Tiểu
Đoàn Trâu Điên
và
Người
Phóng Viên Chiến Trường
***
Hiện nay cộng đồng người Việt tỵ nạn CS sống trên đất Mỹ thường
có một sinh hoạt rất ý nghĩa và đượm tình đồng hương, đó là những
buổi họp mặt (đại hội) hằng năm của những người cùng địa
phương, cùng học đường, cùng quân trường và nhất là của các
cựu quân nhân cùng đơn vị. Thông thường thì đại hội được tổ
chức vào những dịp có nhiều ngày nghỉ lễ, tùy theo khả năng
và nhu cầu mà tổ chức mỗi năm hoặc hai năm một lần. Binh
chủng TQLCVN chúng tôi thì tổ chức mỗi năm một lần, luân
phiên ở các tiểu bang khác nhau. Năm 2008 chúng tôi tổ chức
tại Little Saigon vào dịp July 4,, anh em Mũ Xanh các nơi về
tham dự đến gần 400 người, trong đó có khá đông anh em thuộc
Tiểu Đoàn 2/TQLC mang danh hiệu Trâu Điên.
Trong khi các cựu Trâu Điên đang vui vẻ ôn lại chuyện đồng
đội cũ chiến trường xưa thì vị cựu tiểu đoàn trưởng ra hiệu
yên lặng rồi ông mở tờ báo KBC/HN ra cho mọi người xem bài
viết của tác giả Ngọc Anh với tựa đề "Người Yêu Trâu Điên".
Bên lề bài viết là tấm hình của một phụ nữ rất duyên dáng
với áo dài trắng, tóc xỏa bờ vai nhưng đôi mắt thì quá buồn.
Bầu không khí buổi họp mặt bỗng sôi động hẳn lên, có nhiều
tiếng huýt sáo y như ngày nào năm xưa khi em "gái" hậu
phương đến thăm anh "trai" ngoài tiền đồn biên giới.
Chưa biết nội dung nói gì nhưng ai cũng đòi người anh cả đơn
vị cho cầm tờ báo để ngắm người đẹp, người đẹp giữa chốn ba
quân, khiến nét mặt anh cả tươi vui với giọng nói trẻ trung
như ngày xưa ra lệnh trước hàng quân:
"Ai là thủ phạm, ai là "Người Yêu Trâu Điên" thì bước ra
khỏi hàng".
Thật bất ngờ, mấy chục "ông già" trong quân phục rằn ri sóng
biển cùng nhất loạt đứng lên đưa cao tay, miệng hô lớn:
"Em, chính em, chính là em".
"Thưa đại bàng, không phải thằng đó, em mới chính là thủ
phạm."
Nếu tác giả Ngọc Anh, dù là nam hay nữ, mà nhìn thấy cảnh
này chắc chắn sẽ cảm động. Chỉ với cái tựa bài viết thôi mà
đã khiến những cựu quân nhân già cỗi nơi hải ngoại bỗng trở
lại thành những người lính trẻ trung oai hùng năm xưa, vui
thật là vui.
Trước tình thế khó xử, biết trao "người đẹp" cho ai bây giờ
nên anh cả liền bắt bí:
"Trâu Điên nào đã tham dự trận đánh vùng Phú Lâm hồi tết Mậu
Thân đưa tay lên".
Tất cả các cánh tay lại đồng loạt đưa thẳng lên như năm xưa
tuyên thệ ngày mãn khóa tại vũ đình trường, trong đó có
nhiều anh khi trận Mậu Thân xẩy ra thì còn là học sinh. Anh
cả mỉm cười vì ai cũng muốn "tự giác" nên ông đành trao tờ
KBC/HN cho một người rồi ra lệnh:
"Trận Mậu Thân cậu là một trong hai đại đội trưởng chịu
trách nhiệm giải tỏa khu vực mũi tàu Phú Lâm, hãy cầm tài
liệu này về điều tra xem ai là người bị tác giả N.A khiếu
nại".
Mọi người cùng cười, chỉ một tựa bài viết mà làm không khí
sinh động hẳn lên, mọi Trâu Điên cùng nâng ly chúc mừng sức
khỏe giống như nâng ly mừng chiến thắng Phụng Dư, Đầm Giơi,
Cổ Thành v.v..
