Nhằm tránh sự “ tò mò dòm ngó ” của các người dân chung quanh , trong cảnh “ tranh tối , tranh sáng ” nầy , hơn nửa “ cẩn tắc vô áy náy ” , chúng tôi quyết định chia ra thành 2 nhóm ở 2 nơi riêng biệt , chỉ cách nhau một con đường . Chúng tôi tắm giặt thoải mái , ăn uống no đủ , nhờ vào các thực phẩm còn sót lại trong nhà . Sau đó mạnh ai nấy lăn ra ngũ bù , mọi phiền muộn , lo lắng , giờ đây tạm bỏ lại đâu đó trong ngăn kéo của thời gian , để tận hưởng cái hạnh phúc , khi biết mình vẫn còn sống và tự do dù trong vòng“ kềm kẹp ” của quân thù .

Thủ đoạn dối trá của Cộng Bắc Việt và may mắn lần thứ ba.

Sáng sớm hôm sau Thứ Ba 1 tháng 4 năm 1975 , chúng tôi rời nơi trú ngụ sau một đêm say ngũ , không chập chờn vì ác mộng , trở lại các con đường hôm qua , tìm một quán bên đường , mỗi người một ly cà phê đầu ngày và thu thập tin tức , tình hình thời cuộc với các diển biến không vui “ quân ta rút lui chiến thuật khỏi Quy Nhơn từ lâu ”.Tôi bàn với mọi người “ phải vượt thoát ” tìm về phương Nam , bằng cách lợi dụng khi “ địch quân ” còn mãi mê cuộc tiến công , chưa tổ chức hoàn hảo việc kiểm soát , giam giữ chặc chẻ các tù binh bên cạnh các cấp chánh quyền hành chánh địa phương của VC chưa được cũng cố , chưa quen việc ; chúng ta sẽ áp dụng áp dụng chiến thuật “ vết dầu loang ” , Việt Cộng tới đâu thì chúng ta theo sau lưng họ , cho đến khi có cơ hội vượt tuyến ”. Mọi người đều tán đồng ý kiến của Tôi đề ra nhưng chưa biết khi nào thì khởi sự . Khoảng giữa trưa , trước khi chúng tôi trở về nơi tạm trú , qua tin truyền miệng , sau đó từ các xe phóng thanh do bọn “ theo đóm ăn tàn ” làm tài xế , chạy quanh trong TP Đà Nẳng với lời kêu gọi trình diện của Ủy Ban Quân Quản Đà Nẳng , cho các quân nhân của Sài Gòn trong 3 ngày , kể từ ngày 2 tháng 4 năm 1975 đến ngày 5 / 4 / 1975 . Chúng tôi trở về chổ ở với tâm trạng phân vân , đắn đo trong sự cân nhắc của câu hỏi : có nên ra trình diện hay không ? Chưa ai trong số chúng tôi có được một kinh nghiệm về Cộng Sản , từ trước đây cho đến ngày “ triệt thoái không bài bản ” mỗi khi “ chạm trán ” với bọn họ là chỉ có “ Bằng , Bằng ” như cao bồi Mỹ “ bắn chậm thì chết ” . Nay phải ra trình diện họ , rồi thì kết cuộc sẽ ra sao đây ? Còn như không trình diện , nếu mai đây , có sự can thiệp của quốc tế , ngưng bắn lần nửa , rồi trao trả tù binh , số phận sẽ ra sao , khi không có tên trong danh sách trình diện Thật là nan giải . Sau cùng mọi người phó mặc cho số phận với kết luận “ Ai sao mình vậy ” . Nổi xúc động đến nghẹn ngào , khi trở về nơi trú ngụ nhìn thấy buổi cơm chiều đã được Hạ sĩ Thương nấu nướng , bày biện , đem từ nhà bên cạnh đến cho mọi người cùng ăn với cơm nóng , canh ngon , dù đạm bạc nhưng nói lên tấm lòng chân chất của người quân nhân dưới quyền trước đây . Chúng tôi ngỏ lời cám ơn sự chân tình của Thương … . “ Em chỉ mong , mấy ông thầy làm răng , mà về được trong Nam là em vui rồi ” !!! Thương nói . Buổi tối đến , Tôi triệu tập phiên họp , bao gồm tất cả mọi người ở cả 2 nhà tạm trú . Tôi đưa ra ý kiến “ dung hòa ” và “ ăn chắc ” như sau : “ theo thông báo , chúng ta có 3 ngày để trình diện , như vậy ngày mai chúng ta đi trình diện cho có tên trong danh sách với tên tuổi , cấp bậc , chức vụ chính xác . Sau đó chúng ta còn 2 ngày để tìm phương cách vượt thoát khỏi TP Đà nẳng , trước khi bị “ gom bi ” ; mọi người đều đồng ý ( riêng Đ /úy Tịnh Ban 3 và Hạ sĩ Thương vì nguyên quán ở Miền Trung , cho nên sau nầy ở lại , không tìm đường về Nam ) rồi giải tán , đi ngũ . Hôm sau Thứ Tư ngày 2 tháng 4 năm 1975 , chúng tôi cùng nhau trở ra phố , đến các địa diểm quy định đã được thông báo để trình diện , chỉ sau vài giờ , mọi người đều có trong tay giấy đã trình diện với UBQQ Đà Nẳng , trong đó có đầy đủ các thông tin cá nhân trước đây , khi còn phục vụ cho chính phủ Sài gòn , họ cũng bắt khai luôn nơi đang tạm trú hiện nay ( sau nầy mới biết họ thanh lọc danh sách , ngay trong ngày hôm đó và họ cho lực lượng an ninh đến “ bắt nguội ” ngay trong đêm ) . Chúng tôi lang thang trong TP Đà Nẳng cho đến buổi chiều mới trở về lại nơi trú ngụ , lúc nầy trong nhà của Quân đã có thêm một số người vừa mới “ vượt thoát ” từ Huế vào , cho nên chổ ở trở nên đông đúc chật kín . Đ/ Úy Hên thấy thế nên bảo Tôi và Lộc di chuyển qua nhà bên kia đường ở tạm . Nhờ thế chúng tôi thoát khỏi màn bắt nguội giữa đêm của an ninh Cộng Sản . .. ( trích thư của Đại Úy Hên : Vào khoảng 1 giờ sáng , có nhiều chiếc xe gắn máy , dừng lại trước nhà , có tiếng đập cửa thật mạnh , tiếng người tiếp theo Ban Quân Quản , mau mở cửa kiểm tra , ông Th / tá Bộ binh ra mở cửa , tôi nghe có tiếng người bước vào nhà , từ chổ tôi nằm không nhìn thấy cửa chính , tôi nghe một giọng nói miền Bắc “ Ở trong nhà nầy , ai là Thiếu tá Lâm Tài Thạnh , Thiếu tá Nguyễn Văn Lộc , Đại Úy Trần Văn Hên , lính thủy đánh bộ, chúng tôi cần kiểm tra ” , tôi nghe ông Thiếu tá Bộ binh trả lời : Hồi chiều , ba ông nầy có ăn cơm ở đây , sau đó nói đi ra phố , giờ chưa thấy trở về , sau câu trả lời , bọn Việt Cộng ập vào hẳn trong nhà thật nhanh , rọi đèn , người vợ của ông Th / tá Bộ binh nằm ngũ phía ngoài cùng các đứa con nhỏ , vội vàng nói nhanh với tôi : ông nằm yên để tôi xử trí ; từ trong bóng tối ở sâu dưới chân cầu thang lầu , tôi thấy có ba tên mặc quần áo quân chánh quy Bắc Việt , 2 tên mang AK47 rọi đèn lục soát , tên còn lại mang K54 tiến về phía cầu thang , rọi đèn vào ba cái mùng của gia đình ông Th/ tá Bộ binh , khi thấy bà vợ của ông Th / Tá đang cho con nhỏ bú , nên không rọi đèn tìm kiếm tiếp nơi chân cầu thang , mà bước vòng trở lại phía trước và đi thẳng lên lầu . Họ rọi đèn , lục soát khắp nhà khoảng 10 phút , tất cả kéo ra ngoài , nổ máy xe , rời căn nhà tôi đang tạm trú ) . Khoảng gần 4 giờ sáng Đ/úy Hên bằng cửa sau , chạy qua nhà chúng tôi đang ngũ , báo động tình hình nguy hiểm và chúng tôi quyết định “ vượt thoát ” khỏi Đà Nẳng lúc 5 giờ sáng cùng ngày . Đường trường xa ta quyết đi cho đến cùng Vượt thoát .- Ngày N : 3 / 4 / 1975 Trong hơi lạnh ban mai của Ngày N vượt thoát ; chúng tôi âm thầm rời nơi trú ngụ , sau khi nói lời chia tay với Đ/U Tịnh và Thương . Chúng tôi phân thành 2 nhóm , đi cách nhau khoảng 100 mét , lấy Quốc lộ 1 làm trục lộ chính và căn cứ vào các cột mốc cây số dọc theo đường đi , để biết khoảng cách các nơi sẽ phải đến . Nhóm 1 gồm có Tôi ,Tr/uý Quan , T / Uý Xuân , nhóm 2 còn lại là Th / tá Lộc , Đ/úy Phán . Riêng nhóm của Đ / Úy Hên , Tr /Úy Quân ( ĐĐBảo toàn ) vì có người quen dự trù kế hoạch “ vượt thoát ” bằng đường biển , nên chúng tôi cũng chia tay ( sau nầy Đ/ Úy Hên về tới Vũng Tàu trước Tôi 2 ngày ) . Mọi người trong 2 nhóm của chúng tôi đều đồng ý , trên đường đi , ai thoát được , sẽ tiếp tục cuộc hành trình , để có thể mang tin tức sau cùng về cho thân nhân những người bị bắt giữ lại Dù chưa biết , kết cuộc sẽ ra sao với đoạn đường trước mặt dài đăng đẳng , có nhiều bất trắc chờ đợi , chúng tôi đều cãm thấy tinh thần phấn chấn , sau các ngày được nghỉ ngơi , ăn uống tạm đầy đủ và nhất là với viển ảnh được “ tự do và đoàn tụ ” . Trong suốt khoảng đường từ nơi trú ngụ ra đến ngoại ô Đà Nẳng , chúng tôi chưa bị chặn xét bởi các chốt kiểm soát , an ninh của Việt Cộng , mặc dù trên QL 1 các đoàn xe ngụy trang , chở quân Bắc Việt cùng các vũ khí nặng bao gồm các loại súng phòng không 37 – 57 ly di chuyển rầm rộ và liên tục . Trời vừa rạng sáng chúng tôi tới cầu Đỏ bắt qua sông Thu Bồn , chúng tôi phải tạm dừng lại nơi đây vì cây cầu nầy đã bị không quân VNCH phá hủy nhằm ngăn chận bước tiến quân của Việt Cộng . Một số lượng đông đảo dân chúng và các loại xe chuyên chở dân sự đang tập trung ngay đầu cầu , mọi người cùng nhau chờ công binh Cộng Sản bắt cầu phao nổi để qua sông , nơi đây có một nhóm nhỏ quân chánh quy Bắc Việt canh gác với sự hời hợt và lỏng lẽo . Qua thăm hỏi , tìm hiểu , được biết đại đa số là thường dân chạy trốn chiến trận từ các vùng của tỉnh Quảng Ngãi nay đang hồi cư . Chúng tôi cùng nhau trà trộn vào với dân chúng và chờ đợi . Khoảng gần 8 giờ sáng , có lệnh cho người đi bộ qua cầu , cả 2 nhóm chúng tôi vượt nhanh qua phía trước , trong khi bọn lính chánh quy mãi mê nói chuyện với các o xứ Quảng . Cách cây cầu khoảng 500 mét , chúng tôi tạm ngừng lại với ý định chờ đón các xe dân sự xin quá giang . Tôi nhìn thấy cột mốc chỉ đường ghi Quảng Ngãi 115 km . Tôi thực sự không tin ở mắt mình và tự hỏi sẽ đi bộ trong bao nhiêu ngày mới tới được Quảng Ngãi . Sau cùng thật là may mắn , chúng tôi được một chủ xe , có lòng tốt đã cho chúng tôi lên xe quá giang mà không lấy tiền , khi nghe chúng tôi “ tả oán ” đủ thứ mẹ già , vợ trẻ , con thơ , đang trông chờ tin tức ở Nha Trang . Khi lên xe , chúng tôi chia nhau ngồi lẩn lộn với các hành khách . Phần Tôi thì ngồi phía trước cách tài xế một dãy ghế và sát cửa sổ . Từ chổ ngồi Tôi nhìn ra phía sau , anh Lộc và Phán đưa ngón tay cái , biểu tỏ mọi chuyện tốt đẹp , trong khi Quan và Xuân thì đánh đu trên tấm bửng sau xe . Sau gần 3 giờ xe chạy bon bon trên đường , các cột mốc cây số lùi dần về phía sau , để cuối cùng một cột mốc loang lổ vết đạn ghi Quảng Ngãi 45 km . Xe bắt đầu chạy chậm và ngừng hẳn , khi có một nhóm đông người đi diển hành trên quốc lộ với các biểu ngử cầm tay , nội dung chào mừng cách mạng thành công , trong tiếng tiếng hoan hô , đã đảo . Tôi nghĩ thầm , chổ nầy “ hắc ám” đây , vì là “ hang ổ ” của Quân Khu 5 Việt Cộng . Trong quá khứ Tôi đã từng tham dự hành quân trong các vùng chung quanh Tỉnh Quảng Ngãi , trong vai trò là Trung đội Trưởng của ĐĐ1 / TĐ2 TQLC vào những năm 1965 – 1966 . Tôi không xa lạ gì với các địa danh Mộ Đức , Đức Phổ , Ba Tơ , Nghĩa Hành , Sơn Tịnh , Trà Bồng . Ba Gia , Thạch Trụ , sông Trà Khúc , chùa Thiên Ấn v…v…

