Thân tặng những người bạn khóa 4/71 còn sống hay đã chết của tôi, anh Lực, Hùng nhí và Tân cận.
MX Phạm Gia Thụy 4/71
“ Mười phần chết bảy còn
ba,
Chết hai còn một mới ra thái bình…”
Đã ra thái bình rồi!. Câu thơ này Bích TĐ3 hay ngâm nga diễn nghĩa
trong trại tù Cồn Tiên, nói đó là sấm Trạng Trình. Khoá 471 Thủ Đức
chúng tôi về Đại Đội Viễn Thám C cả thảy 6 người. Tàn cuộc chiến,
đếm tới đếm lui còn lại 4 mạng. Hóa ra vẫn còn may mắn, chỉ chết có
2 , còn tới 4. Hên quá, chết chưa tới phân nửa!
Đại đội Viễn Thám C là ĐĐ quy tụ nhiều 471 không những nhất SĐTQLC
mà chắc là còn nhất QLVNCH. Vào lúc đông đu3, Viễn Thám C có cả thảy
6 mống 471: Mai Mạnh Thước 352, Nguyễn Công Chiến 351, Nguyễn Quang
Toản 321, Phạm Gia Thụy 321, Nguyễn Xuân Dương 352, Lê Văn Nuôi 341.
Một thời gian còn có Lê Minh Châu 354 bên Viễn Thám A qua nữa.
Toản, Lộc và tôi chơi với nhau vì cùng tiểu đội
trong Thủ Đức. Tiểu đội trong Thủ Đức của tôi ra trận chết nhiều:
Vĩnh Lộc, Nguyễn Tôn, Phạm thế Xiêm, Nguyễn Viết Việt. Trong “sam“
Nguyễn Tôn nắm giường trên, tôi giường dưới. Hai thằng hay cự nhau
vì hắn mỗi lần leo lên giường là nhảy ầm ầm.. Thiếu úy Tốt , SQCB
Trung đội trưởng khuôn mặt khắc khổ, Trung úy Quang Đại đội trưởng
hay cười cười, Trung úy Tốt có vẻ hiền hiền tuy đã 1 lần nhốt tôi
trong QC 301, Thiếu úy Đức luôn ăn mặc láng coóng giống dân chơi.
Trong trường, tôi và Đặng Mậu Lộc mang máy truyền tin cho Tiểu đoàn
đi theo Đại Úy Phú Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 SVSQ. Dạo Tiểu đoàn
ứng chiến Sài Gòn, BCH/TĐ đóng trong Sở thú, mgay sau lưng Viện Bảo
Tàng, Đ/úy Phú thỉnh thoảng ghé về nhà bà mẹ ở đường Trương Minh
Giảng ăn cơm. Lần gặp lại nhân dịp ông sang đây làm chủ hôn cho cô
cháu, rồi hôm gặp ở Hội Ngộ 2 của 4/71 xem ông vẫn còn nhanh nhẹn,
mới gần đây lại được tin ông không được khoẻ, “ xin chúc NT khoẻ
mạnh”. Đi đâu Đ/úy Phú cũng phải mang máy theo, Đặng Mậu Lộc và tôi
cũng theo ông qua cánh phó của Đ/úy Khiêm Tiểu đoàn phó đặt bên Tân
Bình. ĐĐ 32 đóng chung với BCH/TĐ trong Sở thú nên tụi tôi tha hồ lê
la tán tỉnh mấy em Trưng Vương… không biết kết quả gặt hái được bao
nhiêu mối tình. Đặng Mậu Lộc cuối cùng cũng lấy được cái Cử Nhân để
cho con cháu thấy, như hắn nói. Toản về quê nối tiếp nghề của ông
già, ôm tay lái xe tải.
Tôi về đơn vị mặc bộ đồ rằn ri mới toanh ông chú họ mới tặng mà trong lòng
bình thản như đi dạo, sau khóa học Viễn Thám ngoài Dục Mỹ, Nha
Trang. Điếc không sợ súng!
Về cùng ĐĐ với tôi là Toản và Nuôi nhưng 2 thằng ông nội đó vẫn còn
nhởn nhơ đâu đó trong Sài Gòn, mặc cho ngoài này ì xèo bom đạn, có
mắc mớ gì tụi nó đâu. Vĩnh Lộc thì về ĐĐ A. Toản, Nuôi và tôi thi về
ĐĐ C.
Bọn tôi 3 đứa Toản, Lộc, Thụy điếc không sợ súng cùng chung Tiểu
đội, Trung đội, trong Thủ Đức rủ nhau về 4 chữ và cùng về Viễn Thám.
Ngày chọn Viễn Thám, Lộc nói: Tụi mình đi 3 đứa, bây giờ tao và
thàng Toản về Viễn Thám rồi còn thằng Thụy mày đi đâu nữa cho lôi
thôi. Nghe bùi tai lại ham vui nên tôi theo tụi nó luôn một thể. 14
thẳng 4/71 về Viễn Thám, 10 đứa được cho đi học khóa Viễn thám ở
Trường Biệt Động Quân tại Dục Mỹ, Nha Trang. Được đi là vì ngòai
Quảng Trị đang đánh đấm tưng bừng ngoài đó mà tụi này lại được cho
đi học,còn gì hơn!