Tôi đưa tay nhận tờ KBC/HN như nhận tấm bằng tưởng lục.
*
Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần bài viết "Người Yêu Trâu Điên,
tất cả những gì tác giả N.A ghi lại đều có liên quan đến
cuộc hành quân 40 năm về trước của đơn vị tôi. Tôi tự hỏi
không lẽ lại có sự trùng hợp lạ lùng đến thế sao? Đây phải
là một câu chuyện có thực.
Nội dung câu chuyện nói về thân phụ của tác giả là một phóng
viên chiến trường, ông đi theo Tiểu Đoàn Trâu Điên đề chụp
hình quay phim những trận đánh trong thành phố Saigon tết
Mậu Thân. Trong những hình ông chụp có một tấm hình đẹp của
người lính Trâu Điên và ông đã tặng tấm hình đó cho con gái
khi cô mới chỉ là một nữ sinh lớp Đệ Lục trường Gia Long.
Thân phụ N.A đã kết thân với người lính ấy và mỗi khi họ trò
chuyện bên nhau thì cô bé chăm chú nhìn hình con trâu trên
vai áo trận rằn ri. Rồi người lính ấy di chuyển đi nơi khác
khiến cô bé bâng khuâng và khi VC tấn công đợt 2 thì thêm
một đại họa bất ngờ ập đến với tuổi thơ, thân phụ tác giả đã
bị VC hạ sát trong lúc đang thi hành công vụ!
Xin phép tác giả cho tôi trích một vài đoạn trong bài viết "Người
Yêu Trâu Điên" để đem so sánh với những gì đã xẩy ra 40 năm
về trước ở đơn vị tôi khi tham dự trận Mậu Thân:
(trích)
Anh Trâu Điên yêu dấu.
Khi viết năm chữ này, trái tim em đập những nhịp bất thường,
ngón tay cầm viết cũng run rẩy. Trước mặt em là tấm hình đen
trắng ..
Anh Trâu Điên biết mà, tấm hình này chính Ba em chụp cho anh.
Tự nhiên Ba cầm tấm hình ngắm nghía rồi đưa cho em, nói:
"Tấm hình này đẹp quá, muốn giữ không con?"
Tấm hình Ba khen đẹp quá, em đã ép trong cuốn nhật ký nhỏ,
dấu kín giữ cho riêng em mà thôi.
Tháng Năm năm Mậu Thân, VC lại tấn công thủ đô lần thứ Hai.
Buổi sáng hãi hùng đó, không có anh Trâu Điên, Ba em đã đi
luôn... Không, Ba có trở về bằng thân xác còn nóng hổi, máu
còn chẩy ra linh láng, ướt hết quần áo em! Hai chị em yếu
đuối đã vác xác Ba về ...
Lá thư này em viết nhưng không bao giờ gửi, vì em đâu biết
anh Trâu Điên ở nơi nào trên mảnh đất đầy thống khổ .... Em
viết lá thư này như một nhu cầu yêu thương dành cho anh Trâu
Điên, ngươi bạn trẻ của Ba, hình ảnh Ba và anh Trâu Điên
luôn gắn liền nhau trong lòng em. Em giữ mãi lá thư không
gửi trong cuốn nhật ký .
Với lòng mong mỏi anh Trâu Điên vẫn còn sống sót đâu đó biết
rằng trên mặt đất này vẫn còn có một người nhớ tới anh Trâu
Điên ngày xưa.
(Ngưng trích. Quý vị nào muốn đọc tòan bài viết xin tìm trên
Việt Báo online, hay email cho: phuongtimxua @yahoo.com
)
Thực sự tôi chưa biết rõ tác giả Ngọc Anh là nam hay nữ,
nhưng tấm hình kèm theo bài viết thì là hình của "cô" Phượng
Tím, người cùng với "anh" Dương Thượng Trúc phụ trách mục "Thư
hậu phương, thư tiền tuyến" trên báo KBC/HN. Tiết mục này
tương tự như hộp thư "Dạ Lan" của đơn vị tôi ngày xưa,
chuyên gửi những lá thư tình của em gái hậu phương cho anh
lính tiền tuyến khiến nhiều anh tưởng thật, mơ một ngày về
phép đến rủ em Dạ Lan dạo phố. Nhưng thực sự thì cô "Dạ Lan"
cũng chỉ là người lính chiến có súng, cầm súng như các anh
mà thôi.