Thêm một chia tay xót xa bên cạnh lần thứ tư .- Ngay trước tấm bảng viết hàng chử Ủy Ban Cách Mạng Xả Châu Ổ Huyện Bình Sơn , là một toán du kích 7 - 10 tên đứng canh gác , mọi sự lưu thông đều bị chận lại xét hỏi . Chúng tôi không còn lối thoát nào khả dỉ có thể lẩn trốn vì không ai biết trước có trạm kiểm soát trên đường , bây giờ chỉ biết trông chờ may rủi và số mạng của mỗi người . Khi xe vừa ngừng lại cho du kích kiểm tra , Tôi nghe câu nói của người tài xế đại khái : Dấu được cứ dấu . Nghe nhưng chưa kịp hiểu ý , Tôi xoay người nhìn về phía sau xe thì thấy bóng Quan và Xuân nhảy xuống khỏi xe , rồi biến mất trong nhóm người biểu tình đông đúc , cùng một lúc Tôi thấy có 2 tên du kích đi dọc theo hai bên hông xe , từ phía sau đi lần ra phía trước , đến băng ghế ngồi của Th/Tá Lộc và Đ/Úy Phán , chúng ngưng lại hỏi chuyện gì đó , Tôi thấy Lộc và Phán lấy tờ giấy trình diện ở Đà Nẳng cho chúng xem , sau đó Tôi thấy chúng chỉa súng AK 47 vào hai người và ra hiệu cho Lộc và Phán xuống xe ; chúng gọi thêm người đến canh giữ , đồng thời tiếp tục đi đến chổ Tôi ngồi . Tên du kích hỏi : Anh nầy có giấy tờ gì không ?, trong tích tắc Tôi kịp nhớ câu nói bâng quơ của người tài xế , cộng thêm sự việc vừa xãy trước mắt cho Lộc và Phán . Tôi trả lời với tiếng nói mệt mõi để giãm bớt âm giọng miền Nam . - Không có , Tôi là dân buôn bán ở chợ Đà Nẳng , nay muốn đi về Quy Nhơn mua hàng . Tên du kích không hỏi thêm và bỏ đi . Người tài xế nhìn Tôi cười “ thông cảm ” khi được lệnh cho chạy qua khỏi trạm kiểm soát . Tôi nhìn lui lại phía sau xe , thấy bốn tên du kích áp giải Th/Tá Lộc và Đ/Úy Phán đi ngược lại con đường mà xe chúng tôi đã đi qua trước đó . Xe chạy khoảng 100 – 200 thước . Tôi lên tiếng xin người tài xế dừng xe lại . …“ Sao vậy , đã thoát rồi còn quay trở lại đó làm gì ? ” người tài xế ngạc nhiên hỏi nhưng cũng đạp thắng và ngưng xe lại . Tôi chỉ trả lời cám ơn , xuống xe , đi ngược lại về nơi trạm kiểm soát với các ý tưởng đơn giản : “ phải biết , xem bọn du kích đưa Lộc và Phán đi đâu , đối xử thế nào , còn mọi chuyện khác thì tùy cơ ứng biến ; cho dù như đã nói ở phần trên , trước khi rời Đà Nẳng , mọi người đều đồng ý , trên đường vượt thoát , người nào may mắn thì cứ tiếp tục cuộc hành trình , để mang tin tức hữu ích về cho gia đình , thân nhân đang trông chờ ” . Tôi đi thật nhanh vì sợ mất dấu những tên du kích . Tôi thở phào nhẹ nhõm khi thấy bóng dáng Lộc , Phán cùng toán du kích đang chậm rải đi theo con đường mòn trong xóm sát cạnh Quốc Lộ 1 .Tôi len lỏi đi theo phía sau qua các ngôi nhà lá trống trước , hở sau trong một khoảng cách tương đối để không bị phát hiện , sau cùng toán du kích ngừng lại vào một ngôi nhà có các hàng cây bao quanh , hình như là trụ sở Ủy Ban , nơi tạm giam giữ các tù binh . Tôi trốn sau các lùm cây phía trước ngôi nhà , theo dỏi tình hình . Thời gian khoảng 30 phút Tôi thấy cả bốn tên du kích kéo nhau bỏ đi . Tôi đoán có lẽ chúng đi ăn cơm vì nhìn bóng mặt trời đã quá đỉnh đầu . Tôi chờ thêm khoảng 10 phút để chắc chắn bọn chúng không bất ngờ trở lại . Tôi quyết định dứt khoát , phải giữ bình tỉnh giả như là du kích , vào thật nhanh , ra thật lẹ . Tôi lên tiếng gọi , khi còn cách cửa ra vào 2 – 3 thước “ Anh Lộc , Phán , tụi nó bỏ đi hết rồi , ra lẹ , đi cho mau với tôi ”. Tôi lập lại nhiều lần mới thấy Đ/Úy Phán buồn bả , ủ rũ , đi ra nói với Tôi : “ Anh Lộc nói : Anh Cả đi , đi . Anh Cả có thoát , thì thông báo tin tức cho gia đình tụi em ” . Suýt chút nửa là Tôi “ chưởi thề ” tuy nhiên Tôi chỉ nói : Tụi nó đi mất hết rồi , sợ cái gì mà không trốn đi ? Đ/ Úy Phán cho biết : mấy tên du kích nói nếu trốn đi , khi bị bắt lại thì chúng sẽ xử bắn , trước đó chúng cũng đã bắn chết một người . Nhìn dáng điệu cam chịu của Phán , khiến Tôi bùi ngùi vì Tôi và Phán đã từng phục vụ chung ở TĐ 2 Trâu Điên khi Tôi là ĐĐPhó ĐĐ1 ( 1968 ) thì Phán là Trung đội Trưởng ở ĐĐ4 / TĐ2 ( Phán tốt nghiệp K 25 TĐ là một sĩ quan có nhiều triển vọng . Sau nầy khi gặp lại Đ/ Uý Phán trong ĐHTQLC 2008 tại Nam California , khi nhắc lại chuyện ở Bình Sơn 3 / 4 / 1975 . Tôi thông cãm cho Anh Lộc và Phán trong tình hình bó buộc lúc bấy giờ ) . Không còn lựa chọn nào khác . Tôi lặng lẽ , thất thểu bước nhanh ra khỏi khu vực giam giữ với nổi buồn nặng trĩu trong lòng của câu hỏi : “ Mai đây nếu được Thần may mắn chiếu cố , Tôi thoát được trở về , Tôi sẽ trả lời với các thân nhân của Anh Lộc và Phán thế nào đây ? Có ai tin rằng Tôi đã hết lòng , quên cả nguy hiểm bản thân vì bè bạn và chiến hữu ” ; một câu hỏi chưa có câu trả lời vì Tôi vẫn còn phiêu bạt , lêng đênh chưa biết kết quả sẽ đi về đâu . Thôi thì , chỉ cầu mong các đấng thiêng liêng , độ trì phù hộ cho Lộc và Phán được bình an , tai qua nạn khỏi . Trở ra lại quốc lộ 1 , Tôi tính toán , khoảng cách đến TP Quảng Ngãi là 20 cây số , nếu phải đi bộ thì khoảng 3 tiếng đồng hồ . Tôi cấm cúi rảo bước trên đường , trong ánh nắng nóng hâm hấp của miền Trung , nhìn trước mặt , đường còn xa diệu vợi , khách độc hành , ai thấu hiểu bước cô đơn ; mới sáng nay còn đông đủ anh , em bạn hữu , trong niềm tin vượt thoát sẽ thành công mà nay chỉ còn lại đơn độc . Tiếng kèn xe làm Tôi giật mình và câu hỏi lớn của ai đó trên xe : Anh ni , đi mô ; rồi xe ngừng lại . Tôi đi ngang qua đầu xe , gặp người tài xế tuổi trung niên , Tôi ngỏ ý xin đi nhờ xe ra Tỉnh lỵ Quảng Ngãi đưọc sự đồng ý .Tôi lên xe , khoảng 30 phút sau , Tôi bước ra khỏi xe , nói lời cám ơn , thả bộ đi về hướng chợ lúc nầy Tôi đang ở trong phạm vi ngoại ô Tỉnh Quảng Ngãi .Tôi tiếp tục đi cho đến khi gặp một cổng chào là cửa ngỏ của TP Quảng Ngãi , một thành phố là nơi có nhiều kỷ niệm của TĐ2 TQLC ( Đặc biệt trong vụ việc Phật Giáo Miền Trung 1966 , có nhiều kẻ lợi dụng chiêu bài tôn giáo nhằm mục tiêu chánh trị , kêu gọi Phật Tử bao gồm cả các quân nhân đang phục vụ ở Quân Đoàn 1 xuống đường , biểu tình gây rối loạn trong thành phố Đà Nẳng cùng một vài nơi khác , chống lại chánh phủ trung ương , tạo điều kiện cho Việt Cộng mở các cuộc tấn công vào QLVNCH . Trước đó TĐ 2 TQLC đã có lệnh trở về Hậu cứ nghĩ dưởng quân sau gần 3 tháng tăng phái cho Sư Đoàng 22 BB , thuộc Quân Đoàn 2 . Mọi quân nhân các cấp đều vui vẽ , mừng rở , còn bao nhiêu tiền dốc túi mua kẹo mè xửng , nón lá bài thơ để làm quà biếu cho gia đình khi được trở về hậu cứ . Sáng hôm sau ra phi trường Quảng Ngãi , thay vì được không vận bởi các máy bay của không quân Mỹ như thường lệ , thì nay lại có nhiều máy bay vận tải loại xưa cũ C47 của Không quân VNCH cộng thêm 2 chiếc máy bay dân sự của hàng không Việt Nam đáp xuống phi trường lo việc không vận . Lính nhà ta chẳng biết “ ất giáp ” chuyện gì đang xãy ra , có lệnh là “ xung phong ” lên máy bay liền , trong hân hoan và sung sướng . Thời gian bay chưa tới 30 phút , toàn bộ máy bay đáp xuống phi trường Đà Nẳng , rồi có lệnh “ án binh bất động ” nằm chờ trong phi trường , để “ mấy quan to nói chuyện phải quấy với nhau ” . Lính nhà ta “ vỡ mộng” chỉ có nước “ chưởi thề ” , sau cùng “ kẹo mè xửng , nón lá bài thơ ” trở thành nạn nhân của sự giận dử , dưới gót giầy saut . Thế mới gọi là “ đời lính ” ) . Tôi vào một quán nhỏ bên đường Quốc Lộ 1 uống một ly nước và ăn tô phở nấu theo cách miền Trung . Tôi nhìn đồng hồ trong quán ăn hơn 3 giờ chiều . Trong cảnh vắng lặng cuả một thành phố vừa mới đổi chủ , Tôi nhận thấy mọi sinh hoạt của thành phố đầy áp sự “ uể oải , cầm chừng , ngại ngùng , bẻn lẻn như một cô dâu mới về nhà chồng chưa biết phải làm gì ”, thỉnh thoảng chỉ thấy vài chiếc xe đạp , vài người đi bộ có vẻ lạc loài như Tôi , chắc là thuộc phe ta . Trước khi rời quán ăn , Tôi hỏi thăm người đàn ông chủ quán : có biết một ngôi chùa nào gần nhất trong khu vực nầy hay không ? .Trong e dè cẩn trọng đối với người lạ , ông ta chỉ cho Tôi , đường đi đến chùa Hội Phước ( ? ) trong khu phố gần trung tâm chợ . Tôi bước ra khỏi quán , đi lần theo Quốc lộ 1 cũng là con đường chính hướng về phố chợ , được một khoảng khá xa , nhận thấy mặt trời chưa lặn bóng e rằng khi tới Chùa còn sớm , khó xin chổ trú ngụ qua đêm , nhìn thấy một tàn cây có bóng mát bên đường .Tôi ngừng lại , ngồi xuống lề đường , mông lung suy nghĩ vẫn vơ “ không biết ngày xưa , khi Hạng võ thất trận , 10,000 tử đệ bỏ đi , thì tình trạng có thê thãm như Tôi hôm nay hay không ?”. Một bóng dáng quen thuộc từ đàng sau , đang cắm cúi đi tới , Tôi nhận ra đó là Tr / Úy Quan , khi Quan đến gần chổ Tôi ngồi , trông thấy Tôi , Quan kêu lớn trong sự ngạc nhiên “ Anh Tư , anh không bị bắt lại hả ?” Tôi ra hiệu cho Quan tiếp tục đi , rồi Tôi rảo bước theo Quan , sau khi thật nhanh quan sát cẩn thận chung quanh . Đến một ngã tư đường , chúng tôi dừng lại , chọn một nơi kín đáo và trao đổi các tin tức liên quan đến các thành viên của hai nhóm . Tôi cho Quan biết về tình trạng của Lộc và Phán , Tôi hỏi Quan về Xuân , Quan cho biết đã lạc mất Xuân , khi cả hai nhìn thấy bọn du kích ra hiệu cho xe ngừng lại nên vội vả nhảy xuống xe , hòa nhập vào đám đông đang đi diển hành , lẩn trốn trong các xóm nhà ven quốc lộ , sau cùng vuợt qua các cánh đồng ruộng , đi khỏi phạm vi vùng du kích kiễm soát . Việc gặp lại Tr/ Ú Quan bất ngờ trên lộ trình vượt thoát , giúp tinh thần Tôi thêm phấn chấn , lạc quan vì từ nay có bạn đồng hành trên chặng đường thiên lý , tìm về phương Nam , bên cạnh đó Quan sẽ là chứng nhân sau nầy cho cuộc hành trình đường trường xa nầy , cuộc sống đôi lúc có những bất ngờ , ngạc nhiên thú vị vì Tôi chợt nhớ Tr/ Úy Quan là người có cùng nguyên quán tỉnh Ba Xuyên ( Sóc Trăng ) và là bạn học cùng lớp với cậu em thứ năm của Tôi , như vậy từ nay trên đường vượt thoát chắc sẽ có nhiều điều để nhắc nhớ về xứ sở . Buổi chiều đang xuống dần , ánh nắng le lói nhạt mờ , báo hiệu một ngày sắp hết .Tôi cho Quan biết ý định tìm nơi trú ngụ qua đêm ở ngôi chùa Hội phước trong nội ô chợ Quảng ngãi , do người chủ quán ăn đã chỉ dẩn , sau vài lần hỏi thêm khách qua đường , chúng tôi đến nơi . Đây là một ngôi chùa rộng lớn với chiếc cổng tam quan bề thế bên trong sân chùa đã có rất nhiều dân chúng , đa số là phụ nử và trẻ em , hỏi ra mới biết là dân“ tỵ nạn chiến loạn” từ các nơi dồn vào đây , tạm nương nhờ cửa Phật , chờ thời cuộc cho phép sẽ hồi cư về lại Bình Định ( Quy nhơn ) , thật là một cơ hội tốt cho chúng tôi lẩn lộn , hòa nhập vào đám đông , tương đối an toàn . Chùa có một giếng nước sâu do các tăng nhân trẻ phụ trách việc phân phối nước , Tôi và Quan mượn được một chiếc chiếu lớn cũng như được cấp phát cho mỗi người một ổ bánh mì chay . Ăn xong , cả 2 co ro quấn mình trong chiếc chiếu lớn , bên hông phía sau căn bếp của Chùa . Chúng tôi thì thầm to nhỏ về chương trình dự tính ra đi ngày mai .( Trước đó qua tin tức thu thập được từ các chị phụ nử nấu bếp , chúng tôi được biết các lực luợng chánh quy Bắc việt đang bị cầm chân ở tuyến phòng ngự Khánh dương trước khi vào Nha trang ) Tôi báo cho Quan biết , căn cứ vào các cột mốc cây số , chúng tôi đã vượt thoát được khoảng 120 cây số chỉ trong một ngày , một kết quả đáng mừng trên đường “ vượt thoát ” của ngày đầu tiênQuan ngỏ ý , đề nghị tìm lối đi ra phía biển , để kiếm phương tiện ghe , thuyền đi cho nhanh và tránh được các trạm chốt kiểm soát sẽ gặp phải , nếu đi theo Quốc lộ . Tôi nghe Quan nói cũng có lý , tuy nhiên suy nghỉ lại . Tôithấy bất lợi vì lộ trình tìm đường đi ra hướng , có các làng đánh cá có ghe đi biển , rất dễ bị phát hiện vì không lẩn lộn được vào trong dân chúng , thêm nửa với giọng nói âm hưởng chính gốc miền Nam , trong túi không có tiền thì làm sao mua chổ đi , cũng như khi đã lên thuyền khi bị chặn xét là bó tay hết xoay sở . Trong khi xử dụng lộ trình đi bộ , sẽ khó bị phát hiện do việc lẩn lộn vào đám đông , xe cộ qua lại nhiều , dể cho việc quá giang , thăm hỏi tin tức , tình hình , miễn sau chỉ cần để ý , khéo luồn lách , nhảy khỏi xe ( nếu quá giang được xe ) trước khi xe vào các nơi trọng điểm trung tâm , sau đó băng đồng đi vòng , tránh né , như thế xác suất trốn thoát thành công rất cao . Sau các phân tích của Tôi , Quan hoàn toàn đồng ý . Chúng tôi rơi vào giấc ngũ , trong lành lạnh của những cơn gió nhẹ , đánh dấu ngày thứ 5 “ tù binh và vượt thoát ” thiếu nệm ấm , chăn êm . Văng vẳng đâu đây tiếng mõ chuông từ chánh điện , xen lẩn tiếng đọc kinh chú Quan thế âm , hình như Tôi mĩm cười trong ánh hào quang sáng chói của Đức Thế Tôn ( lúc nầy Tôi chưa chuyển đạo ) .