Ra tới Nha Trang thì Toản như được trúng số vì gặp ông già nó đang chạy xe bồn chở xăng tuyến Đà Lạt - Nha Trang. Nó là thằng đầu đảng hay bày ra đủ thứ trò phá phách. Bà già Toản cũng theo chồng từ Đà Lạt xuống Nha Trang mướn 1 căn nhà nhỏ ở đường Thái Nguyên khúc giữa ga xe lửa Nha Trang và Nhà thờ Núi để ở và để tiện việc chăm sóc chồng. Toản bỗng nhiên trở nên "tư bản". Lê Văn Nuôi 341 mồ côi, đất khách quê người, vã quá nên nhập bọn với tôi và Vĩnh Lộc thành 3 thằng "mồ côi". Ba thàng mồ côi hợp với 1 thằng tư bản thành bộ tứ lê la. Khuôn viên khu biệt thự này khá rộng, căn nhà nhỏ mà mẹ của Toản thuê nằm song song với mặt đường quay lưng ra đường rầy xe lửa, nhà nằm ở phía sau, chắc là dành cho gia nhân, phiá trước là căn biệt thự lớn xây từ thời Pháp. Bộ tứ tụi tôi tỉnh queo chiếm cứ hiên nhà ngôi biệt thự phía trước làm đại bản doanh, chẳng cần biết ai là chủ , ba lô quần áo súng đạn vất ngổn ngang. Mà phải nói, dân tình ở đây hiền khô, chẳng ma nào thèm bén mảng tới hay dòm ngó chi. Tắm rửa vệ sinh thì ra phía sau, nơi căn nhà mẹ của Toản đã thuê, cơm nước tới giờ bà gọi om xòm, cả bọn chỉ việc xách bụng chạy qua ăn. Thiệt tình, mẹ của của Toản nấu ăn ngon, tôi vẫn tự hỏi tại sao bà không mở 1 quán ăn để kiếm thêm thu nhập.
Khoá học Viễn Thám chưa khai giảng, nằm không mãi cũng chán, 4 thằng tụi tôi lê la mò mẫm khắp ngang cùng ngõ hẻm Nha Trang, ngày đi chơi, đêm về khách sạn hàng hiên tá túc… Lê Văn Nuôi tuy nhỏ con, đen đen nhưng lại có ngón đàn rất hay và tài phóng dao chuyên nghiệp. Tối nào sau khi làm vài chai sương sương hắn cũng trổ ngón nghề phóng dao bằng cả 2 tay vào mấy cây chuối ở góc sân và chơi bản ruột Như cánh vạc bay với bản gì đó có câu ”…rồi từ đó…anh yêu Trang,” vì hắn mết cô Trang nào đó trong Sài Gòn.. Đây là thời gian hạnh phúc nhất đời lính của 4 thằng tụi tôi. Chỉ ăn,ngủ và đi chơi mệt xỉu.
Từ Nha Trang về Dục Mỹ thời đó phải đi 2 chặng xe. Bắt xe đò Nha Trang tới Ngã ba Ninh Hòa, rồi đón xe lam Ninh Hòa vào Dục Mỹ. Có hôm mải nhậu, về tới Ninh Hòa thì đã chiều tối, hết xe về Dục Mỹ vì đường đi không an ninh dù chỉ có 15 cây số. Bí quá tôi đành chui đại vô nhà thờ Ninh Hòa xin Linh Mục chánh xứ ngủ qua đêm. Ông dẫn tôi qua Nhà thờ chỉ vào mấy băng ghế gỗ. Thủ trái M67 trong túi quần tôi làm một giấc tới sáng, tỉnh bơ…
Thời gian đó trường biệt Động Quân hay bị pháo kích vì những khẩu 122 ly đặt trong dãy núi xanh đường đi đèo Phượng Hoàng. Trường cấm trại liên miên, tụi tôi gặp lại đám thằng Lê Ngọc Chới 321 đang nhởn nhơ bên trường Pháo binh. Gặp bạn thì mừng lắm nhưng cũng cóc ra ngoài làm được 1 ly vì lịnh cấm trại. Tụi nó quần áo ủi hồ thẳng băng, chẳng bù cho đám Viễn Thám tụi tôi hễ ra khỏi phòng là Tr/úy Tranh, SQ hướng dẫn bắt chạy. Có hôm chắc bị vợ cằn nhằn hay sao mà ông bắt cả khoá chạy từ trường tới tận đài tuột núi ở núi Đeo, chắc hơn 5 cây số.
Mới vài tuần trong trường tôi đã thấy tài cuà Toản. Chả biết ma mãnh cách nào mà hắn cũng lần mò được ra ngoài, đóng đô ở quán cơm của ông thượng sĩ già bên cạnh cầu Suối Reo. Lý do là vì ông ta có cô con gái tuy ốm tong teo nhưng được cái lại mê mệt chàng Toản nhà ta và nhứt là chịu cho ký sổ. Khóa 41 Viễn Thám ngày đi học, tối đến chia toán ra đi kích tận mãi những tiền đồn, có khi xa hàng chục cây số. Dù cực nhọc nhưng vẫn còn hơn các anh em đang từng ngày đổ máu ngoài đon vị...
Thấm thoát rồi cũng đến ngày mãn khoá.
Chiếc C-130 đáp xuống Phú Bài thì trời vưà xẩm tối, chuyến bay có
tôi và Đoàn Ngọc Quý cùng trung đội 321 nhưng Qúy về Đại đội B VT
còn tôi về C.
Mùi chiến tranh bao trùm thành phồ Huế, Jeep,GMC nhiều hơn xe dân sự
trên đường phố. Những đám mây đen đe dọa trên bầu trời u ám với
nhiều cơn gió mạnh. Hậu trạm các Tiểu đoàn đóng trong Thành Nội, đây
đó nhếch nhác vài chiếc poncho che bếp nấu ăn gió lốc bần bật, có 2
,3 khẩu 105 ly dương nòng chờ sẵn, cần câu khắp nơi. Hậu trạm Đại
đội C đóng trong Đại nội ở dãy nhà to mái cong nhưng trời đã tối
chẳng biết là cung điện gì. Thượng sĩ Thảo hậu trạm và Tám Tàng tài
xế đón tôi, nói giỡn giỡn: “Ông hên ghê , sáng mai trúng kỳ tiếp tế
nhân tiện đưa ông ra hành quân luôn”. Giăng chiếc võng giữa 2 cây
cột lớn nằm rất êm, nhắm mắt nhưng tôi không ngủ được, bụng cồn cào
tuy mới chơi tô bún bò. Tại lạ chỗ hay quá lo lắng? Mới lim dim thì
nghe loáng thoáng tiếng Tám Tàng nói với ai đó: “Ông Sĩ Quan này mới
về “ và ánh đèn pin chiếu vào mặt: “Trẻ quá trời ! “ Tôi nhổm ngay
dậy nhưóng mắt nhìn lên,Tám Tàng đứng bên cạnh một ông thần trông
rất bụi đời, tay cầm đèn pin, nhưng ngó chừng cũng chẳng lớn hơn tôi
bao nhiêu tuổi. Thấy tôi dậy anh cười cười : “ Mới về hả ?“ Tám
Tàng: “ Thiếu úy,Thiếu úy Tình đó T/u “ . HT Phạm Văn Tình giờ ở Nam
Cali chính là người lính trận thứ thiệt đầu tiên của ĐĐ Viễn Thám C
mà tôi đã gặp.