Nhân dịp đọc bài viết "Người Yêu Trâu Điên", tôi xin thuật
lại một vài chi tiết 40 năm về trước để giúp tác giả biêt
thêm về lòng yêu nghề mà không ngại gian lao nguy hiểm của
người phóng viên chiến trường. Nếu đích thực ông là thân phụ
của tác giả thì xin cho tôi gửi lời chia buồn đến gia đình
người quá cố, một phóng viên mà tôi quý mến..
***
Tết
Mậu Thân 1968, TĐ.2/TQLC đang hành quân vùng Cai Lậy, Giáo Đức,
Định Tường thì được trực thăng bốc về Saigon và đổ quân
xuống ngay trong sân bộ Tổng Tham Mưu, sau khi thanh toán
xong tụi VC ở trường Sinh Ngữ, trung tâm Ấn Loát, cổng xe
lửa số 6 thì Tiểu Đoàn Trâu Điên chia ra từng đại đội đi
đánh các nơi khác, sau đó thì Đại đội 1 của tôi và đại đội 4
của Đại Úy Vũ Dzoan được lệnh giải tỏa lực lượng địch đang
chiếm khu cư xá Phú Lâm.
Chúng tôi lục soát và chiếm những mục tiêu đang có VC cố thủ
trên những nhà lầu dọc theo hai con đường Hậu Giang và Lục
Tỉnh để tiến về mũi tàu Phú Lâm và đài phát tuyến. Vì chiến
đấu trong thành phố nên chúng tôi không được phép sử dụng
pháo binh và máy bay, do đó chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn
bởi vì địch đã nằm sẵn trên các cao ốc, nhìn rõ mục tiêu,
nhắm súng vào chúng tôi. Nhưng đã là lính thì phải chấp nhận
hy sinh để giảm thiểu thiệt hại sinh mạng và tài sản của
đồng bào.
Khi đại đội tôi tiến đến ngã tư đường Hậu Giang và Phú Định
thì đụng nặng, địch khá đông đang cố thủ trong hãng pin Con
Ó, cách chúng tôi một bãi đất trống và hỏa lực rất mạnh. Đã
mấy tiếng đồng hồ rồi mà quân ta chưa tiến thêm được bước
nào mà bị thương và tử trận ngày càng tăng cao trong khi
thượng cấp thì ra lệnh phải tiến "bằng mọi giá"!
Chúng tôi phải xin tăng cường xe thiết giáp để TQLC tùng
thiết (có nghĩa là bộ binh và thiết giáp che chở yểm trợ cho
nhau cùng tiến), cấp trên đã biệt phái xuống cho tôi một
thiết giáp M41. Chỉ một chiếc thôi thì chưa đủ, nhưng có còn
hơn không nên tôi cho lệnh trung đội đi đầu của thiếu úy
Nguyễn Văn Quang chuẩn bị "tùng thiết" để vượt qua khoảng
trống, chiếm mấy cao ốc trước mặt, thiết lập đầu cầu. Tiến
như thế rất nguy hiểm nhưng phải theo lệnh cấp trên.
Khi xe và quân tùng thiết tiến lên thì tôi bất ngờ trông
thấy anh phóng viên chiến trường núp sau pháo tháp và đang
đưa máy hình lên chụp. Anh ta đã đi theo đơn vị tôi lao vào
lửa đạn cả ngày rồi nhưng ngồi trên pháo tháp như thế thì
thật liều mạng, giận quá tôi quát:
"Này anh phóng viên, yêu cầu anh xuống xe ngay".