Quảng Ngãi với Núi Thiên Ấn , Sông Trà Khúc , lần may mắn thứ năm N+1 .- 4/4/1975 Tiếng la hét , ồn ào của trẻ con , tiếng gọi nhau của người lớn làm chúng tôi giật mình tỉnh giấc , xuyên qua các cành cây trên cao , mặt Trời đã ló dạng nơi phương Đông , trong căn bếp Chùa có nhiều chị phụ nử đang phụ lo việc cơm , nước với các tăng nhân mặc áo màu nân . Qua câu chuyện trao đổi của họ , chúng tôi được biết tuyến kháng cự Khánh Dương tan rã vào Ngày 2 / 4 / năm 1975 ) . Thế là thêm một trở ngại và thất vọng cho chương trình vượt thoát . Chúng tôi mang chiếc chiếu trả lại cho Chùa , thì được biết Chùa sẽ có thí thực ( cơm miễn phí ) cho mọi người . Khoảng 8 giờ sáng , chúng tôi rời Chùa cùng với một số dân hồi cư về lại Bình Định Quy Nhơn , hành trang tương đối ấm lòng với 2 nắm cơm vắt , 1 hủ chao lớn , một bìnhnhựa chứa nước . Chúng tôi đi ngược lại các con đường cũ để ra Quốc Lộ 1 , để tránh bị để ý , Tôi và Quan giử khoảng cách , cùng lẩn lộn trong nhóm đông phụ nử và trẻ con . Các khu phố chợ , các con đường trong nội ô Quảng Ngãi của buổi sáng sớm , trông nhợt nhạt , u ám , buồn tẻ , âu lo căng thẳng vốn dỉ phải có tại các Tỉnh lỵ Miền Nam vừa mới bị “ thất thủ và chiếm đóng ” . Theo bước chân của dòng người hồi cư , chúng tôi tới một toà nhà lớn , sau mới biết là Toà hành chánh cũ của Tỉnh Quảng Ngãi , tại đây có dán một thông báo , viết bằng tay , nét chữ không ngay hàng , thẳng lối với nhiều lổi chánh tả Theo quy định , ghi trên bảng thông báo : muốn hồi cư phải ghi danh với các loại giấy tờ của chánh quyền cũ . Đọc xong , Tôi và Quan kín đáo , lẩn lộn , vội vã nhanh chóng ca bài “ tẩu vi thượng sách ” . Chúng tôi quay trở lại Quốc Lộ 1 , quyết định bắt đầu hành trình đi bộ , tuy nhiên chưa ra khỏi ngoại vi Tỉnh Quảng Ngãi thì “ đụng đầu ” ngay Trạm kiểm soát hổn hợp gồm du kích địa phương và quân chánh quy Bắc Việt . Lại một lần nửa chúng tôi phải thối lui vì địa thế trống trải , không thể đi vòng , băng ruộng mà không bị phát hiện . Chúng tôi đành phải trở về lại khu phố chợ , tìm chổ vắng ẩn náo, dự trù chờ chiều tối khi không còn chốt kiểm soát thì sẽ vượt thoát . Thật không ngờ bọn Việt Cộng lại duy trì , trạm kiểm soát nầy liên tục cả ngày lẩn đêm . Tối đến chúng tôi xin tá túc dưới mái hiên của một ngôi nhà lớn , bên cạnh Quốc Lộ 1 , được chủ nhà cho mượn đầy đủ mùng và mền , nên chúng tôi qua đêm có được cảm giác bình yên , ấm cúng . Buổi sáng khi gõ cửa gọi chủ nhà , để hoàn trả mùng mền đã mượn , gặp ngay một phụ nử trẻ , tay cầm một đỉa cơm chiên lớn , vừa đưa cho Tôi vừa rơi lệ nói nhỏ “ Tôi biết 2 anh là lính Sài Gòn , đây là nhà cha , mẹ tôi , Ông chồng tôi phục vụ ở Sư Đoàn 22 BB cũng chưa thấy tin tức , không biết sống , chết ra sao . Tôi cầm dĩa cơm chiên nói vài lời an ủi , cám ơn rồi vội vả bước ra ngoài sân , trong lòng nặng trĩu , khi chợt nghĩ đến hoàn cảnh tương tự , ở nơi chốn thành đô hoa lệ kia , cũng có người đang mõi mắt trông chờ , đợi ngày trở về của Tôi . Ngày kế tiếp chúng tôi tiếp tục “ canh me ” trạm kiểm soát , đến buổi chiều chúng tôi quay lại ngôi chùa Hội Phước , hưởng phước của nhà Chùa thêm lần nửa . Tôi không muốn ghé qua ngôi nhà đã ngũ tối qua vì chỉ để buồn thêm ; hôm sau cũng chưa có gì sáng sủa , Tôi và Quan cứ lang thang qua các con đường nhỏ , trong nội ô Tỉnh Quảng Ngãi mà chưa biết tìm lối thoát như thế nào . Sáng của ngày thứ 4 “ dậm chân vì bị đấp mô” ( N+4 Thứ Hai 07 / 4 /1975 ) thì “ thần may mắn ” lại mĩm cười với chúng tôi .Trong khi đang thả bộ dọc theo một con đường nhỏ , vắng người qua lại gần trung tâm chợ , nơi có vài ba căn nhà bỏ trống , không thấy người ở , Tôi chợt nhìn thấy một tấm biển nhỏ bằng đồng ngay trước cổng vào , Tôi cúi xuống cầm lên xem : Tiểu đội quân cảnh tư pháp Quảng Ngãi . Tôi bỏ tấm bảng xuống và rủ Quan đi vào trong nhà , sau khi nhìn chung quanh vắngbóng dáng người qua lại , bước vào căn nhà chính , thấy có ba cái bàn làm việc và các loại giấy tờ nằm tung tóe trên mặt sàn gạch . Sau một lúc xem xét , chúng tôi tìm thấy có 2 giấy chứng nhận , ghi đầy đủ các chi tiết liên quan đến 1 người tên là B1 Cao Văn Nghiêm Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 4 Sư đoàn 2 Bộ binh , còn giấy chứng nhận kia ghi tên Hạ sĩ Lâm Hoàng Dân , Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 4 Sư đoàn 2 BB . Tôi cầm cả 2 giấy chứng nhận , hối thúc Quan rời khỏi căn nhà thật nhanh . Ra đến đường lớn Tôi đưa ngay giấy chứng nhận là Hạ sĩ Lâm Hoàng Dân cho Tr/ Úy Quan ( Tôi sợ theo thói quen khi nghe kêu họ Lâm sẽ dể bị giật mình ) phần Tôi giữ giấy chứng nhận là B1 Cao văn Nghiêm . Đã có giấy chứng nhận của chánh quyền cũ với dấu mộc đàng hoàng , chúng tôi vội vả đến ghi danh với Ban hồi cư của Việt Cộng ở toà hành chánh cũ . Một phụ nử khoảng 40 , cạp lưng có súng K54 , cổ quấn vải dù ngụy trang , tiếp chúng tôi trong cái nhìn thiếu thân thiện , mắt liếc đọc 2 tờ giấy chứng nhận , chúng tôi hồi hộp trong chờ đợi và khấn nguyện Phật Bà Quan Âm , khi thấy bà ta chẳng hạch hỏi , lấy 2 mẩu giấy có in sẳn viết lên đó , ký tên xong , gọi một thanh niên trẻ , bảo mang 2 giấy đi đường nầy đi đóng dấu . Khi đưa trả lại cho chúng tôi 2 tờ giấy đi đường , có dấu mộc đóng rõ ràng của Ùy Ban Quân Quản Quảng Ngãi , bà ta còn căn dặn , bước qua bên kia đường sẽ có “ các đồng chí lo cho chế độ ăn uống và cơ động ” ( lần đầu tiên nghe , Tôi cố nhịn cười , sợ bà ta nổi quạo là tiêu tùng ) . Tôi và Quan bước ra khỏi toà hành chánh cũ mà như đang bay bổng trên mây vì từ nay đã có “ bùa hộ mệnh ” . Chúng tôi qua bên kia đường thì đã có ngay vài tên du kích , hỏi xem giấy , sau đó là cấp phát cho tiêu chuẩn ăn là mấy ổ bánh mì cũ , kèm với một nhúm ruốc khô và nước uống , xong xuôi các tên du kích bảo chúng tôi ngồi chờ xe để “ cơ động ” , trong lúc nầy cũng đã có khoảng 15 – 20 người dân cũng đang chờ xe để hồi cư về Bình Định và Nha Trang ( 1- 3 Tháng 4/ 1975 cả 2 nơi nầy cũng di tản để Việt Cộng chiếm mà chẳng có trận đánh nào cả ) . Khoảng 12 giờ trưa thì có xe chở khách cũ , có lẽ bị trưng dụng , đến chở hết số người đang chờ đợi , trong đó có Tôi và Quan . Xe cũng phải ngưng lại Tạichốt kiểm soát , mọi người xuất trình giấy đi đường cho 2 tên du kích Tôi đoán là học sinh Trung học mới chạy theo Việt Cộng , chúng xem giấy , nhìn Tôi mà không nói gì , xong cho xe chạy . Từng hàng cây bên đường , từng cột cây số chỉ khoảng cách lui dần sau lưng , để phía trước là con đường rộng mở của “ tự do và đoàn tụ ” . Xe chạy theo Quốc Lộ 1 , lần lượt lướt qua các địa danh quen thuộc Mộ Đức , Đức Phổ v… v… với các trận đánh vang tiếng một thời ở Ba Gia , Thạch Trụ của QLVNCH nói chung và TQLC nói riêng . Khoảng cách thu ngắn theo từng thời gian trôi qua , Tôi nói đùa với Tr/ Úy Quan : “ --- khi nào cuộc hành quân nầy chấm dứt Hạ sĩ chB1 Nghiêm nầy đi phép “ vợ sanh ” nghe --- . Quan trả lời “ hổng dám đâu ” , rồi cả hai chúng tôi cùng cười , có lẻ “ Cười là tiếng khóc khô không lệ ” ? ? . Xe chạy chậm lại và ngừng hẳn khi vào ranh giới của Tỉnh Bình Định Quy Nhơn , mọi người lo lắng , cùng nhau lên tiếng hỏi tài xế , không có tiếng trả lời , chỉ thấy tài xế xuống xe đi kiễm tra nơi đầu máy , xong quay lại nổ máy xe nhưng vẫn không chạy được , sau vài lần thử , tài xế thông báo xe hư hộp số , không chạy được , ông ta đã cho phụ xế quá giang xe ngược chiều xin “ chi viện ? ? ” xe khác . Chờ mãi đến tối , thế là mọi người cùng ngũ lại trong xe . Đúng là “ phước bất trùng lai , họa vô đơn chí ”.Sáng hôm sau ( N+5 - 8 / 4 / 1975 - ) chờ mãi đến mệt mõi , chán nản mà không thấy xe thay thế , trong khi những xe chạy qua không ngưng lại vì đã đông đầy người . Tôi và Quan quyết định bỏ xe đi bộ , cùng một số người có ít hành lý . Sau hơn 5 giờ đi bộ khi bóng chiều đang ngã dần về phương Đông , chúng tôi vào tới địa phận tỉnh Bình Định quận Hoài Nhơn , chúng tôi cãm thấy mệt mỏi sau chặng đường dài đầu tiên phải đi bộ , nên bàn nhau kiếm chổ tá túc qua đêm , tuy nhiên ghé hỏi mấy chổ khi thấy thái độ không thân thiện “ truy hỏi ” đủ thứchi tiết về nhân thân , chúng tôi đành phải bỏ đi nơi khác , cuối cùng thấy một ngôi nhà không có dấu hiệu sinh sinh hoạt sau khi lớn tiếng kêu hỏi không thấy có ai trả lời , chúng tôi biết là nhà vắng chủ , có thể ở tạm qua đêm nơi hàng hiên phía trước nhà Tôi và Quan bẻ các cành cây làm chổi , quét sạch các rách rưởi trước cửa nhà , xong đi vòng quanh khu nhà , tìm đuợc một lu nước có nấp đậy bằng gổ cùng vài ba trái dừa khô bỏ lăn lóc kế bên , thế là chúng tôi có cách giải quyết cho “ bao tử ” ; xong xuôi Tôi trải tấm nylon cũ , xin được lúc trên xe , rồi chúng tôi qua đêm trong cảm giác không “ bình yên ” chút nào của giấc ngũ “ bụi đời ” . Tiếp tục cuộc trường chinh bộ hành .