Bữa ăn sáng trước cửa Bưu điện Huế Thưọng sĩ Thảo trả tiền, Tám Tàng no bụng hăng tiết chạy chiếc Jeep lùn một lèo từ Huế ra hành quân sau khi ghé sạp cô Thìn chợ Đông Ba chất lên xe đủ thứ hành tiêu ớt tỏi…
Tháng 9 năm 1972 ĐĐ C đóng tại vùng Hải Thượng, Hải Lăng, cách BCH/LĐ 369 khoảng 5 cây số về hướng Bắc. Từ đại đội băng qua Quốc lộ 1 cũ chừng 500 mét là 1 Pháo đội 155 ly của Tr/ úy Bá. Lê Văn Nuôi 341 chết vào tháng 11/72 ở Nại Cửu, An Tiêm, đường qua chợ Sãi, trong lúc BCH Đại đội đóng tại Hải Thượng.
Toán của tôi có 6 ngoe, thuộc loại lộn xộn. TS Hổ toán phó, tướng chắc nịch, to con, thâm niên lính. B 1 Khải lanh lẹ mang máy, Hiền bặm trợn đen đúa 3 sắc lính. Hồng voi, thấp lì lợm, mang M 79, hai đầu gối có xâm hình con voi. Cường mập hay muốn làm đại ca gây gổ. Tân cận, trắng hiền tướng thư sinh với cặp mắt kiếng. Có 6 ngoe mà tụi nó gây gổ cãi nhau tùm lum, thiếu điều úynh lộn vì toàn là những chuyện không đâu. Những ngày đầu tiên toán của tôi được công tác cũng không xa Đại đội. Năm nay trời lụt lớn, chuột, rắn, ếch,nhái chạy lên trú lúc nhúc đầy nhóc trên những mô đất cao. Cường mâp tìm được đâu ra chiếc ghe cũ cùng Hiền đen và Hồng voi chèo tới mấy mô đầt xách sào tha hồ đập. Chỉ hơn một giờ đồng hồ là được cả ghe chuột rắn. Hoá ra Tân cận cũng biết nấ ăn, hắn nấu nhiều món lạ mà cho đến tận bây giờ tôi cũng không biết là món gì.
Lần lượt rồi mấy thằng ông nội trời ơi của tôi cũng lần lượt ra đơn vị: Toản , Nuôi , Dương, Chiến. Đại đội quân số đông nên lúc nào cũng có 2 toán vừa làm trừ bị vừa an ninh đại đội, được nghỉ. Nằm gần Pháo đội 155 ly của Tr/úy Bá tuy được ăn ké đạn pháo kích nhưng cũng thích vì Pháo đội có 1 Câu lạc bộ hẳn hòi mà chù nhân không ai khác hơn là chị Phượng, vợ Tr/úy Bá. Chị Phượng người Nam ăn nói ngọt ngào, đúng là hoa lạc giữa rừng gươm nên tụi tôi cũng chẳng bao giờ thắc mắc tại sao mà chị lại có mặt ở đây. Câu lạc bộ của pháo đội là 1 căn chòi tranh bên lề đường, trong vỏn vẹn chỉ có 1 bộ bàn ghế duy nhất được đóng bằng gỗ thông loại vỏ thùng đạn pháo binh cộng thêm 2 chiếc vỏ đựng đạn 155 ly để dưới đất dùng làm ghế ngồi.Thế mà hầu như lúc nào cũng có khách, không lính của mấy Tiểu đoàn gần đó ra mua tạm bao thuốc thì cũng vài anh chàng ở Đại đội C của tôi đang được dưỡng quân ở đại đội chán cơm sấy tấp vô làm tô mì. Xe Pháo đội vài ngày lại ra Huế nên các món nhu yếu phẩm như thuốc lá, mì gói, rượu, cà phê… chị Phương đều có. Tô mì gói của chị bao giờ cũng có thêm nửa hộp thịt gà, 2 lá cải bắp to và đầy đủ hành ngò tiêu tỏi. Mọi món đều vui vẻ nếu không kể món chán nhất là Câu lạc bộ của chị không chịu cho ký sổ. 4/71 Đại đội C có nhiều kỷ niệm khó quên ở Câu lạc bộ chị Phượng.
Tháng 10/72 tôi lãnh tờ không ảnh Quảng Trị tỷ lệ 1/50000 và được lệnh lên đường qua sông Thạch Hãn thu lượm tin tức về tình hình địch. Vùng hoạt động của Toán từ bên phải cầu Thạch Hãn đến đoạn chỗ sân vận động ngó sang. Ý định của Lữ Đoàn 369 là tấn công chiếm lại phần còn lại bên kia bờ Bắc sông Thạch Hãn của tỉnh Quảng Trị .