Tôi hét lớn với người phóng viên đang bám theo xe trong tình
trạng hết sức nguy hiểm, nhưng có lẽ vì tiếng máy nổ của M41
lớn quá khiến nggười phóng viên không nghe được, hoặc cũng
có thể anh ta "giả điếc" để cố bám theo toán quân xung phong
đầu tiên. Một tay anh bám vào thành xe, một tay bấm máy
hình liên tục. Mỗi khi xe lắc lư như muốn hất tung mọi người
xuống đất thì anh phóng viên vội buông máy hình treo tòng
teng vào cổ còn 2 tay thì bám chặt vào xe. Nguy hiểm quá,
nếu không bị bắn thì anh ta cũng bị rớt xuống, sẽ bị xích xe
cuốn theo ngay! Không chần chừ đươc nữa, tôi ra lệnh cho Hạ
Sĩ 1 Bùi Ngọc Đường:
"Đường, lôi ngay ông phóng viên xuống đất cho tao".
Không chậm trễ một giây, người lính cận vệ của tôi nhẩy lên
xe ôm ngang lưng người phóng viên rồi nhẩy khỏi xe thiết
giáp, cả hai cùng té lộn nhào xuống đất. Trong lúc hai người
còn đang nhăn nhó chưa kịp đứng dậy thì xe thiết giáp rú ga,
gầm lên ủi sập bức tường phía trước mặt, lập tức địch bắn đủ
mọi loại vũ khi về phía chúng tôi. Xe bị trúng đạn B40,
tiếng nổ chát chúa hất tung những người ngồi trên xe xuống
đất, thiết giáp chồm lên đống gạch rồi khựng lại phun khói,
cả khói xe lẫn khói đạn B40 mịt mù khiến tôi không nhìn thấy
gì cả.
Sau vài động tác xoa mặt dụi mắt, tôi mới nhận ra được một
cảnh tượng hết sức đau lòng. Xe bị đứt xích, người trưởng xa
M41 ngồi trong pháo tháp thò đầu ra ngoài thì đã biến đâu
mất rồi! Cái nón sắt của anh văng ra xa, móp méo và bê bết
máu! Thiếu Úy Nguyễn Văn Quang*, đi sau xe thiết giáp thì
đang gượng đứng dậy, 2 tay xoa khắp người xem có bị thương
chỗ nào không, Hạ Sĩ Danh-Thon, hiệu thính viên của Th/Úy
Quang nằm sấp bất động, ngực đè lên máy truyền tin PRC25,
tôi lật người Thon lại, một viên đạn xuyên qua máy truyền
tin anh đeo trước ngực, xuyên qua áo giáp, trổ ra sau lưng
một lỗ nhỏ, máu chưa kịp thấm ra ngoài. (* Thiếu Úy Quang
khóa 18 Võ Khoa đã tử trận một năm sau đó)
Đảo
mắt quan sát một vòng, tôi thấy xung quanh xe thiết giáp vài
quân nhân bị thương, chưa biết nặng nhẹ ra sao. Cách đó vài
mét, người phóng viên ngồi dựa lưng vào tường, mặt nhăn nhó,
chắc là lúc bị Đường kéo té xuống đất đau lắm, nhưng anh ta
vẫn còn đủ sức đưa máy lên bấm liên tục. Khi máy nhắm về
phía tôi, anh trông thấy người vừa ra lệnh "lôi" anh ấy
xuống đất nên anh ta lắc lắc cái đầu tỏ ý "ghê quá" và đưa
nắm tay với ngón cái hướng lên trời, không biết ý anh muốn
nói là may mắn vừa thoát chết hay là muốn nói cám ơn tôi đã
đuổi anh ấy xuống, có thể là cả hai. Tôi tiến lại bắt tay
anh và nói đùa:
"Về nhà nhớ mua heo cúng nghe ông, lần sau ráng giữ lấy cái
"gáo dừa".
Anh nắm chặt tay tôi như muốn nói thêm điều gì nhưng rồi lại
vội vàng tiếp tục đưa máy chụp nhiều tấm hình. Đến lúc này
tôi mới biết là xe thiết giáp đã bị 2 trái B40 bắn vào xích
và pháo tháp. Pháo tháp là một khối sắt dầy, đạn B40 không
phá được nhưng sức nổ đã làm bay những gì xung quanh, cuốn
theo phần thân trên của anh thiết giáp, còn phần thân dưới
có lẽ đã bị đứt ra và lọt vào trong lòng xe rồi! Nếu anh
phóng viên còn bám theo pháo tháp để chụp hình thì không
biết sẽ ra sao? Tôi không hối hận khi cương quyết đuổi anh
ta xuống xe.