- N+6 , 9 / 4 /1975 . Tiếng chim hót trên cành cây , tiếng lá cây dừa chạm nhau kêu xào xạc mỗi khi có cơn gió thổi qua , xen lẩn tiếng động cơ các loại xe cơ giới hạng nặng ngoài đường Quốc lộ 1 khiến chúng tôi giật mình tỉnh dậy . Tôi cuốn vội tấm nylon , xếp nhỏ gọn , dấu trong bụng phía trước . Chúng tôi cẩn thận đi lần ra sát mé lộ , núp sau các thân cây dừa , trông thấy hàng đoàn dài , các loại xe Molotova chở quân chánh quy Bắc việt , xe kéo các loại súng pháo binh , hỏa tiển Sam phòng không có cả chiến xa Tôi nói nhỏ với Quan : phải chi có vài đợt B 52 thì hay biết mấy !!! Đoàn xe chạy kéo dài cả tiếng đổng hồ . Chúng tôi trở vào căn nhà vắng chủ , rửa mặt , xong đi vòng quanh sân phía sau nhà , đến các gốc cây dừa , lượm mỗi người 2 quả dừa khô , dùng các cục đá có đầu nhọn , đập tách phần vỏ dừa , xong khoét lổ xỏ dây dừa cột lại , đeo trên vai ( giống như các khinh binh trong khẩu đội súng cối 60 / 81 ly mang mấy quả đạn khi đi hành quân ) rồi ca bài “ lên đường ” tiếp tục cuộc “ bộ trình ” với hy vọng sẽ đón được xe xin quá giang . Đi mãi , đi mãi , đi mãi mà chẳng thấy có bóng dáng xe dân sự nào chạy qua , Tôi đoán có lẻ hôm nay bọn chúng “ cấm đường ” dân chúng , để cho các đoàn xe quân sự ưu tiên đi qua vì trong suốt đoạn đường đi , rất nhiều đoàn xe của Bắc Việt di chuyển , trong đó có cả các loại xe quân đội cũ của VNCH , trên xe toàn là bọn lính con nít 16 – 17 tuổi , chúng chỉ chỏ , bàn tán xem rất là “ đáng ghét ”, khiến Tôi ao ước những điều “ không tưởng ”: phải chi có máy bay oanh kích , phải chi “ quân ta một lòng cố thủ ” thì dễ gì có một chung cuộc “ dễ dàng ” như Tôi vừa thấy . Sau nhiều giờ đi bộ với các chặng nghĩ “ giải lao ” bằng nước và cơm dừa khô , chúng tôi tới được Quận Bồng Sơn Xã Tam quan khoảng 4 giờ chiều , nơi đây đang có một phiên họp chợ trể , trong túi Tôi còn chút ít tiền , nên Tôi rũ Quan ghé lại một quán nhỏ bên đường , chúng tôi mua vài bánh tráng nướng , bánh có nhưn dừa trộn đường cùng một chai nước ngọt không có nước đá . Sau khi trả tiền , Tôi hỏi thăm chủ quán xem trong khu vựcgần đây có Chùa hay Am nhỏ của Phật giáo hay không , theo sự hướng dẩn của chủ quán , chúng tôi đi bộ khoảng thêm 2 cây số thì đến một ngôi chùa nhỏ . Trên đường đi , dấu vết chiến tranh còn để lại ở khắp mọi nơi với các nhà cửa , công sự phòng thủ bị phá hũy tan hoang ; “ Ngắm cảnh sinh tình ” khiến Tôi nhớ lại thời gian nầy của 10 năm về trước ( 8 / 4 / 1965 ) cũng ở tại Ấp Phụng Dư , Xã Tam Quan , Quận Bồng Sơn nầy , Tiểu Đoàn 2 TQLC đã có một chiến công lừng lẩy với gần 150 VC bỏ xác , 10 tên bị bắt sống , hơn 100 vũ khí bị tịch thu , khi thiệt hại của TĐ2 là không đáng kể . Trong trận nầy Tôi là Trung Đội Trưởng Trung Đội vũ khí nặng của ĐĐ1 với vị ĐĐT là NT Tr / Úy Phạm Nhả Tôi được ân thưởng huy chương bạc ( Sư Đoàn ) đầu tiên trong binh nghiệp . Một thời gian sau đó , cũng tại Xã Hoài Ân Tam Quan , ĐĐ1 / TĐ2 cũng tạo một chiến thắng vừa phải khi ĐĐ1 hoạt động riêng lẻ , làm tiền đồn cho TĐ2 , vị trí đóng quân bị tấn công bởi một TĐ địa phương VC , ĐĐ1 giữ vững khu vực phòng thủ , loại khỏi vòng chiến 45 VC và 30 vũ khí bị tịch thu . Lúc bấy giờ ĐĐT là Tr/ Úy Trần kim Hoàng ( K 17 VB ) Tôi là Trung đội Trưởng Trung Đội 16 ( Trung đội 3 ) . Khi vào đến sân chùa nhìn thấy có treo 2 lá cờ , một của cái gọi là MTGPMN bên cạnh là cờ biểu trưng cho Phật giáo , Tôi và Quan vội vả quay bước trở ra , thì gặp ngay một vị sư già , chặn chúng tôi lại và hỏi : các thí chủ có cần nhà chùa giúp gì hay không . Tôi còn đang ú ớ , thì vị sư già nói tiếp : các thí chủ đừng ngại , gặp thế thời thì phải thế thôi . Nghe nói như vậy Tôi và Quan mới an tâm ngỏ ý xin tá túc qua đêm nhưng chúng tôi chỉ nói là dân hồi cư chứ không tỏ lộ thân phận . Chúng tôi được vị sư già , dẩn đi vòng bên hông vào chùa , phía sau hậu liêu , chỉ cho một chiếc giường ngũ , đủ rộng cho hai người , dặn dò vài câu , sau đó bỏ đi . Tôi ra dấu cho Quan kín đáo theo sau , xem động tỉnh . Quan trở lui , cho biết vị sư già đi xuống bếp , khoảng 30 phút sau , chúng tôi có được buổi cơm nóng “ thí thực ” của Đức Quan Âm bồ tát qua vị sư già . Sáng hôm sau trước khi từ giả vị sư giàđể lên đường , Tôi và Quan có xin phép lên chính điện để thắp nhang cầu nguyện và tạ ơn các Đức Phật từ bi đã độ trì , gia hộ cho chúng tôi may mắn tồn tại , sống sót cho đến lúc này . Lại thêm một buổi cơm chay nóng , no bụng , dù chỉ có rau luộc nước tương . Vị sư già tiển chúng tôi ra đến tận đường Quốc Lộ1 , niệm câu “ A di đà Phật ” sau khi chúc 2 thí chủ thượng lộ bình an . Cơn bệnh bất ngờ và chân tình khó quên .- N+7 , 10 / 4 / 1975 . Rời nhà chùa chúng tôi tiếp tục đi theo Quốc Lộ 1 , dọc đường có những chiếc xe dân sự chạy qua nhưng việc xin quá giang không thuận lợi , vì đại đa số các xe đều đầy ấp người hồi cư .Tất cả các nơi chúng tôi đi qua , hầu như không bị bất cứ một “ chặn hỏi ” nào của các chánh quyền địa phương , có thể do “ chiến dịch” xâm chiếm miền Nam , đã thành công quá bất ngờ , nhanh chóng , so với kế hoạch dứt điểm vào năm 1976 của Bộ Chính trị Cộng Sản Bắc Việt Khoảng giữa trưa , sau một đoạn đường dài dưới cơn nóng nắng Tôi bổng nhiên thấy trong người khó chịu , một cơn chóng mặt và cãm giác nhức đầu từ đâu kéo tới không báo trước . Tôi cho Quan biết , Tôi nóiQuan kiếm chổ nào thuận tiện , tạm dừng chân . Cuối cùng chúng tôi được sự giúp đở , của một thiếu phụ còn trẻ , ở một căn nhà bên đường , cho tá túc qua đêm , sau khi cho Tôi uống vài viên thuốc giải cảm , buổi sáng hôm sau còn cho hai chúng tôi , một buổi điểm tâm với những con cá nhỏ , trộn lẩn với những con tép mòng , kho chung với dừa khô thái mõng có cả ớt thật cay . Đây là một trong những kỹ niệm khó quên , trong chặng đường dài “ vượt thoát ” . Rời ngôi nhà , Tôi tự hỏi không biết người phụ nử đó , thuộc phe nào trong cuộc chiến của vùng nổi tiếng là “ chết như không vì mỹ nhân kế , ban ngày bắn sẻ , ban đêm thì gỏ phèn la , gỏ mõ , bắt loa tay alô , alô , alô… kêu gọi lính quốc gia đầu hàng ; chỉ khi nào pháo binh 75 ly của TQLC ở Đồi 10 bắn quấy rối , đáp lể thì mới chịu im tiếng ( 1965 – 1966 ) . Dù sao thì Tôi cũng đã nhận được một “ tấm lòng nhân ái ” để biết tình ngưởi đôi khi không phân biệt ranh giới . Tiếp tục cuộc di hành , hết cơn bỉ cực đến hồi thới lai .- N+8 , 11 / 4 /1975 Theo khoảng cách ghi trên các cột cây số dọc theo QL1 , chúng tôi đang bắt đầu đi vào ranh giới của quận Phù Cát , nơi có căn cứ của Sư Đoàn 6 Không quân VNCH , từ đây chúng tôi chỉ còn cách trung tâm Tỉnh Quy Nhơn là 35 cây số . Chúng tôi ước tính với sức khoẻ và tốc độ di chuyển bộ thì phải mất ít nhất là 7 – 8 tiếng đồng hồ , mới tới được TP Quy Nhơn . Sau khoảng 2 giờ đi bộ , chúng tôi được một người đàn ông chạy xe Honda 67dừng lại và hỏi trống không .- đi đâu đó .- Chúng tôi trả lời muốn đi về Quy Nhơn . .- có giấy tờ Cách mạng cấp hay không .- chúng tôi trả lời có . Ông ta bảo Tôi và Quan lên ngồi phía sau và xe phóng đi .Tôi có cãm giác ở thắt lưng ông ta , có vật gì cờm cợm như là khẩu súng nhỏ ( Colt 45 hay K54 không biết ) đã lở lên lưng cọp thì phải chịu vậy . Lúc xe Honda chạy , Ông ta có hỏi vài câu gì đó nhưng do ngược chiều gió Tôi nghe không rõ , nên chẳng có trả lời . Gần một tiếng đồng hồ sau , Ông ta ngừng lại cho chúng tôi xuống xe ở chổ Trường Sư Phạm hay Kỹ Thuật , ở đường Quang Trung hay Nguyễn Huệ ( lâu quá không còn nhớ ) . Chưa kịp nói tiếng cám ơn , thì ông ta đã vội vã chạy ngay . Chúng tôi lại áp dụng chiến thuật cũ , là đi hỏi thăm tìm nơi có chùa để xin tá túc . Có người chỉ cho chúng tôi , ngôi chùa có tên là Long Khánh ( sở dỉ Tôi nhớ tên là gì trùng tên với Tỉnh Long Khánh nơi sinh sống của anh Tôi ) . Vốn đã có kinh nghiệm “ ngủ Chùa” ( Chùa thật chứ không phải là ngủ chùa ) cho nên chúng tôi đợi đến chiều tối mới vào xin tá túc qua đêm . Ở đây chúng tôi bị hỏi giấy tờ , trước khi được cho trú ngụ ( Tỉnh Quy Nhơn mất vào tay Cộng Sản Ngày 31 Tháng 3 Năm 1975 , theo cơn sóng “ rối loạn và tự tan rã giây chuyền ” ) . Chúng tôi đưa Giấy đi đường của Ban Quân Quản Tỉnh Quảng Ngãi cấp , cho một tăng nhân trung niên , dáng dấp mặt mày hung dử , giống như an ninh của Việt Cộng . Sau khi xem giấy tờ xong ông ta chỉ cho chúng tôi đi về hướng dãy nhà nhỏ phía sau , có một phòng lớn dùng làm lớp học cho các người mới vào tu trước đây , trong căn phòng này đã có sẳn một số nam , phụ , lão , ấu , số người nầy đã chạy loạn từ Nha Trang vào , ở đây cả tuần lể , không biết lý do nào mà chưa trở lại nơi chốn cũ . Mọi việc diển tiến bình thường cho chúng tôi , như là có cái ăn uống , chổ ngủ qua đêm , tắm giặt . Buổi tối Tôi và Quan đi vòng vòng , thăm hỏi tin tức , sau cùng làm quen được với một gia đình , có vẻ giàu có với một chiếc xe riêng , loại vận tải nhẹ , hiệu Ford Falcon , gia đình gồm hai vợ chồng và 2 con nhỏ , khi biết chúng tôi là lính Sài Gòn qua giấy đi đường , họ hứa cho chúng tôi đi theo sau khi ngày mai chúng tôi cùng họ đi ghi danh với Ban hồi cư Tỉnh Quy Nhơn. Ban Quân Quản TP Quy Nhơn , may mắn lần thứ sáu .-N+9 , 12 / 4 / 1975 . Sáng sớm trong khi chúng tôi còn đang chực chờ ở gần cửa bếp nhà Chùa để lảnh “ thí thực ” như đã được thông báo tối qua . Người đàn ông của gia đình có vẻ giàu có , đi vội vã đến bên Tôi và Quan , bảo chúng tôi đi theo Ông ta ngay còn phần cơm thí thực thì bà xã của ông ta sẽ lảnh dùm . Chúng tôi chẳng biết chuyện gì tuy nhiên qua tiếp xúc tối hôm qua , thấy vợ chồng ông ta có thể tin được nên chúng tôi đồng ý . Lên xe ông ta chạy qua 4 - 5 ngả đường , tới một toà nhà lớn có tấm bảng đỏ ghi : UB Quân Quản Tỉnh Bình Định Ban hồi cư .Chúng tôi xuống xe đi vào phía trong , khi đã có một số người hiện diện từ trước . Theo lời dặn dò , chỉ dẩn của người đàn ông tốt bụng ( sau nầy mới biết tên là Hùng ), chúng tôi yên tâm đưa giấy đi đường của Tỉnh Quảng Ngãi cho người phụ trách việc cấp giấy di chuyển mới . Mọi chuyện đều trôi chảy , chúng tôi nhận được giấy đi đường của Tỉnh Bình Định . Chúng tôi trở ra thì đã gặp anh Hùng đang chờ đợi cùng nhau trở về Chùa Long Khánh . Chúng tôi phụ thu dọn vật dụng , hành lý của gia đình anh Hùng tốt bụng , sau đó toàn bộ chúng tôi rời TP Quy Nhơn , khi ánh nắng chan hòa trên khắp thành phố . Tôi và Quan ngồi phía sau thùng xe , chung quanh là đồ đạc hành lý của gia đình ông Hùng . Có lẻ chưa phút giây nào , trên chặng đường “ vượt thoát ” , chúng tôi cãm thấy sung sướng , thoái mãi như lúc nầy vì chổ ngồi rộng rải , thoáng mát , xe chạy nhanh không bị làm phiền vì các người chung quanh . Tôi nói với Quan : kỳ nầy về được , chắc phài “ cạo đầu , ăn chay 3 tháng ” Quan cũng đồng ý nhưng còn kèo nài thêm một câu “ nhưng phải cho nhậu vài bửa , rồi mới tính anh Tư ” .Tôi trả lời : “ Anh Tư chỉ biết phá mồi mà thôi ” . Thỉnh thoảng tài xế Hùng từ phía trước nói vói ra phía sau cho biết lộ trình đang đi đến đâu v… v… Xe chạy khoảng hơn 2 giờ , Tài xế