Chiều mùa đông Quảng Trị gió lạnh, chiếc GMC quăng toán tôi xuống ven thành phố. Đ/úy Lực Đại đội trưởng im lặng theo 7 thằng tụi tôi lội qua đống bê tông vô nằm trong một ngôi nhà phố đổ nát gần sân vận động chờ trời tối. Tụi tôi lôi lương khô ra nhá cho nhẹ bớt vì cũng chẳng có gì hơn. Mùi hơi nước dưới sông bay lên ẩm lạnh, tanh tanh. Đêm mùa đông xuống nhanh, không còn thấy cây cầu Thạch Hãn nằm gục phía bên trái nữa. Toán tôi mò xuống con đường sát bờ sông, rất bài bản, rúc vào nằm chung với HT Huyền già dưới 1 căn nhà lầu 2 tầng đã sụp hoàn toàn chỉ còn lại tấm sàn bê tông với 1 lớp gạch cát dày cầu 2 thước phía trên, vô tình tạo nên một căn hầm thật lý tưởng. Đ/úy Lực vẫn theo sát toán.
3 giờ khuya, ngoài trời đã bớt gíó nhưng vẫn lạnh buốt. Đêm không trăng, tối mù khó thấy mặt nhau. Nhảy Dù bên cánh trái cũng đã được liên lạc nên không một ánh hỏa châu, chỉ có tiếng pháo binh bắn quấy rối cầm chừng như thường lệ. Bên trái xuồng là Hiền đen, Hồng voi, Hổ toán phó, Cường mập. Bên phải có Tân cận, tôi, Khải máy. Bọn tôi chỉ bỏ súng đạn, balô, máy truyền tin, vào khoang, mặc nguyên quần áo khiêng xuồng lội xuống sông. Cũng may nước sông tuy lạnh nhưng trời ít gíó, nước chảy chậm nên khi tớI bờ bên kia toán bị dạt xuồng phía Nam không xa. Kiểm lại người không thấy Cường mập, chẳng lẽ hắn bị nước cuốn trôi? Nước chảy chậm mà.
Bọn tôi tấp vào trúng một bãi sình sùm sụp.khó chịu, nước chỉ tới ngang bắp chân. Dù di chuyển cẩn thận nhưng mỗi lần nhấc chân lên đều nghe tiếng ót ót, vì sình lầy nhiều qúa. Mới đi được chừng 10 thước, bỗng Ùynh !! Oàng !! rồi nguyên tràng AK chát chúa vãi xuống. Bọn tôi vừa kéo xuồng dạt lui vừa tấp vào bờ. Hết khúc sình lầy thì bờ sông trở thành thẳng đứng. Có ‘lui’ nữa cũng vậy thôi nên tôi ra lệnh nép vào bờ nghe ngóng. Sau trận chiến vài tháng trước với Tiểu Đoàn 6 địch đã rút kinh nghiệm nên kéo những tiền đồn ra rải dọc sát bờ sông. Bọn địch tiếp tục báo động dây chuyền cho nhau bằng cách thảy Bêta xuống sông và bắn dồn khắp tuyến bờ sông. Đạn AK, Bêta vãi hú họa tứ tung. Sao bọn chúng lắm đạn thế.. Tôi miệng khô ran, đắng ngét… Lần đầu tiên trong cuộc đời nghêng ngang điếc không sợ súng tôi mới biết thế nào là sợ. Cái sợ như con rắn trơn trợt lạnh buốt luồn từ sống lưng ra trước bụng, chạy lên cổ. Bài học Viễn Thám mới học trong trường không áp dụng được vì con đường thoát hiểm đào tẩu là con sông to rộng, nước lạnh ngắt sau lưng. Khúc sông bờ thẳng đứng chỗ này đã cứu chúng tôi một bàn thua trông thấy. Bêta thảy qua đầu rơi xuống nổ tung dưới nước, bọn VC chỉ nằm tại chổ vãi đạn bắn ra, đêm hôm chẳng có thằng nào ngu mò ra tận mé nước…
Tới nuớc này thì đành gọi phe ta cứu bồ vậy. Có đến mấy Pháo đội bắn chận liên tục, Xoẹt…Đùng Xoẹt…Đùng…Đạn chỉ rơi cách mép bờ chừng 50 mét. Tổ mẹ nó ! Bây giờ thì lại sợ mấy cậu Pháo binh lỡ tay thiếu chút thuốc bồi thì bỏ mẹ thằng em. Đại úy Lực liên tiếp gọi: Ông sao rối ? Ở chỗ naò ? Hổ toán phó thì thào: Sao Thiếu úy, giờ tính sao? Cây cầu Thạch Hãn đã lờ mờ hiện ra, trời đã hửng sáng.
Trong lúc nguy cấp người ta hay có sáng kiến, tôi
cũng vậy. Trời vẫn còn lặng gió, cám ơn những người bạn Pháo binh về
bức màn khói tạo ra bên bờ Bắc sông Thạch Hãn vào buổi sáng mùa Đông
năm nào đã cứu mạng toán Viễn Thám tụi tôi.
Bức màn khói dưới sông chưa tan hết, Đại úy Lực vẫn đón tôi ở chỗ
cũ, ông trao tôi ly cà phê nóng hổi nhưng chua lè: “Mày về lại được
là tao mừng rồi”. Cường mập đang trú với trung đội HT Huyền già. Hắn
khiêng xuồng xuống sông xong, mới ra sông được chút xíu sợ qúa quay
trở lại bờ. Lạnh qúa tôi cũng chẳng buồn đá cho hắn vài cái.. Toán
tôi về lại ứơt nhẹp lụp xụp bứớc lên bờ khi trời đã sáng hẳn.
