Page 5 - TQLC Tango Nguyen Thanh Tri
P. 5
Năm 1972 khi Tango là phụ tá Hành Quân cho Tư Lệnh thì tôi giữ nhiệm vụ Trung
Tâm Phối Hợp Hỏa Cực ở TTHQ/SĐTQLC (Hương Điền, Quảng Trị) nên mới thấy rõ
lòng can đảm và khả năng quân sự của Tango.
Có thể kết luận từ thuở ban đầu (1962) cho đến bây giờ (2007) và mãi mãi về sau,
Tango vẫn là một sĩ quan chỉ huy TQLC mà tôi mến phục.
MX Lê Văn Châm (K17 VK)- Phòng 2/BTL:
Trong những ngày cuối Tháng 4/1975, tại BTL/SĐTQLC nhẹ ở Long Bình, tôi
(Châm) nhìn trên bản đồ hành quân ở TTHQ, lúc này chỉ thấy toàn chấm màu đỏ, cộng
quân như sẵn sàng tràn ngập thủ đô Sài Gòn, các lực lượng TQLC ở phía Bắc và Đông-
Bắc căn cứ Long Bình bắt đầu chạm địch mạnh, tình hình biến chuyển mau lẹ. Xe cộ, dân
chúng và một vài đơn vị bạn rã ngũ chạy về Thủ Đức, Sài Gòn qua cầu Đồng Nai khiến
tình hình càng thêm rối loạn.
Ngày 27/4/1975 khi Trung Tướng Toàn TL/QĐIII, đến căn cứ Long Bình thị sát
mặt trận cùng với Đại Tá Trí (Tango) rồi sau đó mọi liên lạc với QĐIII hầu như chấm dứt.
Vào khoảng 10 giờ đêm 28/4 điện thoại liên lạc với BTL/SĐTQLC ở Vũng Tàu
cũng bị cắt đứt! Những sĩ quan tham mưu chúng tôi (Đ/Úy Châm P2, Tr/Úy Sơn+Bá P3,
Đ/Úy Lâm Xuân P4 v.v..) không ai rời TTHQ một phút nào cả, cố gắng theo dõi điện đàm
từ các nơi. Đại Tá Tư Lệnh Phó, với điếu thuốc Camel trên tay, tôi thấy Ông bình tĩnh lạ
thường, đôi mắt hầu như không rời tấm bản đồ hành quân. Trong lúc những tin tức dồn dập
lọt đến TTHQ khiến chúng tôi vô tình biết được ông tướng này, ông tá nọ được trực thăng
bốc ra tàu Hải Quân thì Tango ra lệnh cho các sĩ quan tham mưu phải theo dõi liên tục tình
trạng các đơn vị TQLC, báo cáo từng giờ, từng phút cho Ông biết.
Nghe tiếng điện thoại reo, tôi (Đ/Úy Châm) vội nhắc máy lên thì bên kia đầu dây là
bà Trí muốn nói chuyện với Tango, tôi trao máy cho Ông. Qua lời đối thoại, bà Trí cho
biết “Các sĩ quan dưới này họ lên tàu HQ hết rồi, ông về về…” .
Giọng Tango có vẻ gay gắt (nguyên văn):
-Bà cứ đưa tụi nhỏ về Long Xuyên đi, tôi không thể bỏ các đơn vị mà đi được.
Theo chỗ chúng tôi biết, Long Xuyên là quê của bà Trí, nhưng bà muốn ông phải
về gấp căn cứ Hải Quân ở Thị Nghè để lên tàu di tản vì nhà của Đ/Tá Trí ở trong cư xá
Nguyễn Văn Nho, kế bên căn cứ HQ.
Một lúc sau bà Trí gọi lại và Tango vẫn giữ nguyên quyết định ban đầu.
Lúc này Ông thật cô đơn vì không thể liên lạc được với ai nhưng Ông vẫn bình tĩnh,
một sự bình tĩnh đến lạnh lùng.
Sáng 29/4 Ông tâm sự thân mật với các sĩ quan tham mưu:
- Tụi bay đứa nào muốn về với gia đình thì cứ đi, nếu chần chừ sẽ không kịp,
riêng tao, chưa bao giờ tao nghĩ đến hai chữ “ra đi”.
Nghe Ông nói vậy chúng tôi không mở miệng được với nhau lời nào, không một ai
ra đi, chúng tôi là những sĩ quan tham mưu, đã từng theo chân Ông trong suốt thời gian ở
Hương Điền rồi Thuận An, Đà Nẵng, Cam Ranh, Vũng Tàu, Long Bình.. cùng chia sẻ với
Ông những cam go trong suốt hành trình gian khổ. Lúc này chúng tôi cần phải ở bên Ông
vì lòng kính phục một cấp chỉ huy can đảm, tài ba và độ lượng.