Hùng cho xe dừng lại ở Tuy Hòa Phú Yên ( cách Quy Nhơn khoảng 95 cây số ) để cùng nhau nghỉ ngơi , ăn uống , mọi thứ do anh Hùng đài thọ lần đầu tiên uống lại một lon cocacola lạnh “ ngon hết biết ” , chúng tôi nói lời cám ơn cả 2 vợ chồng anh Hùng , lúc đó mới lộ tẩy là thuộc “ phe ta” , Hạ sĩ quan của Trung tâm huấn luyện KQ Nha Trang ” . Khi đã tỏ tường , lúc đó Tôi và Quan mới lộ thân phận thật . Theo Thượng sĩ Hùng thì Nha Trang lọt vào tay Cộng Sản “ lãng xẹt ” , lúc đầu chỉ có một vài tên “ đặc công ” ném lựu đạn ( 1 / 4 /1975 ) gây sự hổn loạn , hoang mang , rồi từ tâm lý lo sợ , tinh thần chủ bại do các cuộc rút quân , triệt thoái vô tổ chức , thiếu chỉ huy của Quân Đoàn 2 và 1 , thế là mọi người khăn gói quả mướt , kẻ trước ngươì sau , kéo nhau , ùn ùn bỏ chạy , mãi tới ngày 4 tháng 4 năm 1975 Việt Cộng mới vào thành phố Nha Trang . Chúng tôi chỉ biết “ lắc đầu thở dài ngao ngán ” . Sau 1 tiếng nghĩ ngơi , chúng tôi lại tiếp tục lên đường và đến Nha Trang lúc khoảng 4 giờ chiều . Th / sĩ Hùng có mời chúng tôi về nhà mẹ vợ của anh để nghĩ đêm , nhận thấy chúng tôi đã làm phiền gia đình anh quá nhiều , với lại e ngại sự có mặt của chúng tôi sẽ có thể gây phiền toái cho anh , chúng tôi lấy cớ phải đi tìm nhà bà con nên chào tạm biệt . Th / sĩ Hùng còn cố dúi trong tay Tôi và Quan mổi người một ít tiền bảo để “ dằn túi ”. Chúng tôi không bao giờ có cơ hội , đền đáp những ân tình cao quý như thế ; có lẽ phải đợi chờ đến kiếp sau ! . Đêm đến chúng tôi xin ngũ nhờ trước hàng hiên một ngôi nhà ở ven đường Độc Lập là đường phố chánh của Nha Trang , trong đêm thỉnh thoảng có những toán tuần tra Việt Cộng đi ngang qua nhưng không xét hỏi . Nha Trang lối về thu ngắn , may mắn lần thứ 7 N+10 ,13 / 4 / 1975 . Buổi sáng sớm , trước khi thành phố Nha Trang bắt đầu một ngày mới trong không khí nặng nề , uể oải , nghi kỵ dưới sự điều hành của những “ người chủ mới ”, chúng tôi ngỏ lời cám ơn gia chủ đã cho ngủ nhờ trước hàng hiên.Chúng tôi đi lang thang dọc theo dãy phố ở đường Độc Lập , có tiền trong túi do Thượng sỉ Hùng cho hôm qua , chúng tôi ghé vào một quán cà phê bên đường . Khuôn mặt kém vui của cô chủ quán , cũng đủ nói lên tâm trạng thấp thõm , âu lo chung của tất cả người dân miền Nam tự nhiên “ bị đổi đời ” ngoài ý muốn . Khi mang cà phê đến cho chúng tôi , cô chủ quán kín đáo nhìn ra phía cửa rồi hỏi nhỏ .-- hai anh chắc là lính VNCH-- . Chúng tôi không trả lời mà chỉ gật đầu . Cô chủ quán nói tiếp ---- Đang đánh nhau ở Phan Rang , không biết có giữ được không . Khổ quá , chưa có chi mà “ di tản hết ” . Tôi thấy đau nhói trong tim , bởi câu nói vô tình mang lời “ trách móc cay đắng , chua chát ” như vậy . Lời nói của một cô gái trẻ ( 20 – 25 tuổi ) có lẻ cũng là lời nói chung cho những người dân từ Quảng Trị đến Nha Trang , ở thời điểm nầy trong nổi u uất , ấm ức , bực tức không biết điều gì , lý do nào , khiến cho một Quân lực anh dủng , kiêu hùng , từng trải qua bao cơn sóng dử , trong cuộc chiến bảo vệ đất nước , vẫn hiên ngang tồn tại từ 20 Năm qua ( 1955 – 3 / 1975 ) nay chỉ chưa tới 3 tuần lể , đã để mất một phần lớn lảnh thổ của Quốc Gia với nhiều đau thương , tang tóc , mà không có bất cứ một thể hiện chứng tỏ tinh thần trách nhiệm do dân và vì dân . Trong chia sẽ chung tâm tư với cô chủ quán , chúng tôi chỉ nói những lời an ủi “ chiếu lệ ” kèm theo những hy vọng “ ảo tưởng ” nhằm giãm bớt sự phiền muộn cho cô . Hiện tại , chính bản thân của chúng tôi cũng còn chưa biết sẽ đi về đâu kết cuộc sẽ như thế nào ! . Rời quán cà phê , chúng tôi còn đang phân vân , tiến thoái lưởng nan , vì những tin tức chiến sự liên quan đến mặt trận Phan Rang của Quân Đoàn 3 . Căn cứ vào các cột cây số , khoảng cách từ Nha Trang đi Ninh Thuận ( Phan Rang ) chỉ có trên dưới 80 cây số , như thế nếu may mắn có được phương tiện xe để di chuyển , thì chỉ trong khoảng 2 giờ đồng hồ sẽ đến vùng đang giao tranh , lúc đó sẽ hậu xét .Tr/ Úy Quan bàn với Tôi trở lại đường cũ , tìm nhà Th/ sỉ Hùng , nhờ giúp đở , trong khi Tôi còn đang lưởng lự chưa quyết định , có một phụ nử trung niên trạc 60 tuổi , trên tay là cái giỏ đi chợ , khi bước ngang qua có lẻ nghe giọng nói miền Nam của chúng tôi , nên Bà dừng lại , hỏi luôn --- 2 cháu là người Sài Gòn phải không ? Đi lính gì vậy ? Thấy Bà là người lớn tuổi , gương mặt phúc hậu , nên chúng tôi nói thật với Bà về tình cảnh hiện nay tuy nhiên tuyệt đối chúng tôi không nói rõ cấp bậc cũ . Nghe xong Bà bảo chúng tôi đứng chờ , Bà đi chợ mua ít món hàng sẽ trở lại ngay . Khoảng 20 phút sau Bà trở lại , ra dấu cho chúng tôi đi theo Bà , qua một ngả tư là đến một ngôi nhà có lầu , không lớn lắm , phía trước có khoảng sân nhỏ với vài chậu bông ( Tôi còn nhớ tên là Phường Phương Sài , hiện nay vẫn còn ) . Bà lên tiếng gọi , phía trong có tiếng một thanh niên trả lời , qua cách xưng hô Tôi đoán là con hay cháu của Bà , khi cánh cửa được mở ra , Bà lên tiếng : --- Mẹ gặp 2 cậu nầy là lính Cộng Hoà giống như con… .Tội nghiệp chạy từ Đà Nẳng vào đây v…v… Khi đã vào hẳn trong nhà , qua sự giới thiệu của Bà , được biết người thanh niên đó là con rể , tên Thắng , cấp bậc Tr /Úy , Khóa 3 Chiến tranh chính trị , phục vụ ở Tiểu Khu Khánh Hoà ( Nha Trang ) sau khi thành phố Nha Trang tự nhiên “ bỏ ngỏ ” , Thắng cũng như mọi người khác , phải trốn về nhà , hiện nay cũng chưa biết tính sao . Sau khi chào hỏi làm quen , chúng tôi được Thắng chỉ cho nhà tắm , khi trở ra chúng tôi đã có sẳn 2 bộ áo quần còn mới , tương đối vừa vặn, chỉ có điều hơi ngắn so với chiều cao của Tôi . Khoảng giữa trưa , chúng tôi có đưọc một bửaăn đầy đủ và ngon miệng , ăn xong chúng tôi , Tr/ Úy Thắng , cùng ngồi ở sân nhỏ chia sẽ tâm sự . Thắng tỏ ra rất chán chường cũng như không biết phải đưa vợ , con nhỏ đi “ tỵ nạn ” ở đâu , vì theo Thắng chạy đâu rồi cũng phải sa vào cái rọ , do chính chúng ta tạo ra . Tôi không muốn tranh cải về nhận định có vẽ tiêu cực của Thắng , vã lại ngay từ đầu khi gặp bà Mẹ vợ của Thắng , Tôi đã che dấu cấp bậc cũ , nay nói ra thật là bất tiện . Khoảng 3 giờ chiều , chúng tôi đang nằm nghỉ ngơi , Bà Cụ từ phía trong buồng chạy ra , cho biết vừa nghe trên đài phát thanh thông báo , kêu gọi Sĩ Quan và Công Chức chánh quyền Sài Gòn đi trình diện trong 3 ngày , kể từ ngày mai 14 / 4 / 1975 . Thấy sự lo lắng thể hiện trong gia đình , nên chúng tôi bày tỏ lời cám ơn , xin phép ra đi để tìm phương tiện vào trong Nam . Lòng hiếu khách , sự quyến luyến của tình chiến hữu , khiến chúng tôi rờicăn nhà trong bùi ngùi , vì biết rằng sẽ không bao giờ có cơ hội trở lại để đền đáp mối ân tình từ những con người không quen biết nhưng có trái tim chân chính , đầy ấp tình người .Trên đường đi , tình cờ ngang qua chùa Tỉnh Hội , thấy có đông đúc người ra vô , nên chúng tôi cũng vào trong quan sát thì ra nơi đây cũng có rất nhiều dân chạy loạn từ Cam Ranh và Phan Rang đang trú ngụ , thế là bài bản cũ lại được đem ra áp dụng , chổ ở cơm nước thì đã có nhà Chùa lo . Chúng tôi qua đêm tại Chùa nầy , cũng lại nhìn sao trên trời và tiếp tục cầu nguyện . Cam Ranh một thời vang bóng , gặp lại Đ/ Úy Hên.- N+11 , 14 / 4 / 1975 Chúng tôi rời Chùa Tỉnh Hội rất sớm , trên đường đi đã thấy xuất hiện nhiều toán người , mang băng đỏ ở cánh tay trái , vũ khí trang bị phần lớn là súng M16 của VNCH . Tôi đoán là bọn “ theo đóm ăn tàn ” có mặt do hôm nay là
ngày kêu gọi trình diện đầu tiên , nên chúng hiện diện ở đường phố để “ hù thiên hạ ” . Tôi và Quan quyết định rời Nha Trang ngay lập tức , chúng tôi đi bộ chậm rải với hy vọng đón được xe , xin quá giang về Cam Ranh .Trời không phụ kẻ “ khốn cùng ” sau cùng có một xe hiệu Ladalạt ( xe sản xuất ở Sài gòn trước 1975 ) đã cho quá giang , không phải trả tiền , chúng tôi về tới Cam Ranh ( Phường Cam Nghĩa ) trước 12 giờ trưa . Đang đi lang thang tại cây số 1 , Tôi gặp lại Đ/ Úy Hên và Tr/ Úy Quân , chúng tôi vô cùng mừng rở , khi nghe Tôi kể về tình trạng của Lộc và Phán đã bị bắt giữ , Hên chỉ thở dài nói nhỏ “ số mạng cả ”. Sau đó chúng tôi lại chia tay vì theo lời Hên cho biết là Tr/ Uý Quân đã tìm được một chủ ghe đồng ý vượt biển tuy nhiên Hên cũng không tin tưởng lắm , cho nên không dám rũ Tôi đi theo ( Sau nầy Đ /Úy Hên kể lại đã may mắn thoát chết khi bị du kích điạ phương phục kích tại bải biền , trong khi có một số lớn dân chúng bị bắn chết ; Đ/ Uý Hên về đến Vũng Tàu trước Tôi 2 Ngày ) . Sau khi từ giả Đ/ Úy Hên , Tôi và Quan tiếp tục cuộc hành trình theo QL 1 đến khoảng 5 giờ thì gặp một quán nhỏ bên đường , ghé vào hỏi thăm tình hình phía trước , mua mỗi người 4 cái bánh ú để ăn tối nay . Theo lời khuyên của bà chủ quán , chúng tôi cố gắng đi thêm vài cây số , cho đến khi gặp được một cái Miếu thờ khá lớn , nằm cạnh một con sông trong lúc nầy chúng tôi đã nghe văng vẳng xa xa tiếng máy bay . Khi chúng tôi vào trong Miếu thờ , thì đụng đầu với một gia đình chạy loạn cũng vừa mới trở lại sau khi cả nhà đang tìm về lại Quận Du Long thuộc Tỉnh Nình Thuận , thì rơi vào vùng đang giao tranh , nên chạy bán sống , bán chết về đây . Chúng tôi chia nhau cùng trú ngụ và qua đêm trong Miếu thờ . Suốt chặng đường từ Nha Trang đi xuống Cam Ranh , chúng tôi hoàn toàn không ghi nhận , bất cứ cuộc chuyển quân nào của phía Bắc Việt , có lẻ chúng sợ bị Không Quân ta oanh kích nên tránh di chuyển trong ban ngày .Trong đêm thanh vắng theo chiều gió , Tôi nghe rõ tiếng máy bay rầm rì ở phương Nam , điều nầy khiến cho Tôi hy vọng quân ta sẽ “ mạnh mẽ phản kích ” chiếm lại những phần đất đã mất , ít ra cũng tới Quy Nhơn ( vùng đất mới phân chia lại , theo các tin đồn ) . Trước khi đi ngũ Tôi có dịp trò chuyện với người đàn ông ( Tôi tin chắc cũng thuộc “ phe ta ” nhưng tôn trọng việc riêng tư nên không hỏi ) mới biết rằng , ở Cam Ranh chả có đánh nhau gì cả , tự nhiên “ di tản ” rồi sau đó Việt Cộng mới vào .