Tháng 10/72 toán của Nguyễn Quang Toản thằng bạn trời đánh của tôi đã nằm bên cồn An Tiêm đường qua chợ Sãi. Tôi được lệnh tăng phái cho Tiểu đoàn 9 qua thế chỗ Toản. Khúc này địch đang bám rất sát TĐ 9. Ngày 28/10 tôi dẫn toán đến trung đội xa nhất của TĐ 9 để chuẩn bị qua sông. Lại qua sông ! Sao tôi ghét những bờ sông bờ biển đến vậy. Tưởng ai lạ ai dè lại gặp Lê Văn Canh 321 cùng trung đội với tôi và Toàn trong trường. Khoảng 20 giờ, trời tối hẳn. Đích thân Canh cùng 2 thằng em dẫn toán tôi bằng qua 1 bãi tha ma rộng tới tiểu đội tiền đồn của hắn, mừng lắm nhưng không quên dặn dò giọng lo âu: “Mày phải cẩn thận, tụi nó đông lắm đang bám theo rất sát”. Dặn xong hắn rút dù.
Chừng 5,6 trăm thước là tới bờ sông, trời tối nhưng đường cũng dễ đi. Khúc sông chỗ này cạn, nước chỉ tới ngang bụng, tụi tôi thong thả lội qua.Toản đã chờ bên kia bờ sông. Tôi cho toán nằm gần bờ bên trái cù lao. Toán của Toản nằm phía trong cách tôi chừng 2 trăm thước. Ba ngày sau toán của hắn rút về để lại mình tôi làm xếp sòng khu Nại Cửu, An Tiêm. Doi đất này hình tam giác mà cạnh đáy quay ra sông Thạch Hãn, bọc hai bên là sông Vĩnh Định. Con đường Bùi Thị Xuân dọc theo bờ sông Thạch Hãn chắc trước rất sầm uất nhưng nay hai dãy phố buôn bán hai bên đường đã nát tan, điều lạ là có những ngôi nhà còn nguyên đồ đạc bên trong. Tôi dẫn Hiền đen và Hồng voi đi thám sát. VC khoảng đại đội di chuyển ngờ ngờ bên kia sông, bọn chúng có vẻ như vừa mới đến, gọi nhau chí chóe. Trong một căn hầm thúi hoắc nhìn thấy có đôi dép râu...Đếch dám chui xuống.
10 ngày sau toán tôi về, đổi toán Lê Văn Nuôi 341
qua thay thế. 2 bữa sau thì 1 trái 82 ly rớt ngay chỗ nó, buổi chiều
tôi dẫn chiếc GMC ra chỗ gần Trung đội Canh chở 2 chiếc poncho về.
Nuôi và 1 thằng đệ tử chết gần miệng hầm trú ẩn, tỉnh queo, lãng
nhách. Chiếc GMC chạy ngang đại đội, Toản ôm mặt đứng khóc hu hu như
một đứa con nít…vừa khóc vừa chửi thề om xòm.
Sau ngưng bắn Đại đội được tăng phái cho Tiểu đoàn 1, đóng ngoài bờ
biển Gia Đẳng, gần cửa Việt. Địa thế trống trải. Bên phải là bờ
biển, trước mặt là hàng rào kẽm gai chạm tuyến phân chia ta và địch.
Chỉ có đám rau muống dại bò tràn lan trong một hồ nước ngọt gần bờ
biển là màu xanh, còn lại là cát trắng toát nhức cả mắt. Trung đội
tôi được tăng cường thêm một khẩu độI 90 ly không giật . Ỏ đây ngày
nào cũng được ăn chuột xào lăn và rau muống luộc. Tân cận chế biến
đủ kiểu chuột vì chuột đầy rẫy, khắp nơi. Nhưng tôi không bao giờ
đụng tới món chuột dù cho thơm lừng của Tân kể từ sau hôm bọn nó đào
hang chuột lại khui trúng một hố đầy xương người. Một buổi sáng
sương mù dày đặc, lờ mờ có bóng người sát mé biển, toàn Đại đội báo
động .Toán của Nguyễn Công Chiến nằm kế bờ nước xông ra bắt gọn một
em. Hoá ra em này đói quá đi bắt còng, bụng đeo chiếc giỏ, chẳng
súng ống gì ráo. Giải giao em cho Tiểu đoàn 1 , hôm sau lại thấy em
được xe chở đến tận bãi, lệnh Lữ đoàn thả em về cố quận. Lấy ống dòm
nhìn theo tôi thấy vừa qua tới bên kia em được hai tên mang súng áp
giải dẫn đi. Quả đất tròn, em này chính là Trung khều, nhân vật
chính trong một câu chuyện mang đầy tính nhân bản của HT Mai Văn
Tấn. Tôi gặp lại Trần Thiện 324 về Tiểu đoàn 1 , trung đội hắn nằm
ngay phía sau lưng tụi tôi mà tôi đâu có biết, thỉnh thoảng hắn nhớ
Quảng Nam quê hắn, bèn hú tôi ra sau làm một ly. Ở đây chán phèo nếu
không kể một hôm tôi uýnh lộn. Số là cứ chiều chiều bọn tôi hay ra
sát hàng rào kẽm gai nói dóc với “anh em bên kia”. Nói mãi cũng hết
chuyện, một hôm tôi rủ chụp hình. Tùng, tay chính trị viên đại đội
đồng ý, tôi quay lại hầm lấy máy. Khi cầm máy chụp hình trở lại đột
nhiên hắn, chắc cả đời chưa bao giờ thấy cái máy chụp hình, trở
giọng cà chớn: “Này, các anh không được phép quay phim ở đây nhé”.
Tôi xỏ nhẹ, từ nhỏ tới giờ anh có thấy cái máy chụp hình lần nào
chưa mà dám nói cái này là máy quay phim ?” Hắn sấn tới: “Không lôi
thôi gì nữa cả, các anh không được quay phim ở đây”. Tôi nổi sùng:
’Mày là đồ cà chớn, mới đồng ý chụp hình chung với nhau bây giờ lại
nói khác, miệng lưỡi xảo quỵệt ! ” Hắn lại hung hăng sấn tới. Tôi
chơi liền một thoi, hắn đáp lại một quả nhưng đã đề phòng nên tôi né
được. Ba, bốn đứa hắn chạy nhanh về công sự, tôi và mấy thằng em
cũng dại gì mà đứng đó, phóng ngay vào tuyến. Sau này gặp lại Tân
cận, hắn nói: “Ông hên đó,sau lúc bị bắt nó đưa tụi tui lên Trại ở
Ba Lòng, thằng Tùng đi qua mấy trại kiếm ông quá trời, nó là trưởng
hay phó trại gì đó”. Tôi nghị lại, ừ đúng, vụ này thì mình hên.