Thấy xe bằng sắt mà còn bị đứt huống chi người, thượng cấp
không hối thúc tiến nữa mà cho dừng quân để trực thăng
(gunship) đến bắn rockets thẳng vào mục tiêu, nhờ vậy chúng
tôi mới vượt qua được khoảng trống và tiến nhanh đến giải
tỏa địch khu cư xá Phú Lâm.
Bài viết này chúng tôi không chủ tâm viết về trận Mậu Thân
mà chỉ muốn nói về chuyện người Phóng Viên Chiến Trường nên
chúng tôi không đi vào chi tiết việc binh đao mà xin quay về
với người "lính" mang ống kính, máy chụp hình.
Rất hiếm khi có được phóng viên chiến trường ở ngay tuyến
đầu tại mặt trận, có chăng là sau khi mọi chuyện đã xong
xuôi, báo chí mới tháp tùng theo phái đoàn trung ương đến
quan sát trận địa để chụp hình quay phim đưa hình phái đoàn
hoặc hình những xác VC, những cây súng gẫy lên báo chí còn
những hình người lính chiến thì mờ-mờ ảo-ảo làm nền trang
trí
Nhưng lần này về đánh giặc ngay trong lòng thủ đô nên có dịp
nằm cùng phóng viên ngay tuyến đầu, những hình ảnh người
lính TQLC xung phong vào lửa đạn đều được các anh chụp và
đưa lên các trang nhật báo ngay ngày hôm sau kèm theo tên
tuổi đơn vị v.v như trường hợp phóng viên Nguyễn Tú của nhật
báo Chính Luận, những hình ảnh và bản tin của anh viết về
Trâu Điên trên báo đã được thân nhân gửi ra chiến trường
khiến chúng tôi rất hãnh diện. Dù không biết ông Nguyễn Tú
nay ở nơi đâu nhưng cũng xin thay mặt anh em để cám ơn ông
Tú.
Có những người lính thấy hình mình được đăng trên báo, dù
không rõ lắm nhưng cũng thấy thích thú, cắt xén thật cẩn
thận để giữ làm kỷ niệm hoặc làm quà tặng cho người yêu. Các
cấp chỉ huy thì cất kỹ những trang báo nói về trận đánh của
đơn vị mình rồi đóng khung lồng kính treo lên chỗ trang
trọng nhất của đơn vị.
Đối với người lính tác chiến thì những hình ảnh và bài viết
của các phóng viên chiến trường về đơn vị họ, nhất là các
đơn vị cấp nhỏ như trung đội hay đại đội, là một niềm an ủi
lớn lao, một điều khích lệ vô cùng quan trọng cho tinh thần
chiến đấu của họ, nhưng tiếc thay, trong quá khứ, người có
trách nhiệm đã không để ý đến "binh sĩ vận" mà chỉ lo "thượng
cấp vận".
Có được người phóng viên đi theo khiến anh em lính chúng tôi
lên tinh thần, hơn nữa chuyện anh thoát lưỡi hái của tử thần
vừa qua càng làm chúng tôi quý mến nhau hơn nhất là tình cảm
giữa anh và Bùi Ngọc Đường, họ thân nhau như anh em, dù tuổi
tác có chênh lệch.
Trong lúc đơn vị tôi tạm đóng quân trong cư xá để chờ nhiệm
vụ mới thì anh phóng viên dẫn chúng tôi về nhà, cũng ở trong
cư xá Phú Lâm, anh có ý muốn giới thiệu chúng tôi với chị ấy
và các cháu. Trước khi bước vào nhà anh nói nhỏ với tôi và
Đường:
"Các anh đừng nói gì về chuyện vừa xẩy ra nhá, sợ bà xã tôi
và sấp nhỏ lo lắng".
Một người vừa yêu nghề lại vừa yêu vợ con nên đôi khi cũng
không dám nói sự thật, tôi thông cảm với anh vì tôi vẫn
thường nói dối như thế. Mỗi lần về phép, mẹ tôi hỏi đi lính
có vất vả không thì tôi không ngần ngừ mà trả lời mẹ ngay:
"Như đi làm thư ký văn phòng ấy mà."