Suýt chết vì bị Không Quân ta oanh kích .- N+12 , 15 / 4 / 1975.

Mặt trời chưa kịp lên ở phương Đông , chúng tôi vừa mới tỉnh ngũ , bổng nhiên nghe tiếng máy bay từ xa , ào ào bay tới , tiếng động cơ kêu vang dội trên bầu trời , Tôi và Quan vội chạy ra khỏi Miếu thờ để xem chuyện gì đang xãy ra , trong khi cả gia đình của người đàn ông kia , kiếm chổ trốn sau các bàn thờ , chúng tôi núp sau một thân cây lớn cách Miểu khoảng 20 – 30 thước . Chúng tôi thấy 2 chiếc A 37 đang xé gió , lao xuống theo hướng Tây Bắc qua Đông Nam , trong phản ứng tự nhiên của 11 năm tác chiến .Tôi kêu lớn với Quan : chết rồi , nằm xuống nó chuẩn bị đánh bom . Chúng tôi dán mình xuống sát mặt đất và chờ đợi , tiếng rít gió của mấy quả bom nghe rõ như bom sẽ rớt ngay cạnh . Hai tiếng nổ long trời vở đất , cách chúng tôi chỉ khoảng 100 – 200 mét ở phía ngoài đường Quốc Lộ 1 , thì ra ở đó có một cái cầu , bắt ngang qua con sông nhỏ Không Quân oanh kích cây cầu nhằm không cho địch dể dàng chuyển quân . Sau 3 đợt đánh mà chúng tôi không biết kết quả ra sao , 2 chiếc A 37 bay mất , khuất dạng nơi phía Nam ( sau này nghe nói 1 trong 2 phi công là Lý Tống ) . Chúng tôi quay trở vào trong Miểu thờ , thì thấy cả gia đình người đàn ông đang quỳ lạy tạ ơn , trước bàn thờ Phật . Sau khi mọi người đã tỉnh hồn vì chuyện máy bay oanh kích , người đàn ông tỏ ý sẽ chở gia đình ông ta về lại Cam Ranh chờ tình hình biến chuyển sau nầy . Chúng tôi ngỏ ý xin đi theo thì được ông ta đồng ý . Thế là chúng tôi trở lại Cam Ranh . Ngôi nhà của thân nhân người đàn ông ở tại Phường Cam Linh TP Cam Ranh , đêm ấy chúng tôi xin người đàn ông ngũ trong xe của ông ta với lý do trông chừng đồ đạc cho gia đình . Tôi và Quan cùng nhau trao đổi về việc quân ta có giữ được Ninh Thuận hay không ? Theo suy nghỉ của riêng Tôi thì chắc chắn quân lực VNCH phải lập một tuyến phòng thủ vững chắc ở Phan Rang vì đó là quê hương xứ sở cũng là nơi có mồ mã tổ tiên ông bà bao nhiêu đời của TT Thiệu , đồng thời có một phi trường quân sự lớn tại Phan Rang , hơn nửa không xa lắm với phi trường Biên Hoà , nên việc không yểm sẽ nhanh chóng , dể dàng hơn . Chúng tôi rơi vào giấc ngũ với những mệt mõi , âu lo triền miên vô tận . Phan Rang thất thủ , tạo cơ hội “ vượt biển “ thành công N+13 ,16 /4 / 1975 .
Khoảng 10 giờ sáng , chúng tôi đang ngồi trao đổi với nhau về chiến trận ở Phan Rang , đột nhiên có tiếng xe Honda thắng gấp , ngừng trước nhà , một thanh niên trẻ hấp tấp , chạy vào nhà kêu lớn “ Anh Bình , Phan Rang  đã mất rồi ( lúc nầy chúng tôi mới biết tên thật của chủ xe ) . Mọi người trong nhà , cùng kéo nhau chạy ra gặp  thanh niên trẻ với các câu hỏi dồn dập : “ Phan Rang mất thiệt không , ai nói ” . Cậu thanh niên sau khi hết thở  dốc , chậm rải kể lại : Khoảng 10 giờ sáng , tại các phố chợ Cam Ranh , Việt Cộng cho rất nhiều người chạy xe gắn máy với các loa cầm tay , thông báo là họ đã chiếm được Phan Rang Nghe xong tin tức Tôi không biết nên vui hay buồn . Cảm nhận , phán đoán của Tôi hoàn toàn sai , sự sụp đổ từng mãng các tuyến kháng cự của quân lực VNCH , đặc biệt là phòng tuyến Phan Rang , nơi có mối liên hệ sâu đậm với TT Thiệu còn không giữ được thì rõ ràng đó là những chỉ dấu cho thấy cuộc chiến giữ nước đang đi vào thế “ bất lợi ”, nếu người Mỹ và Quốc Tế không can thiệp như thỏa thuận đã ký kết trong Hiệp Định Ngưng bắn 27 / 1 / 1973 . Trong khi Tôi còn đang suy nghỉ vẫn vơ , ông Bình la lối , thúc hối vợ con mau chóng lên xe để chạy về Phan Rang nhằm biết tin tức Cha , Mẹ ông còn kẹt lại . Lẽ dỉ nhiên Tôi và Quan cũng tháp tùng , khi xe đến Miếu thờ , chạy qua cây cầu nơi hôm qua đã bị Không Quân oanh kích , cầu vẫn còn nguyên vẹn , ngoại trừ các hố bom chung quanh cách cầu 50 – 100 mét . Tôi suy đoán cuộc oanh kích chỉ nhằm giải tỏa bom để trở lại căn cứ cho nhanh . Khoảng 1130 trưa , xe tới Quận Du Long thì phải chạy chậm lại , vì trên đường ngoài các đoàn xe chở quân tăng viện của Bắc Việt từ hướng QL 20 , QL 21 đổ xuống , còn có rất nhiều xe dân sự hồi cư . Cuối cùng Anh Bình ngừng xe ở ngoại ô TP Phan Rang , chỉ đường cho chúng tôi vào TP , trước khi xe chạy anh chỉ nói võn vẹn 5 chữ “ phe ta , chúc may mắn ” .