*
Tháng 3/75 tình hình bắt đầu căng thẳng, địch bắt đầu cho những toán
nhỏ lợi dụng ban đêm len theo những khe hở đóng quân của ta thâm
nhập xuống đồng bằng. tiền sát địch bám các đỉnh cao, căn cứ hỏa lực
Nancy bằt đầu bị pháo kích, đặc công địch đánh thăm dò những trận mở
đường. Trận tao ngộ chiến đầu tháng 3/75 chứng tỏ tài ứng phó nhanh
nhẹn, kịp thời hơn hẳn địch của binh sĩ Đại đội C trước một tình thế
bất ngờ.
Đại đội được lệnh tảo thanh vùng bên phải ven sông Mỹ Chánh đoạn từ
đối diện đồi Trần Văn Lý lên đếnThác Ma, thượng nguồn sông, gần căn
cứ Phantom trên đường vào Barbara. Sau một đêm nghỉ quân dưới một
ngọn đồi thấp chúng tôi tiến lên ngọn đồi yên ngựa kế tiếp rất cao.
Một toán tiền sát của địch đã nằm trên đỉnh đồi tự bao giờ. Hai bên
trố mắt nhìn nhau ngạc nhiên. Tao ngộ! TS 1 Hoàng người đầu tiên tới
đỉnh lập tức chĩa khẩu M16 vào tên gần nhất: “ Giơ tay lên ! “ Hắn
bật dậy. Hoàng siết cò. Đạn không nổ. Tên tiền sát gạt nòng súng M16
sang một bên tay kia chộp khẩu A K để bên cạnh. Hồng voi, Sung
Huông, Tân cận… tràn lên bắn tới tấp, 4 tên địch còn lại đang ngồi
trong giao thông hào hoảng hốt vừa chạy túa xuống đồi vừa bắn lại,
tiếng lựu đạn phe ta quăng theo nổ chát chúa. Đang núp sau một tảng
đá tôi quất đại một băng dẫn trung đội xông lên. Hiền đen nà theo
truy kích. Có tiếng Tân cận láo nháo lưng chừng đồi, tôi cẩn thận
chạy tới, một tên to con đeo ống nhòm nằm trong bụi bên cạnh hắn,
chết mà tay còn cầm khẩu AK bá xếp, túi áo đựng đầy cứng băng cá
nhân. Trên đỉnh đồi, trong giao hào chiếc máy truyền tin Trung Cộng
còn đang léo nhéo, cạnh đấy là hai thùng lương khô và một bi đông
nước. Đứng đây nhìn toàn vùng xung quanh rõ mồn một , t thấy Pháo
dội K bên phải lố nhố bóng người, chắc ra xem bọn tôi đấu súng. Hẳn
đại độì tôi phải di chuyển im lắm nên mới không bị phát giác chớ 5
tên trên đỉnh cao như vậy thật không dễ nuốt.
Hai tuần sau Đại đội nằm bên phải đồi 51. Trung
đội tôi chốt trên một mỏm đồi thấp nhìn xống một thung lũng rộng,
toàn cỏ tranh, chạy dài vào tận đến chân núi. Trung đội được tăng
phái một khẩu đội106 ly. Địch tập trung đông dưới thung lũng. Thấy
ơn ớn, sinh nhật tôi tháng này, sinh nhật nằm đây chán thấy mẹ. Đồi
51 Tiểu đoàn 4 đóng, mất đi chiếm lại lùm xùm mấy bữa nay. Có một số
địch xâm nhập. Đ/úy Lực nhắc: “Coi chừng tụi nó giả dạng mặc đồ rằn
ri “ Buổi chiều ngoài tiểu đội 2 ồn ào. Bắt được một ông thần đang
lơn tơn, quần áo lôi thôi chẳng bảng tên lon lá chi. Có súng. Đ/Úy
Lực hỏi: “Nó nói giọng Nam hay Bắc” Đáp: “Dạ, Bắc“ “Thu súng của nó
lại ngay “ Đáp: “Nó không chịu nạp súng, nó nói nó tên là Huy, Đại
đội phó của Tiểu đoàn 4“ Đ/úy Lực: “Để tao gọi bên Tiểu đoàn 4 coi
“. Trong trường tôi không biết Huy, và tôi biết Huy râu từ hôm ấy.
Đoàn công voa chở đại đội tôi theo Tiểu đoàn 7 ra bến phà Tân Mỹ rút
về Hương Điền qua ngã Đập Đá. Tới gần An Hoà vài trái pháo địch cố
bắn theo không đủ sức rơi nổ ngoài đồng. Thành phố Huế bắt đầu lộn
xộn, dân chạy tản cư nhốn nháo khắp nơi. Xe theo ngã Cầu Mới quẹo
trái nhắm hướng Thuận An, chạy chậm. Một thằng nhỏ đen thui ốm nhom
chạy theo lùi xùi: “ Chú cho con vài trăm ăn cơm đi chú “ Chưa lãnh
lương , hai túi tôi không một đồng, moi ba lô quẳng đôi giày bố mới
lãnh xuống: “ Cho mày để kiếm chỗ nào bán lấy tiền“.