Anh giới thiệu chị và các con với chúng tôi, có lẽ cũng đến
"ngũ long công chúa", cháu lớn chỉ độ "trăng tròn" là cùng.
Thấy lính tráng súng ống vào nhà nhưng lại ngồi uống café
hút thuốc nói chuyện vui vẻ với bố nên các cháu an tâm, bạo
dạn hơn, thập thò sau màn che, cười khúc khích, kí đầu hoặc
vỗ vào lưng nhau "thùm-thụp".
Một gia đình thật hạnh phúc, tôi ước mong một ngày nào trong
tương lai có được mái ấm gia đình như anh, nhưng có lẽ còn
lâu lắm, vì anh hơn tôi gần một "con giáp". Cũng có thể
không bao giờ có được hạnh phúc ấy một khi còn "vui đùa" với
súng đạn, nghĩ vậy nên tôi tâm sự với anh:
"Này anh, nếu hôm qua Đường không ôm anh nhảy xuống đất thì
hôm nay đâu còn chầu café này, anh đâu còn nghe tiếng cười
khúc khích dễ thương của các cháu, anh phải hết sức cẩn thận
khi đi làm phóng sự ngoài chiến trường, hoặc nên đổi nghề,
lương không được bao nhiêu mà có quá nhiều nguy hiểm, anh đã
có gia đình, các cháu đang nhìn anh kia kìa".
Tôi chỉ tay vào phía trong nhà, sau bức màn che, thấp thoáng
một hai cô bé tóc đuôi gà đang nhìn bố tiếp khách, anh nhìn
theo hướng tay tôi chỉ, anh gật gật đầu ra chiều suy nghĩ.
Khi bắt tay từ giã, anh xiết chặt tay tôi và nói nhỏ:
"Anh sẽ để ý và nghiên cứu lại lời khuyên của chú".
Tôi thật cảm động khi nghe anh xưng "anh" và gọi tôi bằng
"chú" (em) mang đậm nét tình nghĩa gia đình. Từ hai người xa
lạ, chỉ qua một lần cùng chung nguy hiểm mà chúng tôi trở
thành anh em thân thiết hồi nào không hay.
Anh tiễn chúng tôi ra cửa nhưng có tiếng chị dặn với theo:
"Tối các em nhớ lại ăn cơm canh chua cá kho tộ với các cháu
cho vui".
Vui quá đi chứ, hổm rầy sống giữa thành phố mà cứ phải "nhá"
C ration*, thịt hộp 3-lát ngán quá (* thức ăn đóng hộp cho
lính hành quân). Nhưng ngay tối đó đại đội tôi phải di
chuyển gấp đến mặt trận Bình Hòa nên không kịp báo tin cho
anh chị hay.
Ngày qua ngày TĐ2 di chuyển khắp nơi, từ nội thành ra tới
ngoại ô, từ Nhà Bè sang bến đò Long Kiển, lên Nhị Bình (Lái
Thiêu), chỗ nào có bong dáng VC là chúng tôi phải đến. Đã có
lần đơn vị chúng tôi trở lại lục soát khu vực rừng khóm
(dứa) (thuộc mật khu Lý Văn Mạnh), rất gần với cư xá Phú Lâm
nhưng không có thì giờ ghé thăm anh chị.
Rồi VC tấn công đợt 2, bận túi bụi với những người "anh em"
từ bưng về thành, nào là ngã ba Cây Thị, xóm Cao Đồng Hưng,
khu Đồng Ông Cộ, cầu Bình Lợi, ngã ba Cát Lái v.v.., người
tử trận kẻ bị thương, chúng tôi không còn thì giờ nhớ đến
gia đình, nhớ đến người yêu nên hình dáng người phóng viên
cũng mờ dần.
Vào khoảng tháng 10/1968, tình hình Saigon hòan toàn yên
tĩnh trở lại, TĐ.2 được biệt phái cho Quân Đoàn III để hành
quân vào mật khu Hố Bò, Bời Lời. Trước khi đi xa Saigon, Bùi
Ngọc Đường trốn đi chơi nguyên ngày, khi trở lại đơn vị thì
vừa kịp nhảy lên xe GMC cùng đại đội di chuyển đến quận Hiếu
Thiện (Tây Ninh) và từ đây được trực thăng vận vào mật khu
Bời Lời ngay nên tôi chưa có dịp "thưởng" cho Đường 5 roi.