Bến cá Phường Tấn Thành Phan Rang , may mắn lần sau cùng N+14 , 17 / 4 / 1975

Chúng tôi đi bộ từ từ vào thành phố Phan Rang , mọi ngã đường đều có quân Bắc Việt hiện diện mà không kiểm soát , dân chúng đi qua lại , riêng các công sở cũ đều có lính BV gác với cờ ngụy trang là MTGPMN . Đang đi gần đến một toà nhà lớn , chúng tôi thấy một đám đông dân chúng , đổ xô chen lấn chạy vào trong , với những tiếng la hét , kêu réo : “ Vào lấy gạo , vào lấy gạo , nhiếu lắm v…v…” Tôi và Quan nhìn nhau , rồi không ai bảo ai tự động chạy theo sau đám đông , vào trong chúng tôi thấy có rât nhiều bao gạo loại 50 kg , chồng chất cao đến gần đụng trần nhà . Tôi và Quan mỗi người kê vai , vác ngay bao gạo ( lúc nầy chưa tới 30 tuổi nên vác bao gạo 50 kg là chuyện nhỏ ) chạy trở ra lối cũ , băng qua đường , xong bỏ 2 bao gạo xuống . Quan nói nhanh “ Anh Tư coi chừng , Em chạy đi lấy một bao nửa ” . Khoảng 10 phút , Quan trở lại với một bao gạo khác trên vai , Phía sau lại có thêm 4 người cũng đang vác gạo . Khi đến chổ Tôi đang đứng , lúc Tôi còn chưa biết những người theo sau Quan là ai , thì đã nghe : “ Thiếu Tá , tụi em ở Tiểu Đoàn 9 ” . Cả người Tôi run lên , một luồng điện chạy dài từ đỉnh đầu xuống tận chân trong một cảm giác khó diển tả , lần đầu tiên sau 18 ngày sa cơ thất thế , dấu diếm thân phận , mang một tên giả hoàn toàn xa lạ , nay bổng có người “ gợi lại giấc mơ xưa ” bảo sao Tôi không bồi hồi , sung sướng trong ngạc nhiên . Thầy , trò , kéo nhau núp sau các hàng cây to trao đổi tin tức . Trong số 4 người có Th / Úy Trung là Trung đội Trưởng Trung đội 3 ĐĐ 1 của Tr / Úy Quan . Ba người còn lại thì có Hội là người quê quán tại Phan Rang nầy , còn 2 quân nhân kia ( không còn nhớ tên ) quê quán ở Bình Tuy chung với T/ Úy Trung , cả bốn người cũng mới vừa nhập vào Phan Rang trước chúng tôi khoảng 1 giờ . Phần Hội khi nghe chúng tôi nói ý định tìm phương tiện ghe đi biển để vượt thoát về phương Nam , thì Hội đã sốt sắng mời Tôi và Quan theo Hội về nhà ; cùng lúc ấy có vài ba thương buôn đến hỏi mua gạo , họ ra giá khá cao là 10.000 đồngcho mỗi bao gạo 50 kg , thế là chúng tôi có được 30.000 đồng , khi nhận tiền xong , Quan đưa thêm cho Tôi 5.000 bảo để dành , phòng khi Anh Tư cần đến . Việc buôn bán gạo vừa xong , chúng tôi chia tay với T / Úy Trung và 2 quân nhân kia . Phần chúng tôi đi theo Hội , đi được khoảng 100m , chúng tôi nghe có nhiều tiếng xe gắn máy chạy đến chổ mấy người vừa mua gạo , nhìn lại thấy họ có mang vũ khí , thế là chúng tôi đi thật nhanh và quẹo qua đường khác theo hướng dẩn của Hội . Sau khi đi bộ khoảng 15 phút , qua rất nhiều đường phố , chúng tôi tới một căn nhà trệt , nhỏ nằm trong một hẻm lớn , đây là nhà Cha , Mẹ của Hội . Sau phần giới thiệu của Hội chúng tôi được Cha , Mẹ và cả gia đình dành cho sự tiếp đải nồng nhiệt , ân cần , thân mật sau đó việc ăn uống , tắm rửa , nghỉ ngơi đều đầy đủ , chu đáo . Buổi chiều tối , chúng tôi có dịp ngồi nói chuyện riêng với ba của Hội , khi biết chúng tôi có ý định tìm phương tiện vượt biển để về Nam , Ông đã sốt sắng tán thành và hứa ngày mai ông sẽ đi tìm các người bạn quen , có ghe đi biển , để lo cho chuyến đi của chúng tôi . Theo ông , thì TP Phan Rang mới bị “ tiếp thu ” ( ông tránh dùng chữ giải phóng vì sợ làm phiền lòng chúng tôi ) việc kiểm soát còn lỏng lẻo nên việc vượt thoát bằng đường biển có mức độ thành công rất lớn . Ông khuyên chúng tôi yên lòng đi ngũ các chuyện khác để ông lo . Thời điểm nầy Ba của Hội vào khoảng 45 – 50 tuổi cho nên Tôi gọi bằng anh . Tôi và Quan ngũ trong một chiếc mùng lớn trắng tinh còn thơm mùi xà bông giặt , bên ngoài tiếng muỗi bay vo ve. Tôi khẻ bảo với Quan “ hết cơn bỉ cực đến hồi thới lai ” . Chúng tôi chìm vào giấc ngũ với mộng đẹp “ hội ngộ và đoàn tụ ” . Khi chúng tôi thức dậy thì đã thấy Hội đã ngồi chờ sẳn , hường dẩn chúng tôi đi rửa mặt , xong xuôi xuống bếp , nơi đã có sẳn 2 tô hũ tiếu và 2 ly cà phê đen . Chúng tôi ngỏ lời cám ơn Hội , trong khi chúng tôi ăn , Hội báo cho biết , Ba của Hội đã ra đi từ sáng , để lo việc kiểm ghe đi biển cho chúng tôi , Ba của Hội cũng căn dặn chúng tôi phải ở trong nhà , chờ kết quả không nên đi ra đường . Khoảng giữa trưa trong dáng điệu hấp tấp nhưng nét mặt thì vui vẻ , rạng rở , Ông ra dấu cho Tôi và Quan theo Ông vào buồng ngủ , nói nhỏ vào tai chúng tôi , báo cho biết là đã tìm được một chủ ghe chịu chở về Vũng Tàu với giá là 10.000 đồng một người . Ông hỏi chúng tôi có tiền hay không , nếu không có thì Ông sẽ tính cho . Chúng tôi cám ơn lòng tốt của Ông , cho Ông biết chúng tôi có đủ tiền ( do bán gạo đã lấy được ) để trả cho chuyến đi . Thế là chúng tôi giao cho Ông 20000 để Ông đi thanh toán cho chủ ghe vốn là người quen biết với Ông , cho nên chúng tôi không phải sợ bị lường gạt . Ông lại ra đi và trở về khoảng 1 giờ sau . Ông cho biết chuyến đi sẽ bắt đầu lúc 3 giờ chiều .Ông khuyên chúng tôi ăn cơm sớm và đi nghĩ dưởng sức cho chuyến đi . Chúng tôi làm sao có thể an tâm nghĩ ngơi được , trước canh bạc sau cùng nầy , một canh bạc được ăn cả , ngã về không của bao nhiên công sức , mồ hôi với những ân tình không còn cơ hội đền đáp trên suốt chặng đường “ vượt thoát ” đã qua . Cả hai chúng tôi , không thể nào ăn hết chén cơm với những món ăn đặc sản do các chị của Hội , trong đó Tôi còn nhớ có cô Loan với đôi mắt to , đen láy trên khuôn mặt lúc nào cũng đượm một nét buồn ( qua lời kể của Hội , cô Loan có người yêu là một Th / Úy Biệt Động Quân , khi Phan Rang thất thủ , cho tới khi chúng tôi tới nhà , cô chưa có được tin tức gì về Th / úy BĐQ ) . Khoảng 2 giờ 30 , chúng tôi rời nhà , sau khi cám ơn , chào từ biệt Mẹ và các chị của Hội . Theo sự dẩn đường của 2 cha con Hội , đi khoảng 30 phút , chúng tôi tới một khu vực có một tấm bảng ghi Bến cá Phường Tấn Thành , Ba của Hội bảo chúng tôi vào trong quán cà phê kêu nước uống và chờ ông trở lại , trong khi Hội thì đi vòng vòng bên ngoài quan sát động tỉnh , vào trong quán Tôi nói ngay với Quan “ Anh thấy chuyến đi nầy sẽ thành công vì đã có điềm báo trước của 2 chử Tấn Thành ” . Tôi giải nghĩa nhanh cho Quan : tấn là tới , thành là đạt được có nghĩa là đi tới sẽ thành công . Quan trả lời : hy vọng giống như anh Tư nói . Uống chưa hết ly cà phê , thì đã thấy Ba của Hội và Hội xuất hiện trước cửa quán , ra dấu hiệu cho chúng tôi rời quán , Quan nhanh chóng trả tiền , rời quán , lẻo đẻo theo sau , chúng tôi tới một bến đậu của một con thuyền có chiều dài từ 10 mét – 15 mét , hiện đang có vài phụ nử đang đi xuống thuyền bằng tấm ván bắt ngang . Ba của Hội ngừng lại , nắm tay Tôi và nói nhỏ : Th / Tá xuống thuyền nhanh và chúc Th / Tá đi bình an . Tôi nói lời cám ơn và khi Hội đến bắt tay từ giả . Tôi rút vội số tiền còn lại trong túi ( 5000 $ ) nhét vào tay Hội xong vội vã đi xuống thuyền , phía sau là Quan với nét mặt buồn buồn . Trước khi bước vào trong khoan thuyền Tôi xoay người lại , vẫy tay chào 2 Cha con Hội , mắt Tôi nhòa đi trong ánh nắng cuối chiều bởi những giòng lệ thương cảm .

Khi vào trong thuyền , chúng tôi được ông chủ thuyền hướng dẩn đi thẳng về phía sau gần buồng lái , ông ta nói  cho phụ nử và trẻ con ngồi phía trước để dể qua mặt bọn canh gác ở đầu vàm ( nơi sông đổ ra biển ) . Khoảng gần 4 giờ chiều , thuyền bắt đầu rời bến với tổng số trên 20 người cùng đi . Thuyền chạy chầm chậm trên  sông , hướng ra biển , khoảng 15 phút , thuyền phải chạy chậm lại , chủ thuyền phải trả lời các câu hỏi của các lính Bắc Việt , đang đóng chốt tại đầu vàm . Sau khi lên tiếng hăm doạ sẽ bắn theo , nếu thấy thuyền chuyển hướng về Nam , chúng để thuyền tiếp tục chạy , từ từ tăng tốc độ khi ra dến biển , sóng nhấp nhô đưa con thuyền lên xuống , Ông chủ tàu hỏi trống không : bấy giờ đổi hướng được chưa . Tôi và Quan cùng cười nói “ đổi đi , bây giờ nó có bắn thì trúng hà bá , chứ làm sao trúng tụi mình được ” . Quan nắm chắc tay Tôi , lắc mạnh và nói : mình thoát rồi Anh Tư ơi trong nghẹn ngào của mừng vui . Thuyền chỉ chạy cách bờ khoảng 3 -5 cây số, cho nên chúng tôi có thể quan sát thấy rõ cảnh vật xa xa trong bờ . Khi thuyền vừa đi ngang Mũi Né ( chủ thuyền cho biết ) , lúc khoảng 6 giờ tối , chúng tôi chứng kiến màn “ đấu súng ” giữa các chiến hạm của Hải Quân và
quân chánh quy Bắc Việt , từ trong bờ bắn ra . Nơi đây thuộc Tỉnh Bình Thuận và thuyền chúng tôi đang chạy ở giữa 2 làn đạn , nếu xui xẻo có quả đạn nào ngắn tầm thì thiệt là “ số con rệp ” , chúng tôi nghe trong khoan phía trước mũi thuyền , đũ các loại kinh cầu nguyện của mấy chị phụ nử đọc to , át cả tiếng sóng vổ vào mạn thuyền . Khoảng giữa khuya , thuyền chạy tới đảo Phú Quý , nơi đây thuyền phải ngừng lại , cặp vào các thuyền xi măng của Hải Quân để kiễm soát an ninh . Chúng tôi thực sự an tâm thở phào nhẹ nhõm vì biết chắc chắn chúng tôi đã ở trong hải phận kiễm soát của Việt Nam Cộng Hoà . Tôi dựa lưng vào vách thuyền , ngước mắt nhìn bầu trời cao mênh mông , với muôn vàn ánh sao chiếu lấp lánh , trong đó ánh sao nơi phương Nam bây giờ đang sáng chói hào quang , trông thật gần gủi , đáng yêu của niềm hân hoan sum hợp và đoàn tụ .