Bộ Tư Lệnh ở Hương Điền không một mống. Vài tiếng súng lác đác nổ bên kia phá Tam Giang, hướng Quảng Trạch. Dân chạy nạn gồng gánh chạy suốt đêm trên con lộ 555 về hướng Thái Dương Thượng. Trung đội Thước đã tăng phái choTiểu đoàn 7, Đại đội còn 3 toán bố trí chu vi BTL/SĐ lỏng le. Một tối ngoài tuyến khi đang ôm cây đàn thì gặp Hải cận Tiểu đoàn 7. Hải cận: “Giờ này mà còn đàn với hát ? tôi cười trừ”. Phá Tam Giang ghe thuyền trống trơn, còn chai rươu cuối cùng, tôi, Chánh, A. Lực lôi ra chợ ngồi trên mấy cái sạp uống khan. Toán Hùng nhí được lệnh bảo vệ cho Công Binh phá kho đạn Sư đoàn. Kíp nổ đã gắn, dây chuyền nổ đã nối xong, cuộn dây điện 1500 mét cũng đã rải hết. Gắn con cóc. Nằm xuống. Bấm. Không nổ. Bấm nữa, không nổ. Thay con cóc bằng cục pin máy PRC 25. Bấm. Không nổ. Lần nữa, cũng không nổ. Tiểu đoàn 7 đã rút. Thước, Hùng cũng theo.
Thôn Thái Dương Thượng đông nghẹt, lính dân lẫn lộn. Bên kia cửa biển, căn cứ Trần Ba, Tân Mỹ thấp thoáng ánh đèn . Đại đội C nằm chờ ngay mé nước, mới nhận tiếp tế đồ đạc lỉnh kỉnh. Không thấy chiếc ca nô nào. Chợt tiếng Đ/úy Xuân trưởng ban 4 Tiểu đoán văng vẳng trong máy: “ Kỳ này tao cứu mày lại nghen Lực, ca nô qua bây giờ “ Vẫn chưa thấy bóng dáng Thước, Hùng nhí .
Tôi gặp lại rất nhiều 471 ở các đơn vị khác, các
Tiểu đoàn khác, trên bãi biển Thuận An kể từ ngày ra trường ... Đoàn
Ngọc Qúy đại đội B ra hành quân chung chuyến bay, Nguyễn Vĩnh Cường
Tiểu đoàn 7 tính nhận tôi làm em rể lúc còn trong trường, Nguyễn
Xuân Dương tự Dương gàn, đã ra khỏi đại đội vẫn còn giữ của tôi cái
hộp quẹt Zippo khắc hình khẩu đại liên gắn trên chân ba càng, chiếc
hộp quẹt này tôi rất qúi, là vật kỷ niệm do Tuyết em gái tôi đã lượm
được dưới chân ghế, tặng cho tôi, khi tôi dẫn nó đi xem xi nê ở rạp
Modern bên hông chợ Tân Định trong chuyến về phép đầu tiên… gặp
nhiều bạn trong hoàn cảnh thân ai nấy lo...
Ngày 26 tháng 3/75. Ngày người cày có ruộng.
Sáng sớm còn sương mù, một chiếc LCM cặp bờ. Trung đội tôi nằm cách
bờ khoảng 3, 4 trăm mét. Lờ mờ dưới mép nước tua tuả cần câu, BCH/
LĐ và số anh em bị thương xuống tàu. Chiếc LCM từ từ rút ra xa, xa
dần. Bỗng 1 trái “cù lũ tàn tàn” từ trong rặng dương liễu phiá trước
bay phóng theo. Tiếng nổ gọn ấm, chớp lưả trong bờ nghe thấy rõ,
trái AT 3 đã bắn trúng mục tiêu.
Chừng 10 phút sau 1 chiếc LCM thứ hai nữa can đảm chạy vào, lại 1
trái AT3 nữa bắn ra. Nhưng lần này bắn trật. Quả đạn tuy bắn trật
nhưng chiếc tàu chắc lạnh giò nên rút ra xa mất biệt.
Địch bắt đầu pháo. Một trái rơi gần đây, tôi vội lom khom chạy sang chỗ Đ/úy Lực. Xui quá ! chỉ một mình ông bị thương, mà bị nặng, lỗ lủng sâu hoắm trên ngực đút 2 ngón tay vô lọt. Đại đội trưởng thều thào: “ Mày gom tụi nó lại coi còn bao nhiêu, coi dùm tao.” Tôi hối đám Chính ngọ mang ông ra sau chỗ Hùng nhí. Kiểm lại đại đội, kể cả trung đội tôi còn chừng hơn hai chục mạng. Dòm ra phiá sau tôi thấy 1 chiếc LCM nữa liều lĩnh ủi bãi, chiếc này là chiếc thứ ba, sau này mới biết chiếc này của Th/úy Tấn già làm thuyền truởng. Dặn Lộc con mang máy và Trung đội phó Thông chuẩn bị để mang Đ/úy Lực lên tàu xong tôi lên tàu trước nghe ngóng. Tình thế không dễ dàng như tôi nghĩ. Tàu đã mắc cạn. Nước tới ngực, người lõm bõm như kiến xung quanh. Cách tôi chừng 5 thước là Lành ốm thuộc trung đội Thước mới lấy vợ người Quảng Trị tháng trước, đang dáo dác nhìn quanh như tìm ai, con vợ bên cạnh người sũng nước, hai tay nắm chặt áo chồng vừa khóc vừa la: ”Anh ơi đừng bỏ em, anh ơi ! “. Khi tôi mới nắm bửng định leo lên tàu thì vô số cánh tay bám vào nắm chân tôi lôi theo. Đám lính đứng trên thành tàu chĩa súng xuống gào thét: ‘ĐM ! Buông ổng ra..” Rẹt rẹt rẹt, ai đó rơi xuống nước, ai đó nắm tay tôi kéo lên tàu.