Cũng may là ngay trong trận này, Bùi Ngọc Đường cùng với
Nguyện Văn Hợi đã liều mình cứu sống được viên trung úy cố
vấn Mỹ bị thương và đã bị VC bắt. Nhờ thành tích này mà
Đường được Sư Đoàn TQLC tưởng thưởng cho một xe Honda và dĩ
nhiên tôi cũng tha cho hắn tội trốn đi phố.
Bùi Ngọc Đường và tôi là hai "thầy trò" nên khi đi hành quân
thì như hình với bóng, Đường luôn ở bên cạnh để giúp tôi khi
cần thiết, đi đâu là phải hỏi, vậy mà lần này dám đi cả
ngày, đã vậy khi trở về lại có vẻ buồn. Tuy được phòng Tâm
Lý Chiến Sư Đoàn thưởng cho chiếc Honda mà sao Đường không
vui! Và rồi, xe Honda còn trùm mền chờ ngày Đường về phép để
chở người yêu dạo phố thì Đường lại hy sinh trong một cuộc
hành quân sau đó!
Khi Đường tử trận rồi, Nguyễn Văn Hợi, người cùng với Đường
cứu sống cố vấn Mỹ, mới nói thật với tôi là Đường trốn đi
phố là để về thăm anh phóng viên ở cư xá Phú Lâm, và người
anh kết nghĩa này của Đường đã bị VC hạ sát trong đợt 2 trận
Mậu Thân!
Nghe Hợi nói mà tôi bỗng rùng mình, nhớ lại lúc Đường ôm
người phóng viên nhẩy khỏi xe thiết giáp và họ đã thoát
không bị nát thây trong gang tấc và rồi họ kết nghĩa anh em,
tình huynh đệ chưa được bao lâu thì anh hy sinh mà em không
biết! Khi trở lại thăm anh, chưa tàn bó nhang thắp cho anh
thì em lại tử trận!
Cả hai đều những người tôi thương mến, hình ảnh của họ đã
nằm sâu trong ký ức, nào ngờ, 40 năm sau, một sự tình cờ mà
hai hình ảnh này sống lại thật rõ ràng trong trí nhớ của
những người hay quên hiện tại mà nhớ dai chuyện quá khứ.
Đọc từng dòng từng chữ câu chuyện của N.A, tôi tin chắc
người bạn phóng viên chiến trường, người anh kết nghĩa của
Trâu Điên Bùi Ngọc Đường chính là thân phụ của tác giả bài
viết "Người Yêu Trâu Điên" và người lính trong tấm hình mà
N.A dấu kín trong tập nhật ký nhỏ có phần chắc là Bùi Ngọc
Đường!
Tác giả N.A kết thúc lá thư không gửi vì không biết anh Trâu
Điên ở đâu bằng lời chúc:
"Với lòng mong mỏi anh Trâu Điên vẫn còn sống sót đâu đó
biết rằng trên mặt đất này vẫn còn có một người nhớ đến anh
Trâu Điên ngày xưa".
Phần tôi xin kết thúc bài viết "Trâu Điên và Người Phóng
Viên" bằng lời nhắn:
"Cô Ngọc Anh ơi, Trâu Điên Bùi Ngọc Đường, người trong tấm
hình mà cô giữ kín trong cuốn nhật ký, đã không thể về dự
đại hội TQLC năm 2008 được.Đường không chết nhưng đã nằm lại
đâu đó trên chiến trường miền Nam VN, cũng như thân phụ của
cô, ông không chết nhưng về với các con bằng thân xác còn
nóng hổi, máu chẩy ra linh láng!
Tôi tin rằng Bùi Ngọc Đường, người lính trong tấm hình mà cô
"nhốt" trong cuốn hồi ký, hay cô nhốt hắn trong tim thì chỉ
có hắn biết, hắn sẽ phù hộ cho gia đình cô.
PHILATO
California tháng 9 năm 2009.