Long Hải Vũng Tàu , Ánh sao Phương Nam : đường đi đã tới .- N+15 , 18 /4 / 1975

Mặt trời chưa ló dạng nơi phương Đông cũng là lúc Tôi bị say sóng , nằm vật vã phía sau , gần đuôi thuyền để tránh làm dơ thuyền .Thuyền chạy gần 24 giờ thì vào hải phận Vũng Tàu , tuy nhiên vì lý do an ninh nên tất cả các thuyền từ phía Bắc về , đều phải ghé bến vào Long Hải . Khoảng 3 giờ chiều , thuyền cập bến tự do Long Hải luồng gió mát lạnh mang mùi hăng hắc của muối , cùng nổi mừng vui của “ vượt thoát thành công ” của “ trở về từ cỏi chết ” làm tan biến ngay các cơn say sóng mới cách đây không lâu .Tôi thầm nói “ Ôi tự do ta chào mi và Ba đã về vớicác con ” . Quan chậm rải đi bên cạnh và hỏi “ Anh Tư , liệu tối nay có về Hậu cứ kịp không ?”. Bước lên bờ vừa đi được một khoảng đường ngắn thì đã bị “ hỏi thăm sức khoẻ ” bởi 2 quân cảnh Bộ Binh , sau khi cho biết lai lịch và ý định của chúng tôi là muốn về Hậu cứ TĐ 4 TQLC ở Vũng Tàu , họ cho đi và vẫy tay chào tạm biệt . Khoảng 30 phút sau , chúng tôi xuống xe , ngay trước cổng ra vào của Trại Hoàng Hoa Thám . Hậu cứ của TĐ4TQLC . Quan vội vả , lấy tiền trả cho người lái xe ôm , vì biết Tôi không còn tiền . Hai chúng tôi đi vào điếm canh của toán trực gác , nơi đây giờ nầy chỉ có một người đang làm nhiệm vụ , khi nghe chúng tôi xin  gặp NT Thiếu Tá Trần ngọc Toàn ( Tiểu đoàn Trưởng TĐ4 vào thời gian nầy ) , lính gác hỏi vặn lại chúng tôi gặp Th / Tá Toàn làm gì ( trong khi trước đó Tôi đã tự giới thiệu Tôi và Quan là ai ) . Có lẽ nhìn cách ăn mặc không giống ai , cộng thêm nét phong trần , gió sương của chúng tôi , nên không tin những gì chúng tôi nói là thật .Tôi lập lại một lần nửa cấp bậc và chức vụ của Tôi và yêu cầu đương sự gọi điện thoại thông báo ngay cho Th/ Tá Toàn , lần nầy thấy Tôi có vẻ “ quạo ” nên đương sự lấy diện thoại gọi ngay , trong khi Tr/ Úy Quan đứng kế bên lẩm bầm “ lính vô kỷ luật ” . Khoảng 5 phút sau NT Toàn lái xe ra , tay bắt , mặt mừng , xong bảo Tôi và Quan lên xe chở vào BCH / TĐ để dùng điện thoại báo cho BTL/ Sư Đoàn HQ biết về sự trở về của Tôi và Quan . Nhìn quanh tìm kiếm người lính gác đã biến mất , thay thế là một Hạ Sĩ Quan lớn tuổi , có lẻ là trưởng điếm canh . Tôi cũng bỏ qua , không kể lại câu chuyện đó cho Th / Tá Toàn .

Khi vừa uống xong 2 lon Coca Cola , chúng tôi được NT Toàn chở đến BTL / HQ đóng ở bải Dâu trong căn cứ của quân đội Úc trước kia . Tại Trung Tâm HQ ( TOC ) Tôi gặp rất nhiều người quen biết , mọi người đều chúc mừng , cho sự trở về của chúng tôi , nhờ thế mới biết là Đ/ Úy Hên về trước chúng tôi 2 ngày , Th / Úy Xuân thì về tới sớm hơn , bên cạnh đó cũng đã có khoảng 100 – 200 quân nhân khác của TĐ9 đã trở về an toàn , hiện nay đang bổ sung tạm về các TĐ 14 , 16 . Chúng tôi nhận lại quân trang , quân phục đầy đủ , do Cố TrungTá Nhiều Trg / P 4 cung cấp ( Trên đường di chuyển Tù , Sĩ Quan Cấp Tá 6 / 1976 ) từ Bải Cháy Hải Phòng lên Yên Bái , để vào Sơn La Bắc Việt , trong các toa xe lửa chở Tù đóng kín , Tr/ Tá Nhiều đã tự sát ) .

Khoảng 7 giờ tối , Tôi vào trình diện Th / Tg Tư Lệnh , sau khi thuyết trình các điều mắt thấy , tai nghe , trên suốt chặng đường “ vượt thoát ”. Tôi nhận lệnh thành lập lại TĐ9 sau 3 ngày nghỉ phép . Tôi có xin Th / Tg Tư lệnh gởi công điện cho các đơn vị , hoàn trả tất cả các quân nhân thuộc TĐ9 , trở về hậu cứ để “ tái lập ” lại đơn vị . Khi trình diện xong , vừa bước ra ngoài , đã có NT Tr / tá Nguyễn Văn Phán ( TĐT / TĐ THD ) cùng một số các sĩ quan quen biết ( Th / Tá LĐBảo , Đ / Úy LVChâm là bạn cùng K17TĐ ) đang chờ sẳn , chở chúng tôi ra chợ Vũng Tàu , đải ăn một buổi tối thật ngon miệng ( nhân đây xin được cám ơn NT Phán , cùng các bạn có mặt trong buổi cơm tối đầy “ tình nghĩa chiến hữu ” , kỹ niệm của 37 năm trước nhưng TâyĐô và Tr /úy Quan vẫn nhớ như là mới đây ) .

Sau buổi cơm tối , Tôi trở về TTHQ ( TOC ) dùng điện thoại viễn liên liên lạc với Tr/Úy Trung ( CHHC TĐ9 ) chỉ thị nhờ thông báo cho gia đình , về sự trở về của Tôi . Ngã lưng trên chiếc ghế bố “ dã chiến ” , để trong một góc của TOC . Toàn bộ ký ức , cuốn phim tìm về phương Nam của 20 ngày từ tù binh , vượt thoát và thành công lần lượt trở về trong hồi tưởng . Đoạn đường dài 700 cây số , bao gồm biết bao gian nan , cực khổ , hồi họp , lo sợ bên cạnh là các chân tình , của những con người không quen biết nhưng có trái tim nhân ái , rộng mở , đầy ấp tình người đã là một kết thúc tốt đẹp cho chuyến vượt thoát của Phương Nam : Ánh sao nơi cuối Trời . Tôi rơi vào giấc ngũ trong văng vẳng tiếng hờn ai oán , kêu đòi khúc kèn truy điệu , cùng lá cờ tổ quốc thân yêu của các oan hồn tử sĩ còn vất vưởng đâu đây của biển trời Thuận An , Mỹ Khê Non Nước và còn nhiều , nhiều nửa !!!!

Xin dành một vài giây phút , tưởng niệm những chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến vinh quang , nhưng nhiều máu và nước mắt của một thời chinh chiến ( 1964 – 1975 ) .

Thay lời kết: Năm 1980 trong lần được “ thăm tù ” duy nhất , tại Trại A Hà Nam Ninh , Phủ Lý Nam Định Bắc Việt bởi Mẹ và Anh. Khi chia tay, Mẹ nói nhỏ vào tai Tôi : Số con là số phải ở Tù , Chạy Trời không khỏi Nắng ! ( Sau đó Bà vượt biển thành công , được định cư ở Mỹ từ năm 1984 , Bà mất năm 2003 ) .

Ghi chú cuối bài: Xin chân thành cám ơn quý cựu quân nhân Tiểu Đoàn 9 TQLC và bạn hữu liệt kê dưới đây về những đóng góp “ ký ức quý báu ” giúp cho bài tự thuật trung thực , chính xác , không cường điệu , không hư cấu . Đa tạ tất cả quý chiến hữu .
1.- Cựu Th / Tá Nguyễn Văn Lộc TĐ Phó / TĐ9 ( K17TĐ ) Florida US
2.- Cựu Đ/ Uý Lưu Văn Phán ĐĐT / ĐĐ 4 / TĐ9 Hawaii US
3.- Cựu Tr / Úy Trương Chí Công ĐĐT / ĐĐ 2 TĐ9 Philadelphia US
4.- Cựu T/Úy Trương Phước Dĩnh SQTT / TĐ9 Georgia US
5.- Cựu T / Úy Dương Minh Xuân SQ Ban 2 TĐ9 Houston Texas US
6.- Cựu T / Úy Nguyễn Vũ Tuệ SQ Ban 5 TD9 Westminster CA US
7.- Cựu Đ/ Úy Trần Văn Hên ĐĐT/ ĐĐDH TĐYTTB Georgia US
8.- CựuTr/ Úy Lưu Minh Quan ĐĐT / ĐĐ1 / TĐ 9 Việt Nam
9.- Cựu Tr /Úy Trương Văn Ba ĐĐT / ĐĐ 3 / TĐ9 Việt Nam
10.- Cựu Đ/Úy Lê Hồng Quang ĐĐT / ĐĐCH TĐ 9 Việt Nam
11.- Cựu T / Úy Hồ Khen SQBan 4 / TD9 Việt Nam
12.- Cựu Tr/ Úy Nguyễn Văn Tuấn PĐT/ PĐC/TĐ1 PB San Jose CA US
13.- Tr /sĩ Vũ Văn Tám Hậu trạm TĐ9 Việt Nam
14.- Hạ sĩ Nguyễn Văn Dần Biệt kích Việt Nam
15.- Hạ sĩ Nguyễn Công Ba Âm thoại viên ĐĐ 1 Việt Nam
Riêng Cựu Đại Úy Đoàn Văn Tịnh Cựu Trưởng Ban 3 TĐ 9 đã có đóng góp ký ức trong bài viết “ Trận chiến sau cùng của TĐ9 TQLC ” trong ĐSST 2004 . Georgia US .

MX Tây Đô Lâm Tài Thạnh
Cựu Thiếu tá Tiểu đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 9 Mãnh Hổ Thủy Quân Lục Chiến
 

 


MỤC LỤC

Lá thư Sóng Thần

ĐH TQLC tại Dallas

Sinh hoạt hội Houston

Sinh hoạt hội Iowa

Sinh hoạt hội Nam Cali

Sinh hoạt Úc Châu

Sinh hoạt hội Washington

40 năm - Một thời chinh chiến

471 của tôi, Đại đội C của tôi

Phương Nam : Ánh sao nơi cuối Trời

Chiến Đoàn A TQLC và trận Đức Cơ

Dây biểu chương

Bạn già

Danh sách cha con, anh em ruột cùng phục vụ trong binh chủng TQLCVN

Chiến thắng đầu Xuân

Chuyện lá cờ

Chuyện những người thích nổi

Đặc khu Rừng Sát… và những ngày sau cùng

ĐĐ4/TĐ2/TQLC Tiêu diệt CX thuộc TĐ Tăng 202

Đám cưới nhà binh

Dấu chân người lính Pháo Thủ MX

Định mệnh

Đón xuân này, nhớ xuân xưa

Dòng sông tuổi nhỏ

Hai lần khoác áo TQLC

Hành trình tìm tự do

Huyền thoại chiền sĩ Mũ Xanh

Ký ức người pháo thủ Lôi Hỏa

Lao tù và vượt ngục

Một thời để yêu, một thời để nhớ

Người lính Mũ Xanh và Bé dấu yêu Trưng Vương

Tháng Tư aa trường

Người linh tiền phong

Người bạn thủy chung

Nhật ký hành quân Trung Đội

Nhảy vào Triệu Phong

Trung Đội 2/TĐ7 & những ngày cuối cùng

471 của tôi, Đại đội Viễn Thám C của tôi

Pháo Đội A/TQLC Chiến Trận Hè 1972

Quận Trưởng Triệu Phong

Tàn bạo, lừa bịp , khoác lác là bản chất CSVN

Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh

Tiểu Đoàn 2 Pháo Binh

Tiểu Đoàn 2 và những biến cố chính trị

Thăm quê

Tiểu Đoàn 3, cuộc hành quân Toàn Thắng 1969

Trại Thanh Cầm và dòng sông  Mã

Trốn vượt biên

Trung Đội 2, Đại Đội 2, Tiểu Đoàn 7/TQLC

Trước Sau Như Một!

Vui buồn đời lính