Trên tàu cảnh tượng còn thê thảm hơn, ngưởi bị
thương, người chết nằm lền khên. Thoáng thấy bóng Nguyễn Công Chiến
và Tân cận phía đài chỉ huy phía sau. Không ổn rồi, tôi vội leo
xuống trở về, lúc đi ngang bờ cát gần tới Đại đội gặp Cẩm lai và
Tr/úy Châu Taewondo: “Ê ! Tấp vào đây là êm nhứt nghen mạy, trước có
TĐ 7, trong kia có TĐ 5, thua cò nữa thôi.” “Đại đội tao còn trên
kia”. Tôi đáp lời Cẩm lai. Đi tới một đoạn nữa thấy Nguyễn Vĩnh
Cường 312 với trung đội nó phía trước. Chưa kịp nói câu nào thì 1
loạt 12 ly 7 và 82 lùm xùm, cát bụi mịt mù. Tụi nó tản mất tiêu.
Nằm dưới 1 giao thông hào ngắn, cạn hều, trước mặt chắn bằng mấy
thùng đạn đại liên M 60 đổ đầy cát bên trong, Lộc con lay hoay gọi
ai với chiếc PRC 25, Thông đang dùng nón sắt cố moi cho giao thông
hào sâu hơn, “ Xuống tàu ổn không ông ?” “Ổn con mẹ nó, gần chết “
Tôi cộc cằn nhổ ra từng tiếng.. Thônglàu bàu “Tụi tui chờ ông qúa
trời.”
Trong làng địch đã tràn ra, Đại đội đội còn độ chục mống, tuyến tôi
bây giờ là tuyến đầu. Bọn chúng không đông, chỉ cỡ tiểu đội, chạy
qua chạy lại bắn chát chát nghi binh rồi lấn tới. Có điều 12,7 ly
trong làng bắt đầu bắn rát. Một tổ 3 thằng tụi nó vừa chạy vừa bắn
cách tôi chừng 70 thước, Lộc máy để gần hết 1 băng nhưng trật lất,
cây M16 tôi xài là của Thông , Tôi ngắm và chơi 1 phát, tên đang
chạy ngã xuống, nhưng sao nó lại đứng dậy chạy tiếp, hoá ra tôi bắn
cũng trật nốt. Tôi giận mình quá gạt cần bắn rafale tính quạt nguyên
băng nhưng mới bắn 1 viên đã kẹt đạn. Giận cá chém thớt tôi quay qua
Lộc con: “ĐM Mày bắn như con c. đưa súng coi tao nẹt tụi nó nè…” tôi
vưà nói vừa 1 tay đưa khẩu Colt cuả tôi cho nó tay kia giằng lấy
khẩu M16 trên tay Lộc con. Một thằng nữa vừa bắn vừa chạy tới. Tựa
khẩu M16 trên thùng đạn M60, tôi nghiêng đầu ngắm kỹ…
Qủa cầu màu xanh cam nổ tung, tạt những tia lửa chói lòa vào mặt,
hất tôi bật ra sau. Loáng thoáng tiếng Lộc máy và Trung đội phó
Thông xen lẫn trong tiếng sóng biển: Ông thầy !, Thiếu úy ! Thiếu uý
!... Hai tay bưng mặt đầy máu tôi thiếp đi….
Tỉnh lại mở mắt ra tôi vẫn còn thấy đường, khuôn mặt lo lắng của Thông và Lộc con nhìn tôi chằm chằm. Viên CKC bắn cao chút nữa thì sọ tôi không còn. Viên đạn làm vỡ tan báng cầm tay của khẩu M16, mảnh vỡ của cây súng và thùng đạn đại liên trước mặt tạt đầy mảnh vào tay và mặt tôi. Một vài mảnh lớn đâm vào cổ khiến tôi khó thở. Chắc tụi nó bắn có ống nhắm vì tôi chỉ kê súng trên thùng đạn M60, nghiêng đầu ngắm thôi mà, đâu dễ trúng. Lộc, Thông sợ tôi chết nên băng đầu tôi kín mít. Kéo Thông xuống, tôi cố nói “Đem tôi tới chỗ anh Cả “ .Lộc con và Thông vừa bắn vừa lui ra sau, dìu tôi đến tuyến Hùng nhí. Tiếng súng lúc này nghe dồn dập hơn trước, Dưới giao thông hào anh Lực nằm thoi thóp . Thông, Lộc đặt tôi bên cạnh anh. Phía trên tiếng Hùng nhí hình như điều khiển cối, la sang sảng :” Bắn bên phải, bắn bên phải…” Tôi tự nghĩ: hắn tìm đâu ra khẩu cối hay vậy ? Một loạt 12 ly7 đanh gọn trả lời.
Trời đã về chiều, ánh nắng trên những đọt dương
trở nên vàng vọt, tôi cảm thấy bụng lại cồn cào, miệng đắng nghét
như đêm nào bên bờ Bắc sông Thạch Hãn. Tiếng sóng biển nghe xa dần,
xa dần, có thứ gì mằn mặn trong miệng, tôi thiếp đi lần nữa...
Phạm Gia Thụy 4/71
Tháng 3/2012
471 của tôi, Đại đội C của tôi
Phương Nam : Ánh sao nơi cuối Trời
Chiến Đoàn A TQLC và trận Đức Cơ
Danh sách cha con, anh em ruột cùng phục vụ trong binh chủng TQLCVN
Đặc khu Rừng Sát… và những ngày sau cùng
ĐĐ4/TĐ2/TQLC Tiêu diệt CX thuộc TĐ Tăng 202
Dấu chân người lính Pháo Thủ MX
Một thời để yêu, một thời để nhớ
Người lính Mũ Xanh và Bé dấu yêu Trưng Vương
Trung Đội 2/TĐ7 & những ngày cuối cùng
471 của tôi, Đại đội Viễn Thám C của tôi
Pháo Đội A/TQLC Chiến Trận Hè 1972
Tàn bạo, lừa bịp , khoác lác là bản chất CSVN
Tiểu Đoàn 2 và những biến cố chính trị
Tiểu Đoàn 3, cuộc hành quân Toàn Thắng 1969
Trại Thanh Cầm và dòng sông Mã
Trung Đội 2, Đại Đội 2, Tiểu Đoàn 7/TQLC